Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Báo chí hạ tầng sao có thể kiến tạo một quốc gia văn minh?

Nguyễn Hoàng Đức

Báo chí chính thức được ví như Quyền lực thứ tư sau các quyền Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp. Nhưng ba thứ quyền lực kia có độc lập tương đối, còn báo chí là thứ vừa xuyên suốt vừa ôm đồm bao sân cả ba quyền lực kia, thậm chí tuy nó được xếp thứ tư, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng trở thành không phải cái đầu tiên mà còn là cái tiên thiên cho cả ba quyền lực trên cũng như mọi hoạt động của xã hội. Tại sao?

Vì báo chí là chữ nghĩa! Mà chữ nghĩa cũng là tư tưởng! Tư tưởng là gì? Tất nhiên đó là bộ não để vận trình toàn bộ hành động của con người. Triết gia Platon nói một câu mang nguyên lý cao cả phổ quát bậc nhất: Khi một người suy tư, anh ta vừa đặt câu hỏi vừa trả lời, cứ thế tiếp diễn cho đến khi sự việc được giải đáp hoàn toàn. Vì thế không có tư duy xuông, mà người ta buộc phải tư duy bằng ngôn ngữ. Chẳng hạn một nhà vật lý như Newton sẽ tư duy bằng ngôn ngữ rằng “có lực hút của trái đất không nhỉ?” nhà chính trị thì tư duy “làm sao để có chính quyền” hoặc “làm sao để leo ghế”, còn một chàng si tình thì tư duy “liệu cô ấy có nghĩ đến mình không? Mình làm sao để tiếp cận cô ấy?” hay nhà du hành vũ trụ muốn lên mặt trăng thì cũng phải bắt đầu từ câu hỏi “ta sẽ lên mặt trăng bằng cách nào?”

Trí thức nhân loại phổ quát cũng đã tuyên bố rằng: “Ngôn ngữ là tư duy” và “Tư duy bằng ngôn ngữ”. Phật Pháp cho rằng: người có ác tâm thì chưa sao, nhưng ác khẩu thì bị tính là tội rồi vì nó có thể không hành động nhưng lại kích động người khác hành động, còn ác hành hiển nhiên phải chịu tội. Người Việt cũng nói “lời nói đọi máu” – tức là lời nói có ý nghĩa sinh tử như chính cuộc đời. Và cũng còn có câu “trăm năm bia đá thì mòn/ nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Người Trung Quốc thường nói câu “ngậm máu phun người”, tức là việc đổ oan cho ai, chẳng khác gì tưới máu lên người ta, để chính người ta bị hóa máu luôn. Trời ơi làm sao có danh dự để sống nếu bị ai đó vu oan giá họa?

Như vậy từ triết gia Platon được xem như triết gia tổ sư hàng đầu thế giới đến dân tộc cũng như nhân loại, đều xác định “Ngôn ngữ là thành tố quan trọng có liên đới mật thiết với chính cuộc đời của nhân loại”. Đó là ngôn ngữ của lịch sử, được ra đời sau con người một chút. Nhưng theo văn hào Victor Hugo thì: sự nhảy vọt của chữ nghĩa có tính xoay vần cả nhân loại chính là sự ra đời của máy in. Ở đó thông tin được lan chuyền theo tốc độ rập bản của máy in, được truyền đến tay người đọc, ngôn ngữ không còn là rỉ tai nữa mà là có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng, ai viết, viết về cái gì, và viết ở đâu, mỗi thông tin như được đóng đinh vào não trạng của mọi người tạo ra tin tưởng lớn. Và báo chí là thành phẩm trực tiếp nhất của máy in, khi người ta ra cả báo sáng, báo trưa, báo buổi chiều, và thông tin giờ chót. Như vậy có thể nói, mọi cuộc cách mạng hiện đại không cách gì đứng ngoài sức mạnh của báo chí. Dễ hiểu hơn chúng ta hãy nghe một nhà văn Nga nói, một nhà thơ Nga được đăng một bài thơ trên tờ Sputnik với số lượng vài chục triệu ấn bản, rồi người ta chuyền tay nhau đọc, trong khoảng vài ngày nhà thơ này đã nổi tiếng.

Nhưng báo chí là gì cơ chứ? Là gì ư, là tất cả những gì chúng ta vừa diễn giải. Nhưng nên lưu ý điều này: Báo chí là ngôn ngữ và thuộc về tư tưởng cũng như bộ não. Vì thế tính thiết yếu của báo chí là nhắm tới kiến trúc thượng tầng. Các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam có nói: “Muốn hiểu sinh hoạt trí tuệ, chính trị, kinh tế hay văn hóa của một quốc gia, thì người ta tìm ngay tờ báo của thủ đô hay thành phố lớn. Đọc sẽ biết ngay giới tinh hoa ở đó đang nghĩ gì, ưu tư cái gì, và làm được những gì? Nhưng kìa mở tờ báo của thủ đô các bạn ra, toàn thấy trồng rau muống, nuôi cá trê phi, hay mất vài nắp cống. Mà không hề thấy có bất kỳ sinh hoạt tư tưởng nào”. Sinh hoạt tư tưởng ư? Cấp trên ở trên pháp luật bao cấp hết mọi tinh hoa đỉnh cao trí tuệ phủ trùm xuống cho cấp dưới và dân chúng thực hiện rồi còn gì để bàn nữa. Cụ thể hơn, cấp trên còn giao cho Thông tấn xã Việt Nam in tin tức đại trà của các đài BBC, AFP, RFA… thành các tập tin cho cán bộ trung cấp đọc, rồi sao chế thành tin trên báo chí cho dân chúng đọc. Vậy đấy, cái thứ tin ở nước ngoài ai cũng được nghe, giờ qua cửa kiểm duyệt của cấp trên bỗng thành đặc sản phân phối cho cán bộ và dân chúng. Với lý do dân trí thấp. Đã dân trí thấp thì phải được ăn đồ thật để nâng cao chứ, tại sao lại ăn đồ giả, như vậy chẳng phải là “ngu dân” sao?

Kinh Thánh có câu “ở đâu không bàn bạc thì không có mưu sâu”, mọi quốc gia đều có ban tham mưu hay ban cố vấn chính là vậy. Quốc gia đó còn hùng mạnh hơn nếu tất cả mọi người được cuốn vào sự tham mưu hay cố vấn. Ở các nước Âu Mỹ, người ta rất chú trọng mở các cuộc thăm dò dân chúng chính là vậy. Và báo chí giúp ích cho bộ não là các nhà lãnh đạo quốc gia rất nhiều vì nó tạo ra những sở cứ cho kiến trúc vĩ mô ở thượng tầng tư tưởng.

Nhưng than ôi, báo chí là ngôn ngữ trực tiếp của trí tuệ ở Việt Nam lại được sinh ra để ca tụng và bảo vệ mọi việc làm của cấp trên, và như vậy hiển nhiên muốn chê bai việc gì người ta đành chĩa mũi xuống đám hành khất cù bơ cù bất đầu đường xó chợ. Kinh Thánh có câu, Chúa Trời bảo: Các ngươi cần chăm sóc những bộ phận thấp hèn của cơ thể, bởi lẽ các bộ phận trên cao tự nhiên đã cao quí, còn bộ phận bên dưới mới cần quan tâm đặc biệt.

Theo lẽ thường, thì báo chí tác động vào kiến trúc thượng tầng để phản tỉnh tạo ra hệ điều hành, và quan tâm tầng lớp dưới vì họ thấp hèn. Nhưng báo chí Việt Nam lâu nay lại làm ngược lại: cứ cấp trên mà ca tụng và quan tâm, thậm chí bảo vệ sống sít, còn cứ loại thấp cổ bé họng nào họp chợ ngang đường, nói tục chửi bậy, đánh thầy cô giáo mà tấn công… Nhưng than ôi, báo chí tác động vào hạng chân tay thì làm sao xã hội chuyển mình? Bộ phận thấp như hậu môn cứ đòi vào vệ sinh, chân cứ dẫm phải phân, tay thích sờ soạng… đó là thứ hạn chế “cơ sở” có đáng kể gì?! Còn lại cái cần tác động vào bộ não để nhìn xa trông rộng thì lại lờ tít đi, như vậy bao giờ báo chí mới góp phần tạo ra công lý, và làm cho mọi thảo dân được trở thành công dân của nhà nước lập hiến?

Có việc sờ sờ mới đây, sự kiện luật sư Cù Huy Hà Vũ không chỉ được thả khỏi trại giam, còn được cán bộ áp tải ra xe mở cửa sân bay xuất cảnh như đi chợ, sang Mỹ chữa bệnh… vậy mà báo chí cùng các cơ quan trước đây còn ào ào đổ tội cho ông, giờ lại nín bặt là cớ tại sao? Có phải như người Việt bảo “ngậm miệng ăn tiền” không? Một việc lớn như vậy tại sao lại cam im hơi lặng tiếng mà không biến thành của nhà làm được đưa tin sớm có phải có lãi không? Tại sao việc đào kép hở vai thì rào rào đưa? Chẳng phải là báo chí hướng xuống loại con hát thấp kém sao? Còn sự kiện một luật sư có thể tác động đến đời sống chính trị của quốc gia lại lờ tịt, chẳng phải là từ chối việc của kiến trúc thượng tầng sao? Hay là”danh không chính thì ngôn không thuận” nên không nói được?! Than ôi, một quốc gia 90 triệu dân vạm vỡ thế này mà danh không chính phải thả tù nhân kiểu “trộm thả” thì không biết có nên than không? Nhưng mà nếu quốc gia không xây dựng báo chí, ngôn ngữ, lập hiến, cũng như kiến trúc thượng tầng, thì có thể mãi mãi chúng ta chỉ là đông dân vai u thịt bắp mà thôi?!


NHĐ 14/04/2014

Tác giả gửi cho blog NTT

1 nhận xét:

  1. Nặc danh15/4/14 9:17 SA

    "Báo chí chính thức được ví như Quyền lực thứ tư..."
    Người ta đã vạch ra đây là ảo tưởng. Để có chứng minh cụ thể, xin trích fẫn câu dân gian bây giờ hay nói:
    - Cái tờ báo ấy chỉ đem chùi đít!

    Trả lờiXóa