Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

"Tiệc trần gian" Thơ hoặc kiến trúc nhạc - họa siêu hình của Vân Thuyết

Nguyễn Hoàng Đức 


Thật sững sờ khi bước vào thế giới thơ của nhà điêu khắc, họa sĩ Vân Thuyết với tập “Tiệc trần gian”- hơn năm chục bài lóng lánh như những hạt kim cương lạ. Ở Việt Nam, nói chung ai cũng có thể làm thơ, lúc hứng lên, cả lúc buồn bã, hoặc thấy thời gian trống vắng đều có thể làm thơ, tả tình tả cảnh, hay như người ta vẫn nói thành công thức “tức cảnh sinh tình”. Mới đầu, dù tôi nghe thấy thơ Vân Thuyết có cái gì lắng đọng sâu xa, nhưng tôi vẫn nghĩ chắc chỉ khác hoặc cao hơn cái làng nhàng nghiệp dư một tẹo thôi. 

Thời gian trôi đi, tôi cũng bận bởi quá nhiều việc, quá nhiều sách quí còn chưa đọc, mà thơ Vân Thuyết chắc chưa đủ độ xếp hàng để chen ngang hay ưu tiên… Nhưng khi tôi nhất quyết đọc tập thơ có cái tên không hề nhỏ “Tiệc trần gian”, tôi đã thật sự bị lôi cuốn và sững sờ, cũng như đành phải thốt lên, thơ hay và cao quá. Xem quả trước hết phải xem cây. Hãy nhìn lại tác giả một chút để hiểu thơ anh. Vân thuyết học hội họa và điêu khắc chuyên nghiệp, anh chơi violon và đã từng ngồi trong giàn nhạc cỡ vừa, một người đọc rất nhiều sách, cứ thấy cuốn sách nào mới ra anh liền không bỏ lỡ cơ hội sở hữu nó. Những bài thơ của đầu tiên của anh được viết cách đây hơn 40 năm, lúc anh mới qua tuổi “tin” (và cứ thế tiếp diễn đến năm 40 tuổi, từ 1970 đến 1994) giờ mới gộp vào để in, tức là anh đã biết sáng tác thơ vào lúc có cảm xúc tinh khôi trong sáng mãnh liệt trào vọt nhất. 


Thơ của Vân Thuyết không hề có cái nhìn trực tiếp đơn giản như nhìn núi thấy núi, nhìn sông thấy sông, mà cảnh vật trong anh luôn được đúc kết từ hội họa và âm nhạc siêu hình. Một nốt nhạc vang lên chẳng hạn, nó không chỉ là nốt Đô, mà cùng lúc cây đàn xuất hiện với nhạc công, với bản nhạc, với nhạc sĩ và có cả nhà hát đang lung linh ngất ngây âm thanh kỳ diệu muốn ngoi khỏi vòm cung bay đến những chân trời xa nhất. Thơ của anh là cuộc phiêu du lộng lẫy bay trên nhiều cung bậc, chẳng hạn: 

Những bản tình ca hoang dã… 
Dâng tặng nụ hôn vĩnh cửu 
Niềm vui lướt sóng 
Phủ kín thế gian 
Bầu trời đêm dạo chơi trên biển 

Thơ Vân Thuyết luôn muốn vươn tới một tầm nhìn rộng lớn, bao quát, lý tưởng, siêu hình, hơn thế là những giá trị vĩnh hằng của tôn giáo, còn nơi thế tục anh khao khát đến cực điểm của tự do. Tất cả được triển khai trên nền tảng của tri thức, hội họa và âm nhạc kinh điển cao cấp nhất. Chẳng hạn trong bài “Hy vọng”: 

Tôi không hy vọng mặt trời không sụp đổ 
Tôi không hy vọng nhân loại hết chiến tranh … 
Tôi không hy vọng cuộc đời hết đau khổ 
Tôi không hy vọng niềm tin là mãi mãi 
Chỉ có một điều tôi hy vọng 
Tự do của tôi – tôi tự do hy vọng 

Hội họa và điêu khắc là tay chính của anh, nên trong thơ của anh thường xuyên có hình ảnh, một thứ hình ảnh không chỉ nổi lên mặt như làn da mà nó mang nhiều chiều kích sau lắng về vẻ đẹp thị giác, chẳng hạn có thể đó là những hình ảnh mang cả chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa ấn tượng, hay lập thể, và những gì nhiều hơn thế. Đặc biệt anh giành rất nhiều quan tâm của mình cho âm nhạc. Anh viết về cây dương cầm hay vĩ cầm. Chúng ta thử đọc thứ âm thanh siêu hình của anh trong bài “Cây vĩ cầm”: 

Không gian thời gian mờ mịt bị uốn cong 
Những âm thanh của màn đêm phát sóng 
Đánh thức tâm hồn cây đàn vĩ cầm bị lãng quên 
Cất cao âm sắc của một niềm vui mơ hồ thánh thiện 
… 
Những huyền ảo da diết khoan sâu vào trái tim vũ trụ 
Lặng lẽ trầm tư gợi nhớ câu chuyện cổ muôn đời 

Thơ Vân Thuyết không chỉ nhắm về nhạc, mà ngay bản thân thơ cũng trôi chảy theo những bước chân của vũ điệu, âm nhạc hòa âm hòa sắc với ngôn từ như thể được hát lên thành ca khúc. Bài “Ảo ảnh”: 

Sân khấu cuộc đời 
Di chuyển trên bánh xe lăn tàn tật 
Loạn sắc mầu bơ vơ đi tìm chân lý 
Âm vang tiếng nhạc sầu tư 
Hoang sơ say mê chờ đợi 

Cái nhìn của Vân Thuyết luôn luôn hướng về phía xa, một chân trời, một mặt trời hay vũ trụ, hoặc một cảnh vật mang tầm vóc phổ quát. Rất ít cái nhìn cụ thể nào trước mắt được định hình, mà chúng luôn khoác lên mình một ý niệm nào đó mang tư tưởng rộng lớn bao trùm, để thỏa mãn tầm nhìn mang tư tưởng của tác giả. Trong bài “Bâng khuâng”, tác giả viết: 

Giữa các khu rừng – thung lũng 
Tất cả cỏ cây hoa lá hân hoan 
Vui mừng nhẩy múa 
Trong ban nhạc du dương của thời đại 
Chỉ có những cây đàn đam mê tưởng tượng 
… 
Các quốc gia thích vuốt ve những dòng sông chia cắt 
Biên giới chế nhạo nhau – đòi có thêm nhiều lính gác 
Hôn nhân sợ những bông hoa hồng tinh khiết… 

Với cái nhìn rộng lớn, khao khát luôn muốn chạm đích tột đỉnh của lý tưởng siêu việt, bởi thế cảnh vật của Vân Thuyết luôn trở thành tầm vóc hay bóng dáng của vũ trụ bao la. Và vũ trụ này không được hình thành một cách vu vơ như người mộng du, ảo tưởng, mà nó được kiến thiết từ những nguyên lý dường cột, một giá trị mang tính vĩnh cửu xuyên suốt cuộc sống thường hằng của nhân loại, như giá trị chân-thiện-mỹ. Bài “Mộng du” của tác giả thể hiện: 

Mặt trời luôn rộng mở nụ cười hào phóng 
Thiên nhiên màu xanh làm dịu mát tâm hồn 
Ánh lửa mùa xuân đánh thức nụ hôn say rượu 
Không gian hồn nhiên – cuộc đời lắng đọng mùa thu 
Tâm hồn và tư tưởng mộng du 
Thấp thoáng bóng hình chân – thiện –mỹ… 

Ngay cả khi nhìn trực tiếp vào cuộc đời, Vân Thuyết cũng tham chiếu với các giá trị vĩnh cửu của chân lý. Anh viết trong bài “Trần thế”: 

Bản hùng ca bi tráng 
Số phận nhân loại mang nặng nỗi đau 
Cuộc hành trình thất bại 
Có phải con người 
Là kẻ thù dối lừa 
Của những câu hỏi ưu tư tra vấn 
… 
Có phải con người là nạn nhân của chiến bại 
Sự im lặng không đáy – nguyên thủy 
Linh thiêng truy tìm chân lý 

Khi có một tầm nhìn lớn, một cách nghĩ lớn, một ưu tư lớn, một cảm xúc lớn, thì dường như tất yếu, chúng dẫn các tác giả hướng về tư tưởng. Triết gia Hegel nói “Những tư tưởng dẫn dắt thế giới”. Tư tưởng bao giờ cũng mang vai trò dẫn đạo và độc tôn. Và khởi đầu tư tưởng luôn có dấu hiệu được thể hiện cái tôi siêu ngã của mình như thể tự đề cử mình thành một nhân vật đi tiên phong dẫn đường. Vân Thuyết cũng vậy, anh có nhiều bài thơ mở màn muốn thể hiện cái tôi, khao khát về cái tôi đòi chuyển mình siêu vượt. Anh viết trong bài “Khoảnh khắc”: 

Tâm hồn ta ưu tư 
Như bay trong khoảng không hư ảo 
Ta trần trụi trong thân xác ta 
Ta ý thức sâu sắc rằng 
Bản ngã của ta là huyền bí 
Ta là một bản thể 
Một cấu trúc thiêng liêng 
Một duy nhất sinh tồn 
Không có hai cuộc đời – hai số phận 

Đỉnh cao của việc trình bày cũng như đặt câu hỏi cho bản ngã được tác giả thể hiện trong một bài thơ khá dài và đồ sộ, bài “Giấc mơ không trọn vẹn”, tác giả viết: 

Giữa ánh sáng chói lòa 
Vầng dương của ngọn lửa cao thượng 
Tôi truy tìm tự do – công lý 
Sự minh triết – khôn ngoan – và thông thái 
Tôi chỉ thấy những bức tranh huyễn tưởng 
Xám mờ - băng giá 
… 
Tự đáy lòng tôi 
Vang tiếng vọng lấp lánh 
Thế gian này 
Giấc mơ 
Không bao giờ - trọn vẹn. 

Thơ Vân thuyết không chỉ nhắm về lý tưởng xuông, một thứ tự mình lên gân muốn trở thành siêu việt, mà tâm hồn anh còn chở mang nỗi đau đáu của một đức tin có hệ thống, thứ đức tin Ki – tô giáo mà anh nhiệt huyết rửa tội và đi lễ hàng tuần. Có một phương ngôn “con người là con vật có đức tin”. Vân Thuyết là cây đã ra quả từ những hạt giống nhạc, họa, tri thức, và không lẽ gì anh không mang theo đức tin sâu xa của mình luôn được kết hợp với lý tưởng khao khát siêu việt để ra hoa kết trái thành tác phẩm. Trong bài “Bay Xa” anh trăn trở: 

Tôi biết rằng 
Một ngày nào đó 
Tôi lang thang trong vương quốc 
Của niềm vinh quang bất tử 
Tôi cảm thấy tốt đẹp 
Một cảm giác tuyệt vời 
… 
Những suy nghĩ buồn của 
Cõi đời này ngọt ngào hư ảo 
Những giây phút thần tiên chỉ thoáng qua 
Thế gian nằm trong tay trò chơi của Thượng Đế. 

Hơn năm mươi bài thơ của Vân Thuyết, có bài nhỉnh, có bài vừa, nhưng tựu chung lại bài nào cũng ở phong độ mỹ học cao, không thể tìm thấy trong đó có bài thơ nào kém đến mức “thụt hố”. Thật đáng mừng trong vô số những cây bút làm thơ “vui vẻ”, lại “lọt lưới” một Vân thuyết sáng tác thơ rất đáng nể, và không thể xem thường. Hơn thế chúng ta nên biết tôn trọng tài thơ đã đằm hết mình cho thơ với sự mãnh liệt và sâu sắc của cảm xúc dồn nén, nhiệt huyết nóng bỏng, cùng trí tuệ và khao khát cháy rực, bay lên cùng tâm hồn mỏi cánh vì lý tưởng siêu việt. 

Mặc dù đôi chỗ thơ Vân Thuyết còn bị dễ dãi, tính liệt kê chủ quan nhiều, độ suy diễn chưa trôi chảy rộng dài, quá chú tâm vào bút pháp duy mỹ mà lơ là hiện thực duy sinh của cuộc đời. Dẫu vậy, những điểm yếu chỉ là những hạt sạn nhỏ trong bức tranh tổng thể của thơ anh. Hy vọng, chúng ta sẽ vui mừng đón nhận một tài năng thơ hiếm có và đặc sắc trong cái rừng thơ chủ yếu là làng nhàng của thơ Việt Nam hiện đại. 


NHĐ 19/12/2012 









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét