Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Người Philippines và đường lưỡi bò


Huỳnh Văn Úc

Tháng 2/1948 Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch công bố một đường gấp khúc 11 đoạn là đường quốc giới trên Biển Đông trong phụ đồ “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” đi kèm theo “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau ngày thành lập tiếp tục công nhận đường gấp khúc 11 này cho đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ để trở thành đường lưỡi bò 9 đoạn có hình dáng như ngày nay. Đường lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo và bãi ngầm lớn trên Biển Đông là Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, Quần đảo Đông Sa và Bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước. Hai mươi lăm phần trăm còn lại là của Việt Nam, Philippines, Malaysia, BruneiIndonesia.


Dù cho đường lưỡi bò không được các nước lân bang và quốc tế công nhận nhưng Trung Quốc đã nhiều lần hành động dựa trên cơ sở pháp lý của nó. Tháng 1/1974 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đang ở bước ngoặt quyết định thì Trung Quốc tấn công chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 3/1988 Hải quân Trung Quốc tấn công đánh chiếm Đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận đánh này 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm xuống giữa biển khơi. Bãi cạn Scarborough được tạo thành từ san hô và đá có hình tam giác với chu vi 55 km và diện tích 150 km2 trên đó có tháp sắt cao 8,3 m do Hải quân Philippines dựng lên từ năm 1965 để tuyên bố chủ quyền. Trong năm 2012 bãi cạn này trở thành mục tiêu tranh chấp căng thẳng và kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines. Và gần đây nhất là hộ chiếu Trung Quốc có in hình lưỡi bò. Bước đi mới này của nhà cầm quyền Trung Quốc bóc trần sự giả dối của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi tại 
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 cũng như tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 tại Campuchia họ đã nói những lời tốt đẹp về hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước ven Biển Đông. Việt Nam, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác lên tiếng phản đối. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/11/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bà Victoria Nuland  nói rằng tuy Hoa Kỳ đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu có đường lưỡi bò nhưng như thế không có nghĩa là công nhận đường lưỡi bò với lý do vùng biển trong phạm vi của nó là vùng đang có tranh chấp.Trong các cách biểu thị sự phản đối đó thì cách của người Philippines mang một sắc thái hài hước nhưng không kém phần độc đáo, sâu cay và tinh quái. Họ khỏa thân đi diễu hành trên đường phố nhưng không khỏa thân hoàn toàn. Vào cái chỗ cần che đậy nhất của người đàn ông họ đeo một tấm bản đồ có hình lưỡi bò.


                                                                                                                          H.V.U
Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét