Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Nhà giáo Phạm Toàn tạ thế: một dòng sông giáo dục đã qua đời!

Nguyễn Hiền

(VNTB) - Sáng ngày 26.06, nhà giáo Phạm Toàn, người chủ xướng nhóm Cánh Buồm, nhà dịch giả cuốn sách “Nền Dân trị Mỹ” đã tạ thế, hưởng thọ 88 tuổi.

Ông ra đi sau một thời gian kiên cường chống lại bệnh tật về già.

Phạm Toàn là người trí thức được phủ bởi lớp đào tạo chất lượng của Pháp, cũng như lòng yêu nước Việt nồng nàn. Ông nổi lên với sự đau đáu về vận mệnh nước nhà cũng như chất lượng sản phẩm giáo dục, ông kỳ vọng một tương lai thay đổi và biến chuyển lớn của Việt Nam, một Việt Nam “tươi đẹp hơn, đàng hoàng hơn” dựa trên những con người, những sản phẩm được xây dựng bởi nền giáo dục hiện đại, nơi “đảm bảo hạnh phúc đi học cho trẻ em.”


Facebook Hoàng Hưng, người bạn của nhà giáo Phạm Toàn trong lời vĩnh biệt được đăng tải trên trang cá nhân, đã nhận xét nhà giáo trên nhiều khía cạnh, trong đó, nhà giáo Phạm Toàn là con người rất tình cảm, yêu ghét phân minh nhưng bao dung và hồn hậu, hài hước, trẻ trung đến những ngày cuối đời, một “lão ngoan đồng”.

Chuyên gia nghiên cứu quốc tế Nguyễn Quang Dy trong một bài viết tưởng nhớ nhà giáo Phạm Toàn, đã trích dẫn câu nói của triết gia Hegel, “Không thể đạt được điều gì vĩ đại trên thế gian này nếu không tâm huyết”. Và nói đến nhà giáo Phạm Toàn chính là nói đến sự miệt mài của ông đối với trường thực nghiệm, bauxite, dự án Cánh Buồm,…

Nhà giáo Phạm Toàn cho thấy sự tâm huyết của một học giả, một nhà xây dựng giáo dục đích thực. Bởi góc nhìn giáo dục hiện đại và lòng yêu thương trẻ em vô hạn. Và trong những từ khóa hiển thị trên website nhóm Cánh buồm, đã thể hiện thuộc tính nêu trên, bởi thứ liên quan nhất đến chính trị lại là những ngôn từ thể hiện sự đau đáu và khát vọng cùng nhà nước thực hiện cải cách, như báo cáo quốc hội, cải cách giáo dục, giao dục hiện đại. Còn những từ khóa còn lại, là biểu hiện tinh thần giáo dục của nhóm Cánh buồm, như giáo dục Pháp; hành trình trí tuệ; học làm thơ; học văn; Hồ Ngọc đại; Jean Piaget; Ngô Bảo Châu; triết học; trí khôn. Nói cách khác, có vẻ như nhà giáo Phạm Toàn đã chắt lọc cái tinh túy của nền giáo dục Pháp mà ông hưởng thụ thời thơ ấu và tinh thần “dân trị Mỹ” trong giáo dục để cùng với những người bạn, người em của mình định hình một giá trị giáo dục Việt.

Nhà giáo Phạm Toàn từng đề cập một cách khái quát nhất về nền giáo dục Việt Nam, nơi mà trẻ em luôn là nạn nhân, và thực tế cho thấy, những vấn đề bất cập trong nền giáo dục hiện tại, bao gồm cả bạo lực, sự gian lận,… là hệ quả của nỗi sợ mà ông từng đề cập đến trong một tọa đàm.

“Bắt nạt ở đây tôi hiểu theo cái nghĩa là dọa bằng điểm số, dọa bằng xếp hạng, dọa bằng sổ liên lạc, dọa bằng gọi phụ huynh đến để đe nẹt, dọa bằng bài tập, dọa bằng không được lên lớp”, nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ trong bàn tròn trực tuyến của báo VNN vào tháng 08.2014.

Người viết không đồng ý với quan điểm về một “thế hệ trí thức tinh hoa cuối cùng”, trong đó ám chỉ nhà giáo Phạm Toàn là một trong số đó. Bởi giá trị mà nhà giáo Phạm Toàn tạo ra trong suốt cuộc đời của ông, tài sản của ông để lại qua dự án Cánh Buồm, thậm chí cả “mơ ước một nhà trường không bắt nạt trẻ con”đã và sẽ tiếp tục khởi tạo một thế hệ tinh hoa tiếp nối. Cái thế hệ hưởng thụ nền giáo dục đầy nhân bản, nơi bạo lực và sự gian dối chỉ là những khái niệm đã qua. Bởi triết lý, nền tảng giáo dục hiện đại mà Phạm Toàn và những đồng nghiệp của ông miệt mài khởi tạo trong thời gian qua đã là những nền tảng cơ sở tốt nhất, nhân văn nhất, và tương lai nhất của chính tương lai Việt Nam.

Sẽ chẳng có sự thay đổi nào diễn ra, nếu như dân trí không được nâng cao. Và dân trí không thể nào nâng cao, nếu như phương pháp và môi trường giáo dục không được thay đổi theo hướng tiếp cận và hiểu được trẻ em mong muốn gì. Nhà giáo Phạm Toàn đã làm được điều đó.

“Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc. Giáo dục tiểu học ổn định đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới được ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội cùng ổn định.”, Triết lý giáo dục của nhóm Cánh Buồm được đăng tải công khai trên website.

Nếu xã hội và tương lai bất ổn, đó là vì nền giáo dục đào tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa. Nếu xã hội và tương lai Việt Nam ổn định, đó là vì những con người đi ra từ dự án giáo dục Cánh buồm.

“Thầy vừa từ giã tất cả chúng ta”, sự ra đi của ông là một mất mát to lớn đối với nền giáo dục Việt Nam, nhưng điều đó không đồng nghĩa Cánh Buồm sẽ dừng lại, bởi tinh thần của ông sẽ tiếp tục tồn tại và dẫn đường, vì nền giáo dục hiện đại là khát vọng ngày càng lớn của chính những người Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét