Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Thêm một tiếng nói dứt khoát, minh bạch cùng đồng bào yêu quý trước sự khiêu khích từ phương Bắc

Nguyễn Thanh Văn

Tí mưa thu Sài Gòn bất chợt lúc sắp sang trưa còn lâm thâm lúc anh Hoàng Dũng và tôi từ “café 1” qua “café 2”. Tiếp tục người ăn, người uống chút đỉnh trước khi quẳng xe, cuốc bộ tới điểm hẹn. Bên kia là toà lãnh sự Trung Quốc, cơ quan đại diện cho một quốc gia láng giềng chung gần một ngàn ba trăm km biên giới đất liền, đất nước lẽ ra nên xoá hận thù xưa, cùng chung sống hoà bình, thân thiện. Oái ăm thay lại là cái tên đang ám ảnh mỗi người Việt Nam vì mùi vị chính sách bành trướng cổ xưa, ma mãnh, hiếu chiến và thâm hiểm mà mới nhất, nóng hổi nhất là vụ Bãi Tư Chính.

Ở thành phố xe gắn máy (the city of motorbikes) này, đặc biệt lúc lất phất mưa, rất ít người đi bộ. Hôm nay trong số ít đó có nhóm anh em đã hẹn cùng nhau có một hành động công khai – trước hết có tính biểu tượng – chống lại hành vi võ biền và ngạo mạn của hoàng đế và đế quốc Trung Hoa.

Cận giờ G, tất cả đã có mặt, trừ anh Huỳnh Tấn Mẫm. Những khuôn mặt quen thuộc: các anh Lê Công Giàu, Hà Thúc Huy, Võ Văn Thôn, Tô Lê Sơn, … – đã dặn trước đi qua cứ lờ nhau, nhưng thấy mặt rất mừng, không đứng lại nhưng tôi vẫn đập vai một anh bạn một cú thiệt mạnh. Cảm xúc nhất là hình ảnh bác Tương Lai từ xe hơi bước xuống, tay cầm khư khư một túi ni lông đen, bình thản và thân mật nắm tay anh em, đối lại là y phục tề chỉnh và dáng vẻ uy nghi đã thành phong cách và phong độ.

Anh Lê Công Giàu báo trong 1, 2 phút nữa anh Mẫm sẽ tới. Có tiếng nói “Có người gọi công an!”. Hoàng Dũng nói với bác Tương Lai “Bắt đầu ngay kẻo sinh chuyện”. Thiệt may người cuối cùng, anh Huỳnh Tấn Mẫm, vừa kịp trờ tới.

Biểu ngữ! - Có ngay, được lôi ra từ dưới áo trong của Hoàng Dũng: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”. Băng quàng vai? – Có sẵn: “China go out!”. Hoá ra chính là thứ nằm gọn trong cái shopping-bag màu đen của bác Tương Lai.

Không nhiều người mà chuyên nghiệp… biểu tình lắm. Biểu ngữ căng ra, anh Huy giữ chặt một bên và người giấu biểu ngữ “trong lòng” một bên. Tôi – theo đúng phân công – phát băng quàng vai và ghim băng lại cho mọi người thật nhanh. Một người thoát ra, chụp nhanh một loạt hình. Bác Tương Lai – tuổi U-90! – lại là người nhắc tất cả từ tốn, trầm tĩnh. Nụ cười đạt chuẩn “trầm tĩnh” bác Tương Lai đề ra của anh Lê Công Giàu thậm chí có cả vẻ hóm hỉnh (nghĩa là… tỉnh bơ!).


Người đi đường giảm tốc độ, người liếc nhanh nhóm anh em, người hướng mắt đọc biểu ngữ – lúc đó trời quang hẳn – và những khẩu hiệu được hô to, dứt khoát, minh bạch.

-Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam!

-Đả đảo Trung Quốc xâm lược!

-China go out!

-Trung Quốc rút ngay ra khỏi biển đảo Việt Nam!

Nắm tay của anh em đưa cao, đồng loạt trước mắt đầy tính biểu tượng. Có nắm tay của các anh một thời lãnh đạo phong trào đòi hỏi hoà bình, chống lại quân phiệt miền Nam nay đứng lên chống độc tài kiểu mới, đòi hỏi dân chủ. Có cánh tay của người từng tin vào một đảng của tập thể vì dân tộc mà tranh đấu, thậm chí có khi từng đặt lòng tin vào liên minh đồng chí - láng giềng, nay đã nhìn thấu suốt sự phá sản của một giáo điều của những con người “thà mất nước hơn mất đảng” theo gợi ý của kẻ ngày đêm lăm lăm thôn tính và nô lệ hoá đất nước cha ông ta để lại. Và cả nắm tay của người trưởng thành thời kì hậu chiến xa dần thứ lý thuyết quá khích “chọn một trong hai”, chiêm nghiệm và chắt lọc giá trị của cõi giới đa nguyên mà đấu tranh và tiến bước.

Bóng một cán bộ công an sáp gần, giữa tiếng hô to nghe loáng thoáng cái ý quen thuộc của lãnh đạo đảng và nhà nước “đã có chính quyền giải quyết…”. Bác Tương Lai sộc thẳng tới, kề mặt, quát “…bỏ cái chính quyền nhà anh qua một bên… Hừ, cái chính quyền nhà anh làm gì được cái vụ chiếm biển đảo của bọn Trung Quốc nào!”. Từ chỗ đứng trong hàng, tôi – giọng còn khá tốt – quát to theo “Thế công an các anh, các anh đã làm gì khi Trung Quốc chiếm đất, chiếm biển đảo của cha ông các anh!”. Bác Tương Lai vươn tay về phía ngực viên công an, xua lùi lại. Có lẽ bất ngờ – và có phần chắc đuối lý – anh ta bước lui, lùi cả xuống lòng đường. Tiếc cho các lớp trí thức và giới trẻ không chứng kiến thước phim ngắn đầy lẫm liệt này!

Một anh em nhắc “Đạt mục tiêu rồi!”. Những cái nắm tay nhanh mà chặt giữa những người anh em không cùng máu mủ, họ hàng. Sống mũi tôi chợt cay cay.


*

Hỡi đế quốc Trung Hoa, hãy đọc lại lịch sử! Đừng nhận thức sức mạnh và tư cách Việt Nam qua dáng quỳ của Lê Chiêu Thống và Mạc Đăng Dung. Thử cầu cơ, gọi hồn Hoằng Tháo, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng… lên hỏi ý kiến trước khi manh động.

Trái tim Việt trong ngót trăm triệu người đang tất bật, vật vã vì chuyện cơm áo tư riêng hàng ngày – kể cả xa xôi đất lạ quê người – thực ra chưa từng thôi nồng nàn, âu lo cho tồn vong của dân tộc. Đừng khích động những tia lửa hoá thành biển lửa, điều mà cái mảnh đất các người vẫn ngoan cố xem là bọn man di nhỏ bé từng dạy những bài học lịch sử nhớ đời.

Ôi, Quê Hương – Quê Hương xinh đẹp, anh hùng, bi thương mà tủi cực của chúng con! Xin Người cũng đừng quên bài học cho chính mình. Xin Người cẩn trọng nhắc nhở, dạy dỗ cho con cháu của Người phải biết căm phẫn cả bọn ngoại xâm tàn độc lẫn bọn đồng bào chuyên phản bội, hiếp đáp người cùng tông cùng giống. Người dạy sao cho con cháu Người thấm thía rằng trục lợi mồ hôi các tầng lớp nhân dân trong thời bình và tận dụng máu xương đồng bào trong chiến tranh hoá ra chỉ để xây đài cho cao, đào kho cho rộng phục vụ bản thân, họ tộc nhà mình thì chỉ là một đám Việt gian vô sỉ, chính xác là kẻ thù của cả dân tộc, dù chúng có xưng mình là lãnh tụ, là anh hùng. Và Người hãy phù trợ cho con cháu một sức mạnh đánh đổ tất cả bọn xâm lăng quỉ quyệt cùng một nội lực tiến hành thành công cuộc chiến đấu cho mọi giá trị dân chủ và công bằng, chiến thắng cho kì được thứ giáo lý tự ban bố đặc quyền, siêu quyền cho tập đoàn, bè đảng và cướp khống quyền lợi, dân quyền, nhân quyền và của cải của lê dân.

Mọi cuộc đấu tranh, hoan hô đả đảo – dù đối tượng ngoài nước hay trong nước – e có phần vô nghĩa nếu không đi tới được lý tưởng cuối cùng!

Sài Gòn 11.8. 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét