NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
Cô bạn mình bảo:
- Em thấy anh hay viết mà có chuyện rất quan trọng mà chẳng thấy anh đả động đến.
- Chuyện gì?
- Cái áo ngực phụ nữ.
- Ùi giời, tưởng chuyện gì ghê gớm. Chuyện cái đựng ti Trung Quốc độn 6 viên thuốc lạ chứ gì. Sao nghe
nói mấy viên thuốc ấy nó có tác dụng làm ngực phụ nữ nở ra?
- Nở gì. Nở đâu chẳng thấy chỉ thấy chị em la rằng ngứa mẩn hết lên.
Rồi cô bảo ngày xưa thì độn tất, độn giẻ, ngày nay thì
độn silicon, những chiếc áo độn mút gọng thép mà cánh đàn ông hay gọi là đổ bê tông cốt thép ấy ... Còn bây
giờ thì lại hoảng hồn lên vì độn thuốc...
Chẳng biết cô nói có đúng không chứ chuyện áo ngực độn tất hay có gọng thép thì
mình chưa nghe nói đến bao giờ. Độn tất thì không phải rồi, chắc cô ấy chỉ nói vui thôi. Nhưng còn độn mút gọng thép? Hay là mỹ nữ nào đó dùng áo
ngực có gọng thép để cảnh báo những anh chàng hay sàm sỡ, động vào coi chừng chảy máu như chơi. Còn độn giẻ thì có thể là cái áo người ta may dày
lên, nói ngoa vải thành giẻ?
Vừa rồi, mình trót gọi cái áo ngực của giới nữ là cái "đựng ti" (mình tránh dùng từ "phụ nữ" vì hình
như người ta chỉ dùng chữ ấy cho giới nữ đã có chồng - chuyện chữ nghĩa cũng phức tạp ra phết) nên cần giải thích nguồn gốc của nó. Chữ ti thì hiện nay có đến 90% trường hợp người ta dùng, 10% còn lại gọi đúng tên nguyên thủy của nó, trong những trường hợp không thể gọi khác như trong bệnh viện, trong nghiên
cứu y học .... Nhưng còn chữ "đựng" nó có nguồn gốc như sau:
Hồi thằng con trai mình mới độ 4, 5 tuổi gì đó, mẹ nó hay sai nó
cất quần áo ngoài dây phơi mỗi khi hết nắng chiều. Không những nó cất mà còn gấp lại cẩn thận. Nhưng riêng quần áo lót của mẹ nó, nó lấy cái que khều vào để trên giường rồi gọi:
- Mẹ ơi, cái đựng ti của mẹ cất đâu thì cất này.
Đó là lần đầu, mình biết đến chữ "đựng ti". Mình lấy làm thú vị lắm, cứ nghĩ là nó thiên tài về ngôn ngữ đến nơi.
Thế cho nên mới sinh ra bài thơ mình tặng vợ, trong đó có câu:
Quần cộc giãn
chun tình cứ thắm
Đựng ti tuột cúc, sắc càng tươi.
Sau này, mình hay trêu thị: Bây giờ thì không gọi là cái đựng ti dược nữa mà phải gọi là cái treo
ti. Thị ngờ nghệch hỏi:
- Sao anh lại gọi là cái treo
ti.
Mình giải thích:
- Thì bây giờ nó tụt mẹ xuống cạp quần, chẳng nhờ cái áo ngực mới treo lên được là gì.
Tức thì, thị tốc ngược áo lên, cự lại:
- Thế này mà bảo phải treo à.
Bố khỉ.
Lại kể thêm về chuyện cái ấy nó tụt xuống. Có một chị tức chồng, muốn tự tử. Chị ta mới đi xin tư vấn rằng làm thế nào tự tử phải chết ngay được, chứ nhỡ không chết thì khổ lắm, vừa tai tiếng, vừa tàn tật. Nhà tư vấn mới bảo chị cứ đo từ đầu ti lên 2 cm, bắn vào điểm ấy, trúng tim, chắc chết. Chị về làm theo, nhưng đạn không trúng tim mà xuyên vào ruột già, không chết được vì ti chị nó tụt xuống quá thắt lưng, nhiều khi phải giắt vào cạp quần cho gọn. Chị kiện nhà tư vấn ra tòa nhưng nghe đâu vụ ấy không xử được vì ai cũng có
lý.
Có lẽ, bộ ngực là tiêu chí quan trọng để đánh giá hình thức người phụ nữ. Nhưng ngày xưa hình như lại không phải. Cô gái nào
có bộ ngực hơi quá khổ là xấu hổ lắm, phải tìm cách nén nó lại, mặc áo gụ ra bên ngoài, thế là ít ai để ý. Bây giờ thì người ta hay khoe
ra, âu cũng là điều chính đáng, nó do nhãn quan của mỗi thời tuy có phần thái quá. Thi
hoa hậu vòng mà một không đủ chuẩn thì đừng mơ đăng quang. Chị em thi nhau khoe ngực khủng. Có cô đi làm thẩm mỹ, bơm các loại chất lỏng linh tinh
vào rồi dở khóc dở mếu.
Còn nhớ Bộ Y tế từng có một dự thảo qui định vòng ngực phải đạt bao nhiêu mới được đi xe máy. Nghe quá khôi hài. Sự việc mau chóng trở thành câu chuyện đàm tiếu trên báo chí.
Rồi ở huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, trong một đợt thi tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non có 12 hồ sơ của chị em bị loại ra chỉ vì thiếu số đo ... vòng ngực, cho dù giấy khám sức khỏe kết luận đủ sức khỏe tham gia học tập, công tác.
Trở về cái áo ngực. Ngày xưa, thế hệ mẹ mình không dùng áo ngực mà chỉ dùng yếm. Yếm phía trước thì kín đến tận cổ, có vạt nhọn, dài quá thắt lưng, phía sau là
lưng trần, chỉ có hai dải buột quặt sau lưng và hai dải nhỏ hơn buộc ra sau gáy. Vì thế, người phụ nữ có thể mặc trước chồng con, nhưng dùng áo ngực như bây giờ thì không thể như thế được.
Bà chị gái mình có lẽ là lớp đầu tiên dùng áo
ngực ở quê. Hồi ấy gọi là cái xu-chiêng hay coóc-xê chứ không dám dùng từ Việt Nam . Áo có hai
đỉnh nhọn như Kim tự tháp. Sở dĩ mình để ý là do có lần cuối tuần đi trọ học về, trên đò ngang thấy mấy bác nói chuyện với nhau rằng, con gái bây
giờ nó hư hỏng lắm. Tệ nhất là chúng nó đeo cái nịt vú, nhọn hoắt, trông rất là khiêu dâm.
Cái tàn dư của chế độ tư bản bây giờ nó lại ngóc dầu dậy. Nghe các bác nói chuyện, mình tưởng như mất nước đến nơi.
Mình về, tìm mấy cái xu-chiêng của bà chị, lấy hai cái que gắp ném vào góc nhà. Bà chị tìm mãi không thấy mới hỏi mình:
- Mày có thấy cái "nịp" của chị nó rơi ở đâu không (chị không dám gọi thẳng tên nó ra)
Mình tỏ ra bất hợp tác:
- Cái ấy là cái gì, tôi biết đâu việc của bà.
Bây giờ nghĩ lại, thấy ác với chị quá. Hồi ấy chị em mua được một cái áo ngực cũng khó khăn lắm vì đâu có tiền, không đơn giản bằng mua bộ áo vét bây giờ.
Cái yếm của thế hệ mẹ mình chỉ còn trong các vở diễn về tích xưa như vai Thị Mầu chẳng hạn. Đôi khi thấy các cô chụp ảnh đưa lên mạng, nhưng cũng chỉ là biểu diễn để chụp ảnh thôi.
Sau vụ áo ngực Trung Quốc có độn chất lỏng hay những viên thuốc lạ, trên facebook có mấy bạn vận động trở lại cái yếm truyền thống. Ảnh đưa lên cũng đẹp thật, nhất là cảnh chụp trong đầm sen. Có thể cái truyền thống bây giờ trở thành lạ mắt, mà lạ thì sinh ra sự hấp dẫn nào đó đôi
khi không lý giải được. Nhưng chắc nhiều bạn không tin lắm với ý tưởng này, vì ghét hàng Trung Quốc quá mà hô trở về với bản sắc dân tộc thôi. Chị em không thể mặc yếm đi dạo phố. Mặc áo ngoài vào
thì rất bùng nhùng nhưng quan trọng hơn là lợi thế của vòng một sẽ không còn. Còn chị em nào không có lợi thế thì cũng không
thể dùng thủ thuật tạo dáng. Việc trở lại cái yếm ngày xưa chắc khó được chị em chấp nhận.
Nhưng còn mấy viên thuốc lạ và rất nhiều cái bất bình thường nữa trong các mặt hàng khác của Trung Quốc? Tốt nhất là không dùng hàng Trung Quốc, cho dù rẻ và bắt mắt. Tại sao không nhập hàng của Thái Lan hay
các nước khác trong khu vực? Còn việc cổ động cho việc dùng hàng nội địa, điều này cũng quí
nhưng trước hết các doanh nghiệp Việt Nam
nói chung và ngành may mặc nói riêng cần phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm và nắm bắt kịp thời thị hiếu của người tiêu dùng. Cần thay đổi tư duy lấy giá thành định giá bán mà phải tìm cách hạ giá thành cho phù hợp với giá thị trường khu vực. Nếu không làm được điều đó thì đừng nói đến cạnh tranh. Chuyện vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cũng chỉ là một sự cổ vũ mà thôi.
5/11/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét