Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

NHÀ VUA QUA ĐỜI, THÁI LAN VỀ ĐÂU?


Tôi đến Thái Lan vào năm 2014, điều làm tôi thật sự choáng ngợp ở đây là hình ảnh nhà vua đang trị vì Thái Lan Bhumibol Adulyadej.

Ảnh và tượng Nhà vua hiện diện gần như trong mỗi ngôi nhà, trên các góc phố, trong khách sạn, ở các trung tâm mua sắm. Nó ở khắp mọi nơi. Một Việt Nam nặng tính tuyên truyền về lãnh tụ, nhưng ảnh tượng về Hồ Chí Minh chẳng thể nào sánh bằng ở đây.

Sự sùng kính của dân chúng Thái đối với nhà vua của họ đến đâu cũng thật khó đoán. Tất nhiên có sự thật lòng, nhưng điều chắc chắn rằng, sự sùng kính này có luôn cả phần cưỡng ép.

Cưỡng ép không chỉ đối với dân Thái mà còn đối với cả người nước ngoài khi ở đây.

Ấn tượng của tôi về chủ đề này thật khó phai. Đó là một buổi tối khi tôi đi xem một chương trình biểu diễn nghệ về lịch sử và văn hóa Thái Lan tại Siam Niramit Bangkok. Khi trên màn hình chiếu đến hình ảnh nhà vua Thái, tất cả mọi người đang ngồi xem trong sân khấu nhận được thông báo là phải bỏ nón xuống và đứng lên để thể hiện lòng thành kính và tôn trọng nhà vua. Tôi phải đứng rất lâu cho đến khi tiết mục chiếu xong về cuộc đời của Nhà vua kết thúc. Một cảm giác thật khó chịu khi đó, nhưng không dễ gì để bộc lộ ra bên ngoài…

Sự sùng kính Nhà vua một phần cũng được đảm bảo bởi sự tuyên truyền. Khi vào các quán bia, nhìn lên tivi, bạn sẽ thấy chiếu đi chiếu lại cảnh mấy ông tướng, các chính trị gia và người dân phải bò sộp và quỳ lạy trước Nhà vua.

Sự cưỡng ép này được đảm bảo bằng luật, với mức án lên đến 15 năm tù cho những ai “xúc phạm đến nhà vua”. Điều đáng nói là luật Thái lan cũng không định nghĩa hành vi như thế nào là “xúc phạm”. Nó cũng là một dạng luật như điều 88 Bộ luật Hình sự của Việt Nam “muốn bắt ai thì bắt” tùy vào cách hiểu của giới cầm quyền.

Bởi vậy, những lời nói hay hành vi liên quan đến nhà vua ở Thái Lan mà trái với truyền thống đều dễ bị chụp mũ phạm tội "khi quân".

Tôi có hỏi một nhà báo Thái Lan rằng: “Nhà vua có phải là tác nhân làm cho nền dân chủ Thái lan không hoàn bị và liên tục rơi vào khủng hoảng hay không?”. Cô nhà báo này chỉ cười và trả lời rằng: “Bạn đặt câu hỏi này là bạn đã tự tìm câu trả lời cho mình rồi”.

Và cô nhà báo này đã kể cho tôi nghe câu chuyện một Tổng biên tập của một tờ báo điện tử Thái Lan bị bắt về tội “khi quân” vì không kịp xóa một comment của một độc giả đã chỉ trích Hoàng gia.

Ở Thái Lan có tự do ngôn luận và biểu đạt, đi biểu tình chỉ trích, và thậm chí là bôi nhọ Chính phủ thoải mái, nhưng trừ Hoàng gia ra.

Một cô hướng dẫn viên du lịch người Thái đã cho tôi biết rằng, nhà vua Thái rất được lòng dân chúng. Họ yêu quý Nhà vua vì những gì mà ông ấy đã làm cho đất nước và người dân Thái Lan. Nhưng cô này cũng bày tỏ lo ngại khi nhà vua mất đi, Thái Lan sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng trong tương lai.

“Thái tử - người con trai duy nhất của Nhà vua sẽ nối ngôi, thuộc dạng ăn chơi trác táng, không được lòng dân chúng”, Cô nói.



Và tối hôm nay, Nhà vua Thái qua đời, liệu Thái Lan sẽ có thêm những khủng hoảng mới hay mở đường để đưa Thái Lan đến với một nền dân chủ hoàn thiện hơn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét