Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

HIẾN PHÁP CHỈ LÀ HIẾN PHÁP KHI CỦA TOÀN DÂN

Nguyễn Hoàng Đức


Hiến pháp chí ít là ý chí hiệp nhất của toàn dân trước khi nó được rót khuôn vào từng điều luật cụ thể để ngăn cản những hành vi xâm hại pháp luật, khiến phá vỡ môi trường sống bình an của chung tất cả mọi người.

Chỉ là hiến pháp nếu như đó là hiến pháp của toàn dân. Nếu cái gì không thuộc toàn dân thì chỉ là chỉ thị, nghị quyết, nguyên tắc, hay qui định của tổ nhóm hay đảng phái nào đó.

Hiến pháp cũng chỉ có ý nghĩa và giá trị khi được toàn dân nhất trí tham gia và tự giác chấp hành. Việc đó giống như mọi người cùng tham gia vào qui tắc vận hành giao thông. Trong giao thông, chỉ cần một vỏ chuối bị ném vô ý thức ra đường, nó đã có thể làm cho một người ngã, kéo theo cả chuỗi xe đâm vào nhau. Một chiếc xe đạp, xe máy, hay xe ba bánh thì còn gây những tai nạn khủng khiếp hơn. Vì thế qui tắc giao thông muốn an toàn tuyệt đối thì mọi phương tiện dù nhỏ hay to, mọi người dù đi bộ hay đi xe đều phải tự giác đi đúng phần đường giành cho mình. Chỉ cần một phương tiện dù thô sơ hay máy móc không tuân thủ thì sẽ gây tai nạn ngay. Trong giao thông, sẽ không có ưu tiên ngoại lệ giành cho phương tiện nào hay ai cả, vì lẽ chúng ta đều biết, cho dù một phương tiện nhỏ cũng có thể gây ra hiệu ứng domino làm nhiều người tai nạn theo. Trong hiến pháp cũng vậy, không nên phân biệt giai cấp, công dân hạng một, công dân hạng hai, hạng ba, nếu hiến pháp chỉ giành cho người ưu tiên, thì những người khác sẽ ra sao, họ sẽ buông trôi bỏ mặc, khi ấy xã hội của những người ưu tiên sẽ không thể giàu mạnh, quốc gia không thể thành cường quốc, bởi lẽ giản đơn quốc gia đó không do toàn thể dân chúng xây dựng bồi đắp lên.

Nhân dân là ai? Một từ rất cụ thể như vậy nhưng vẫn bị bẻ cong làm cho nó trở thành phức tạp đến mức dường như không thể nào minh định nổi. Có phương ngôn: “Quốc phá sơn hà tại”. Quốc ở đây là quốc gia. Quốc gia bao gồm chính phủ và nhân dân. Chỉ là quốc gia khi nó được lập quốc có chính phủ và nhân dân. Không phải là quốc gia khi nó mới ở trình độ sắc tộc chưa có luật pháp. Quốc có phá, nghĩa là chính phủ hay vương triều này, vương triều kia có thể sụp đổ, thì nhà nước đó tiêu vong chứ không thể tiêu vong được Sơn Hà. Sơn hà là gì? Sơn hà nghĩa đen là sông-núi. Nhưng sông núi mà làm gì nếu không có con người, như một câu phương ngôn “linh hồn còn quí giá hơn cả vũ trụ này”. Như vậy có thể nói chắc chắn rằng: nhà nước của bất kỳ chế độ nào dù có mất thì nhân dân không bao giờ mất. Người Việt nói khẳng định: “Quan nhất thời, dân vạn đại”, nghĩa là: vua quan chỉ nhất thời, còn dân chúng là vạn thời đại.

Không có nhân dân đồng thuận trong ý chí chung không thành hiến pháp! Không có hiến pháp không thành quốc gia lập hiến. Với những hiến pháp trá hình khiên cưỡng thì nhân dân cũng chỉ có được quốc gia trá hình khiên cưỡng – một quốc gia dựng lên quốc hội như nhân dân gọi: Đảng chỉ tay, quốc hội khoanh tay, nhà nước bó tay, còn nhân dân thì trắng tay.

Hiến pháp hiển nhiên là của nhân dân và phải quay lại phục vụ nhân dân. Và hiến pháp chỉ là hiến pháp khi không có ai được ngồi trên hiến pháp. Xưa kia, thời phong kiến dù quyền hành thiên tử như con trời mà vua chúa vẫn nói: vua chúa phạm tội xử như thứ dân. Trong gia đình nhỏ, nếu người cha ra uy ne nẹt bắt vợ con vào khuôn khổ, còn mình thì tùy tiện rượu chè, cờ bạc, hút sách thì nói ai nghe, và làm sao tránh khỏi nhà dột từ nóc dột xuống? Vì thế người Việt mới khuyên chớ có: “Cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”.

Luật pháp chỉ là luật pháp khi được tất cả mọi người tuân thủ, và không có ai được ngồi trên luật pháp cả. Trong hiến pháp nên bỏ điều bốn, vì nếu Đảng cộng sản lãnh đạo tất cả pháp luật, thì pháp luật chẳng còn một tí ý nghĩa nào. Một chiếc ô tô nói “các xe hãy đi đúng phần đường của mình” nhưng chính nó lại đi lung tung thì làm gì còn qui tắc giao thông nữa. Và Đảng là ai? Không có Đảng chung chung, Đảng cũng do những con người cụ thể họp lại tạo nên, chẳng lẽ những con người đông cả vài triệu người đó lại không phải là công dân? Và không cần tuân thủ pháp luật?

Còn quân đội là của dân hay của đảng? Chẳng lẽ quân đội lại của “quan nhất thời” hay là của một tập hợp thiểu số? Không! Trăm phần trăm không thể nào cãi được, quân đội là của nhân dân, bởi vì nhân dân là vĩnh cửu, là “sơn hà tại” cho dù phải kinh qua vô vàn các sóng gió đổi thay của thời cuộc. Người xưa có câu: Lòng Dân là ý Trời. Có nghĩa là: ý dân cũng vĩnh cửu như ý Trời vậy.

“Quân với dân như cá với nước” là một phương ngôn rất hay. Dân sinh ra quân, Dân đóng thuế nuôi quân, thì quân mới có! Làm gì có đảng có thể nuôi quân!

Hiến pháp và pháp luật sinh ra để người dân cũng như các thế hệ mai sau được sống bình an và phát triển tiến bộ. Quân đội cũng vì hiến pháp đó mong trợ lực cho cuộc phát triển vững bền tiến bộ của dân tộc. Một quân đội nhân danh nhân dân toàn thể và giá trị vĩnh cửu thì bao giờ cũng hơn một quân đội lăm le đánh đấm bè phái cục bộ vì nhóm lợi ích nào đó.

Và một đảng phái hành động nhân danh hiến pháp vĩnh cửu, hiến pháp tiến bộ vì lợi ích của đông đảo nhân dân thuộc mọi tầng lớp thì hơn là một đảng phái chỉ nhìn thấy cái lợi của quyền lực trước mắt hành động vì một hai giai cấp bao quanh mình. Vì tổ quốc và nhân dân toàn thể bao giờ cũng hơn vì người này mà làm hại người khác. Hãy sống vì công lý! Như người Việt nói “được lòng ta xót xa lòng người”. Chớ nên ôm quân lực về mình, rồi lại muốn sống theo lối “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Nói phải thì củ cải cũng nghe! Còn nói sai lè lè lại muốn áp đặt phương châm “bên hông túi bạc kè kè/ nói quấy nói quá người nghe rầm rầm”, một khi ngân khố cạn kiệt rỗng tuếch thì kiếm đâu ra sức mạnh đè nén “mạnh vì gạo bạo vì tiền” nữa?

Không có công lý, chỉ chiến thắng bằng áp đặt tức thì, cũng chỉ là lâm thời, ăn cà muối xổi mà thôi. Một chính thể muốn vững bền và được tôn trọng thì không nên dùng cách ăn xổi ở thì đó. Đó là những lời lẽ tôi muốn trao đổi như muốn nhân danh nguyên lý chung để chúng ta cùng suy ngẫm. Cám ơn nhiều!


NHĐ 27/03/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. Không quốc gia tiến bộ nào mà Hiến Pháp là "của" đảng phái như các quốc gia cộng sản! Thật khốn nạn cho Việt Nam khi hiện nay là một trong các quốc gia này. Làm sao mà đất nước phát triển được khi mà lợi ích của đảng phái đặt trên lợi ích dân tộc! Vì dốt nát, tham lam, ích kỷ mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam trở thành độc tài và quay lại hành xử độc ác với chính nhân dân mình, nhất là đối với các thành phần, giai cấp đã nưôi nấng họ trước đây, đẩy đất nước vào cảnh chậm tiến, lạc hậu và nghèo khó sau hàng nữa thế kỷ họ nắm quyền!
    Càng cố bảo vệ Đảng cộng sản Việt Nam càng cho thấy họ sai lầm, ấu trĩ, dốt nát và phản lại với chính họ trong thời kỳ đầu lập đảng. Nó càng cho thấy sự không cần thiết tồn tại trên đường phát triển của Việt Nam!

    Trả lờiXóa