Như vậy, ngoài bác levinhhuy góp ý cho bác Nhật Lệ, lại còn ra tay chỉnh giúp thì không thấy bác nào nữa góp ý. Thành ra nhà cháu vưỡn phải đóng cái vai trò bình thơ của các bác.
Trước khi vào bình tiếp, nhà cháu cũng mong các bác hiểu cho điều này: Khi bình, nhà cháu thường chỉ ra lỗi này lỗi nọ. Điều đó không có nghĩa là thơ các bác không hay. Ý nhà cháu là nếu tránh được những lỗi đó thì bài thơ sẽ hay hơn. Ngược lại, nhiều khi nếu cố sửa lỗi nhỏ để thay bằng chữ khác thì bài thơ lại kém hay đi nên người ta phải chấp nhận lỗi. Nhiều bài thơ Đường luật kinh điển nhưng nếu đem luật hay thủ thuật ra soi thì không thiếu gì lỗi. Phần này nhà cháu sẽ bàn với các bác kỹ hơn khi kết thúc "cuộc thi" này.
10. Bác QU EM gửi bài bên facebook, nhà cháu mang về đây cho tập trung.
Tạo hoá bày chi cảnh ngỡ ngàng
Chiều bên lũng núi ánh sương tan
Lưng suối thông reo mờ cánh vạc
Góc hồ cá quẫy nước xa loang
Ngực trần Thiếu nữ nằm mơ mộng
Bồng đảo Trăng già đứng thở than
Yên Trung danh thắng miền sơn cước
Còn thoáng đâu đây dấu Phật Hoàng.
Gọi là bác Em thì không ổn, ai lại vừa bác vừa em bao giờ. Thôi thì lấy "họ" của bác mà gọi vậy, cho vui.
Thoạt đầu tưởng là bác Cu làm thơ theo luật trắc, nhưng 4 câu nhà cháu tô đậm bác lại viết theo luật bằng. Nghĩa là thơ bác thuộc thể loại bằng trắc giao duyên. Hi hi. Tuy nhiên, như nhà cháu đã nói, cái sự thất niêm nó không ảnh hưởng đến nhạc điệu của bài thơ mấy, đọc thoáng qua ít người phát hiện ra.
Thơ bác viết, tự nhiên, chữ nghĩa không bị gò bó, không ép vận tuy có chỗ tối nghĩa, khó hiểu như câu 3, hoặc mấy chữ "Bồng đảo trăng già"
Câu hai mắc phong yêu, câu 6 mắc hạc tất (cùng dấu ở các vị trí nên tránh), hai lỗi này nhẹ.
Nhà cháu thử đảo lại đôi chút thì bài của bác đúng luật trắc ngay, tuy nhiên các lỗi khác vẫn còn, thậm chí thêm lỗi mới vì vị trí của chữ "thở" trong câu 5 với luật bằng thì được nhưng sang luật trắc thì không được (phải đổi thành thanh bằng)
Tạo hoá bày chi cảnh ngỡ ngàng
Chiều bên lũng núi ánh sương tan
Thông reo lưng suối mờ thân vạc
Cá quẫy ven hồ sóng tỏa lan
Thiếu nữ ngực trần say giấc mộng
Trang già bồng đảo đứng thở than
Yên Trung danh thắng miền sơn cước
Còn thoáng đâu đây dấu Phật Hoàng.
11.Bài của bác Cát tường.
Ngàn thông trên nước, nước trên sương.
lãng đãng tầng mây khuất nẻo đường.
Thủy hồ sơn dã ư mặc thủy?
Núi mây mây núi thoáng vô thường.
Đêm nao trăng đến soi bóng nguyệt.
Tiên khách về trời có vấn vương?
Yên Trung còn lại hồn mặc khách.
Tiếng quốc thâu đêm luống đoạn trường.
Bài thơ có nhiều ý, nhiều chữ có hồn. Nhưng bài này cũng thuộc loại "bằng trắc giao duyên", có 5 câu theo luật bằng, 3 câu theo luật trắc (tô đậm). Các cặp đối thì bác không có ý tạo đối mà để tự nhiên. Vị trí chữ "bóng" phải là thanh bằng (chẳng hạn "mờ gương nguyệt")
12. Bác Ba Phi bảo bác í không làm thơ Đường bao giờ (đúng ra là Đường luật) nhưng thấy bác Thuận có bài quá tuyệt vời nên bác í cũng hưởng ứng, có gì nhờ chỉnh giúp:
Yên Trung nước biếc quyện lưng trời
Lòng người du ngoạn chút thảnh thơi
Khen ai khéo vẽ đôi bồng đảo
Để khách phương xa phải thốt lời
Thấp thoáng trăng mờ, ngư giỡn nguyệt
Tung mình con sóng gợn xa khơi
Lắng nghe vang vọng hồi chuông đổ
Yên Tử thần tiên cảnh, gọi mời.
Bác Phi làm theo luật trắc nhưng lại mở đầu bằng câu theo luật bằng. Vị trí chữ "thảnh" của câu 2 phải là thanh bằng. Trùng chữ Yên (Yên Trung, Yên Tử) nhưng chấp nhận được vì nó nằm trong 2 từ kép. Bác không tạo đối ở 2 cặp cần đối.
Bác Phi còn làm 2 khổ thơ 4 câu 7 chữ nữa tặng bác Thuận nhưng bài ấy làm theo thể thất ngôn mí lại không phải dịch đoạn văn ra đề nên nhà cháu không nhận xét gì ở đây.
13. Bác Tô Oanh gửi vào một bài. Đọc qua nhà cháu thấy vui vì bài thơ Đường luật niêm luật chuẩn:
Ngang núi sương thu trải khắp hồ
Trập trùng mặt nước sóng lô xô
Đôi gò bồng đảo thông xanh phủ
Mấy lão Ngư ông phởn chí vồ
Róc rách suối reo rền khúc nhạc
Bồng bềnh mây phủ đọng tình thơ
Thiên nhiên khéo tạo mê hồn cảnh
Khách đến nơi này đẹp tựa mơ
Hơi tiếc là bác dùng chữ phủ 2 lần (trùng từ). Việc trùng từ chỉ nên sử dụng trong trường hợp dùng điệp ngữ. Nhà cháu cũng trùng từ trong trường hợp này:
Hỏi tới người quen, người chẳng tới
Tìm về bạn cũ, bạn không sang.
Lại nói về chữ phủ. Bài của nhà cháu đầu tiên có dùng chữ phủ trong câu:
Đôi gò bồng đảo ôm thông đứng
Nhà cháu định viết là thông phủ nhưng như vậy
lại cùng dấu với chữ đảo mà chữ bồng đảo không thể thay được, nên nhà cháu muốn
tránh lỗi hạc tất đành xài tạm chữ "đứng", không hay bằng
"phủ".
Cụm
từ "trập trùng mặt nước" chưa ổn. 2 cặp đối bác gắng sao cho chỉnh hơn.
14. Bác Hà Văn Vinh ở Bố Hạ, Bắc Giang gửi hai bài thơ nhưng nhà cháu xin bình bài vịnh hồ Yên Trung, còn bài tặng bác Thuận thì nhà cháu không bình, bác nào muốn đọc thì mời vào phần phản hồi ạ.
Hồ ở lưng chừng dốc núi cao
Non xanh nước biếc sóng lao xao
Bốn bề tĩnh lặng nghe chim hót
Bồng đảo thông reo gió dạt dào
Thi thoảng một vài con cá đớp
Cả vùng đầy ắp ánh trăng sao
Thung sâu hoa lá ngàn hương sắc
Cảnh vật sinh tình đẹp biết bao.
Thơ bác Vinh rất chuẩn về niêm luật, nhà cháu không chê vào đâu được, Có hai lỗi nhẹ là lỗi phong yêu ở câu 2 và chánh nữu ở câu 7 (bốn chữ thanh không).
Bác chú ý cho hai cặp đối.
Mong các bác tiếp tục hưởng ứng. Các bác vẫn có thể gửi nhiều bài góp vui ạ.
NTT
Cùng chủ đề:
Cuộc “thi” Dịch văn xuôi ra thơ Đường luật ngày đầu tiên.
Thi dịch văn xuôi thành thơ Đường luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét