Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Chẳng ai muốn làm dân!?

Mạc Văn Trang


Trước tết Quý Tỵ không may mình bị bệnh. Anh em con cháu, họ hàng, bạn bè, học sinh cũ… cứ nghe phải “vào bệnh viện cấp cứu” là báo cho nhau, ào ào đến thăm hỏi, nhét phong bì vào tay! Cái rủi lại hóa cái may, sướng! Nằm ngẫm nghĩ, thu hoạch được khối điều thú vị.

Thứ nhất, là số tiền thăm hỏi cũng kha khá. Mà tiền này là “tiền tình cảm thật”, “tiền sạch” tử tế, những người đưa phong bì không có chút cầu cạnh gì. Người trao phong bì nắm tay rõ lâu và nhìn vào mắt mình thật ấm áp, chứ không phải quay vào ông kính, quay phim, chụp hình cốt để tuyên truyền như “làm công tác từ thiện”… Cũng qua “vụ” này càng thấy cái “tình đồng chí” ngày nay nó vô nghĩa làm sao! Chỉ còn tình anh em, con cháu, bạn bè, thầy trò là thực sự tình người… Xã hội càng băng hoại, càng phải gìn giữ những cái tình này mà bấu víu!

Thứ hai, qua những câu chuyện “trong nhà” giữa những người thân, từ nhiều ngành nghề, tầng lớp xã hội, ở nhiều địa phương càng thấy bao nhiêu là “tấn trò đời” trần trụi, trớ trêu, trơ trẽn, trắng trợn … đến lạ đời, lại được kể ra một cách tự nhiên, dạn dĩ, nhiều bi, hài đến thế! Giá mình có tài, có sức mà đi sâu vào viết về những điều ấy nhỉ!

Thôi thì nói một điều khái quát chung qua các câu chuyện: Xã hội ta bây giờ chẳng ai muốn làm dân! Điều lạ lùng là “Đảng ta”, “Nhà nước ta” càng “ra sức”, “tăng cường”, “quyết liệt” tuyên truyền với những khẩu hiệu thật hoành tráng, đỏ chói: “Dân là gốc”, “Chính quyền của dân, do dân, vì dân”, “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động …”, lá cờ của Đảng là “búa” và “Liềm” treo khắp nơi; rồi “Hội đồng nhân dân”, “Quân đội nhân dân”, “Công an nhân dân”, “Tòa án nhân dân”…, vậy mà sao dân cứ “quyết liệt” “kiên trì” chạy trốn khỏi thân phận làm dân! Mà cái giá thoát khỏi kiếp làm dân để được đứng vào hàng “quan chức”, dù làm anh bảo vệ, chị văn thư, cũng đang được nâng lên một “tầm cao mới”, mà trên thế giới này, ngoài cõi Việt Nam, ai ai nghe thấy cũng phải há hốc mồm!

- Thằng cháu có bằng Tú tài, học lái xe, gom tiền mua cái xe tải nhỏ, chuyên chở nguyên vật liệu ở địa phương, xem ra cũng ổn. Bỗng nhiên bảo, cháu đang chạy vào làm nhân viên đường sắt, cũng mất khoảng dăm chục triệu. Mình hỏi, vào đó làm gì? Nó bảo, cũng nhàn thôi, chủ yếu gác chắn tầu: tầu đến thì kéo barie chắn người, xe qua lại; tầu đi lại kéo ra… Mình bảo, thế thì có gì hơn việc mày đang làm mà phải chạy chọt, tốn kém? Nó bảo, nhưng vào đấy, chạy tiếp, sẽ thành cán bộ nhà nước, yên thân, có sổ hưu. Làm dân tự do như cháu, thu nhập không đủ tiền thuế, tiền “làm luật” cho CA, lỡ xảy ra tai nạn thì sạt nghiệp. Hóa ra mình còng lưng nuôi thằng ngay lưng suốt đời mà về già chẳng có lương hưu… Ồ, thì ra “lý luận về cái sổ hưu” của PGS TS, đại tá Trần Đăng Thanh đánh rất trúng cái bụng của dân ta thời nay: mục tiêu, lý tưởng là cái sổ hưu!

- Con bé học Đại học Báo chí ra lại phải đi chạy thêm cái bằng Văn thư Lưu trữ để chạy vào làm chân Văn thư trong UBND huyện. Tết đến đem mấy con gà chọi nhà nuôi với (nghe đâu) ngót trăm triệu đi hai ba nơi. Nó nói, trước chỉ một đầu mối, nhưng nay phức tạp lắm, phải chạy ba nơi…

- Một thằng đang làm công nhân cho xí nghiệp tư nhân sản xuất bao bì, lương ba – bốn triệu một tháng lại đùng đùng vay tiền chạy đi xuất khẩu lao động. Mẹ già, vợ trẻ, con thơ phản đối dữ quá, cậu ta quay sang chạy làm chân công nhân máy bơm của Trạm thủy nông tại huyện. Mình bảo, mày có tay nghề cơ - điện, cộng với số tiền hàng trăm triệu chạy việc, thì mở mẹ nó một cửa hàng sửa chữa hoặc buôn bán các dụng cụ cơ khí, điện máy có sướng hơn không? Sao phải bon chen, chạy chọt vào biên chế nhà nước cho khổ? Nó tròn mắt: Khổ? Làm dân thì mới khổ, còn vào nhà nước rồi sẽ có cơ hội mở mày mở mặt! Đấy, như thằng K…., thằng S…

- Một con bé tốt nghiệp Đại học Sư phạm đang cùng mẹ là giáo viên mẫu giáo nghỉ hưu, tổ chức trông trẻ tại gia cho con công nhân khu công nghiệp, quá chuẩn, thu nhập cũng ổn, vậy mà cứ lo chạy bằng được vào chân giáo viên THCS. Nó nói chạy mất một trăm triệu mà lương được hơn hai triệu một tháng, hè không có lương, vì giáo viên quá thừa, quỹ lương thì thiếu. Nó bảo vào được cũng là cơ hội, vì ông phụ trách giáo dục sắp nghỉ hưu, ông ấy làm đợt “vét”, nhận vào hơn ba mươi giáo viên …

- Buồn cười nữa là một cậu trung tá nói chuyện, chạy lên chức Chủ nhiệm …. mất ba trăm triệu. Nó bảo cũng phải khoảng hai năm mới thu hồi được vốn, rồi chuẩn bị hưu. Nhưng lúc hưu cũng chắc ăn cái thượng tá… Nó bảo, cái gì mà không phải chạy, bộ đội hết nghĩa vụ muốn làm lính chuyên nghiệp cũng phải chạy mướt mồ hôi, tốn kém ra trò!

- Còn chuyện chạy làm quan: quan bé, quan nhỡ, quan to, quan “cốp”… giá cả bao nhiêu dân đều kể ra vanh vách, toàn từ vài trăm triệu, vài tỉ đến nhiều tỉ!.. Kinh!

Thảo nào Hà Nội điều tra mãi không ra vụ “hối lộ một trăm triệu để làm công chức”, vì làm gì có cái giá đó ở Thủ đô!

Nghe chuyện rồi cứ nghĩ lẩn thẩn: “nước lấy dân làm gốc”, mà chẳng ai muốn làm dân, chẳng ai chịu làm dân rồi không hiểu sẽ ra sao!? Không phải như trò chơi ô ăn quan ngày xưa “hết quan - tàn dân”, mà nay là “loạn quan – tàn dân”!

25/2/2013

MVT 

Tác giả gửi cho NTT blog

2 nhận xét:

  1. Nặc danh27/2/13 7:16 CH

    chu Thuy oi chau mong mot ngay khong xa Dan minh se ngang mat

    Trả lờiXóa
  2. cứ mỗi khi nghĩ về đất nước, về con người, về lòng Dân hiện nay sao thấy chua xót, đớn đau...
    Thật buồn!

    Trả lờiXóa