Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Phúc thẩm anh Minh: Bài ca dao cũ và câu chuyện Tân Hiệp Phát

Phạm Tuân


(VNTB) - Câu chuyện Tân Hiệp Phát, anh Minh và con ruồi, gần giống như các nhân vật trong bài ca dao cổ, có điều anh Bờm thời đại thì đi tù với mức án 7 năm, còn tay trọc phú kia thì bị phỉ nhổ tẩy chay có khi dẫn đến phá sản. 

Kết quả hình ảnh cho hinh anh xử minh tân hiệp phát 

Có một bài ca dao cổ mà gần như 100% người Việt Nam đều thuộc, đó là bài ca dao Thằng Bờm Có Cái Quạt Mo. Cái sự ngu như Bờm được người ta mang ra chế diễu mọi lúc, mọi nơi câu nói:" sao mày Bờm thế" thành câu cửa miệng khi diễu nhau làm việc gì đó bị cho là dại. Nhiều lần đọc đi đọc lại bài ca dao này và băn khoăn mãi về ý nghĩa của nó bỗng một lúc ngộ ra điều cha ông nhắn gửi.

Phú ông, một tay đại diện cho thế lực của tiền bạc, với khả năng của ông ta nén bạc đâm toạc tờ giấy là chuyện bình thường. 

Anh Bờm đại diện cho nghèo khó, cái thứ vừa nhọ vừa thâm, không có nổi chinh kẽm giắt lưng. 

Anh Bờm có cái quạt mo và phú ông thích nó. Cả hai vào cuộc mặc cả trao đổi, thương vụ mua bán bắt đầu, tay nhà giàu kia chơi rất đẹp, chi mạnh, chi nhiều quyết mua cho được, từ ba bò, chín trâu, đến ao cá, hạ dần đến bè gỗ lim... Nhưng cái gì Bờm cũng lắc, cuộc mua bán xong xuôi hai bên vui vẻ khi quạt mo trao tay, hòn xôi nhận về. 

Văn minh thương mại tuyệt vời, cái kẻ mạnh nói có người nghe, đe có người sợ kia không cậy thế cướp đi cái quạt mo của anh Bờm thích thì chơi, thích thì xuống tiền. Anh Bờm nghèo, nhưng nhớ câu đói cho sạch, rách cho thơm, chỉ lấy đúng hòn xôi là thứ ngang bằng giá trị, không vì người ta thích mà ép giá. 

Một bên giữ được phẩm giá, một bên giữ được danh tiếng không cậy mạnh bắt nạt yếu... 

Thông điệp sâu xa, thâm thuý, hàng ngày đọc khơi khơi nhưng mấy ai hiểu được, chỉ khi đi sống đủ một khoảng mới nhận ra. 

Câu chuyện Tân Hiệp Phát, anh Minh và con ruồi, gần giống như các nhân vật trong bài ca dao cổ, có điều anh Bờm thời đại thì đi tù với mức án 7 năm, còn tay trọc phú kia thì bị phỉ nhổ tẩy chay có khi dẫn đến phá sản. 

Chuyện con ruồi, nhỏ mà không nhỏ, những khóc cười quanh nó phản ánh một xã hội lắm người nhiều thứ... khốn nạn đến mức trở nên bình thường. 

Cái lý anh Minh mua chai nước nên nó là của anh Minh, bán đi hay làm gì đó là quyền của anh Minh, bán bao nhiêu là do thuận mua, vừa bán... thoạt nghe có vẻ ổn, tuy nhiên cái con ruồi và mức 500 triệu, trục lợi khi lẽ ra thông tin này phải được công khai để bảo vệ cộng đồng,cho thấy đồng tiền đã là một thước đo lấn át các thước đo đạo đức. Với anh Minh trong vụ án này, cái có thể bào chữa duy nhất đó là sự thiếu hiểu biết gây nên tội mà thôi... Lòng tham cũng do nhận thức mà ra cả. 

Với anh trọc phú Tân Hiệp Phát, cách dùng bẫy đưa anh Minh vào lao lý, dùng bạc tiền để thể hiện uy quyền thật khốn nạn, nó nói lên cái tầm của những tay nhiều tiền, nhưng nghèo đủ thứ, bọn họ nghèo đến mức chẳng có gì ngoài tiền. 

Con ruồi, hám ngọt kia mới thật có công. Theo dấu nó người ta biết nhiều thứ Tân Hiệp Phát che đậy, biết rằng người ta bị lừa khi tiêu dùng thứ sản phẩm bạn của tiêu chảy, biết chân dung một ông trùm, và nhiều ông trùm khác đứng sau. 

Con ruồi cho người ta thấy nền tư pháp của đất nước này được cầm cân nảy mực thế nào, những gương mặt đại diện cho luật pháp có trình độ đến đâu... 

Con ruồi làm nên những suy tư, trăn trở, khóc cười thời đại...mất gốc. 

Những câu chuyện như Tân Hiệp Phát, anh Minh, và chú ruồi thật buồn lại là thứ nhan nhản trong thời đại đỉnh cao này, nó âm thầm, lặng lẽ len lỏi trong các ngóc ngách đời sống, khi đạo đức suy đồi, thì ma giáo thắng thế... âm thịnh dương suy của một giai đoạn âm cũng như trần thôi mà. 

Bao giờ cho đến ngày xưa, cái thời người ta sống, làm việc theo tục ngữ, ca dao, dân ca... cái thời những tay giàu có thì hào hoa, những người khó biết câu :" giấy rách phải giữ lấy lề". 


Lời bàn cuối xin dẫn lời nhà báo Nguyễn Huy Cường :" KIÊN QUYẾT KHÔNG DÙNG SẢN PHẨM CỦA NGƯỜI KHÔNG LƯƠNG THIỆN LÀM RA KỂ CẢ KHI NÓ TỐT".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét