Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Nghiệp chướng


 Truyện ngắn của Vugia K7                                                            

.
I-
-      Các người nghe cho rõ đây! Ta là Ttriệu tử Long phò ấu chúa đây. Ta là bậc trung thần ái quốc của muôn đời đây!
Nhướng hàng lông mày để các nếp nhăn lấp đi năm vết mờ mờ như dấu chân người trên trán, vừa gân cổ hét, gã vừa múa may như một diễn viên tuồng thực thụ, thậm chí có người chắc chắn rằng trong cách múa may đó thoáng thấy dăm ba động tác của một miếng võ tuyệt độc bị thất truyền.
Dân làng không lạ gì với cái-cơn-trung-thần-ái-quốc của gã. Trăm lần như một, hễ nhà nào trong xóm có đám kỵ giỗ và sau khi đốt xong áo giấy là gã lại lên cơn, đến khi người nhà mang một mâm cúng đặt xuống bên cạnh gã mới chịu thôi. Chắp hai tay ngang mày, thành kính vái mỗi phương một vái; rồi xem như không có gì xảy ra, gã cảm ơn mọi người chung quanh. Với dáng vẻ ung dung nho nhã, gã đi về hướng sông, bơi sang cồn trồng dâu phía bên kia.
Người ta lại phải mang mâm cúng ấy đặt trước miếu cô hồn.
II-
Cô chị còn thiếu hai mươi mốt ngày thì tròn mười bảy tuổi. Chết vì bị rắn độc cắn. Ông chánh Ngà thưởng cho đám trai làng một con heo, gọi là trả công lùng bắt con rắn hổ chúa dài xấp xỉ cái dang tay của một đứa trẻ con. Họ nói còn một con rắn đực nữa. Ông lệnh cho họ mang xác con rắn cái đem chôn ở cồn trồng dâu bên kia sông trước khi hạ huyệt con gái  mình.
Đúng vào ngày giỗ đầu của người chị gái, cô em lại bị rắn cắn, lên cơn co giật, sùi bọt mép và đau đớn lăn lộn hệt như người chị của mình trước kia. “ Nghiệp chướng! Nghiệp chướng ! Nhỡn tiền! Nhỡn tiền! … ”. Ông chánh tổng lẩm bẩm rồi ngất đi, trong cái hỗn mang mịt mờ bồng bềnh mê tỉnh, ông thấy mình thất thểu theo sau đám dân cày của làng bị chết đói năm nào.
- Ông ơi! Có người đến xin cứu cô Ba!
Hồn ma của đám dân cày biến mất và ông tỉnh lại. Đến cứu con mình à? Đám thầy lang vườn và các vị tự xưng là Hoa Đà đã không còn thấy mặt kể từ khi hay tin con ông bị co giật. Hết phương rồi, chỉ còn chờ vào người cõi trên thôi!. “ Ai vậy ? Mời vào, mời vào…”.
Anh ta bước vào. Với phong thái đỉnh đạc đường hoàng, tiến thẳng về phía ông chánh tổng, khuỳnh  tay thưa : “ Tôi cứu được cô gái này, xin mọi người lui ra, chỉ một mình ngài ở lại thôi ”. Giọng nói của người miền ngoài, có vẻ cương quyết hơn là nhẹ nhàng. Anh ta liếc nhìn mọi người chung quanh và họ hiểu ý đồng loạt kéo nhau đi. Không chờ sự đồng ý của chủ nhà, anh ta quỳ xuống trước xác cô gái, vén ống quần trái của cô ta đến tận đầu gối một cách tự nhiên tựa hồ như đã biết được vết rắn cắn ở chổ nào. Trên bắp chân cô gái hiện ra sáu vết rỉ máu như người ta đóng đinh vào rồi rút ra trên thân cây chuối non. Hai vết sâu hoắm, bốn vết kia nhỏ hơn.
Kính cẩn lấy ra từ tay nải một bọc vải, anh ta trịnh trọng trải tấm vải bọc rách nát ấy lên đất, trên mặt vải hiện ra những chữ viết loằng ngoằng và các hình vẻ có hình sông núi, từ tốn đặt chiếc hộp gỗ mun đen bóng lên trên và nhắm mắt quay đầu về hướng Bắc thầm thì khấn vái. Thành kính lấy ra từ chiếc hộp một vật màu xám bằng sừng có hình dáng như một ngón tay, sau khi lau sạch anh ta rà nhẹ vật ấy lên vết thương của cô gái. Máu từ các vết rắn cắn bổng rỉ máu tươi. Không ngại ngần, anh ta cúi xuống dùng miệng hút nhiều lần cho đến khi máu không còn tươm ra nữa. Một khắc sau, cô gái khẽ cựa mình.
     Không ngờ có người cãi lại được mệnh Trời . Ông chánh tổng thốt lên. Anh ta đáp : Xin  Ngài đừng nói cho ai biết việc này, nếu khôngTrời phạt cả tôi lẫn Ngài đấy”.
***
Anh ta khai mình tên là Trọng Tắc và từ đó dân làng gọi là thầy Trọng.
Sau khi cứu cô thoát chết, không cần tìm hiểu lai lịch và không phải đắn đo suy nghĩ, ông chánh gợi ý muốn gã con gái cho anh ta. Cô gái bình phục hoàn toàn nhưng lại thỉnh thoảng đăm chiêu nhìn mông lung về hướng đông và khóc. Cô thường thẩn thờ đi dọc theo bờ sông, rắc những cánh hoa dại trắng trên đường đi. Ông chánh cho người theo sau, nhưng như chơi trò trốn tìm, cô thường biến mất trước mắt họ, đến khi lần theo dấu vết các cánh hoa họ mới tìm thấy cô đang ngồi khóc ở triền sông.
Thầy Trọng khéo léo từ chối lời gợi ý nhiệt thành của ông chánh tổng, nói rằng mình chưa có công danh sự nghiệp gì, không muốn làm đũa mốc mà đèo mâm son. Sau một lúc suy nghĩ, ông chánh nói:
-      Thôi được, chuyện ấy để sau tính tiếp. Trước mắt, tôi tặng thầy  gian nhà trước chợ để thầy làm thuốc và chữa bệnh. Ơn thầy không gì sánh bằng, mong thầy đồng ý cho.
Anh ta nhìn thẳng vào mắt ông, cái nhìn hàm ơn chỉ thấy ở loài mèo:
-      Cảm ơn ngài, nói thật, xóm làng này tôi cảm thấy rất quen thuộc khi mới vừa đặt chân đến. Nếu Ngài thương thì cho xin tôi một mãnh đất nhỏ ở cồn dâu phía bên kia sông để làm nơi trú ngụ thì đã là quý hóa lắm rồi ạ.
- Được, anh đã có cả hai.
***
Căn nhà nhỏ được dựng lên ở cồn dâu là một bí ẩn của dân làng. Chưa ai dám đặt chân đến và anh ta cũng không cho ai đến gần, kể cả ông chánh. Trong lần chữa bệnh đầu tiên, anh ta không nhận thù lao mà chỉ xin hai con chó. Không hiểu anh ta nuôi như thế nào mà hai con chó biến thành hai con hổ thực sự khi làm nhiệm vụ canh giữ nhà.
Gian nhà trống trước chợ biến thành nơi chữa bệnh và bốc thuốc của thầy Trọng, người ra kẻ vào tấp nập. Tiếng lành đồn xa. Các thầy lang vườn và các vị tự xưng là Hoa Đà tái thế của làng không còn thân chủ, kể từ lúc ấy họ trở thành bạn bè.
Chạng vạng tối hôm nọ trên đường về cồn dâu, thầy Trọng bị ba người đàn ông có hung khí bất ngờ tấn công. Sau một hồi quần thảo, ba người kia bỏ chạy. Sáng hôm sau cùng một lúc có ba người đàn bà đến xin mua thuốc nhức đầu cho chồng, thầy Trọng nhẹ nhàng:
-      Không cần thuốc, các chị về bảo các anh ấy hướng về hướng Bắc lạy ba lạy, vỗ vào trán ba lần, vết thâm trên trán sẽ hết và tức khắc bệnh sẽ khỏi.
Trưa hôm ấy, có ba người đàn ông đến xin lỗi và cảm ơn thầy Trọng.
Cái cách nhận thù lao của thầy Trọng cũng khiến người ta ngạc nhiên. Các thang thuốc nhiều lúc được biếu không hoặc thầy nhận rất ít tiền. Những lần chữa chạy các bệnh thuộc loại tứ nan y hoặc thập tử nhất sinh thầy đều không lấy tiền, chỉ ngỏ ý muốn mua lại của người hết bệnh một khoảnh đất nào đó mà họ có. Hầu như không ai chịu nhượng bán đất cho thầy mà tự nguyện biếu không với vài hào bạc tượng trưng. Những người không có đất thì kín đáo tế nhị trả ơn thầy bằng các loại tài sản khác.
Ba năm sau thầy mang lễ vật xin cưới con gái ông chánh tổng.
***
Ông chánh hoan hỉ đồng ý với điều kiện thầy Trọng phải ở rể vì chỉ còn đứa con duy nhất. Anh ta xin một gian để lập bàn thờ riêng của giòng họ, ông chánh miễn cưỡng vui vẻ chấp thuận.
Đêm tân hôn, thầy Trọng nói với vợ:
-      Mình tuyệt đối nhớ cho tôi hai điều - tôi chỉ nói một lần và không bao giờ nhắc lại - một là không bao giờ được xen vào hoặc theo dõi tôi làm những gì; hai là không được bước vào gian đặt bàn thờ của gia đình tôi, dù chỉ là nửa bước. Nếu phạm một trong hai điều ấy ắt có bất hạnh. À, còn một điều này nữa, vợ chồng mình chỉ được gần nhau vào những ngày trăng sáng, tối nay là ngày nước ròng, tôi ra ngoài ngủ, mình nhớ rồi chứ?
Cô vợ hụt hẫng : Dạ, em nhớ.
III-
Mười một tháng mười ngày sau khi mang thai, người vợ đẻ ra một bọc, trong đó có hai thai nhi đều là con trai, một đã chết. Đứa bé chết trong bào thai có năm vết mờ mờ ở giữa trán và được chôn bên cồn dâu. Đứa bé kia được đặt tên là Trọng Quyền. Cùng lúc, người ta báo tin ông chánh qua đời.
Tám ngày sau, thầy Trọng dời bàn thờ từ cồn dâu về đặt tại gian thờ riêng của mình ở nhà ông chánh. Người ta thấy xác hai con chó bập bềnh trên mặt sông.
***
Đúng vào ngày sinh nhật lần thứ mười bảy của cậu cả Trọng Quyền, thầy Trọng gọi riêng vợ nói:
-      Tôi và thằng cả phải làm lễ cúng tổ tiên bên nội ba ngày ba đêm trong gian thờ, bà nói với mọi người rằng tôi và con về thăm quê.
Tắm rửa xong, hai cha con cùng vào gian thờ và khép cửa lại.
Qua hai ngày nôn nóng chờ chồng con, đến trưa ngày thứ ba người vợ không còn kiên nhẫn được nữa. Sợ chồng con có chuyện chẳng lành, bà đẩy cửa gian thờ bước vào. Bà thấy hai cha con quỳ sấp mặt đối diện nhau, giữa họ là chiếc hộp gỗ mun, trong đó bà thấy một vật bằng ngà có hình dáng ngón tay người, phía trước hộp là đống giấy trích lục đất đai cao khoảng một gang tay. Ngước nhìn lên bàn thờ, bà rùng mình, bổng thấy ớn lạnh và một cơn đau khủng khiếp ập đến phát khởi từ đỉnh đầu rồi chạy dọc xuống sống lưng.
Chiều hôm đó, lần theo vết các mãnh áo tang bị xé vụn, người ta tìm thấy bà trần truồng nằm chết trên bãi cát ven sông, mặt úp xuống đất, đầu hướng về phía mộ ông chánh tổng.
***
Thầy Trọng dùng tiền của vận động làm chánh tổng và mua cho cậu cả Trọng một chức danh nhỏ của triều đình. Từ đấy dân làng gọi cậu cả Trọng là ông Hương Quyền. Ông Hương Quyền tướng mạo khôi ngô, có dáng của một quan võ kể từ ngày nhận sắc phong. Giọng nói oang oang khiến người nghe phải kính nể, nhưng không hề biết chữ nhất bẻ đôi là chữ gì. Cụ đồ già trong làng kể lại rằng những ngày dạy cậu học là những ngày nhục nhã nhất trong đời của cụ, bởi rằng sách vở thánh hiền luôn bị cậu ta dùng vào việc bài tiết hàng ngày, cho đến khi đống sách vở thừa cao đến bằng chiều cao của cậu thì cụ nói“ Tôi bất tài“ rồi xin nghỉ dạy.
Hương Quyền nỗi tiếng là tham lam và sát gái. Hắn ta thường gạ gẫm các cô gái làng, sau khi thỏa mãn thú tính, hắn tặng cho vài bạt tai và đuổi về. Phần lớn các cô gái tự nguyện trao thân cho hắn mặc dù biết chắc hậu quả mình phải hứng lấy. Có đến mười một cô phải ôm mo cau bỏ xứ ra đi. Cả những bà vợ của các vị thân hào nhân sĩ trong làng cũng không cưỡng lại cái cơn cám dỗ quỉ ám đó, đến khi các ông phát hiện của cải và số trích lục trong nhà không cánh mà bay thì các bà vội vã biến thành những cái xác trôi bập bềnh trên sông. Và họ kiện lên quan.
***
Quan huyện là người có học và được triều đình chính danh bổ nhiệm. Vị quan này nỗi tiếng thanh liêm và cương trực. Sau khi điều tra, ông sai bắt Hương Quyền nọc giữa chợ, tự tay đánh đòn cảnh cáo và cho về.
Ngay ngày hôm sau, hai cha con thầy Trọng lễ mễ mang quà cáp đến dinh quan huyện xin lỗi và nhận tội. Nể mặt, quan huyện miễn cưỡng nhận chút quà gọi là lòng thành của vị chánh tổng. (Món quà mà cô con gái quan huyện thích nhất là chiếc kẹp tóc nạm ngọc. Vốn được trời ban cho một mái tóc dài mượt mà óng ả làm xao xuyến bao nhiêu trái tim các bậc chính nhân quân tử, lại được cài thêm chiếc kẹp tóc quý giá kia thì quả trên đời này không có mái tóc nào đẹp bằng).  Qua lại nhiều lần, họ trở nên thân thiết.
Các cô gái làng xinh đẹp thở dài tiếc nuối khi nghe tin Hương Quyền đi hỏi vợ. Người được chọn là con gái nhà ngài quan huyện. Ngày rước dâu, nhà trai cho rắc những bông huệ trắng dọc hai bên đường nơi kiệu của cô dâu đi qua. Cô dâu cười rạng rỡ trong chiếc áo cưới dài màu đỏ với mái tóc tuyệt đẹp khiến dân làng phải trầm trồ. Chàng rễ nhìn lên trời mỉm cười kỳ lạ dưới cái mũ đội đầu lạ kỳ mà dân làng được thấy lần đầu tiên.
Vợ Hương Quyền mang thai đến tháng thứ chín thì cải cách ruộng đất. Ruộng đất của các quan lại và địa chủ về-tay-nhân-dân. Thầy Trọng tiếc của thổ huyết chết ngay trong gian thờ, máu thấm vào các bản trích lục, rồi theo các rãnh thoát nước chảy ra ngoài, đầu của các dòng chảy ngóc lên như đầu con rắn hổ.
Vợ chồng Hương Quyền được chính quyền mới cho tá túc tạm và mang bàn thờ về ở mái nhà rách nát bên cồn dâu. Hai tháng sau người vợ sinh ngược. Trên trán bé trai có năm vết mờ mờ như năm dấu chân người.
IV-
Vợ chồng Trọng Quyền đặt tên cho con là Trọng Hải. Nhưng dân làng chẳng mấy khi gọi đúng tên. Họ thường gọi là thằng-triệu-tử-long khi lên đồng hoặc thằng-lên-cơn lúc bình thường.
Theo cha mẹ chèo đò, đánh cá trên sông nhưng Trọng Hải có dáng dấp của một thư sinh nho nhã. Không được học hành nhưng Trọng Hải lại thuộc làu các tuồng tích tàu hệt như diễn viên của các phường tuồng.
-      Hôm nay là sinh nhật thứ mười bảy của con mình.  
Vợ ông Trọng Quyền nhắc chồng. Dù không yêu thương gì vợ, nhưng Trọng Quyền vẫn khen thầm là vợ mình đẹp. Bà vẫn còn dáng dấp của con nhà khuê các, nhất là mái tóc. Thời gian và nhọc nhằn càng làm mái tóc có sức sống và sự lôi cuốn riêng.(Trong làng có lắm người trở thành thi sĩ hoặc phải lấy vợ sớm vì mái tóc của bà).
- Biết rồi, bà ra sông đi, trưa nay không được về nhà.
Bà lửng thửng ra sông rồi một mình chèo đò về hướng chợ, định bụng mua cho con trai bộ quần áo mới và ít thức ăn cho các ngày sắp tới, nhưng sau khi buộc đò bước vào chợ bà mới biết mình không mang theo tiền.
Sau khi vợ ra khỏi nhà, ông Trọng Quyền bảo Trọng Hải:
- Con tắm rửa sạch sẽ rồi lên nhà trên ba có chuyện muốn nói.
Vén tấm màn của gian thờ, mở khóa rồi trao chìa cho Trọng Hải, ông nói: “ Từ hôm nay con gánh vác trách nhiệm với Tổ tiên ta “. Chưa một ai được phép bước vào chốn cấm kỵ này, kể cả người vợ.
Trọng Hải đưa mắt nhìn lên bàn thờ, rùng mình hoảng hốt định chạy ra ngoài nhưng bị người cha giữ lại: “ Chớ sợ! “. Ngoài nồi hương và cặp chân đèn bằng đồng, giữa bàn thờ một có khung ảnh bọc bằng vải điều và được quấn quanh ba lần bằng thân một con rắn hổ, đầu rắn tựa vào cạnh trên của chiếc khung, phía trước là chiếc hộp gỗ mun lên nước đen bóng.
Trọng Quyền đứng trước bàn thờ, tay trái đặt lên vai, tay kia nắm lại vung cao thốt lên:
- Phaicươchobangđươđatnuvienam!
Rồi hai tay chắp trước ngực:
- Phaicươchobangđươđatnuvienam!
Và quỳ xuống:
- Phaicươchobangđươđatnuvienam!
Sau khi vái xong, ông đứng lên, bảo Trọng Hải lập lại các động tác mà mình vừa làm. Thật kỳ lạ, hắn vung tay, chấp tay, quỳ bái một cách thành thạo và đọc câu chú bí hiểm kia một cách mạch lạc tựa như hắn đã từng làm công việc này từ tiền kiếp.
Con rắn hổ cựa mình, đưa đuôi lên cao quấn vào thanh tre của mái nhà rồi giương cái đầu khủng khiếp về phía trước. Tấm vải điều của khung ảnh dần tuột xuống, một khuôn mặt đàn bà hiện ra. Bà ta có đôi lưỡng quyền nhô cao, cặp mắt nhỏ và dài, cái cằm nhọn đưa về phía trước, hai má tóp lại cùng những nếp nhăn ăn sâu vào như bị ai cào cấu.
   Trọng Quyền mang hộp gỗ mun đặt trên chiếc chiếu trước bàn thờ, hai cha con quỳ xổm đối diện nhau trước chiếc hộp. Sau khi cả hai đồng thanh đọc câu Phaicươchobangđươđatnuvienam, người cha nhìn thẳng vào mắt người con rồi bắt đầu:
- Khi Trọng Thủy sang làm rể ở đất nước này theo lệnh của cha là Triệu Đà có mang theo một số người hầu. Sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ cao cả, trên đường đi tìm Mỵ Châu về, ông bị thuộc hạ của Tướng Cao Lỗ giết và vứt xác xuống giếng. Vào đêm trăng sáng nọ, một trong các nguời hầu gái tò mò nhìn xuống giếng và bắt gặp khuôn mặt của ông Trọng Thủy ẩn hiện trên mặt nước, từ đó bà mang thai và mười một tháng mười ngày sau bà sinh một đôi nam nhưng chỉ sống được có một người. Đó là bà Tổ của ta. Triệu Đà hay tin bèn ban thưởng cho bà một vật quý.
Đôi mắt của ông tự hào hướng về bàn thờ rồi tiếp:
-      Ta chính là giòng dõi của người con trai đó. Còn đây là di vật linh thiêng nhất được chính tay bà truyền lại cho muôn đời con cháu về sau.
Kính cẩn mở nắp hộp, ông đưa cho Trọng Hải nhìn cái vật bằng sừng có hình dáng như ngón tay người, giọng thầm thì :
Còn đây là chiếc móng rùa mà ông Triệu Đà ban thưởng cho bà tổ chúng ta. Chiếc móng này chữa được bách bệnh, cải tử hoàn sinh cho người gặp nạn; con không được dùng bừa bãi, chỉ được dùng khi công việc yêu cầu.
Công việc, nhiệm vụ cao cả linh thiêng của chúng ta là làm thế nào để cho Ông Triệu Đà mỉm cười nơi chín suối và cái kết quả công sức hy sinh của ông tổ Trọng Thủy được trường tồn.   
Cha ông chúng ta đã thất bại nhiều lần nhưng ba tin có ngày sẽ được như ý.
Bất chợt có tiếng động lạ phía ngoài nhà. Con rắn hổ vung người bay ra. Tiếng hét kinh hoàng của người đàn bà làm tiếng ve râm ran trên cồn dâu ngưng bặt.
-      Sự việc phải xảy ra như vậy. Con đừng quan tâm, nghe ba nói tiếp. Trước đây trong lễ cúng, ông nội con đã dâng lên bà Tổ các văn tự, trích lục đất đai của xứ này cao đến một gang tay. Nhưng đó chỉ là vật phẩm tượng trưng cần thiết thôi. Bởi thời thế thay đổi nên hôm nay cha con mình đành phải mắc tội với tổ tiên.
Giọng ông trở nên sôi nỗi:
- Từ xưa đến nay giòng họ ta mỗi đời chỉ sinh được một người con trai. Nhưng sự nghiệp của ta lại là sự nghiệp lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà thành được. Con hãy lưu ý đến hiện tượng này: Nếu trong giai đoạn nào đó có người sinh được trên dưới mười người con, hoặc sinh đôi mà cả hai còn sống thì đấy là dấu hiệu tốt của chúng ta.
Ngay chiều hôm đó, ông Trọng Quyền lần theo và gom nhặt các mớ tóc vương vãi dọc theo bờ sông về hướng phía thượng nguồn, mang xác vợ mình về cồn dâu an táng.
Ba ngày sau ông tự tử, khó khăn lắm người ta mới mang được xác ông lên từ giếng bộng ở cuối làng.Kể từ đó, gã- lên- cơn bắt đầu lên đồng.
Trước giờ nhập quan ông Trọng Quyền, cùng lúc có tới mười một chiếc ôtô con cùng về làng. Mười một chàng trai xuống xe, họ tỏ ra ngạc nhiên vì đã quen biết nhau từ trước. Tất cả đều hoạt động kinh doanh và quản lý trong lĩnh vực đất đai, trồng rừng. Họ càng ngỡ ngàng hơn khi được biết bọn họ về làng đều cùng chung một mục đích.  Mười một bà đứng tuổi khoan thai bước xuống nhưng không ai dám nhìn thẳng vào ai. Sau một hồi tò mò quan sát, dân làng nhận ra họ chính là các cô gái đã ôm mo cau bỏ làng từ dạo nào.
Tuần vừa rồi nhân ngày cúp điện, tôi về thăm quê. Mau về quê kẻo có ngày hết quê mà. Hỏi thăm thì mới biết cái gã-lên-cơn-triệu-tử-long được một trong số mười một ông anh mang ra thành phố và bố trí làm bảo vệ ở một ban quản lý đền bù. Nghe nói về sau hắn được một đại gia có cỡ ở Hà Nội gã con gái cho vì đã có công cứu sống đứa con gái độc nhất của ông bị rắn độc cắn khi đi du lịch ở một khu sinh thái nào đó.
Chiều hôm qua đi dạo dọc theo bãi biển, tôi bắt gặp hai thằng cu nhỏ giống hệt nhau đang nghịch cát, chung quanh có vài ba gã khoanh tay canh chừng, chắc họ là người bảo vệ cho hai cậu sinh đôi kia. Rồi tôi nghe giọng Hà Nội dịu dàng của một cô gái :” Này, Trọng Trường, Trọng Hoàng, ta về thôi nhé, bố đang chờ đấy!”.
.
Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. Bài rất hay nhưng tính ẩn dụ kín đáo quá nên có ít người hiểu ý tác giả. Rất mong đọc được những bài viết dạng này nhưng "rõ hơn" một tý để nhiều người hiểu được nội dung. Thành thật cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hạt phù sa23/12/12 2:38 CH

      Bài này chắc viết về dự án đất Văn Giang nếu xét theo tiêu chí quyết tâm cướp đất của dân nghèo.

      Xóa