Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Ngòi bút bầy đàn – Rết nhiều chân sao có thể bay

Hữu Lý phỏng vấn Nguyễn Hoàng Đức


PV: Thưa anh… thưa anh…

NHĐ: Sao hôm nay anh có vẻ ấp úng thế?

PV: Quả thật tôi có ấp úng thật, sau bài, à sau cuộc đối thoại về “Lương tâm nhà văn…” mới nhất, đã có ý comment cho rằng, ông Hữu Lý này là ai? Có thật không? Hãy dẹp tiệp ông này đi, nên tôi cũng ái ngại… Tôi muốn hỏi anh…

NHĐ: Thôi, xin phép, tôi hiểu anh muốn nói gì rồi, tôi chơi với anh từ thủa “connaissance” còn lạ gì cách nghĩ của anh! Nhạc sĩ thiên tài Schumann nói: “không ai mời người câm dạy nói”. Đó là điều hiển nhiên. Nền học vấn châu Âu cũng khẳng định “ Cái gì không nói ra mồm thì không phải là tri thức”. Nghĩa là mọi hiểu biết của con người chỉ được chấp nhận khi phản ánh qua miệng, hay chữ viết, từ đó mới có thể cấp bản quyền.Kinh Thánh Tân Ước do Chúa Jesus phát ngôn sau đó được các môn đệ chép lại mà thành. Kinh Phật cũng do Phật Thích Ca rao giảng sau được các phật tử ghi chép lại. Chẳng lẽ ở đời lại có thứ tri thức bụng nằm sau trong dạ dầy không cất thành tiếng sao? Người Việt nói “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”, có nghĩa là, chỉ ở nơi công quyền có người làm chứng ở tầm pháp lý, thì người khôn ngoan mới bày tỏ bằng lời sự thể hiện của mình qua đối đáp. Người Việt hiện đại nói “chèo nhiều ngã nhiều, chèo ít ngã ít, không chèo không ngã”. Còn Kinh Thánh thì hân hoan ca lời bất tử “cái gì nói trong bóng tối hãy nói nơi sáng sủa, cái gì thì thầm trong tai hãy nói trên mái nhà”. Còn có một phương ngôn mãnh liệt rằng “Mực của học giả còn hơn máu kẻ tử đạo”. Sứ mệnh bằng lời là cao cả nhất, chính thế người ta mới gọi Đấng sáng thế là “Đức Chúa Lời”. Nhà văn Andre Gide có nói: chúng ta hãy công bố sứ điệp bằng lời, chỉ có thế chúng ta mới đối diện với bản thân mình mong sám hối và hoán cải nó. Trong nhiều tôn giáo, người ta có nguyên tắc sám hối với cha hay người thứ ba là vậy, vì “công lý là người thứ ba”, người ta cần phải nói to lên lầm lỗi của mình để vọng đến tai người khác như trình diện công lý, để từ đó mới có thể sửa lỗi. Còn chuyên gia tình báo Alien Dalet tuyên bố “Bí mật là nguồn gốc của tội lỗi”. Mọi tội lỗi trên đời từ trộm cắp, lừa đảo, đánh cướp hay chính trị ám toán bẩn thỉu thì đều phải giữ bí mật. Như vậy nếu chúng ta im tiếng, không chịu nói lên hay làm chứng, thì có nghĩa chúng ta là mảnh đất mầu mỡ dung dưỡng cho những kẻ bất tài, tham nhũng, bè cánh. Mới đây, có bài đăng trên Lethieunhon, nói rằng tất cả giải thưởng văn học 5 năm của Tp. HCM thì đều rơi vào tay ban giám khảo, nghĩa là người này trao cho người kia, tôi gắp vào bát anh, anh lại gắp vào bát tôi. Các giải thưởng của ta nói chung có địa chỉ từ trước, tôi gắp cho báo anh , anh lại gắp cho báo tôi. Người có quyền thì có xu thế lạm dụng quyền để làm lợi cho mình và nhóm lợi ích. Chẳng nhẽ chúng ta có mỗi cái miệng này lại không muốn đòi công lý sao. Không! Chúng ta phải nói bằng mọi giá! Bằng mọi cách! Có một phương ngôn của triết học rằng “câu hỏi không bao giờ sai!” Nếu anh không dám hỏi, không dám nói chuyện cùng tôi, thì tôi sẽ mời một Hữu Lý khác, có thể anh ta chỉ là Hữu La, Hữu Lủ, hay Hữu Lú, thậm chí Hữu Lì… nhưng anh ta dám hỏi, dám nói chuyện, để chúng ta cùng “phanh ra”, cùng làm chứng và vỡ lở cho sự thực…

PV: Thôi, tôi xin ông, vừa qua có một “Phạm Thành”, nói rằng quyển “Ông chủ và đầy tớ” là ở cuốn Hiện tượng học tinh thần của Hegel, và anh là người “nghe hơi nồi chõ…” thì sao?

NHĐ: Trước hết đó không phải anh Phạm Thành người mở trang Bà Đầm Xòe bạn vong niên với tôi, mà là một người đội tên. Việc anh này tranh thủ khoe kiến thức rằng cuốn “Master – slave” nằm ở chương Ý thức trong cuốn sách đó là cách khoe mình đã nhìn thấy một chiếc đàn piano mầu trắng hay đen đang nằm trong nhà hát. Việc nhìn thấy cây đàn và việc biểu diễn nhạc của Hegel trên cây đàn đó là một trời một vực. Tôi đã mời anh giả danh đó, tiện đây mời cả anh, và mời tất cả bạn đọc giới thiệu (trừ Bùi Văn nam Sơn là người sọan-dịch cuốn sách, và là người hiểu biết thấu đáo Hegel) xem có ai tường tận thì xin bàn về cuốn sách “Hiện tượng học tinh thần”.

PV: Sao anh có vẻ chắc chắn thế?

NHĐ: Vì chính Hegel đã từng tuyên bố: “Cả thế giới chỉ có một người hiểu tôi, thậm chí anh ta cũng không hiểu nốt”. Ở miền Bắc này, nói chung tôi chưa gặp ai có thể hiểu cuốn “Hiện tượng học tinh thần” là cuốn theo tôi khó nhất của Hegel. Và nếu có ai dám nhảy ra, thì Việt nam lại phát hiện ra một tài năng triết học vĩ mô. Nhưng người nhảy ra xin nhảy ra bằng một bài tiểu luận, chứ đừng nhảy chân sáo kiểu comment.

PV: Thôi, chúng ta vào đề quá dài dòng rồi, xin anh đi vào cuộc cho!

NHĐ: Anh hỏi đi!

PV: Theo anh, người Trung Quốc hay người Việt ít xây dựng giá trị cá nhân mà chỉ chú trọng vào cấu kết tập đoàn, có đúng không?

NHĐ: Qua thị trường chứng khoán Việt Nam, có lẽ không ngày nào người ta không nhắc đến “hội chứng bầy đàn” của những người chơi chứng khoán. Bầy đàn ở đây là gì? Họ không có khả năng đưa ra ý tưởng của cá nhân, vì thế họ a dua, ào ào theo đuôi nhau, mua mã này, bỏ rơi mã kia, tạo ra những cơn sốt giả tạo, cũng như làm đóng băng những nhu cầu nhắm vào ai đó…

PV: Hội chứng bầy đàn xuát phát từ đâu?

NHĐ: Bầy đàn là sản phẩm của xã hội thiếu công lý. Trong một xã hội có công lý thì người nhỏ tuổi, người yếu , người già, phụ nữ, người dại dột được bảo vệ. Ngược lại trong xã hội phi lý hoang dại thì người ta lấy mạnh đè yếu, lấy khôn đè dại, lấy đàn ông ăn hiếp đàn bà, lấy quan hiếp dân, lấy giầu hiếp nghèo. Trong xã hội hoang sơ về công lý đó, người ta thường kết nghĩa hay câu kết nhau để vụ lợi cho mình và chèn ép người khác. Ở Trung Quốc, người ta có lệ kết nghĩa anh em thề thốt “dù không sinh cùng ngày, nhưng sẽ chết cùng giờ, cùng năm, cùng tháng”, có nghĩa là ai đụng đến họ thì sẽ bị anh em họ cho nếm đòn liên đới ngay, Lưu – Quan – Trương trong Tam Quốc là một bằng chứng về điều đó. Ở Việt Nam cũng giống vậy, người ta kết nghĩa ở khắp nơi, thậm chí còn mở rộng kết nghĩa đồng hương để ỷ dốc ăn hiếp người khác. Việc các nhà thơ lèo tèo mấy dòng, mấy bài ngắn tũn cũng vậy, họ rất thích kéo bè kết cánh thành hội để dìm người khác còn tâng bốc mình lên.

PV: Như vậy, Trung Quốc hay Việt Nam rất mạnh về chủ nghĩa tập thể?

NHĐ: Nếu anh nghĩ vậy thì đó là một sự lầm lẫn khủng khiếp nhất, thậm chí không thể tha thứ về mặt nhận thức.

PV: Tại sao?

NHĐ: Anh thử nhìn môn bóng đá mà khâm phục người châu Âu. Dân tộc của họ rất ít người, vài thế kỷ trước mỗi nước chỉ có vài triệu người, vậy mà người ta nghĩ ra môn bóng đá với 22 cầu thủ đá trên mặt sân rất rộng. 22 người cho một cuộc chơi, đủ thấy tầm vóc và mật độ lớn thế nào. Trong đó nước lớn như Trung Quốc cả tỉ dân không nghĩ ra trò chơi nào cỡ chục người cả, vua chúa thì còn chơi và xem chọi dế như trẻ con. Tư tưởng gia Tôn Trung Sơn ví nước Trung Quốc to lớ đông dân nhất thế giới chỉ là bãi cát rời rạc. Còn nhà văn Nguyễn Bá Dương thì ví : một con lừa cũng làm vua cả tỉ người Trung Quốc vì họ là bầy đàn giống nhau kinh khủng. Người Việt hiện có đến 90 triệu người, sân vận động thì bé tẹo, nhưng ra sân thì vắng như chùa bà đanh, làm sao khi cổ vũ có thể tạo ra hiệu ứng đám đông được? Có một phương ngôn “chỉ là mình hoàn toàn thì mới gia nhập được với người khác”. Một người chỉ có thể gia nhập giàn nhạc khi anh ta hiểu bản nhạc và chơi tốt nhạc cụ của mình. Vì yếu đuối, người Việt và người Trung Quốc mở mắt ra đã nghĩ đến bản năng cấu kết đám đông để hưởng sự an toàn và ưu tiên cho mình, nhưng vì quá ích kỷ họ chỉ tham gia một cách quấy quá đánh trống ghi tên, sau đó muốn ăn mảnh để giành phần hơn. Vì thế mà cá nhân họ cũng không hoàn thiện! Tập thể họ cũng không đạt tới.

PV: Đến đây chúng ta có nên quay về văn học không? Anh đánh giá thế nào?

NHĐ: Sao lại không! Thế nào ư, có nhiều chuyên gia nói rằng: con rết đi rất vững bởi nó đi bằng nhiều chân, nhưng không thể chạy nhanh hay bay lên được. Sáng tạo văn học hay phát minh khoa học là việc của những cái đầu độc lập, đó là chắn chắn vì như chúng ta đã bàn, sáng tạo tinh thần không bao giờ là sản phẩm cùng lúc của hai người. Nói dễ hiểu thế này, tập thể chân rết nhà văn sau vài chục năm đập cánh vẫn chỉ thấy “tép riu” thôi! Bây giờ thì lo cửa hàng mậu dịch giải thể, các tập chí sát nhập và đóng cửa, các giải thưởng bị lộ hàng vì cứ tìm ghế cao mà trao danh dự… Tất cả đó không phải là sự yếu kém của cả cá nhân và chủ nghĩa vá víu đám đông sao?

PV: Vâng. Có lẽ hiện thực đang là bằng chứng cho những gì anh nói! À còn điều này tôi suýt quên, có người nói, chúng ta chỉ giỏi tâng bốc mình?

NHĐ: Anh hãy đếm đi, trừ một lần đầu tiên tôi hỏi anh đánh giá về tôi. Chúng ta có bao giờ nói về mình mà bảo là tâng bốc lẫn nhau. Còn nếu chúng ta nói sai, báo mạng luôn luôn mở cửa đấy, xin những ai có khả năng “bảo vệ luận án” lên tiếng cho. Nhưng hãy nhớ chúng ta vẫn hằng trông mong sự bước lên khán đài chứ không muốn chống lại những gì chọc sàn từ dưới comments.

PV: Anh trả lời thế là thích đáng. Cám ơn anh!

Hữu Lý thực hiện 07/01/2013

.

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét