Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Vài lỗi thường gặp khi đánh máy bài viết

Cuối tuần, xin lan man vài dòng bàn về việc đánh máy.
Tôi không bàn về chuyện chính tả, thí dụ "n" và "l", "tr" và "gi"; cũng không nói về khi nào dùng "i" hay "y", cách bỏ dấu, dùng ký hiệu. Những điều này đều có trong ngữ pháp của các lớp phổ thông.
Về viết công văn, cơ quan chức năng Nhà nước cũng đã có những qui tắc soạn thảo.
Ở đây chỉ nói đến vài lỗi hay mắc phải nhất.
Viết sao cho trang viết sáng sủa, trình bày dễ đọc, có nhiều người không để ý.

Trước hết là đặt dấu câu. Dấu phải đặt liền chữ đứng trước và cách một dấu cách chữ tiếp theo nghĩa là giữa chữ nọ và chữ kia phải được cách nhau bằng một dấu cách (Space).
Ví dụ:
Nên viết: Hôm nay trời lạnh, mẹ nhắc bé mặc áo ấm.
Không nên viết: Hôm nay trời lạnh,mẹ nhắc bé mặc áo ấm.
Viết như thế nhìn không đẹp. Trong trường hợp mấy chữ cuối dòng liền nhau thì khi căn lề hai bên chúng bị bị dồn xuống dòng dưới và như vậy, dòng trên ít chữ đi, kéo doãng ra trông rất xấu.
Cũng không nên viết: Hôm nay trời lạnh , mẹ nhắc bé mặc áo ấm.
Viết như thế, khi căn lề hai bên, sẽ có trường hợp tự nhiên có một dấu đặt ở đầu dòng tiếp theo hoặc có khi dấu đứng một mình một dòng nếu sau đó xuống dòng, trông rất vô duyên.
Dấu ở đây gồm các dấu chấm, hai chấm, phảy, chấm phảy, chấm than, ngoặc đơn, ngoặc kép, móc vuông.
Những dấu đặt vào phía trên, bên phải chữ nào đó (đánh bằng dấu sao hoặc con số ...) để chú thích dưới bài cũng nên theo nguyên tắc này. Ví dụ:
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”*. Dấu sao là đánh dấu để cuối bài hay cuối trang giải thích câu này trích ở "Tuyên ngôn độc lập".
Ngoài việc đặt dấu, có loại lỗi cũng hay gặp nhưng lại là lỗi cố tình, đó là viết hoa không đúng trường hợp.
Danh từ riêng thì phải viết hoa. Có thể viết hoa nếu nhằm mục đích tu từ. Ví dụ đại từ ngôi thứ ba chỉ một danh nhân, một tấm gương đáng kính trọng, người ta thường viết "Người" thay vì "người", "Anh" thay vì "anh".
Thế nhưng, có người lạm dụng điều này, viết hoa vô tội vạ, cứ nhắc đến ai mà mình quí là viết hoa tất.
Nhưng trường hợp ngược lại nghĩa là phải viết hoa lại không viết hoa thì không được. Lý do của việc không chịu viết hoa đơn giản là ... ghét. Tên tôi cũng từng bị viết như thế khi người viết đọc những bài tôi viết trái ý họ. Lại sợ người ta chê trình độ kém nên còn mở ngoặc "không viết hoa". Có chuyện này là do họ không hiểu ngữ pháp hoặc tính khí trẻ con.
Thử hỏi thời kỳ cả Miền Bắc ghét Mỹ, chẳng lẽ tên tổng thống Mỹ, các chính khách Mỹ đều không viết hoa cả hay sao?
Có người ghét Đảng X quá, cứ thắc mắc với tôi tại sao lại phải viết hoa chữ Đảng. Nhiều trường hợp danh từ riêng gắn với danh từ chung thì danh từ chung phải viết hoa, ví dụ "Biển Đông" nhưng "cái Tèo" thì chữ "cái" lại không phải viết hoa.
Xin giải thích tại sao tôi dùng chữ "Đảng X"? Vì bài viết chỉ bàn về chuyện viết lách nên tôi tránh lôi chuyện chính trị vào chứ không phải là né tránh.
3/11/2012
NTT

2 nhận xét:

  1. Nặc danh5/11/12 9:42 SA

    Những điều bác nhắc cũng đã được học ở các lớp phổ thông rồi mà bác Thụy. Chỉ riêng cái việc ai đó ghét cái gì/ai đó mà không thèm viết hoa tên riêng là không được dạy mà thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Xin mạn phép:
    (1) Dấu câu (chấm, phẩy, chấm phẩy, hai chấm) thuộc chữ đằng trước, ví dụ:
    Cơm có canh, có cà, có cá, có cả thịt rang.
    (2) Dấu (, [, “, thuộc chữ đằng sau; ), ], “, thuộc chữ đằng trước, ví dụ:
    Một số blog lề trái (NTT, HNC, QC)
    (3) Viết hoa danh từ riêng, không viết hoa danh từ chung là bắt buộc, nhưng có thể vẫn được chấp nhận trong những trường hợp nào đó tuỳ theo ngữ cảnh, ví dụ:
    . . . tay itá nguyễn này thật là . . .
    (viết đúng phải là “ . . . tay y tá Nguyễn này thật là . . .”)
    . . . nhà em rất mong các Bác lượng thứ . . .
    (viết đúng phải là “. . . nhà em rất mong các bác lượng thứ . . .”)
    Mong được chỉ giáo.


    Trả lờiXóa