PV (VNTB) - “Lực lượng cứu hộ Nhà nước ra lâu lắm, ở đây lâu lắm. Tàu nhà cô gặp chuyện cô lên kêu khóc mà họ còn hẹn hò ngày mai” - ngư dân Huỳnh Thị An (Khánh Hòa) cho biết.
Ngoài việc giong buồm ra khơi để mưu cầu cuộc sống thì người ngư dân còn góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông, đây là giá trị thiêng liêng đích thực mà bất cứ người ngư dân nào cũng hãnh diện. Thế nhưng, để giữ được giá trị thiêng liêng này thì không phải ai cũng nghĩ đến cái giá phải trả của người ngư dân sau mỗi chuyến đi biển, những khó khăn như gió bão, thuyền hư hỏng giữa biển và đặc biệt đối diện hiểm nguy từ tàu thuyền nước ngoài đem lại…như là những câu chuyện thường ngày mà họ kể.
Thuận lợi và xui rủi chuyến đi biển
Việt Nam Thời Báo (VNTB) có mặt tại Đà Nẵng để ghi nhận những lời chia sẻ của anh ngư dân Nguyễn Văn Hoan. Theo anh Hoan thì thường một chuyến đi đánh bắt xa bờ cỡ khoảng 15 ngày, chi phí xăng dầu, đá, mua sắm các vật dụng khác cỡ khoảng 300 triệu đổ lại cho mỗi chuyến đi và chi phí thu lại khi về thì tùy thuộc vào sự thuận lợi, may mắn trúng chuyến hay không rồi mới biết mình có lời ít hay nhiều, đôi khi cũng có lỗ nhưng trường hợp lỗ thì rất ít nên ngư dân cũng lạc quan cho việc đi biển. Lời của anh Hoan.
“Tùy chuyến đi, có khi thu được 500 triệu và cũng có khi ít hơn hoặc lỗ nhưng khả năng lỗ rất ít”.
Ngư trường mà tàu của anh Hoan đánh bắt là ở Vịnh Bắc Bộ, ngoài việc phải đối diện những trở ngại khó khăn thường xuyên về thời tiết như mưa bão, gió giật… thì còn có trở ngại máy móc bị hư hỏng đột xuất giữa biển khơi. Tuy vậy, nhờ tàu có trang bị máy định vị tốt về ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc nên giúp cho tàu của anh Hoan luôn hoạt động chủ yếu nằm hẳn trong vùng biển Việt Nam an toàn, đỡ khó khăn hơn khi phải đối diện với tàu bè nước ngoài. Ở những vị trí còn tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa thì tàu thuyền Việt Nam thường gặp nguy hiểm.
Ngư dân tên Huỳnh Thị An ở Khánh Hòa. Ảnh: KTS - VNTB
“Những trường hợp tàu mình bị tàu Trung Quốc đâm chìm là do mình đánh ngoài khơi, sát vùng biên giới biển của Trung Quốc khoảng 119, 120 độ Kinh Đông, ở các vùng Hoàng Sa, Trường Sa là những nơi dễ bị tai nạn,” anh Hoan cho hay.
Yên ổn trong chuyến đi biển, tàu của anh Hoan ngược lại còn điện báo giúp cho biên phòng, hải quân Việt Nam biết được việc khi nào có tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam.
“Trong quá trình đánh bắt có gặp tàu Trung Quốc nhưng chưa thấy hắn gây hại gì cho tàu của mình, đây là trường hợp tàu của hắn (tàu Trung Quốc) đánh bắt trong vùng biển của mình có khi chú gọi điện về biên phòng của mình để nhờ ra đuổi,” anh Hoan nói.
Có lẽ, không phải tàu thuyền nào cũng giong buồm ra khơi được thuận lợi, may mắn như tàu của anh Hoan bởi VNTB có được sự chia sẻ của một gia đình ngư dân tên Huỳnh Thị An ở Khánh Hòa hiện có hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Cô An chia sẻ mình có 2 người con trai đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, nơi các đảo thuộc 113, 114, 115 kinh độ Đông.
“Một năm có 12 tháng thì mình đi 11 tháng tương đương với 11 chuyến, mỗi lần đi khoảng hăm mấy ngày về. Nghỉ một tháng để làm lại chiếc tàu,” cô An chia sẻ.
Năm 2014, tàu của gia đình cô An không may bị tàu Trung Quốc đâm vỡ, hư hỏng nặng, ngoài chút dầu cặn còn sót lại đủ chạy vào đảo Song Tử Tây lánh nạn thì tài sản ngư cụ bị phía tàu Trung Quốc cướp sạch. Cô cho biết:
“Lúc ấy trong tàu của cô còn chút dầu cặn chạy về được đảo Song Tử Tây. Tổng đài gọi ông trưởng đảo ra hướng dẫn tàu vào đảo trú đậu may là cũng lọt chứ lỡ xuống gió, bão tới thì sao? Nguy hiểm lắm!”
Trong rủi còn có chút may mắn là hai người con trai của cô An và các thuyền viên trên tàu ngoài việc bị phía Trung Quốc đánh đập thì vẫn còn giữ được mạng sống.
“May phước là tàu của cô còn, hư hỏng một bên thì cô sửa, người cũng còn nên cô cũng mừng. Mình đi biển không muốn gặp rủi ro nhưng gặp mấy thằng Trung Quốc nó làm tùm lum... tàu mình đậu nó (tàu Trung Quốc) tới húc”. Cô An bức xúc nói.
Lực lượng bảo vệ vùng biển làm gì?
Cả anh Hoan cũng như cô An thừa nhận những chuyến đánh bắt xa bờ, tàu thuyền Việt Nam thường hay bị tàu nước ngoài sách nhiễu, gây khó khăn và nguy hiểm chủ yếu là tàu thuyền từ phía Trung Quốc. Đã vậy, tàu thuyền Trung Quốc lúc nào cũng đông hơn, trang bị mã lực máy tốt hơn tàu thuyền Việt Nam nên họ không hề sợ gì trước những cảnh báo vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam từ phía lực lượng Biên phòng, Hải quân Việt Nam.
“Biên phòng mình có ra cũng chỉ đuổi tàu Trung Quốc thôi chứ không bắt bớ gì. Vừa rồi có 5 chiếc tàu Trung Quốc vào vùng biển mình bị Biên phòng, hải quân ra đuổi nhưng đuổi ban ngày thì ban đêm nó vào lại,” anh Hoan chia sẻ.
Cô An tiếp lời: “nó làm ầm ngoài biển ấy,”
Những lúc như thế này thì nhờ những bạn tàu đánh bắt xung quanh đến giúp đỡ là chủ yếu bởi có gọi về gia đình cũng rất khó và gia đình có gọi ra cũng không được.
Cô An nói lúc tàu của gia đình gặp nạn đáp vào đảo Song Tử Tây, may nhờ có những bạn tàu giúp đỡ ít tiền bạc để gửi ra đảo mua dầu mới có thể chạy về được. Còn nhờ sự giúp đỡ từ phía lực lượng biên phòng, hải quân thì e không kịp đó là chưa nói gặp phải lúc điện thoại mất sóng thì mất hoàn toàn liên lạc.
“Nếu tàu Trung Quốc nó đuổi, uy hiếp mình chắc biên phòng, hải quân mình ra cũng không kịp. Nếu tàu mình có gọi báo về Biên phòng, Hải quân thì mình cũng phải nắm bắt đường dây điện thoại và phải có sóng (sóng điện thoại) mới gọi được, cho nên mình lệ thuộc vào điều này,” lời chia sẻ của anh Hoan.
Còn cô An thì than phiền cách phản ứng cứu nạn, giúp đỡ ngư dân đi biển của lực lượng bảo vệ vùng biển nói chung.
“Lực lượng cứu hộ Nhà nước ra lâu lắm, ở đây lâu lắm. Tàu nhà cô gặp chuyện cô lên kêu khóc mà họ còn hẹn hò ngày mai. Ghe mình gặp chuyện mà điện ra đảo để mấy ổng cho mình ít dầu chạy về thì không có đâu. Không có chuyện đó đâu. Đã vậy mấy ổng còn tung hô là tiền mấy ổng cho nữa mới chết chứ ” cô An bày tỏ.
Cả Anh Hoan và cô An đều mong muốn Nhà nước, Chính phủ quan tâm, giúp đỡ hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để ngư dân được thuận lợi hơn trong mỗi chuyến đi biển góp phần bảo vệ biển đảo và an tâm phần nào lúc gặp lúc khó khăn, nguy hiểm. Một hành động thiết thực dù nhỏ vẫn còn ý nghĩa tình người hơn trăm vạn lời nói hay mà không thật lòng. Đừng để ngư dân rơi vào tình cảnh chỉ những người cùng cảnh ngộ mới biết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi sau những chuyến đi không thuận lợi thì không ít ngư dân lâm vào cảnh nợ nần.
“Cô mắc nợ Nhà nước mấy trăm triệu mà gặp cảnh này cô cũng sống không nổi luôn”. Cô An than vắn thở dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét