Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

CHÙM THƠ TRẦN MẠNH HẢO NHÂN 95 NGÀY SINH THI HÀO NGUYỄN BÍNH ( 1918-2013)

Ngày 07-12-2013 Ủy Ban nhân dân tỉnh Nam Định sẽ kỷ niệm trọng thể 95 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Bính, danh nhân văn hóa của tỉnh; nhân việc này, Trần Mạnh Hảo gửi chùm thơ viết về Nguyễn Bính.


Trong ba bài thơ dưới, có nhắc đến tên các bài thơ, tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính: “Lỡ bước sang ngang”, “Nước giếng thơi”, “Đêm sao sáng”, “Hành phương Nam”…




Thi sĩ Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính )1918-1966


BÚT ĐÀO HUYỆT GIẤY MÀ CHÔN MÌNH DẦN
Trần Mạnh Hảo


Cái thời Nguyễn Bính nguồn cơn
Vẫn đôi bướm ấy đến vờn mùng tơi
Mượn mưa phùn xỉa tăm chơi
Nửa đêm gió bấc rít hơi thuốc lào

“Trăm hoa” dễ được hoa nào
Về xem bướm hoá thi hào vườn dâu
Về xem cái kén mọc đầu
Ruột gan rút hết từng câu nhân tình

Tài cao đẩy thấp phận mình
Vỉa nồi niêu vẫn còn kinh hề mồi
Thơ không thể đổ vào nồi
Ngắm mình trong “nước giếng thơi” hết hồn

“Đêm sao sáng” cạn hoàng hôn
Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần
Một đoàn bươm bướm đưa chân
Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ…

T.M.H.


NHỚ NGUYỄN BÍNH

“Lỡ bước sang ngang” thời gió mưa
Trăm hoa đua nở mắc mưu lừa
Hỏi nghìn “nước giếng thơi” miền Bắc
Cứu nổi thiên tài chết khát chưa ?

GIAO THỪA NHỚ NGUYỄN BÍNH

Trái tim không giấy chứng minh thư
Đầu anh bờm xơm cỏ hắc ín
Câu lục bát vô gia cư
Tạm trú trong lời ru khép nép

Anh mang theo xuống đất cái thời
Đến nghĩ ngợi cũng phải cần xin phép

Hoa cau như gạo rơi
Lừa bao anh gà dò đến nhặt
Văn chương nào đùa dai

Có Nguyễn Bính đi qua làng chân đất
Câu thơ anh đền mọi thứ dông dài
Khi cuộc đời bị nhiệt
Có thơ anh làm rau má nhọ nồi

Lỡ bước sang ngang
Tình yêu quá giang trang giấy
Chiếc thuyền con thơ tuyển tập anh đâu hay
Trên chiếc thuyền này
Đỗ Phủ từng chết đói
Đám mây màu cháo trắng còn bay

Năm ấy giao thừa trên ổ rơm
Anh gục xuống nhờ bạn bè vuốt mắt
Miệng còn chóp chép thèm cơm
Anh chết rồi còn bạc tóc

Ôi giấc mơ bị thương
Hết “Hành phương Nam”, lại phải hành phương Bắc
Thờ thế vô tâm như kẻ qua đường

Người ta đã chôn anh cùng với ba ngày tết
Tháng giêng không còn anh ngồi lặng đếm mưa phùn
Li rượu trắng để tàn nhang uống hết
Chiếc điếu cày gió bấc rít thâu đêm

Nhà thơ ạ
Không ai lừa được thời gian
Anh chưa vay đã vội trả
Sao chúng ta cứ phải đồng nghĩa với cơ hàn
Cơn gió đói khoác tàu chuối rách
Mà gió bấc kia ưa phách lối luận bàn

Nguyễn Bính ơi
Với anh đêm nay sao trời
Có khi là những hạt cơm rơi…

Tết Nam Định 1976


T.M.H.

Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. Trước 1975 , tại miền Nam thơ tiền chiến bán ở tiệm sách tràn đầy , tôi không hiều tại sao thơ tiền chiến lúc đó lại in trong giấy khổ A3 , như giấy dùng để photocopy loại lớn và thông dụng thua khổ Ã4 ngày hôm nay !
    Lúc ấy tôi còn ngồi mài đủng quần ở bậc trung học , nhưng tôi hình như có toàn bộ những tập thơ tiền chiến . Tôi còn nhớ thơ Huy Cận* nghiêng về tâm linh , thơ phải gió Xuân Diệu** óng ánh tình yêu trai gái , thơ Nguyễn Bính*** rất chân chất , quê ngoại của Hồ Dzếnh nó rất gần gủi với Nguyển Bính..
    Lúc ấy tôi có đọc tập sách Những Nhà Thơ Nhà Văn Hà Nội Hôm Nay , cuốn sách nầy ra đời bằng cách sưu tập những nhân chứng bộ đội hoặc cán bộ bỏ hàng ngủ về chiêu hồi**** với VNCH . Trong sách có kể sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm , Nguyễn Bính đói khổ , ông quảy đôi gánh trong đó có quảy con chó .
    Nếu bảo tôi trong 10 giây phải chon nhà thơ nào tôi yêu nhất , tôi sẽ nói :" Nguyễn Bính ". Vì với Huy Cận thì tôi kính trọng , còn yêu thì phải nói là Nguyễn Bính .

    * Huy Cận rất nghiêng về tâm linh , những người nghiêng vể tâm linh thì có đánh họ chết chứ đừng bảo họ làm ác được . Huy Cận leo lên tới chức bộ trưởng thanh niên dưới thời VNDCCH , và ông là người soạn hiến pháp VNDCCH . Trong tập sách đóng góp của những người chiêu hồi tôi nói ở trên có kể :" Sau 1954 Xuân Diều có nói Tố Hữu không đáng xách dép cho cụ Nguyễn Du " . Xui cho Xuân Diệu lời nói đó lại đến tai Tố Hữu , Xuân Diệu chối tội và tự biện hộ với Tố Hữu rằng " Tôi chỉ nói đồng chí đứng tới đầu gối của Nguyễn Du thôi !" . Rất may cho Xuân Diệu vì Huy Cận đã cứu Xuân Diệu phen nầy. Bởi vậy mới " Hổ phụ sinh hổ tử " , hổ tử đó là Ls Vũ .

    ** Thơ tình của Xuân Diệu thời đó nổi tiếng nhất , vị tuổi mới yêu đương rất say mê là vậy . Nhưng qua cái tuổi mộng mơ nầy thì người ta vất thơ Xuân Diệu lại đàng sau , hoặc có còn là kỹ niệm của thời đã qua của tuổi trẻ.

    *** Thời kháng chiến chống Pháp , không hiểu tại sao Nguyễn Bính được cử vào miền Nam . Có 1 lần ông làm 3 câu thơ trên bao thuốc lá để tặng 1 người bạn " Có những giòng sông chảy rất mau . Lá xanh hoa đỏ trôi không kịp . Lưu lạc ai ngờ được gặp nhau "

    **** Sau khi chiếm miền Nam , những người chiêu hồi bị khủng bố rất dả man

    Trả lờiXóa
  2. TB: Thành thật xin lổi quí vị , tôi viết thơ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Bính theo hồi tưởng , nên tôi viết sai ! Nên giờ sực nhớ lại ( Cũng nhờ uống rượu vào nên đầu óc nó làm việc khẩn trương hơn ?) . Xin phép viết lại 4 câu thơ của Nguyễn Bính.

    Có những giòng sông chảy rất mau
    Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
    Lá xanh hoa đỏ trôi không kịp
    Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau

    Trả lờiXóa