Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Thường trực Ban bí thư: Làm rõ việc 12 bộ đồng ý cấp phép 70 năm cho Formosa

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát lại toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa Hà Tĩnh.



Ngày 4/8, ông Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư) tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng để thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.

Tại đây, nhiều cử tri đề cập sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra. "Nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự nói trên báo rằng việc ký quyết định cấp phép Formosa đầu tư 70 năm đã được 12 bộ ngành đồng ý. Nay xảy ra sự cố nghiêm trọng sao chưa thấy làm rõ trách nhiệm", cử tri Trà Thanh Lợi (quận Sơn Trà) nêu vấn đề.

Ông Đinh Thế Huynh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải để xử lý những cá nhân vi phạm; bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan nào đánh giá tác động môi trường, hệ thống giám sát, quan trắc...

Thường trực Ban bí thư cho rằng, ông Võ Kim Cự nói ký quyết định vì có 12 bộ ngành đồng ý thì cần kiểm tra lại xem có đúng như vậy. "Không thể có chuyện anh lên báo nói mấy câu là xong việc, cứ để kiểm tra làm rõ. Luật quy định thời hạn 50 năm, chỉ có đặc biệt mới 70 năm. Phải kiểm tra xem trường hợp Formosa có đặc biệt không", ông Huynh nói.



Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh tại cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng sáng 4/8. Ảnh: N.Đ.


Đánh giá sự cố Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung là rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: "Sự cố Formosa là bài học đau xót. Chúng ta không được quên rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường".

Cử tri Nguyễn Thanh Quang (quận Hải Châu) nêu băn khoăn thực hiện chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân miền Trung bị ảnh hưởng từ sự cố Formosa, thì những người bao đời nay quen với nghề đánh bắt hải sản sẽ làm gì? Ông Đinh Thế Huynh cho biết đã có chủ trương hỗ trợ ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ hoặc chuyển đổi làm công tác hậu cần nghề cá. Đối với Formosa, nếu tái phạm sẽ bị đóng cửa.


Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.


Nguyễn Đông
vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét