Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Lưu Hiểu Ba và Hiến chương 08


Huỳnh Văn Úc
.

Ngày 4/12/2012 một trăm ba mươi tư người từng được tặng giải Nobel trong đó có lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Dalai Lama; Tổng Giám mục Desmond Tutu của Nam Phi; nhà văn Mỹ Toni Morison đã gửi đến ông Tập Cận Bình một lá thư kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba. Bức thư có đoạn viết: “ Khi ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và rồi đây sẽ giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng tôi viết thư này chào đón nhà lãnh đạo mới với những tư tưởng mới. Với tất cả lòng kính trọng, chúng tôi thúc giục ông hãy trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, người được tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình duy nhất trên thế giới đang bị cầm tù”. Các nhà văn, luật sư và nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc cũng gửi đến ông Tập Cận Bình một lá thư có nội dung tương tự. 

Ngày 4/12/2012 có 40 người đã ký tên vào bức thư, và đến ngày 6/12/2012 số người ký tên đã lên đến con số ba trăm. Trong bức thư họ viết “ Án tù của ông Lưu Hiểu Ba là một sự vi phạm trắng trợn tới các quyền cơ bản của công dân. Chúng tôi tin rằng sự tồn tại của tù chính trị không giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới”.

Năm 2009 ông Lưu Hiểu Ba bị tuyên án 11 năm tù vì đã tham gia soạn thảo và ký tên vào Bản Hiến chương 08. Cảnh sát canh giữ trước căn hộ của ông để giam lỏng vợ ông-bà Lưu Hà, một tuần chỉ cho ra ngoài hai lần để đi chợ và  thăm cha mẹ. Năm 2010 ông được trao giải Nobel Hòa bình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc. Hiến chương 08 đã ra đời và có nội dung thế nào khiến ông Lưu Hiểu Ba bị cầm tù ? Ngày 10/12/2008, đúng vào dịp kỷ niệm tròn 60 năm bản Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ra bản tuyên ngôn có tên là Hiến chương 08 nhằm thúc đẩy cải cách chính trị và dân chủ trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiến chương kêu gọi tiến hành 19 điều thay đổi bao gồm thành lập một hệ thống pháp lý độc lập, tự do lập hội, tự do ngôn luận và loại bỏ chế độ độc đảng. Hiến chương viết: “Năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 100 Hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc , ngày kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Nhân quyền, kỷ niệm 10 năm kể từ khi Trung Quốc đã ký các Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Sau khi trải qua một thời gian dài của thảm họa và đấu tranh dai dẳng về nhân quyền, quần chúng nhân dân Trung Quốc đã thức tỉnh và  đang ngày càng nhận ra rõ ràng hơn rằng tự do, bình đẳng, và nhân quyền là những giá trị phổ quát chung được chia sẻ bởi toàn thể nhân loại. Nền dân chủ, một nước cộng hòa là kiến tạo thành cấu trúc khung cơ bản của quản trị hiện đại. Sự tước đoạt những giá trị phổ quát và cơ bản này là một quá trình tước đi quyền sống của con người, bào mòn bản chất con người và hủy hoại phẩm giá con người. Trung Quốc sẽ đi về đâu trong thế kỷ 21? Tiếp tục hiện đại hóa theo kiểu của chế độ độc tài? Hoặc công nhận giá trị phổ quát, hoà nhập vào nền văn minh chung, và xây dựng một hệ thống dân chủ? Đây là một quyết định không thể tránh được. Hệ thống hiện tại đã trở nên quá lạc hậu đến mức thay đổi là không thể tránh khỏi . Tất cả các loại xung đột xã hội đã không ngừng tích lũy và cảm xúc của sự bất mãn đã tăng liên tục. Thực trạng này phải ảnh HVUthay đổi! Cải cách Chính trị dân chủ không thể trì hoãn lâu hơn nữa “. Ngày đầu tiên công bố đã có 350 trí thức Trung Quốc ký tên vào bản Hiến chương trong đó có cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Lưu Hiểu Ba là người ký tên thứ mười sáu. Cho đến nay đã có hơn 8.100 người ở trong và ngoài nước ký tên vào bản Hiến chương này.

Ngày 5/12/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với các nhà báo rằng: “Bức thư của 134 người từng được Giải Nobel gửi đến ông Tập Cận Bình là một hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Nhưng khi các nhà báo hỏi rằng ông Lưu Hiểu Ba đã vi phạm luật cụ thể như thế nào, ông Hồng Lỗi từ chối bình luận. Còn bình luận thế nào được nữa khi: “Án tù của ông Lưu Hiểu Ba là một sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của công dân”.
H.V.U.
Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét