Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Biết thì thưa thốt

Huỳnh Văn Úc
 .
Biết thì thưa thốt/Không biết thì dựa cột mà nghe là câu thành ngữ mà ai cũng biết. Riêng ông Đại tá-Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Nhà giáo ưu tú của Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng Trần Đăng Thanh thì không biết có câu thành ngữ này nên đã đăng đàn diễn thuyết trước cử tọa là lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, quản lý sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên các  trường Đại học-Cao đẳng Hà Nội. Trong bài diễn thuyết ông đã phô bày sự dốt nát của mình về nhiều phương diện mà nhiều bài viết đã phân tích. Tôi muốn viết thêm về sự thiếu hiểu biết của ông Trần Đăng Thanh qua một đoạn nhỏ sau đây trong bài nói của ông.

Trích: Hiện nay, Mỹ và Nato đang bỏ ra 170 tỷ đô la để xây một hệ thống phòng thủ tên lửa ta gọi tắt là NND. Nhưng Liên bang Nga đã chế tạo ra loại tên lửa Skender tầm bắn 11 nghìn … (không nghe rõ), 11.700 cây số có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ tên lửa. Và cách đây khoảng hơn hai tháng, ông Tổng thống Putin và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố trước 50 nguyên thủ quốc gia và Bộ trưởng Bộ quốc phòng của Châu Âu, Châu Á rằng: Liên bang Nga sẽ sẵn sàng tiến công chặn trước, đánh đòn phủ đầu với tất cả các cơ sở hạt nhân, các cơ sở tên lửa gồm những quốc gia nào đe dọa an ninh nước Nga. Và người Nga họ nói, họ sẽ làm được”. Chỉ trong một đoạn ngắn của bài diễn thuyết ông Trần Đăng Thanh đã phạm hai sai lầm mà một người mang quân hàm đại tá như ông không nên mắc phải:

- Thứ nhất Hệ thống Phòng thủ tên lửa của Mỹ (National Missile Defense) gọi tắt là NMD chứ không phải là NND.

- Thứ hai Liên bang Nga không có loại tên lửa nào là Skender có tầm bắn hơn mười một nghìn cây số. Tên lửa đạn đạo cấp chiến lược trang bị cho quân đội Nga có hai loại: Bulava và Topol-M. Bulava (Булава) là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được trang bị trên các tàu ngầm hạt nhân Project 955 lớp Borey của Hải quân Nga sử dụng nhiên liệu rắn, nặng 36,8 tấn, có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 8.000 km. Một số thông số: phần chiến đấu nặng 1150 kg; chiều dài 12,1 mét; đường kính tầng một 2 mét. Còn Topol-M (Тополь-М) là tên lửa đạn đạo được chế tạo sau khi Liên Xô giải thể. Nó có chiều dài 22,7 mét, đường kính thân tầng một 1,9 mét, khối lượng lúc khởi động là 47.200 kg, phần chiến đấu nặng 1200 kg, mang một đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 800 kiloton, tầm bắn tối thiểu 2000 km, tối đa 10.500 km, có thể bắn trúng mục tiêu với sai số 200 mét. Topol-M được phóng đi từ hầm hoặc từ dàn phóng di động MZKT-79.221 Universal 16 bánh.

Cũng có thể ông Trần Đăng Thanh phát âm không rõ nên người gỡ băng ghi âm ghi nhầm Iskander thành Skander. Nhưng dù cho ông đại tá có nói đúng tên của loại tên lửa Iskander thì ông cũng đã nhầm lẫn một cách tai hại. Iskander (Искандер) là tổ hợp tên lửa đường đạn cấp chiến dịch chiến thuật của Nga có tầm bắn tối đa 400 km, dùng kỹ thuật plasma để tàng hình tránh sự theo dõi của rađa đối phương. Đội hình chiến đấu của một đơn vị có trang bị Iskander gồm có: ảnh HVUcác xe mang phóng tự hành 9P78E; các xe chở đạn 9T250E; xe chỉ huy; xe đảm bảo tham số phóng; xe bảo dưỡng kỹ thuật.

Kết thúc bài viết này một lần nữa tôi muốn nhắn nhủ ông Trần Đăng Thanh: Biết thì thưa thốt/Không biết thì dựa cột mà nghe.

 Ảnh: Tên lửa Topol-M trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức 9/5/2010

HVU
Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét