Hôm qua, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị tuyên phạt 10 năm tù theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, một điều luật “vô địch” ở Đông Nam Á về mức hình phạt dành cho tội phỉ báng.
Điều 88 phạt tù tối đa lên đến 20 năm đối với những ai “tuyên truyền chống nhà nước”, bao gồm các hành vi phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, lưu giữ và lan truyền các tài liệu chống nhà nước.
Với hình phạt 20 năm tù giam, Điều 88 đang là điều luật phạt tội phỉ báng nặng nhất Đông Nam Á. BLHS sửa đổi năm 2015 không thay đổi mức hình phạt này.
Ở Đông Nam Á, chỉ có nhà nước Việt Nam và Lào buộc tội công dân phỉ báng chính quyền. Tuy nhiên, hình phạt cho tội phỉ báng chính quyền ở Lào thấp hơn Việt Nam bốn lần: tối đa 05 năm tù giam và phạt tiền.
Riêng Thái Lan phạt tù lên đến 15 năm đối những ai phỉ báng, nhục mạ, đe dọa đến vua, hoàng hậu, người thừa kế hay nhiếp chính vương, nhưng phải có người nộp đơn tố cáo.
Theo báo Công an Nhân dân, từ năm 2005 đến tháng 11/2015, cơ quan An ninh điều tra đã điều tra và khởi tố 155 bị can theo Điều 88 BLHS.
Theo thông tin từ báo chí, từ năm ngoái đến nay, cơ quan An Ninh điều tra đã bắt 05 người theo Điều 88 BLHS, blogger Mẹ Nấm là người bị xét xử đầu tiên.
Ba nước phạt tội phỉ báng nhẹ nhất
Cambodia là nước duy nhất không hình sự hóa tội phỉ báng ở Đông Nam Á.
Hiện nay, tội phỉ báng ở Cambodia chỉ bị phạt tiền từ 25 đô la đến 2.500 đô la và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hành vi phỉ báng lại được mở rộng ra, khiến ai cũng có thể bị kiện.
Điều luật trước đó quy định một hành vi được coi là phỉ báng phải “thực sự tổn hại” đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, trong khi điều luật mới chỉ cần “có khả năng” xảy ra thì đã bị coi là phỉ báng người khác.
Mặt khác, mức phạt tiền trên vượt quá khả năng chi trả của nhiều người, khi mức bình quân thu nhập đầu người ở Cambodia là 100 đô la mỗi tháng. Nếu không trả được tiền phạt, người phạm tội phải ngồi tù nhiều nhất là sáu tháng.
Đầu năm nay, lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy bị Thủ tướng Hunsen kiện đòi bồi thườngmột triệu đô la vì cáo buộc ông Hunsen hối lộ để phá hoại các hoạt động của đảng đối lập. Đến nay, Sam Rainsy vẫn đang lưu vong ở nước ngoài.
Tội phỉ báng ở Singapore và Malaysia có cùng mức hình phạt tối đa là hai năm tù giam hoặc phạt tiền, hoặc cả hai. Ngoài ra, việc xuất bản các tin tức sai sự thật (false news) ở Maylaysia sẽ bị phạt tù không quá ba năm hoặc bị phạt tiền, hoặc cả hai.
Tội phỉ báng ở Myanmar và các nước khác
Một điều luật nổi tiếng ở Myanmar gần đây được sử dụng tùy tiện để bỏ tù các nhà báo là Điều 66 (d) Đạo luật Viễn thông (Telecommunication Law). Điều luật này phạt tù đến ba năm hoặc phạt tiền đối với những ai sử dụng mạng viễn thông để phỉ báng, gây phiền phức đến người khác.
Đa số người bị buộc tội là các nhà báo, nghệ sĩ, quan chức có những bài viết, tranh ảnh làm phật lòng giới quân sự. Giới truyền thông của Myanmar đang lo ngại vì các nhà báo bị bắt ngày càng nhiều, tự do ngôn luận đang bị bóp nghẹt dưới thời chính quyền của bà Ang San Suu Kyi.
Indonesia đang áp dụng sáu điều luật về tội phỉ báng cá nhân và tôn giáo, thường được các quan chức sử dụng để hạn chế tự do ngôn luận.
Theo Bộ luật Hình sự Indonesia, hình phạt nặng nhất cho tội vu khống là bốn năm tù giam; nhẹ nhất là một tháng-hai tuần tù giam khi phỉ báng bằng hình ảnh, chữ viết trong các cuộc biểu tình. Riêng hành vi sỉ nhục, phỉ báng trên Internet bị phạt tù không quá sáu năm hoặc phạt đến hơn 100.000 đô la, hoặc cả hai.
Năm 2009, một quan chức sở giáo dục đã kiện một nhóm sinh viên ra tòa sau khi nhóm này biểu tình lên án ông tham nhũng.
Tháng 5/2017, thị trưởng Jarkata, một người theo đạo Công giáo, ông Basuki Tjahaja Purnama, bị tuyên phạt hai năm tù vì tội báng bổ tôn giáo sau khi diễn đạt sai lệch kinh Koran.
Ở Philippines, tội phỉ báng bằng lời nói bị phạt tù tối đa là sáu tháng-một ngày; tội phỉ báng bằng hình thức khác như viết, vẽ, phát thanh, sử dụng Internet bị phạt tối đa không quá bốn năm-hai tháng tù giam.
Vương quốc Brunei phạt tội phỉ báng không quá 05 năm tù giam và phạt tiền.
Tài liệu tham khảo:
Các Bộ luật Hình sự của các nước đã đính kém trong bài viết.
Luật khoa tạp chí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét