Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Khi Mỹ trở nên cứng rắn khác thường

Cập nhật: 17:53 | 01/06/2014
Giữa Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ chiến lược “tái cân bằng” của Obama. 


Ông khẳng định, những nỗ lực chuyển dịch sự chú ý và tài nguyên về châu Á - Thái Bình Dương là “một thực tế” chứ không phải lý thuyết.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La


Người ta có thể coi điều này như bù đắp cho sự thiếu sót đáng ngạc nhiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama về chiến lược tái cân bằng - một trong những chính sách nổi bật của Nhà Trắng - trong bài phát biểu quan trọng hôm thứ tư tại một học viện quân sự Mỹ .

Trong bài phát biểu 46 phút, ông Obama nói nhiều về các nỗ lực chống khủng bố cũng như việc sử dụng đúng đắn lực lượng quân sự Mỹ. Nhưng ông lại nói tương đối ít về chính sách châu Á và không một lần đề cập tới các cụm từ “tái cân bằng” hay “xoay trục”.

Như vậy, tuyên bố của ông Hagel rõ ràng là sự trấn an kịp thời cho một khu vực bất an về cam kết của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng bài phát biểu của ông cũng gây sự chú ý, nếu không nói là đối đầu khi bình luận công khai về TQ. Đề cập tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa TQ và Philippines, VN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh tiến hành “các hoạt động đơn phương, gây mất ổn định” ví dụ như phong tỏa sự tiếp cận bãi cạn Scarborough hoặc triển khai giàn khoan trái phép trong vùng biển của VN.

Ông cũng chỉ trích TQ vì đã thành lập một vùng nhận diện phòng không ở vùng tranh chấp Hoa Đông vào tháng 11 trước. Ông Hagel nhấn mạnh: "Mọi quốc gia trong khu vực, gồm cả TQ, có một chọn lựa: hoặc đoàn kết và cam kết vì một trật tự khu vực ổn định, hoặc rời xa các cam kết ấy và đe dọa hòa bình, an ninh đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người ở khắp châu Á - Thái Bình Dương và hàng tỉ người trên toàn thế giới”. 

Trong bài phát biểu tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York hôm thứ tư, có thể là lần đầu tiên, ông Obama, đã đề cập đến kịch bản một cuộc xung đột ở Biển Đông có thể thu hút sự tham gia của quân đội Mỹ. Ông khẳng định, Mỹ cần dứt bỏ chính sách đứng ngoài cuộc và quân đội phải sẵn sàng chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng.

"Hành động gây hấn khu vực không được kiểm soát - dù là ở nam Ukraina hay Biển Đông, hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới - cuối cùng sẽ tác động tới các đồng minh của chúng ta, và quân đội của chúng ta sẽ phải vào cuộc”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Sự cứng rắn và mạnh mẽ khác thường của Mỹ dĩ nhiên đã khiến TQ “nóng mặt”. Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân TQ Vương Quán Trung đã lên tiếng đáp trả.

Tướng quân đội TQ Vương Quán Trung cho rằng ý kiến ​​Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là "không thể chấp nhận được". Ông cáo buộc Thủ tướng Nhật bản Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã bắt tay với nhau, “kẻ tung người hứng” để tấn công TQ. TQ cũng cáo buộc rằng những bài phát biểu của Mỹ và Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La 13 mang tính “khiêu khích”.

Đây không phải là lần đầu tiên TQ lên tiếng đáp trả Nhật Bản và Mỹ. Ngay sau bài phát biểu ngày 30/5 của Thủ tướng Nhật Bản, ông Vương Quán Trung đã công kích Nhật Bản là “sai lầm” và “vi phạm chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế”.

Tuy nhiên, đại diện phía TQ không đưa ra được lập luận nào để khẳng định đối phương “vi phạm chuẩn tắc quốc tế” như lời nước này cáo buộc.

Thái An(theo straitstimes, VOV)

Nguồn Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét