Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

THỐNG ĐỐC NGUYỄN VĂN BÌNH SẼ LÈO LÁI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM ĐI VỀ ĐÂU TRONG CƠN GIÔNG TỐ TIỀN TỆ ĐANG DIỄN RA GIỮA CÁC NỀN KINH TẾ LỚN?.

Trong bốn nước Cộng sản còn sót lại trên thế giới, Trung quốc đã mở cửa từ 1979 với quan niệm nổi tiếng của Chủ tịch Đặng Tiểu Bình: "Mèo trắng, mèo đen, không quan trọng, miễn bắt được chuột" và sau đó là Việt Nam, theo đuôi Trung quốc mở cửa vào năm 1989, với chủ trương áp dụng nền kinh tế thị trường nhưng vẫn kiên định đi lên CNXH.

Dường như cánh cửa mà Mỹ và các nước Phương Tây đã từng "giúp" Trung quốc mở ra để hòa nhập với nền kinh tế thế giới sau chuyến viếng thăm lịch sử vào năm 1972 của cố Tổng thống Richard Nixon bằng cách xuất khẩu những phương pháp cùng những dây chuyền sản xuất, lắp ráp lạc hậu, hao tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, sử dụng nhiều nhân lực vào Trung quốc và Việt Nam sau đó khoảng một thập niên, đang được khép lại bằng cuộc chiến tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật, khối thị trường chung châu Âu.

Để trở thành "Đại Công xưởng" và "Nền Kinh tế thứ hai" của thế giới, Trung quốc cũng như Việt Nam với nền "Kinh tế thị trường định hướng XHCN", đã phải chấp nhận một nền Kinh tế đa thành phần. Các Công ty Liên doanh, Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư có vốn FDI, các công ty tư nhân, các công ty quốc doanh..., cùng tồn tại, trong đó việc phát triển các Tập đoàn, Tổng Công ty độc quyền nhà nước, được ưu tiên phát triển với nhiều ưu đãi về thuế, vốn cũng như cơ sở vật chất. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập với Kinh tế thế giới, các thành phần kinh tế trên đã đua nhau nhập những thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại của thế giới vào giai đoạn đó nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu lỗi thời vì tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu không thể tái tạo, gây ô nhiễm môi trường, xử dụng nhiều nguồn nhân lực, nhưng chỉ cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, chất xám thấp. Thậm chí vì lòng tư lợi các Tập đoàn, Tông Công ty nhà nước đã nhắm mắt nhập những dây chuyền sản xuất từ những thập niên 50-60 như Tổng Công ty Dệt Nam Định vào thập niên 90 thể kỷ trước và gần đây nhất là những quan tài trên biển, những tổ máy phát điện từ thời Vua Bảo Đại "ở truồng tắm mưa" của Hàn quốc, như Vinashin, VinaLine.

Trung quốc cũng như Việt Nam, đã đốt cháy giai đoạn và đi tắt đón đầu hòng gỡ lại thời gian đã đánh mất khi bỏ qua giai đoạn quá độ phát triển Tư bản mà đi thẳng lên CNXH, bằng mọi giá.

-Bằng cách khai thác vô tôi vạ, không có kế hoạch những nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo được như các loại khoáng sản, dầu mỏ, rừng...

-Bằng cách bỏ qua mọi tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc, dây chuyền sản xuất có thể gây tác hại đến môi trường. Sự ô nhiễm trên các con sông ở Trung quốc như Dương Tủ, Hắc Long Giang... và bầu không khí ô nhiễm đến độ tầm nhìn không quá 2m do khói bụi tại Bắc Kinh, sự bức tử sông Thị Vải và sông Sài gòn ở Việt Nam là những điển hình sinh động.

-Bằng cách áp dụng mức lương tối thiểu rẻ mạt để tạo ưu thế cạnh tranh về nguồn nhân lực giá rẻ.

-Bằng cách liên tục phá giá đồng nội tệ, áp dụng chính sách đồng nội tệ yếu để khuyến khích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhưng những gì mà Trung quốc thu hoach được so với những hy sinh không dể gì bù đắp được là chỉ 30 USD cho toàn bộ công lắp ráp, đóng gói bao bì trên giá bán khoảng 500 USD tại Mỹ cũng như trên thị trường các nước cho một chiếc Iphone được lắp ráp tại Trung quốc...cũng tương tự sau gần hai thập kỷ tạo mọi ưu đãi cho nghành công nghiệp ô-tô, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt được 3 chi tiết trên tổng số hơn 1500 chi tiết cho một chiế ô-tô được lắp ráp tại Việt Nam, đó là dây điện, bình ắc quy và lốp xe??? và "nền" công nghiệp lắp ráp ô-tô này cũng đã chết "theo lập trình" của các Liên doanh lắp ráp ô-tô như Toyota, Mekong... cũng như các Liên doanh lắp ráp điện tử như Sonny, Hanel từ 2010... khi thời hạn bải bỏ thuế xuất trên các mặt hàng ô-tô nguyên chiếc và điện tử, điện máy theo những điều kiện về thuế quan đã thỏa thuận của WTO, sẽ có hiệu lực vào 2015. Các Liên doanh này đã ăn dày và đủ qua những chiêu trò chuyển giá qua việc nhập các linh kiện CKD từ công ty mẹ với giá cao và đưa giá trị thương hiệu cũng như chi phí quảng cáo vào giá thành để báo lỗ.

Cánh cửa mở để Trung quốc và Việt Nam hội nhập với nền Kinh tế thế giới đã đang dần được khép lại qua "cuộc chiến tiền tệ" giữa các nước Đại Tư bản như Mỹ, Nhật và khối EU.

-Tỷ giá song phương giữa USD/EURO đang ổn định xoay quanh trục

-1USD=0,765 cho tới trung tuần tháng 05/2013, đã bị phá vỡ khi khối EU phá giá đồng EURO, đẩy tỷ giá song phương lên xoay quanh trục

-1USD=0,775-0,777 vào những tuần cuối tháng 05/2013. Nhưng ngay sau đó Cục dữ trữ Liên bang Mỹ đã tiếp tục phá giá đồng USD, đẩy tỷ giá song phương USD/EURO xuống quay xoanh trục

-1USD=0,745-0,749 (theo giá mới nhất lúc 12h 14/06/2013 trên thị trường tiền tệ QT.)

-Cũng tương tự như vậy tỷ giá song phương giữa USD/YEN đang ổn định ở mức 1USD=77 YEN (lấy tròn số) vào những tuần đầu tháng 05/2013, đã được Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe bật đèn xanh cho việc phá giá đồng YEN (YEN Yasui) đưa tỷ giá song phương USD/YEN bình quân, xuống quanh trục

-1USD=99-104YEN vào những tuần cuối tháng 05/2013. Việc phá giá đồng YEN này đã giúp nền Kinh tế Nhật có tỷ lệ phát triển gây ấn tượng 4% trong tháng năm, hơn nhiều so với dự đoán của IMF trước đó là 1,8% . Và Cục dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã đáp lại bằng việc phá giá đồng USD trên tỷ giá song phương USD/EURO đẩy tỷ giá song phương USD/YEN lên mức

-1USD=97-99YEN trong tuần đầu tháng 06/2013. Và tỷ giá song phương USD/YEN, đã được đưa lên mức

-1USD=95,238 (vào 12h trưa 14/06/2013) Việc phá giá USD của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, đã đẩy mức tăng trưởng Kinh tế của Nhật vào đầu tháng 06/2013 xuống chỉ còn 2,4% (Reuters).

Rõ ràng là cuộc chiến tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và khối EU đã làm mất lợi thế về "giá rẻ" những mặt hàng xuất khẩu của Trung quốc và Việt Nam tại những thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật và khối EU. Chưa có đánh giá đáng tin cậy và cụ thể mức độ tăng trưởng của nền Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này nhưng IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung quốc từ 8,4% xuống 7,7% trong năm 2013 do xuất khẩu giảm ở thị trường trọng điểm là EU và Mỹ (Reuters).

Giờ đây Mỹ, Nhật và các nước EU đã có đủ thời gian cần thiết để áp dụng những phương pháp quản trị kinh tế mới và những dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại thế hệ mới đáp ứng được những đòi hỏi thân thiện với môi trường của thế kỷ 21 và thỏa mãn những yêu cầu về tính kinh tế sau khi đã tống khứ được những dây chuyền sản xuất, lắp ráp, những công nghệ lạc hậu của thế kỷ 20 vào hai bô rác lớn là Trung quốc và Việt Nam. Các nước như Mỹ, Nhật và khối thị trường chung châu Âu, đang ra sức để cải thiện nền kinh tế của mình trong nỗ lực tạo công ăn việc làm cho người dân trong nước bằng cách dịch chuyển những hợp đồng của các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn về trong nước thông qua cuộc chiến tiền tệ.

Trong khi đó ngược lại Trung quốc và Việt Nam, do có cùng căn bệnh chung là: phát triển quá nóng, thiếu tính bền vững, ổn định, cộng với sự liều lĩnh và khả năng quản trị tài chánh, tiền tệ yếu kém, thể hiện qua những chính sách mang nặng tính mệnh lệnh hành chính của NHNN, cùng với sự suy nghĩ chủ quan, duy ý chí của các cấp lãnh đạo của NHNN cũng như Đảng CS và Chính phủ hai nước, lại đang áp dụng chính sách đồng YUAN mạnh và đồng VNĐ ổn định trong quan hệ tỷ giá song phương cũng như đa phương giữa đồng nội tệ và các loại ngoại tệ. Động thái này chẳng qua là để đối phó với khủng hoảng thanh khoản do sự quản trị yếu kém của hệ thống NH và số nợ công cao ngất ngưỡng được che dấu sau những con số thống kê "thiếu sự minh bạch và thừa sự giả dối" của các báo cáo của Chính phủ Trung quốc cũng như Chính phủ Việt Nam. Những thành phố ma không có lấy một bóng người ở Hàng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải...những khu đô thị bỏ hoang, những cao ốc văn phòng bỏ trống hàng năm nay tại Hà nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, những khu chế xuất, khu công nghiệp da beo với tỷ lệ lấp đầy chưa đến 30% trên khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam, là những biểu hiện của căn bệnh xử dụng vốn huy động tín dụng của toàn xã hội để ném vào những canh bạc địa ốc, bất động sản nhằm tăng tỷ lệ phát triển trên các báo cáo, thống kê gian dối của Chính phủ Việt Nam cũng như Trung quốc.

Tỷ giá song phương giữa USD/YUAN đang từ 1USD=6,570 YUAN (lấy bình quân, tròn số) trong cuối tháng 05/2013 đã xuống giá còn

-1USD=6,250 và

-1USD=6,159 YUAN (12h 14/06/2013)

Tỷ giá song phương giữa USD/VNĐ đang từ 1USD=20830 đã nhích nhẹ lên 1USD=21036 trong bối cảnh nền kinh tế chết dở sống dở, hệ thống NH với nguy cơ đổ vỡ theo hiệu ứng Domino vi khủng hoảng thanh khoản kép về thời hạn và cơ cấu đồng tiền. Với chênh lệch khủng 5,7 triệu đồng/lượng (273USD/lượng), đã từng bước đẩy nhích tỷ giá song phương giữa USD/VNĐ trên thị trường Liên ngân hàng lên 21036đ/USD cũng như thị trường chợ đen lên quanh trục 1USD=21.350-21400. Thế nhưng CPCHXHCNVN, NHNNVN, vẫn kiên định với biện pháp bình ổn thị trường vàng nhưng cách ly với việc bình ổn giá cả trên tương quan giữa giá trong nước và Quốc tế trên giá vàng tính theo USD??? qua nội dung trong văn bản trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, gửi các Đại biểu Quốc hội 12/06/2013. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng:

"Với việc chấm dứt hoạt động huy động vàng của các tổ chức tín dụng, cách hiệu quả nhất để chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước là NHNN mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Để thực hiện mục tiêu này cần phải có một số điều kiện như: tiếp tục duy trì, cũng cố giá trị đồng VN (?), chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vàng và áp dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân bán vàng"*.

Rõ ràng với sự tính toán một cách chủ quan, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cho rằng, trong số gần hơn 27 tấn vàng đã bán đấu giá cho các tổ chức tín dụng và còn gần 13 tấn vàng nữa, để các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng để chi trả cho người dân những khoảng huy động tín dụng bằng vàng trong quá khứ, sẽ được người dân bán lại cho NHNNVN với những biện pháp khuyến khích bằng kinh tế???.

Đây là một kiểu tính toán thiển cận và duy ý chí. Đối với những người đã chọn vàng làm "pháo đài trú ẩn" lý tưởng và an toàn thì sau kỳ hạn tất toán trạng thái vàng 30/06. Những người đã gửi tiết kiệm bằng vàng dĩ nhiên sẽ:

-Không dại gì chấp nhận gửi vàng lại trong két của các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng chiếm dụng vốn của mình để kinh doanh sinh lợi và bản thân họ, ngược lại, phải đóng phí gửi vàng.

-Không chuyển đổi cơ cấu bảo toàn vốn từ vàng sang VNĐ để gửi tiết kiệm lấy lời ở bất kỳ kỳ hạn nào. Nếu tham thì họ đã chuyển đổi cơ cấu vốn từ vàng sang VNĐ để gửi tiết kiệm lấy lãi ở những giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng thanh khoản vào 2011 cho đến 6 tháng đầu năm 2012, khi lãi xuất đã được đẩy lên đến 18%/năm, huống chi hiện tại lãi xuất cho kỳ trung, dài hạn chỉ bằng một nửa: 9%/năm.

-Có chăng là họ sẽ không bỏ trứng vào một giỏ khi chỉ bảo toàn vốn bằng vàng. Họ sẽ chuyển hóa một phần sang USD và các loại ngoại tệ khác. Việc này sẽ gây tác động đẩy tỷ giá đa phương giữa VNĐ và các loại ngoại tệ khác, sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng khó lường lên nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn "chỉ mành treo chuông" này.

Thuộc tính Tư hữu và khuynh hướng tìm nơi trú ẩn an toàn để bảo vệ sự Tư hữu thiêng liêng ấy của con người là bất di, bất dịch, không thể thay đổi.

Vơi những suy nghĩ duy ý chí, thiếu khoa học và bỏ ngoài tai mọi sự sự phản biện, góp ý có tính xây dựng, NHNNVN nói chung và Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói riêng sẽ làm tình trạng USD hóa, vàng hóa càng nặng thêm, thay vì chế ngự được những tình trạng này. Nền Kinh tế Việt Nam sau 30/06/2013 sẽ càng trở nên "xanh xao" vì tình trạng Đô-La hóa và "vàng vọt" vì tình trạng vàng hóa như một bệnh nhân ung thư gan đã huyển sang giai đoạn xơ gan cổ trướng.

Nếu BCT ĐCSVN, CPVN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, không sớm thay đổi chính sách tiền tệ một cách linh hoạt khả dĩ đối ứng được với cuộc chiến tiền tệ hiện đang diễn ra giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới vốn là những thị trường xuất khẩu tiềm năng truyền thống của Việt Nam, e rằng chính sách tiền tệ hiện NHNNVN đang theo đuổi sẽ gây những tác hại không lường trước được.

Các công ty Liên doanh, các công ty 100% vốn nước ngoài, vốn FDI, sẽ thoái vốn và rút chạy vì chính sách tiền tệ "ổn định" cứng nhắc của NHNNVN và CPVN, sẽ không khuyến khích được xuất khẩu.

Các công ty trong nước sẽ dần mất đi những đơn đặt hàng từ các đối tác Quốc tế, thậm chí cũng sẽ không giữ được những hợp đồng đã ký vì tình trạng "ổn định lạc hậu" của VNĐ.

Việc các Liên doanh, các công ty, dự án có vốn FDI sẽ rút vốn, bỏ chạy cũng như những công ty xuất khẩu trong nước bị mất thị trường xuất khẩu, sản xuất đình trệ, chẳng khác nào việc rút dây oxy và dây truyền đạm cho một bệnh nhân đang sống đời thực vật.

Việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình và NHNNVN đang nỗ lực để người dân giữ VNĐ bằng cách hạ lãi xuất tiết kiệm ngoại tệ, giữ ổn định giá trị VNĐ, dường như không vì lý do khuyến khích sản xuất trong nước mà có thể vì một chủ trương lớn nào đó của Đảng CS VN và CPCHXHCNVN, vẫn còn trong bí mật?

Một tương lai bấp bênh và không lấy gì làm sáng sủa đang chực chờ nền Kinh tế Việt Nam ở nửa cuối 2013, bắt đầu từ 30/06/2013.

Hãy chờ xem người cầm lái vĩ đại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ lèo lái con tàu nền kinh tế Việt Nam đi về đâu trong cơn giông tố tiền tệ đang diễn ra giữa các nền kinh tế lớn của thế giới?

Tốt nhất nên thủ sẵn phao cứu sinh và ít nước ngọt cho đỡ...lăn tăn.

Hà Nội 14/06/2013

Oanh Yến Thị Phạm

==========

*"Ngân hàng nhà nước sẽ mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối". Tuổi trẻ thứ sáu 14/06/2013.

PS:Tỷ giá song phương giữa USD/EURO đã lên 1USD=O,750. 1USD=0,749 (4h30'PM 14/06/2013)

USD/YEN đã lên: 1USD=95,111. 1USD=94,340 YEN (4h30'PM 14/06/2013);

Ngược lai giữa USD/CNY đã xuống 1USD=6,154 (4h30' 14/06/2013). Đồng YUAN TQ vẫn tiếp tục lên giá 1USD=6,149 (9h PM (giờ VN) 17/06/2013).

Tỷ giá song phương USD/VNĐ, vẫn ổ...n định!?.

-Đến 2h30'AM 16/06/2013, Tỷ giá giữa các loại ngoại tệ giao dịch của các nền kinh tế lớn hầu như không thay đổi. Chỉ có đồng YEN Nhật hạ xuống một ít, không đáng kể: 1USD=94,429YEN. Gía giao dịch trên thị trường quốc tế 9hPM 17/06/2013 (giờ VN) Nhật vẫn tiếp tục nỗ lực phá giá với tỷ giá song phương 1USD=95,057.

-Cập nhật về tình hình tỷ giá giữa ba nền kinh tế lớn 18/06/2013.

*8h AM 18/06/2013 (giở VN):

-1 USD=0,748 EURO.

-1 USD=94,697 YEN.

-1 USD=6,146 CNY.

*12h AM 18/06/2013 (giờ VN):

-1 USD=0,749 EURO.

-1 USD=95,329 YEN.

-1 USD=6,153 CNY.

Tỷ giá song phương giữa VND/USD cũng như quan hệ tỷ giá đa phương giữa VNĐ và EURO, YEN, CNY, vẫn ổ...n đ...ị...n...h???.

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. Vấn đề lèo lái này thì khó nói lắm !

    Nhưng mình luôn tin ở Đảng và nhà nước !

    Trả lờiXóa