(TNO) Cuộc đấu tranh của giới trẻ Hồng Kông trở nên quyết liệt khi những người đứng đầu tuyên bố không dừng lại ở biểu tình ôn hòa nếu đặc khu trưởng không từ chức, tường thuật của Thanh Niên Online từ Hồng Kông.
Sau hai đêm xuống đường cùng giới trẻ Hồng Kông, tôi chứng kiến những người đứng đầu phong trào đòi dân chủ luôn giữ cho cuộc biểu tình mang tính bất bạo động (non-violence). Hừng hực, kiên quyết nhưng vẫn có kế hoạch dài lâu cho cuộc đấu tranh, những người trẻ ở đây đang cho thấy họ không dễ dàng bị khuất phục.
Họ có nhiều nhóm nhỏ cung cấp hậu cần bao gồm nước uống, bánh ngọt, khăn giấy, khẩu trang, lẫn kiếng chống hơi cay, các trạm sơ cứu. Họ dán các bảng thông báo nguyên tắc kháng nghị phi bạo lực, phản đối trong ôn hòa. Họ hướng dẫn cách xử lý khi bị cảnh sát giam giữ.
Người biểu tình tập trung tại Admiralty, khu vực tòa nhà chính quyền Hồng Kông -
Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Một số nhóm nhỏ hát bài Bạn có thể nghe mọi người hát? (Can you hear the people sing?) trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ (Les Miserables) với phiên bản tiếng Quảng Đông. Lời bài hát được viết lại nói về tổng tuyển cử tự do, cùng với dù (ô) tượng trưng cho sự phản kháng chống lại việc xịt hơi cay của cảnh sát, và ruy-băng vàng đã trở thành biểu tượng của giới trẻ Hồng Kông đòi dân chủ.
Một người tham gia biểu tình, 32 tuổi, cho tôi biết anh ta tự nguyện xuống đường cùng với các người bạn của mình. Anh đang đi làm nên không tham gia hội nhóm của học sinh, sinh viên. Anh mua trái cây, nước suối phân phát cho những người biểu tình khác. Người này thừa nhận hành động của anh xuất phát từ mong muốn dân chủ cho Hong Kong. Anh đòi chính phủ Trung Quốc phải thực hiện cam kết của mình, tức tổ chức tổng tuyển cử tự do thật sự cho Hồng Kông vào năm 2017.
Chung San Hào, sinh viên 21 tuổi, một thành viên tích cực trong nhóm lãnh đạo biểu tình cho hay phần lớn người biểu tình đều tự phát. Hành động của họ thể hiện sự giận dữ và bất mãn đối với Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh và chính quyền Bắc Kinh.
Người biểu tình phong toả các tuyến đường quan trọng ở Hồng Kông - Ảnh: Dao Phạm
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với giới trẻ. Ông Terrence Dương (Terrence Yeung), 49 tuổi, một nhà bình luận chính trị ở Hồng Kông, cho rằng đang có một khoảng cách thế hệ về cách nhìn nhận con đường đi tới dân chủ ở Hồng Kông. Tầng lớp trung niên và già cả ở Hồng Kông khá thực dụng, thích sự ổn định và tránh mọi nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Hồng Kông.
Ông Dương thừa nhận mình đại diện cho tầng lớp này. Ông nói với tôi rằng giới trẻ Hồng Kông hiện nay quá lý tưởng về chính trị và họ không có tầm nhìn dài hạn về tương lai Hồng Kông.
Quả thật, kinh tế Hồng Kông hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Vị trí trung tâm tài chính thứ ba trên thế giới sau London và New York của Hồng Kông hiện nay đang bị Singapore cạnh tranh mạnh mẽ. Hồng Kông đã mất vị trí cảng nhộn nhịp nhất thế giới vào tay Singapore vào năm 2005.
Hai năm sau đó, Thượng Hải đã đẩy Hồng Kông xuống vị trí thứ 3. Năm 2013, cảng Thẩm Quyến tiếp tục đẩy Hồng Kông xuống vị trí thứ 4. Các ngành dịch vụ mũi nhọn của Hồng Kông đang dần mất ưu thế so với trước đây. Ổn định kinh tế, thay vì đòi dân chủ, chính là mối ưu tư hàng đầu của nhiều người trong tầng lớp trung niên Hồng Kông hiện nay.
Sinh viên, học sinh Hồng Kông đang viết các thông điệp trên đường phố. - Ảnh: Dao Phạm
Đêm cuối tháng 9, trời đổ mưa nhưng không làm cho không khí Hồng Kông bớt oi bức hơn. Hàng chục ngàn người trẻ, mặc áo thun đen đính ruy-băng màu vàng đổ xô về khu trung tâm hành chính nằm khoảng giữa hai trạm tàu điện ngầm Admiralty và Central.
Họ hô vang khẩu hiệu đòi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức và quyền tự lựa chọn ứng cử viên cho cuộc tổng tuyển cử Đặc khu trưởng vào năm 2017 thay vì dựa trên danh sách cho Trung Quốc lựa chọn.
Cuộc xuống đường, biểu tình ngồi (sit-in) trước tòa nhà chính quyền của học sinh, sinh viên Hồng Kông lần này được xem lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Hồng Kông. Cuộc biểu tình lan sang khu mua sắm đông đúc Mongkok bên bán đảo Cửu Long sau khi cảnh sát chống bạo động xịt hơi cay vào nhóm sinh viên biểu tình vào tối 28.9.
Người biểu tình quyết phong toả đường phố cho đến khi có kết quả - Ảnh: Dao Phạm
Tổng thư ký Tổng hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) Alex Chow và lãnh đạo Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) của nhóm học sinh trung học Học Dân Tư Triều (Scholarism) tuyên bố nếu đặc khu Trưởng Lương Chấn Anh không từ chức, hai nhóm này sẽ kêu gọi thêm nhiều người hơn xuống đường và không chỉ dừng lại ở biểu tình ôn hòa.
Giới trẻ Hồng Kông bất tuân dân sự (civil disobedience) ngày càng mạnh mẽ. Trước đó, tháng 9.2012, Hoàng Chi Phong, lúc mới 15 tuổi, đã tổ chức nhóm Scholarism phản đối chương trình cải cách Giáo dục Công Dân và Đạo Đức, được cho mang tính tẩy não học sinh, thu hút khoảng 100 ngàn người tham gia.
Tháng 7.2014, hai nhóm học sinh sinh viên tổ chức biểu tình ngồi qua đêm (overnight sit-in), nhằm “chiếm giữ” khu trung tâm tài chính, dẫn đến việc cảnh sát bắt hơn 500 người vì tội tụ tập bất hợp pháp và cản trở người thi hành công vụ.
Việc chính quyền Hồng Kông hiện nay chưa tỏ dấu hiệu nhượng bộ bất kỳ yêu sách nào từ những người biểu tình cho thấy tương lai Hồng Kông sẽ còn nhiều cuộc biểu tình khác.
Nguyễn Thành Trung (từ Hồng Kông)
Nguồn: Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét