NGUYỄN
TƯỜNG THỤY
Sau
khi Trung Quốc cấm pháo thì sau đó năm 1995 Việt Nam cũng cấm pháo. Từ đó, giảm
đi hẳn không khí tết và tết đến một cách dửng dưng.
Tết
xưa vào khoảng giữa Tháng Chạp, tiếng pháo đã đì đùng đây đó, càng những ngày
sau càng dồn dập hơn và đồng loạt nổ vào lúc giao thừa. Rồi tiếng pháo rải rác
cho đến tận mùng 10 âm lịch như thể muốn kéo tết lại.
Những
năm đó, miền Bắc Việt Nam nghèo đói thê thảm. Ấy là thời kỳ “Dân có ruộng dập dìu hợp tác. Lúa mượt đồng
ấm áp làng quê” (Tố Hữu). Tuy vậy người dân vẫn dành tiền đốt pháo trong dịp
tết Nguyên Đán vì đó là tết cổ truyền của dân tộc mà pháo là thú chơi không thể
thiếu. Gọi xuân về không có gì truyền cảm, thôi thúc bằng tiếng pháo.
Có
câu đối không biết xuất hiện từ bao giờ và không biết ai là tác giả, nhắc đến
những hương vị ngày tết:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Với
lũ trẻ con chúng tôi, tiếng pháo có sức biểu tượng cho ngày tết hơn cả bánh
chưng, thịt mỡ dưa hành, câu đối. Tôi lớn lên thấy cảnh nhà cũng như làng xóm
nghèo lắm. Vì đói quá mà lũ trẻ chúng tôi càng háo hức tết bởi tết được ăn thịt
và được cơm no hơn mọi ngày, chẳng biết để ý đến nỗi lo thắt ruột của bố mẹ. Mẹ
tôi mỗi khi bế tắc trong việc lo miếng ăn cho con mà chảy cả nước mắt còn chúng
tôi thì cứ vô tư.
Nhưng
pháo vẫn là thứ chúng tôi say mê. Có được đồng mừng tuổi nào đem mua pháo.
Không mua được cả bánh thì mua lẻ, 1 hào được 5 quả pháo tép. Pháo lớn hơn là
pháo đùng, pháo cối nhưng vượt quá “khả năng kinh tế” của chúng tôi nên không
dám mơ.
Đi
mót pháo cũng là thú vui. Sở dĩ có pháo để mót vì mỗi tràng pháo thường không nổ hết, còn sót lại
vài ba quả.
Không
có pháo thì làm ra từ que diêm. Diêm phải mua, nếu không mua được cả bao thì
mua lẻ. Diêm mậu dịch phân phối cho mỗi nhà giá 1 hào 1 bao, còn mua của nhau
thì đắt hơn và phải chịu giá lẻ của “thị trường đen”, 1 xu được 5 que. Nhặt một
cái đinh 5 phân, đục ngưỡng cửa gỗ ra một lỗ, cạo thuốc ở đầu que diêm và cấu 1
ít giấy thủy mầu nâu ở hai cạnh bao diêm bỏ vào (vì không có giấy thủy thì “pháo”
không kêu). Xong cắm đinh rồi lấy thanh gỗ chắc hay hòn gạch đập vào đít cái
đinh, kêu “tẹt” một cái cũng vui. Vì vậy, ngưỡng cửa nào cũng bị chúng tôi đục
be bét.
Muốn
thú hơn và có tiền thì mua một cái van xe đạp cũ độ 1 hào làm buồng nổ. Cũng có
thể lấy đầu đạn khoét lỗ sao cho vừa cái đinh ở lõi chì thay cho van xe. Đầu đạn
nhặt ở trường bắn huyện. Ai có việc lên huyện vào trường bắn nhặt đầu đạn về
bán cho trẻ con trong xóm cũng có tiền, 5 xu 1 cái. Nhét van xe hay đầu đạn vào
ống tre (loại tre hàng rào), đầu kia gắn tờ giấy học trò gấp thành 4 cánh để định
hướng. Xong nhét thuốc diêm, cắm đinh rồi tung lên trời khi rơi xuống sân gạch,
nổ cũng vui. Chúng tôi gọi là bom bay. Có khi nổ toác cả van xe, tiếc ngẩn ngơ.
Kỳ
công hơn thì làm súng diêm nhưng các anh lớn ở tuổi thiếu niên mới biết làm. Cũng
có đủ báng súng, ốp che tay, nòng súng, cò, qui lát cẩn thận. Khi bắn có cảm
giác được bắn súng lục. Có lần súng cướp cò, viên đạn diêm chui vào tay, đợi
vài tuần hay một tháng nó tự chui ra rồi tự khỏi, chứ chẳng có chích xẻ bôi cồn
sát trùng hay thuốc kháng sinh gì. Bây giờ thấy cũng có súng diêm nhưng làm bằng
phương pháp công nghiệp chứ không kỳ công như chúng tôi ngày xưa, đẹp và tiện lợi
hơn nhiều.
Cũng
có khi tìm cách cuốn pháo. Dùng diêm thay thuốc pháo, cuộn vào mấy trang giấy học
trò, lăn đi lăn lại cho chắc, cắm ngòi vào giữa thân cẩn thận, bôi thêm mực đỏ
cho đẹp. Lại nung nóng một con dao cời bếp rồi áp hai đầu quả pháo vào để cháy
bớt đi những chỗ xù xì. Thế là lửa bén vào thuốc, nổ đùng một cái tối tăm mặt
mũi, may không mù mắt. Ngu vậy.
Tuổi
thơ của chúng tôi cứ trôi đi như thế, trong nghèo đói, khốn khổ với những niềm
vui thảm hại mà cứ nhớ đến lại chảy nước mắt. Nói chung,
chúng tôi sống và vui chơi “như một lũ thú hoang” (chữ của Ngô Bảo Châu).
*
Pháo
trong thơ cũng náo nức, rộn ràng và gợi cảnh, gợi tình lắm:
“Thủa bé tôi đeo chiếc khánh vàng,
Quần đào xẻ đũng, áo hàng lam,
Chân đi hài đỏ, tay thu pháo,
Nhộn cả nhà lên tiếng hát vang!”
...
“Khói pháo say người rượu ái ân,
Cõi lòng thắm nở một vườn xuân”.
(Lan
Sơn)
“Ngoài sân tiếng trẻ em đì đùng gọi tết
Về đọc câu đối đỏ dán giữa nhà”
(Vũ
Đình Văn)
“Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng”
(Nguyễn
Bính)
“Tràng pháo chuột đua nhau đì đạch nổ
Xác giấy hồng bắn cả cánh hoa rơi”
(Anh
Thơ)
“Tết về, nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà”
(Bàng
Bá Lân)
“Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.
Trong lúc gần xa pháo nổ ran”
(Thế
Lữ)
Tuy
nhiên, cũng có những lúc tâm trạng con người chẳng mặn mà với tiếng pháo. Tiếng
pháo chỉ gợi đến nỗi buồn. Hơn nữa, tiếng pháo có khi còn bị coi là trò nhố
nhăng của thiên hạ. Hai nhà thơ trào phúng đầu thế kỷ trước là Tú Xương và Nguyễn Khuyến dường
như chẳng khi nào mặn mà với tết, tết đối với các cụ đúng là “năm mới năm me”.
Các cụ dửng dưng, khinh đời, giễu cợt tiếng pháo nổ:
“Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”
...
“Tối ba mươi ra chạm cành nêu, ấy Tết
Sáng mồng một, nghe đùng tiếng pháo, à Xuân”
...
“Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất
chó
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo”
(Nguyễn
Khuyến)
“Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi”
...
“Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà”
(Tú
Xương)
Không
chỉ hai cụ ghét pháo, giễu tiếng pháo:
“Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo”
(Nguyễn
Công Trứ)
“Pháo nổ điếc tai mèo chó chạy”
(Quang
Huy)
Nói
đến thơ, câu đối tết viết về tiếng pháo xuân còn rất nhiều.
*
Cũng
như 26 tết qua, tết nay không có pháo. Nói cho đúng hơn là nếu có tiếng pháo
thì là pháo lậu, đốt trộm. Nhưng giữa Tháng Chạp có súng nổ rền ở Đồng Tâm. Vậy
là không pháo nhưng cũng không tết luôn. Người ta liên tưởng đến trận đánh qui
mô và bất ngờ như Tết Mậu Thân năm nào. 26 cái tết không pháo rồi, bỗng thấy tiếng
súng thay tiếng pháo, máu chảy thay cho xác pháo đỏ vương khắp làng trong thơ
Nguyễn Bính ngày xưa.
Xuân
Canh Tý 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét