Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Cơ sở pháp lý nào để truất lương hưu của cán bộ sai phạm?

NGUYỄN TƯỜNG THỤY


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển. Ảnh Vietnamnet


Khi thảo luận về “Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đòi giảm, truất lương hưu vĩnh viễn của cán bộ sai phạm. Khi bị dư luận phản đối thì ông ta thanh minh rằng, mọi người chưa hiểu ông, ý ông là đánh vào cái hiện hữu...
Nhưng dù ý ông như thế nào thì việc ông đòi giảm hay truất lương hưu vĩnh viễn của cán bộ sai phạm là có thật. Người nghe/đọc không còn cách nào khác, ngoài hiểu đúng ngôn ngữ và văn phạm của ông, theo đúng ngôn ngữ và lối diễn đạt của người Việt. Ông cũng không nói là báo chí ghi nhầm lời phát biểu của ông và báo chí cũng không cải chính việc ông đòi “giảm, truất lương hưu vĩnh viễn của cán bộ sai phạm”. Ông cho rằng không phải tôi không phân biệt được lương với lương hưu. Nhưng nếu phân biệt được thì tại sao ông còn đòi cắt lương hưu của cán bộ sai phạm. Người ta có thể cách chức, hạ bậc lương của ai đó khi họ đang hưởng lương, nhưng với lương hưu thì khác.  Rõ ràng, ông đã không hiểu được bản chất của lương hưu.
Bản chất của lương hưu:
Có lẽ ông Hiển cho rằng, lương hưu là khoản đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, vì thế, nếu cán bộ sai phạm thì nhà nước có quyền cắt cái sự đãi ngộ ấy đi, giống như tôi cho anh một cái gì, tức lên thì đòi lại. Nhiều người đang hưởng lương hưu cũng tưởng như thế vì tư duy xin cho đã ăn vào não trạng của họ.
Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) là tập hợp những khoản đóng góp bằng tiền của người lao động để sử dụng cho sau này khi họ không còn khả năng lao động nữa. Khoản tích cóp ấy được sử dụng dần dần thông qua lương hưu hoặc trợ cấp khi gặp rủi ro. Như vậy, hiển nhiên, lương hưu không phải là chính sách đãi ngộ của Nhà nước mà là tiền để dành của người lao động để đảm bảo cuộc sống khi họ không còn khả năng kiếm tiền hoặc gặp rủi ro.
Nói cho đơn giản, lương hưu là tiền mà hàng tháng người lao động trích ra từ lương để dành cho sau này, tức là thuộc sở hữu của họ. Đã là của họ thì không ai có thể tước đi.
Nếu cán bộ sai phạm phải bồi thường thì họ có trách nhiệm bồi thường theo phán quyết của tòa án (cũng có thể họ được “xử lý nội bộ” theo thỏa thuận với cơ quan, nộp lại tiền cho cơ quan để “khắc phục hậu quả” hoặc để đổi lấy cái giá được “xử lý nội bộ”). Nếu họ không bồi thường được thì có biện pháp thi hành án, ví dụ, trừ vào lương hưu mỗi tháng 50% để thi hành án cho đến bao giờ bồi thường đủ. Đây là biện pháp thi hành án, chứ không phải là truất lương hưu của họ. Hai khái niệm này là khác nhau.  Nếu trừ lương vẫn không đủ thì có thể đem đấu giá tài sản, kể cả tài sản hợp pháp để lấy tiền thi hành án.
Về pháp lý:
Khi đặt ra vấn đề truất lương hưu của cán bộ sai phạm thì ông Hiển đang nói đến biện pháp hành chính, tức là chưa tới mức xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi đã bị xử lý hình sự, tức là đã bị kết án tù thì cũng không thể cắt lương hưu của họ.
Điều 62 Luật BHXH 2006 (có hiệu lực từ 01/01/2007), qui định những người chấp hành hình phạt tù (giam) bị tạm dừng hưởng lương hưu. Luật sử dụng chữ “tạm dừng” không dùng từ “cắt”, đây là một sự không rõ ràng. Thế nhưng, tất cả các cơ quan BHXH đều vận dụng “tạm dừng” thành “cắt” nên cứ ai hưu trí mà đi tù thì bị cắt lương hưu trong thời gian đi tù. Như vậy, thực chất những người này đã bị cướp lương hưu. Vì thế, những ai bị cướp lương hưu trong thời gian đi tù cần phải đòi lại.
Cho tới Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 đã có một số thay đổi. Điều 64 của Luật này đã loại những người chấp hành án phạt tù ra khỏi đối tượng “tạm dừng” hưởng lương hưu. Việc loại những người chấp hành án phạt tù ra khỏi đối tượng “tạm dừng” hương lương hưu làm rõ ràng hơn việc không thể cắt lương hưu của người đi tù.
Tôi muốn dẫn luật ra để nói với ông Nguyễn Văn Hiển rằng, đến đi tù mà còn không cắt được lương hưu của người ta, thì làm sao khi xử lý hành chính mà lại có thể truất được.
Lưu ý rằng, ông Hiển là Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nên có thể gọi là nhà lập pháp.. Ở vị trí ấy, lẽ ra ông phải thạo luật và những nguyên tắc để xây dựng luật, làm sao để luật đi vào cuộc sống, tức là tính khả thi của nó... hơn dân thường. Thế mà ông đòi truất lương hưu của người ta. Hay là máu ông đã thấm tư tưởng chuyên chính vô sản quá mà ông quên mất Luật BHXH.
Nếu ông vẫn cứ muốn truất lương hưu của cán bộ sai phạm thì trước hết, ông hãy đòi sửa lại Luật BHXH đã rồi tính gì thì tính.
Tôi nói thế, không phải là bênh cán bộ sai phạm. Chính bọn có chức có quyền đang bòn rút làm tan hoang đất nước này, cần phải  tịch tất cả tài sản do tham nhũng mà có. Nhưng truất lương hưu lại là vi hiến. Lương hưu tài sản hợp pháp, chỉ có thể trừ vào nó để thi hành án, chứ không thể truất hay cắt bớt được.

6/11/2019


1 nhận xét:

  1. Làm đến viện trưởng mà lại là Viện Nguyên cứu Lập pháp mà chẳng hiểu gì pháp luật! Luật BHXH cũ đúng là có tước lương hưu của người tù nhưng chỉ trong thời gian bị tù. Việc này đã là sai trái, thiếu nhân văn và dự thảo Luật BHXH năm 2014 cũng giữ quy định này. Không biết có phải do tôi góp ý kiến hay không nhưng sau đó luật đã bỏ quy định đó như bây giờ

    Trả lờiXóa