Ông
Trần Đăng Thanh Đại tá-Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú của Học viện Chính
trị Bộ Quốc phòng vừa mới đăng đàn diễn thuyết trước cử tọa là lãnh đạo Đảng ủy
khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, quản lý sinh viên, Đoàn
Thanh niên, Hội Thanh niên các trường
Đại học-Cao đẳng Hà Nội. Ông đề cập đến nhiều vấn đề nhưng trong bài diễn
thuyết tôi để ý đến đoạn: “Sau
khi mà đứng ở cương vị cao nhất thì Boris Yeltsin ra hai quyết định. Một là cấm
Đảng cộng sản hoạt động, hai là không trả lương cho những người đã từng tham
gia chính quyền Xô Viết”. Đã là Phó Giáo sư -
Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú nói hay viết câu gì cũng phải chính xác, có căn cứ. Vậy
thì trong câu trích dẫn của ông Trần Đăng Thanh về Boris Yeltsin có gì
không chính xác? Có đấy. Quyết định của Boris Yeltsin cấm Đảng Cộng sản hoạt
động trên lãnh thổ Liên Bang Nga là có thật, nó được ban hành vào tháng 11/1991
bằng một Sắc lệnh của Tổng thống. Còn ý thứ hai ông Trần Đăng Thanh nói rằng
không trả lương cho những người đã từng tham gia chính quyền Xô Viết thì cần
phải xem lại tính chính xác của nó. Sau đây tôi đưa ra một số dẫn chứng:
- Báo mạng cand.com
ngày 31/8/2012 đăng bài viết “ Ăn cây nào rào cây ấy” có đoạn viết rằng cựu
Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev
than phiền rằng lương hưu của ông ấy nếu quy ra đô la Mỹ thì chỉ được 2 USD.
Ông Mikhail Gorbachev có phải là người đã từng tham gia chính quyền Xô Viết
không? Sao ông ấy vẫn được lĩnh lương hưu?
-
Stanislav Shushkevich-Chủ tịch Xô viết tối cao Belarus thời kỳ 1991-1994 một
trong những người đã ký vào Hiệp ước Belovezh chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô
vào tháng 12/1991 hiện lĩnh lương hưu 3200 rúp Belarus, tương đương 1
đô-la/tháng. Mức lương này được tổng thống Lukashenco duyệt từ
năm 1997, sau nhiều lần trượt giá hiện chỉ còn giá trị hài hước như trên. Đó là
nội dung bài viết “ Один из ликвидаторов СССР рассказал о своей
долларовой пенсии”- Một trong những người ký tên xóa bỏ Liên Xô kể về lương hưu
của mình đăng trên Lenta.ru. Ông Stanislav
Shushkevich - Chủ tịch Xô viết tối cao Belarus sau khi Liên Xô sụp đổ vẫn
được trả lương hưu đó thôi.
- Nhà văn Đào Hiếu
(sinh năm 1946) từng là phóng viên báo Tuổi Trẻ. ‘Lạc đường’ là cuốn tự truyện
của ông. Nếu có điều kiện độc giả nên tìm đọc cuốn sách này. Tôi xin trích dẫn
một đoạn trong cuốn sách kể về chuyến thăm nước Đức của ông:
“Ngày mồng một Tết đến một cách e dè. Trời xám. Những
chuyến xe điện vẫn chạy qua phố, kiosque phở của một người đàn bà Việt Nam
vẫn mở cửa. Một chút nắng vàng hanh trên đầu ngọn cây. Ông già người Đức ngồi
ăn phở bên cái bàn nhỏ kê trên bãi cỏ. Ông ta nói được chút ít tiếng Anh và mời
tôi một điếu Marlboro. Ông ta khoe mình là đại tá phi công. Tôi hỏi:
- Bác là đại tá của ông Helmut Kohl hay ông Honecker?
- Ông Honecker.
- Khi nước Đức thống nhất bác có phải đi học tập cải tạo
không?
- Tại sao lại cải tạo? Thống nhất thì mọi người phải vui vẻ
chứ! Ông Helmut Kohl vẫn cho tôi lĩnh lương hưu”.
Như thế đấy! Một
ông đại tá của Cộng hòa dân chủ Đức vẫn được nước Đức thống nhất trả lương hưu.
Tôi dẫn những điều
đã kể trên nhàm nhắn nhủ ông Trần Đăng Thanh rằng một khi đã là Đại tá - Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo ưu tú thì nói hay
viết điều gì phải cân nhắc và có căn cứ chính xác. Và cũng không nên đồng nhất
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với cái sổ hưu.
HVU
Tác giả gửi cho NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét