Cát Linh, RFA
Sau những sự kiện được dư luận gọi là lịch sử diễn ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh cuối tháng 9 vừa qua thì ngay tuần lễ đầu tiên của tháng Mười, chính quyền Việt Nam đã thực hiện hàng loạt biện pháp bắt bớ, đàn áp lên các nhà hoạt động dân sự và bất đồng chính kiến.
Trước những đàn áp ấy, những người đang đấu tranh và đang hoạt động xã hội dân sự có sợ hãi và chùn bước con đường tranh đấu của họ hay không?
Sự lúng túng của nhà cầm quyền
Trước tiên là một tuần sau cuộc biểu tình của hơn mười ngàn người trước cổng nhà máy gang thép Formosa thực hiện dưới sự dẫn dắt của Cha Trần Đình Lai, ngày chủ nhật 9 tháng 10, lực lượng an ninh và cảnh sát cơ động được bố trí dày đặt ở khu vực của Formosa. Tuy nhiên, đã không có cuộc biểu tình nào xảy ra ở Hà Tĩnh.
Thế nhưng, cùng ngày, toàn bộ một nhóm hoạt động xã hội dân sự từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu để trao đổi kinh nghiệm và phát triển các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã bị bắt đi, giam giữ nhiều giờ với lý do hội thảo không xin phép. Luật sư Lê Công Định và những nhà hoạt động khác đều bị bắt và chỉ được thả vào 11 giờ đêm cùng ngày.
Chưa dừng lại ở đó, sáng ngày 10 tháng Mười, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an tỉnh Khánh Hoà bắt giữ theo điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam. Sự kiện này được Truyền hình An ninh đưa tin cùng với những cảnh khám xét nơi ở của Blogger Mẹ Nấm. Tin cho cho biết: "Khám xét nơi ở của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cơ quan An ninh Điều tra đã thu giữ được nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội" có nội dung: "Khởi tố Formosa"; "Formosa Get Out!"; "Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch".
Blogger Nguyễn Tường Thuỵ khi nhận xét về điều này, ông cho biết “việc bắt blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bằng những tài liệu rất vô lý, những biểu ngữ, bích chương về phản đối Formosa, đầu độc biển miền Trung, cá chết…là một cách gián tiếp họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) lên tiếng rằng họ Chọn Formosa”
“Tôi thấy gần đây nhà cầm quyền có một loạt những hoạt động tỏ ra rất lúng túng, mà cái khó xử nhất của họ là vụ môi trường biển miền Trung bị đầu độc. Không khéo nó sẽ nổ bùng ra ở 1 mức độ hoàn toàn mất kiểm soát. Bắt blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là cũng nằm trong biện pháp của họ là muốn bảo vệ Formosa.”
Nhà đấu tranh dân chủ, facebooker Đinh Quang Tuyến từ Sài Gòn cho chúng tôi biết cuộc biểu tình ngày 2 Tháng Mười của hơn 10 ngàn người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã tạo ra một cao trào rất mạnh mẽ, và chính từ điều này đã làm cho Đảng cầm quyền Việt Nam phải e ngại.
“Nếu cao trào này để lên luôn thì việc sụp đổ của nhà cầm quyền là thấy trước mắt" Đinh Quang Tuyến
“Nếu cao trào này để lên luôn thì việc sụp đổ của nhà cầm quyền là thấy trước mắt. Cho nên bằng bất cứ giá nào, bẩn thỉu hay cho dù là bất nhân, vi phạm quyền con người thì nhà cầm quyền vẫn ưu tiên giữ chế độ.”
Cũng theo ông Tuyến, việc bắt giữ và phá bỏ cuộc hội thảo của các nhà hoạt động dân sự ở Vũng Tàu cũng không nằm ngoài mục đích của nhà nước Việt Nam bảo vệ cho Formosa
“Ở đây họ làm bất cứ giá nào để hạ nguồn cảm hứng đó xuống. Họ chỉ cần giải quyết cái nguy cơ trước mắt. nếu để cảm hứng này tăng lên thì chính quyền sụp đổ tức thì. Cho nên, mình nên hiểu hành động của họ lúc này là hành động điên cuồng.”
‘Đã dấn thân, thì chiến đấu đến cùng’
Thế nhưng, tất cả những hành động được cho là điên cuồng ấy vẫn không thể làm chùn bước tinh thần đấu tranh của các nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước và những người đang hướng về người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đó là nhận định của blogger Nguyễn Tường Thuỵ.
“Theo tôi thì việc đàn áp bắt bớ này nọ của nhà cầm quyền thì về cơ bản cũng không thể làm cho phong trào dân chủ nó mất đi được.”
Theo ông, những tài liệu được dùng làm bằng chứng cho tội chống phá nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam còn là một hình thái cho thấy chính quyền đang ra sức tạo áp lực và gieo nỗi sợ hãi lên những người đấu tranh cho môi trường biển Việt Nam. Thế nhưng, mục đích đó có thực hiện được hay không thì là một chuyện khác.
“Họ muốn tạo một sự sợ hãi để giảm đi sức đấu tranh của nhân dân và của những người hoạt động dân chủ. Mục đích thì đã rõ. Nhưng vấn đề là họ có đạt được mục đích hay không? Có làm cho ai sợ, chùn bước hoặc dừng bước hay không thì tôi nghĩ là KHÔNG. Có thể gieo rắc làm cho 1 vài cá nhân nào đó có thể sợ hãi, do dự, đắn đo nhưng về cơ bản thì không đẩy lùi được tinh thần đấu tranh, đòi nhân quyền dân chủ.”
Đó cũng là tinh thần của Paul Trần Minh Nhật, một trong những người theo sát với phong trào giúp người dân Quỳnh Lưu khởi kiện Formosa.
“Mình có thể đối diện với bất kỳ một bất trắc nào, kể cả an toàn sức khoẻ hay pháp lý nếu họ muốn. Tuy vậy em nghĩ là mình đang làm 1 việc đúng. Không có lý do gì để từ bỏ chân lý cả.”Paul Trần Minh Nhật
“Mình có thể đối diện với bất kỳ một bất trắc nào, kể cả an toàn sức khoẻ hay pháp lý nếu họ muốn. Tuy vậy em nghĩ là mình đang làm 1 việc đúng. Không có lý do gì để từ bỏ chân lý cả.”
Nhà tranh đấu Đinh Quang Tuyến cũng khẳng định với chúng tôi con đường mà ông và những người bạn của ông đã chọn không có chỗ cho sự sợ hãi.
“Một khi đã dấn thân thì việc có một tinh thần thép, đối với người đấu tranh có thể khác nhau một chút nhưng cơ bản là chấp nhận mọi ruổi ro, cho nên khái niệm sợ là KHÔNG. Nhưng vấn đề mà lo cho công chúng, tức những người đi theo mình thì người ta hoang mang. Tôi nghĩ là nhà cầm quyền họ bắt 1 số người hoạt động là đánh vào người đi theo, chứ không phải người đi đầu. Nên công việc của anh em đấu tranh hiện giờ quan trọng là làm sao cho xã hội không quá lo lắng, người ta yên tâm. Lúc này không phải mình sợ nhưng khôn ngoan thì mình hạn chế việc đối đầu với họ, và việc tỏ ra không sợ là quan trọng.”
Sau khi xảy ra sự việc blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, rất nhiều cá nhân đã thể hiện trên trang mạng xã hội của mình những lời động viên nhau và cùng bày tỏ thái độ không sợ hãi. Hầu hết họ đều nói rằng đã “sẵn sàng, tinh thần vững chắc vì biết mình sống và làm theo đúng luật Việt Nam đưa ra”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét