Nguyễn Hoàng Đức
Làm thế nào để bình chọn “một buổi chiều của buổi chiều” hay “một hoàng hôn của hoàng hôn” hoặc giản dị buổi chiều không phải của một ngày mà là của một năm? Chắc chắn rằng, không có thời điểm nào tranh nổi giải quán quân của chiều ba mươi tết. Chiều ba mươi tết lại theo âm lịch chứ không phải dương lịch, có nghĩa là mặt trăng đã nấp sau bán cầu trái đất như ẩn vào nơi nào sâu nhất, càng làm cho cái đêm ba mươi cuối cùng của năm thêm tối tăm mù mịt.
Thời gian nào trong ngày đẹp nhất, u hoài da diết nhất, tha thiết như một tình nhân với tuổi mới lớn còn chưa từng biết mặt, nhưng đã cồn cào một nỗi buồn nhớ mênh mông khó tả, có lẽ người ta chỉ có thể trả lời đó là nỗi buồn nhớ có từ kiếp trước. Nhiều nhà văn đã bàn, một buổi ban mai nắng long lanh rực rỡ nhảy nhót trên cành không đẹp phi phàm sao? Một buổi trưa giữa thu, bầu trời xanh vằng vặc trên đầu như cuốn hút tâm hồn người ta bay lên không cách nào cưỡng được trong một xao xuyến vô bờ chẳng lẽ lại tìm ra một cảnh đẹp hơn thế? Nhưng khi phải bỏ phiếu người ta vẫn buộc phải nói “hoàng hôn đang sa xuống chân trời như một sự lóng lánh huy hoàng đang tàn tạ đó mới thực là cảnh đẹp nhất!” Tại sao? Nhà văn lý giải: Bởi vì nó không chỉ đẹp mà còn ngắn ngủi trong tích tắc luyến tiếc đến ngỡ ngàng. Một buổi bình minh đẹp ư, rồi buổi trưa rực rỡ ư, người ta có thể ngắm cả tiếng đồng hồ, nhưng với buổi hoàng hôn ranh giới từ buổi chiều trở mình thành đêm tối, dường như cỗ máy vũ trụ khổng lồ đã nuốt chửng hay nghiền nát chỉ mấy giây đồng hồ nhanh đến mức không kịp nhận ra. Có gì nhanh như sét trên bầu trời? Nhưng nó chói lòa nổ dữ dội và chỉ trút xuống mấy giọt mưa. Nhưng có gì kỳ vĩ luyến tiếc như mấy giây thầm lặng trôi qua chẳng có gì xảy ra đã nuốt chửng cả vũ trụ vào giữa lòng đêm tối?!
Hoàng hôn đẹp bởi vì nó xao xuyến và luyến tiếc nhất! Một buổi chiều, khi mặt trời đã đi qua ngọ và rớt xuống chân mây, ánh sáng dịu phai dần và trôi vào một mầu sắc ảm đạm, mơ hồ, tối tăm…Một buổi chiều bình thường đã vậy, một buổi chiều mùa đông, khi mà ngay lúc ban mai đã u ám ảm đạm, thì buổi chiều ảm đạm đến đâu? Vậy thì gượng làm sao nổi một buổi chiều ba mươi cuối cùng của mùa đông? Một buổi chiều của mọi buổi chiều! Một buổi chiều của cuối mùa đông. Một buổi chiều như người đời nói, đó là ngày cùng tháng tận. Câu nói đó nặng nề như một nguyền rủa vậy. Chùa chiền, đền thờ là nhưng nơi cung kính nhất, ở đó người ta mở lễ trọng vào ngày mùng một hay rằm, có ai mở lễ vào ngày cuối tháng không? Hoặc như người ta chê bai “sơn cùng thủy tận”, có nghĩa đó là nơi, khỉ ho cò gáy vắng bóng người buồn như trấu cắn, rụng rời tê tái, tâm hồn chẳng có nổi một lý do huyên náo nào làm niềm vui cho cuộc sống?!
Chiều ba mươi tết, ôi một buổi chiều buồn rơi buồn rụng, một buổi chiều mà dường như chỉ cần chạm nhẹ là người ta đã ứa nước mắt. Chỉ cần một câu hỏi “vé của em mấy giờ?” tức là mấy giờ người ta được lên chuyến xe vét cuối cùng trở về quê với gia đình, lập tức có thể nghe thấy tiếng đáp sụt sịt, những tiếng nấc kể lể như bắt đầu một sử thi bi hùng, rằng năm nay, vì trăm cay ngàn khổ người ta không cách gì về được quê nhà! Rồi chỉ cần người chồng hỏi vợ “sao em còn chưa giặt giũ đống quần áo sót lại kia?” đã trở thành một cái cớ để nàng nỉ non khóc trong lồng ngực hợp xướng cho một trái tim đang căng những dây đàn dạo khúc “mái nhà tủi nhục”. Ngay đó có khi có cả một tòa án đang tối mặt nhận những đơn kiện tụng, rằng quần áo ư? Đã mấy năm rồi anh có may cho tôi bộ váy mới nào để ăn tết, hay anh còn lần hết tiền của tôi để cờ bạc, rượu chè, đã thế còn nghiện hút?!
Chiều ba mươi tết là lúc bánh xe càn khôn cán đích điểm mút cuối cùng. Và tâm hồn con người cũng vậy nó đang rơi xuống phút kịch đáy của con tim. Mới tỉnh giấc sáng ba mươi, bầu trời đã ào đến một làn gió xao xuyến man mác tê tái làm thông điệp. Tất cả đều đặt câu hỏi đầu tiên về địa lý “sáng nay ta đang ở đâu, rồi còn một buổi chiều thôi ta sẽ vận động đến đâu?” Người thì lục túi xem đích thực chiếc vé xe của mình đã mua hôm qua có còn nằm nguyên đó. Người thì chạy đi mua vé… Còn những người ở nhà bên cạnh những người yêu thương thư thả hơn một chút thì họ đặt câu hỏi:
“Năm qua ta đã làm được gì?”
Năm qua, tức là thời gian đã trôi qua, và có nghĩa nó giống như lịch sử. Có một phương ngôn vĩ đại “Con người không có quá khứ chẳng khác gì quôc gia không có lịch sử”. Vậy thì năm qua, tức biên niên sử của cá nhân mình đã ra sao? Buổi chiều cuối năm như chùng xuống, bầu trời ảm đạm, những đám mây đen nặng chịch như đè xuống tầm nhìn, và tâm hồn người ta chìm lắng khôn tả xuống đáy tâm hồn sám hối của mình. Cuối năm, cơ quan nào cũng kiểm kê tài sản, và lẽ tự nhiên con người nào cũng muốn nhìn lại mình. Đó là lý do tại sao, ngày ba mươi nước mắt lại sẵn sàng đến vậy khi phục kích ngay sau hàng mi, và chỉ đợi một lý do rất nhỏ để ùa ra như tháo van cho tâm hồn khỏi nguy cơ úng lụt.
Nước mắt nằm trong mọi lý do, mọi nơi chốn và mọi nẻo đường trở về quê. Nước mắt còn nằm sẵn trên cả những quầy hàng, mớ rau hay con cá cuối cùng. Cách vài chục năm, khi còn ở Tp. HCM, tôi dắt xe đạp ra chợ Bến Thành, định mua gói kẹo và gói mứt, tôi vừa dừng xe, thì nghe tiếng la thảng thốt “chú ơi chú dắt xe qua một tẹo đi, để cháu còn bán cái mủng hàng này!” Tôi liền đáp “Chú dựng xe một chút thôi mà”. “Một chút ư, thì còn gì nữa!” bà mẹ đứng bên cháu gái than. Tôi liền hiểu một thông điệp rằng, cái tối ba mươi ngắn ngủi đầy quyết định một ăn một tịt này, nếu người ta chỉ đánh mất một vài cơ hội tính bằng giây thôi, có lẽ cái mẹt hàng còn lại sẽ ách tắc. Và không chỉ cái mẹt hàng đó ách tắc, mà đó còn là con đường ách tắc trở về bàn thờ của gia đình, ách tắc con đường xuống bếp, và ách tắc cả con đường rất ngắn từ chiếc miệng kêu la xuống chiếc dạ dầy đang nhịn đói… tại sao? Hai mẹ con họ ra đứng khai thông, che chắn mở đường bán mẹt hàng tết, chẳng lẽ đó không phải là cuộc cứu vãn những đồng vốn cuối cùng của họ còn nằm đọng trên mẹt hàng tết? Nếu mẹt hàng đó trở thành nợ đọng, nợ xấu của gia đình thì còn tết nhất nỗi gì?
Và nước mắt nhiều ý nghĩa nhất khi người đàn ông tĩnh lặng ngồi xuống bên ấm trà như một “đại ngã” – một chủ gia đình – hay như một công dân trách nhiệm và ưu tú vấn hỏi mình: ta đã làm được những gì? Ta đã sống ra sao? Và đối xử với tha nhân thế nào ngay cả với những người thân nhất là vợ con mình? Người phụ nữ có thể không bước tới một một góc bàn trà chính thức như thế, nhưng trong góc bếp hay góc buồng kia, nàng cũng đang không kém nghẹn ngào đặt cho mình những câu hỏi tương tự.
Nước mắt không đơn giản là những giọt lệ chua xót, ngược lại nhiều khi nó là sự tích lũy uất ức. Và nó dường như chỉ chờ một cái cớ rất nhỏ để xông ra không phải như nước mắt mà như bạo lực. Ở rất nhiều gia đình, ngày ba mươi thường là cái cớ để người ta xung sát nhau, như cơ hội cuối cùng, vì lẽ đây là sự giải quyết tồn kho áp chót, nếu không ngày mai mùng một tết chẳng còn cơ hội nào cả. Và những cuộc xung đột ngày ba mươi thường rất lớn. Vợ chồng, con cái trong nhà nên lưu ý điều này.
Cuộc sống là những vòng luân hồi. Ngày cùng tháng tận thì dẫn tới năm hết tết đến. Đông tàn thì xuân lại. Trái đất quay một vòng chạm điểm cuối cùng cũng là mở đầu điểm xuất phát. Đêm ba mươi tết đang lắng nghe tiếng rơi chạm đáy rất khẽ nhưng cứa lòng như dao cắt của điêu khắc. Dấu chấm cuối cùng của một trang sẽ mở ra trang mới hoàn toàn. Và món quà nào sẽ đến với chúng ta? Có một câu tuyệt vời trong Kinh Phúc Âm “ mong mỏi như lính tuần canh đợi ban mai”. Lính tuần canh là gì? Là anh ta làm bổn phận thao thức trong đêm. Và anh ta mong ban mai để mình được đổi ca về nhà với vợ con, ăn bát cơm nóng rồi nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. Mong rằng những gì tự vấn mình, sám hối, rèn rũa, hay những giọt nước mắt tủi hờn thanh tẩy trong đêm ba mươi là những bổn phận “tuần canh” xứng đáng của chúng ta để sẵn sàng đón ban mai tốt đẹp của một mùa xuân mới.
NHĐ 07/12/2012
Tác giả gửi cho NTT blog
chuyên sản xuất in lịch tết tại đà nẵng với hàng trăm mẫu thiết kế lịch tết độc đáo. Một số bài viết nổi bật
Trả lờiXóain lịch tết tại đà nẵng
in lịch bloc
in lịch tết độc quyền
công ty in lịch tết