Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Thị giác ngoài da, chữ nghĩa tinh thần

Hữu Lý phỏng vấn Nguyễn Hoàng Đức


PV: Thưa anh Nguyễn Hoàng Đức, bài “Danh vọng che mắt tầm nhìn văn hóa…” được khá nhiều người đón đọc. Chỉ có điều họ kêu bài ngắn quá chưa kịp “sướng” đã xếp cánh rồi. Giờ tôi xin được hỏi thêm anh, tại sao anh có vẻ coi rẻ nghệ thuật biểu diễn?

NHĐ: Tôi không coi rẻ mà tôi định vị đúng chỗ của nó. Nếu không có nghệ thuật trình diễn thì một bản nhạc, một vở kịch không thể biểu hiện ra ngoài cái toàn thể cũng như giá trị của tác phẩm. Một tác phẩm nằm trên giấy thì vẫn chỉ là giấy mà thôi. Nhưng khi nó được biểu diễn nó sống động tột cùng diện mạo của nó. Nó khác xa một trời một vực chẳng khác gì bản vẽ của một ngôi nhà và ngôi nhà đã hiện diện rồi. Chỉ có điều người vẽ kiểu dáng ngôi nhà là một kiến trúc sư, còn người xây nhà chỉ là một anh thợ. Một anh thợ biểu diễn có thể so với bản vẽ của kiến trúc sư không? Một đằng là sản phẩm của tinh thần, một đằng là lao công thực hiện.

PV: Cái gì là căn cốt khác nhau giữa nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật chữ nghĩa?

NHĐ: Nghệ thuật biểu diễn, hay hội họa được xếp là nghệ thuật thị giác. Về tầm vóc nó khá nhỏ bé. Bởi vì về cái nhìn, một đôi vợ chồng trẻ chỉ cần kéo ri-đô, là đã tạo ra thế giới riêng của mình không bị ai nhìn thấy. Nhưng về âm thanh, dù người ta có đóng cửa thì âm thanh vẫn vọt tường để lan xa. Trong tướng mạo người ta cũng nói “nhất thanh, nhị sắc, tam hình”, tức tướng âm thanh là quan trọng nhất, một động cơ ô tô, hay một chiếc máy, người ta có thể nghe âm thanh để thấy cái chất lượng bên trong của nó, sắc bên ngoài chính là cái để nhìn, hình cũng là cái để nhìn đều đứng sau âm thanh. Nhưng văn học là cái siêu việt khác hẳn. Văn theo tiếng Latin là LIRE, tức đọc lên, “văn học” là Literature cũng từ nghĩa đó mà ra. Văn học vừa là nghệ thuật thị giác, vì mắt người ta phải đọc chữ, và giờ đây có những bài thơ sắp đặt là dựa vào tính chất này. Nhưng văn học cũng là nghệ thuật của âm thanh, bởi tiền khởi nó được đọc để nhiều người nghe. Âm thanh có một phép lạ thế này, nó có thể xuyên tường, văn hào Leo Tolstoi miêu tả, trong các cuộc chiến tranh, dù người đưa tin đã phi ngựa hết tốc lực, nhưng cuối cùng khi anh ta chạm đích, tin đồn vẫn đến trước anh ta. Trời ơi không thể nào hiểu nổi và thật diệu kỳ. Triết gia Aristote nói : “Văn học là cao quí nhất bởi chỉ mình nó đạt đến vẻ đẹp của tâm hồn, cái hội họa, điêu khắc hay âm nhạc không thể nào đạt đến”. Triết gia Hegel còn xác tín một cách mãnh liệt hơn: “Chỉ có văn học mới biểu đạt được cái mà các môn nghệ thuật khác bất lực, chẳng hạn như khái niệm vĩnh cửu, toàn năng, bất diệt, siêu việt hay lý tưởng, làm sao hội họa có thể vẽ và âm nhạc có thể chơi, chỉ có văn học buông nổi mấy từ đã lột tả được”. Còn môn thần học thì xác định ngay trong câu hỏi của Moses giành cho Chúa Trời “thưa Ngài, ngài là ai?” Lời đáp: “Ta là Đấng có! ” – cũng có nghĩa “Ta là Đức Chúa Lời!” Thiên Chúa chẳng là gì khác ngoài Lời cả. Bởi vì Ngài xuất hiện trong bất kể diện mạo nào, thì đều là khiếm diện, vì ngài là toàn năng vô tận không thể xuất hiện để lọt tầm mắt hữu hạn của con người.

PV: Thưa anh, anh làm một băng dài có vẻ siêu việt quá, xin anh chậm lại, kẻo tôi và người Việt tranh tre nứa lá không hiểu được. Như vậy có phải, văn học là nghệ thuật rất cao quí của ngôn từ, chỉ có nó mới đạt đến chiều cao cũng như chiều sâu của tâm hồn?

NHĐ: Không chỉ có thế, ngay cả trong lĩnh vực thể hiện theo kiểu biểu diễn nó cũng mạnh mẽ vạm vỡ gấp ngàn lần nghệ thuật biễu diễn của thị giác.

PV: Cụ thể thế nào?

NHĐ: Một nhà văn nga có viết, trước kia vài chục năm, dân số Xô-viết có trên 250 triệu, tờ Sputnic có cả triệu bản mỗi lần xuất hành, một người chỉ có một bài thơ được đăng, triệu người đọc, rồi truyền tay nhau đến chục triệu người biết, người đó làm sao không nổi tiếng?! Ở Việt nam cũng vậy, mỗi lần biểu diễn ở Nhà hát lớn ư, có nghìn người xem, họ loan tin có vài nghìn người biết, trong khi đó, một bài đăng trên báo có cả vạn bản, truyền tay nhau đọc, có đến vài chục vạn người xem. Thử hỏi vài nghìn người xem so với vài chục vạn người có thấm gì? Cách mạng mới về, xã hội ta ngót 90% nông dân, thấy có tờ báo, trời ơi khác gì thiên đường, nhảy nhót lên vài bài thơ, mấy mẩu vè là đã nổi như cồn. Báo chí, sách vở, sân khấu trở thành mảnh đất ưu tiên của quyền hành, và nó được che chắn để phục vụ một nhóm cánh hẩu. Trình độ của nhóm đó càng ít thì nhóm đó càng kéo bè kéo cánh, biến nó thành sân chơi của riêng mình. Một sân chơi có tất cả từ danh lợi đến quyền lực. Nhưng trình độ của nhóm văn nghệ đầu tiên ấy ở mức nào? Đó là của giai cấp vô sản, mà người Việt vẫn thường nói “hát hay không bằng hay hát”. Giai cấp vô sản nghĩa đen là trắng tay và vô học, vì thế nhiều người có liên tưởng đến đó là “vô sản lưu manh”. Điều này đã được ông tổ văn hóa cao nhất của giai cấp vô sản thú nhận, đó là văn hào Xô Viết Goorki, ông thú nhận mới đầu ông chỉ là những kẻ lang thang đầu đường xó chợ nhưng ham học. Và ông xác nhận: càng có học thì càng có sức mạnh, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng dù ông có là văn hào Xô Viết thì cũng không đuổi kịp được những văn hào số một của nước Nga như Puskin, Tolstoi, hay Dostoievski… Nếu những người vô sản không cố học, thì văn hóa vô sản có nguy cơ đồng nghĩa với văn hóa – vô văn hóa của những kẻ trắng tay. Đó cũng chính là cách nói của lãnh tụ Lê Nin khi ông nói, sẵn sàng đổi cả nghìn người vô sản lây một nhà tư bản biết quản lý. Trường hợp điệu nhảy Hip Hop mới ra lò đã chứng minh điều đó. Đó là điệu nhảy bằng tay và cổ rất khó của đám đầu đường xó chợ. Không muốn để người ta khinh mình, họ đã tập dượt và cho ra đời một thứ nhảy khó đến mức kịch trần. Đó là cách đã cải thiện văn hóa vô sản của họ.

PV: Dường như có vẻ chúng ta đã đi quá xa, có phải anh định nói, nếu sân chơi của chúng ta không biết cải thiện về văn hóa, thì chúng ta dù có những sân chơi cao nhất, như Nhà hát lớn hay các tờ báo, chúng ta cũng chỉ cho ra lò văn hóa vô sản “hát hay không bằng hay hát”?

NHĐ: Anh hiểu đúng ý của tôi đấy. Mới đây, tờ Tạp chí Nhà Văn đóng cửa, đó cũng là dấu hiệu phá sản của văn hóa vô sản rồi! Nhưng nhà văn quê mùa chân đất mắt toét không chịu học như Goorki, làm sao có thể vớt sân khấu nghệ thuật lên tầm cao lý tưởng được?

PV: Và việc chơi lầm địa chỉ, đem nghệ thuật cao quí của ngôn từ thế chấp cho nghệ thuật biểu diễn của thị giác, có phải là cách giật lùi, cũng như chẳng hiểu gì về văn hóa? Hay gọi đó là văn hóa vô sản? Một thứ văn hóa trắng tay? Trắng cả cái đựng trong đầu?

NHĐ: Người Việt có câu “Quí vật tầm quí nhân”, người phương Tây có câu : “cái gì của Sê da hãy đem trả Sê da”. Văn học nên được trao cho người có học, có lý tưởng và tâm huyết, chứ còn thứ nghệ thuật mua vui của quần chúng nghiệp dư vô sản í ới gọi là để cầu danh nên khép màn thôi. Giờ người ta đều kêu gọi cổ phần hóa để có nền kinh tế đích thực. Cũng đã quá muộn để yêu cầu một nền nghệ thuật mới của nghệ sĩ nhà nghề đích thực.

PV: Anh phản đối văn hóa vô sản sao?

NHĐ: Không, tôi không phảm đối! Chỉ có điều văn hóa vô sản là văn hóa sinh hoạt nhí nhảnh mua vui của quần chúng năm thì mười họa ở giai đoạn tập tọe có chính quyền, lúc đó du kích quần sắn móng lợn có thể ngồi vào ủy ban. Nhưng khi chính quyền đã trưởng thành thì cán bộ nhà nước phải nhà nghề. Văn hóa cũng phải được nhà nghề hóa. Văn hóa đích thực phải được trao cho người Hữu sản, có tri thức, tay nghề, khao khát, và lý tưởng hành nghề như một sứ mệnh cao cả!

PV: Xin cám ơn anh!

Tác giả gửi qua email

1 nhận xét:

  1. NGƯỜI ÍT HỌC6/12/12 9:31 SA

    Xin cảm ơn cả người PV và người trả lời PV!
    Nói túm lại: nội dung khá uyên thâm. Nhân tiên các Bác bàn về "Văn hóa - nghệ thuật", tôi xin mạo muội hỏi một câu: Vì, nói thẳng ra là dốt, nên tôi không hiểu được một cách "thỏa mãn" khi nghe mọi người nói về một ai đó có những lời nói hoặc hành động không đẹp thì họ lại bào người đó là "Vô văn hóa - hiểu là không có Văn hóa".
    Trong khi đó,tôi đọc được khá nhiều định nghĩa về Văn hóa, nhưng nói túm lại: Mặc dù có cách tiếp cận khác nhau, nhưng các định nghĩa này có điểm chung là cùng chỉ rõ rằng văn hóa là DO CON NGƯỜI TẠO NÊN và phải học chứ không phải do tiến hóa sinh học hay do một thế lực siêu nhiên nào mang đến cho con người. VẬY THÌ, CON NGƯỜI MÀ BỊ CHO LÀ KHÔNG CÓ VĂN HÓA THÌ HỌ CÓ CÁI GÌ? Rất mong bác Nguyễn Hoàng Đức giải đáp thắc mắc này dùm. Tôi xin đa ta.

    Trả lờiXóa