Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Trong Trại Lộc Hà – Liệu có công an tốt?


Lê Thu Trà


Hôm nay đọc bài Biểu tình yêu nước 2/6/2913 kỳ thứ 4 của anh JB Nguyễn Hữu Vinh (em có đính kèm link bên dưới), làm gợi nhớ là em cũng có một chút ấn tượng về ông công an tên Hiếu trong bài của anh Vinh. Vậy em cố viết nốt những gì còn lại trong đầu để cho hết những dư chấn của vụ việc bị giam giữ do đi biểu tình, để cho thanh thản đầu óc... và quay trở về với quỹ đạo thường nhật của cuộc sống.

Thực ra lúc đầu vào trại Lộc Hà em không thấy sợ hãi gì hết, vì có bao nhiêu người bên cạnh. Vả lại mấy người công an đứng canh cửa hầu hết mặt mũi đều trẻ và cũng chỉ canh chứ chưa có bắt bớ đàn áp gì. Thỉnh thoảng, em cũng theo mọi người đi ra phía hai cửa ngó nghiêng và cũng dùng lý lẽ mắng mỏ họ, ra chiều bản lĩnh lắm. Thì rõ quá, mình đúng hoàn toàn mà, mình yêu nước, đi biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển Đông, sao lại bắt mình vào trại phục hồi nhân phẩm thế này. Thì mình phải vùng lên, phải lớn tiếng, phải nói cho các người nhân danh pháp luật biết là họ đã sai. Lúc đó thấy mình mạnh mẽ lắm, thấy chân lý thuộc về lẽ phải, thấy hả hê khi ra sức giảng giải đúng, sai, đạo đức làm người cho những người công an nghĩa vụ trẻ tuổi kia.

Tuy nhiên khi những công an và an ninh từ trên xuống bắt đầu công việc trấn áp như xã hội đen để bắt người đi xét hỏi thì lúc đó em thấy chẳng còn chút tự tin nào cả. Thật thế, trong công việc hằng ngày, thảo luận với đồng nghiệp, họp hành với đối tác hay là những khi tranh luận với bạn bè, là mình được ở vị trí ngang bằng với người đối thoại về sự an toàn thân thể và bảo toàn tính mạng. Không ai dùng sức mạnh và vũ khí để nói chuyện với mình, vì thế chỉ cần mình hiểu biết sâu sắc điều mình đang tranh luận thì mình sẽ tự tin.

Nhưng với công an và an ninh trấn áp người biểu tình thì là chuyện khác, với họ chả có lý lẽ gì hết, chỉ có luật rừng, luật rừng và luật rừng theo đúng nghĩa đen. Tao thích bắt thì bắt, tao thích hỏi thì hỏi, kháng cự thì tao dùng bạo lực. Lúc đó mới cần bản lĩnh thực sự của người dày dạn kinh nghiệm đối mặt với công an và an ninh thì mới bình tĩnh được. Và em đã hiểu, mọi chuyện bây giờ mới bắt đầu. Thái độ và cảm xúc của em ra sao khi đối mặt với các lần trấn áp bắt người đi xét hỏi, tất cả đã viết hết trong note “Trong Trại Lộc Hà – Viết cho những người tôi yêu” từ hôm trước rồi, sẽ không nói thêm nữa. Thế mới biết đường dài sẽ bỏ lại những con người không đủ nhiệt huyết và bản lĩnh…

Quay lại chuyện ông công an tên Hiếu, thực ra, theo nhận xét chủ quan của em, ông này cũng là người có chút ít đối xử tử tế với người biểu tình.

Thứ nhất, những lần ông ta xuất hiện, ông ta đều kiên trì nghe mọi người nói, và gần như chưa lần nào nổi cáu. Với thời gian đấu tranh giữa hai bên kéo dài mấy tiếng đồng hồ, có những lần ông ta xuất hiện nghe mọi người biện luận hết sức căng thẳng em thấy mồ hôi ông ta cũng chảy ròng ròng. Có những lần đuối lý quá ông ta cũng bỏ đi ra ngoài. Tất nhiên nói về lý thì ông ta chả có cái lý nào để nói, vì cả một quy trình bắt nhốt người biểu tình là vi phạm pháp luật và là sai rành rành ra rồi, ông ta vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân trong cái quy trình đó. Tuy nhiên, nếu như phải những tên công an côn đồ khác (như tên Khương hay tên Thăng, những tên công an cộm cán về việc hành hung người biểu tình) chúng có thể dung bạo lực ngay từ phút đầu tiên, chứ không phải đợi sau vài lần thương thuyết.

Thứ hai, là sau lần trấn áp cuối cùng bắt người đi xét hỏi thì vẫn còn lại tám người trong phòng giam lớn, trong đó có em. Sau khi ru bé Tài ngủ được một giấc, bé thức dậy, hai cô cháu đang ê a nói chuyện với các bác các chú, thì ông công an tên Hiếu này xuất hiện và nói với em rất nhẹ nhàng: “Em bế con đi ra đi “. Lúc đó em hiểu là họ đã xét hỏi xong Nga, mẹ của bé Tài, và em mang con trao cho Nga đồng thời thế vào chỗ Nga để bị xét hỏi. Ra đến cửa, chị Bùi Hằng gọi lại bảo còn ba-lô của bé nữa, ông ta lại nói với em: “Em vào cầm nốt ba-lô để đi luôn đi” rồi đứng lại chờ em trở vào lấy ba-lô rồi đi cùng ra cửa. Khi em bế bé Tài và xách ba-lô cùng ông ta ra khỏi cửa phòng, tiếng chị Bùi Hằng nói với theo loáng thoáng, “đừng có hành hung người yêu nước, nếu thích các người cầm súng mà bắn hết đi”. Nghe thấy vậy, ông ta quay sang nói với em “ Anh chỉ muốn bọn em cũng có súng bắn luôn vào anh đi”. Ơ !, em thấy ngạc nhiên, sao ông ta lại nói với mình như thế, câu nói đấy không phải của một người công an nói với kẻ “phạm tội” mà là của một con người nói với một con người. Phải chăng ông ta muốn thanh minh rằng những gì ông ta làm chỉ là sự bắt buộc từ cấp trên. Hay nhìn em lúc đó trông buồn rầu, ủ rũ mà ông ta thấy thương hại nên nói như vậy. Tuy có chút xao động khi nghe ông ta nói, nhưng em cũng chẳng buồn quay sang nhìn ông ta, và vẫn giữ vẻ mặt lặng lẽ, không trả lời, nhìn về phía trước, xốc bé Tài lên một chút rồi đi tiếp, coi như không nghe thấy. Những gì mà đồng đội của ông ta làm với người biểu tình cả ngày hôm nay đã làm em kiệt sức và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, không còn chút cảm xúc nào để mà đáp lại.

Khi em cùng ông ta đi ra đến giữa sân trại Lộc Hà, thì hàng trăm con mắt của gần 100 công an, an ninh đổ dồn về phía em và ông ta, em dừng lại, chờ Nga để trao con và chuẩn bị tâm lý cho một cuộc xét hỏi. Tuy nhiên ông ta lại nói “Em đi đi, đi ra cổng đi”, em không hiểu ý ông ấy là gì, em nghĩ ông ta muốn em mang đứa bé ra ngoài cổng giao cho ai đó quen biết để rồi vào xét hỏi cho nhanh. Em liền bảo với ông ta “Em phải trao trả cháu bé cho mẹ nó, cháu vào trại cùng mẹ thì phải ra cùng mẹ ”. Thế là em và ông ta đứng giữa sân chờ tiếp, khoảng một phút thì ông ta gọi to “phòng nào hỏi Nga, xong chưa !”. Sau tiếng ông ta gọi hỏi, thì Nga vừa xuất hiện ở cửa phòng hỏi cung, cách em 20m. Thấy thế ông ta nói nhanh với và nhỏ với em, “Nga ra rồi, em bế cháu đi thẳng ra cổng trại đi, đi đi”. Em tưởng mình nghe nhầm, vì em đang chuẩn bị tư thế vào xét hỏi cơ mà, nên đứng chết sững ở đó không nhúc nhích một bước chân. Ông ta liền nhắc lại nguyên văn câu vừa nói, và nói thêm “Nhanh lên, em xách ba-lô đi đi” Nghe đến lần thứ hai thì em hiểu rằng, em không bị xét hỏi nữa, mà được đi về luôn, em liền xách ba-lô bế bé Tài bước vội ra cổng. Đấy là lý do tại sao mọi người thấy em ra cổng trên tay bế bé Tài và xách ba-lô, còn Nga, mẹ cháu bé lại đi riêng rẽ đằng sau.

Thú thực diễn biến ở những phút cuối này làm em có đôi chút suy nghĩ thiện cảm về ông ta. Ông ta trạc khoảng 50 tuổi, tức là ông ta vào nghề khoảng 25 năm trước, vào lúc đó, có lẽ nghề công an chưa đốn mạt như bây giờ, nói cách khác là chưa bị người dân khinh như bây giờ. Và ông ta, có thể ông ta đã từng rất yêu nghề, mong muốn phục vụ nhà nước và nhân dân thật tốt. Còn bây giờ thì sao, bộ máy quản lý nhà nước đã mục ruỗng vì nó đã chạy trái quy luật phát triển của xã hội. Xã hội chuyển mình theo chiều hướng tiêu cực nhiều mặt, đặc biệt về sự tha hóa đạo đức do lối sống chạy theo vật chất ngự trị. Ông ta chỉ là một mắt xích trong một cái guồng máy lỗi lầm đó, chắc không tránh khỏi chuyện làm oan sai cho bao nhiêu con người, v.v. Nhưng trong thâm tâm ông ta vẫn cố gắng là người tử tế ở một chừng mực nào đó chăng? Hoặc, cũng có thể với kinh nghiệm dầy dạn về việc đánh giá “nạn nhân”, ông ta nhìn ra em là kẻ chưa có nhiều kinh nghiệm “giam trường” và “cung trường” nên cư xử như thế để “mị dân”, điều này chẳng phải có lợi cho đảng và chính quyền của ông ta sao? 

Em đã định không viết về điều này, bởi vì trong một câu chuyện ngắn ngủi thì không thể nào đánh giá được một con người. Và, ngay cả khi viết về những gì rất thật với mình thế này thì rất có thể sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều nghiệt ngã, đặc biệt đối với những người có kinh nghiệm làm việc trường kỳ với công an. Ở cái đất nước mà đâu đâu khi nhắc đến công an người ta cũng chỉ thấy chửi thề hay thể hiện sự khinh bỉ thì thật khó để tìm sự đồng cảm nếu như tiếng nói đó là lời nhận xét tích cực về một người công an. Nhưng hãy để em viết ra những trải nghiệm bằng chính cảm xúc thật của mình. Tất cả những gì em muốn viết là sự thật, sự thật và không gì khác ngoài sự thật ! Chỉ có sự thật mới làm cho người ta biết mình đang ở đâu, để tiếp tục những bước đi đúng đắn tới cái đích mà ta đã chọn. Biết đâu, lần sau “đến” Lộc Hà, em sẽ cảm nhận ông ta là một con người khác?

Đây là link bài của Biểu tình yêu nước Kỳ 4 của anh JB Nguyễn Hữu Vinh:


Hà Nội, 9th/June/2013

Theo facebook | Le Thu Tra

5 nhận xét:

  1. GIANG SƠN10/6/13 1:43 CH

    Kiểu gì cũng còn có một số người tử tế .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dĩ nhiên rồi, không phải tất cả công an, an ninh đều xấu cả. Nhưng số tốt này không còn nhiều, đứng giữa bầy sói mà còn được như thế họ thật đáng trân trọng phải không? Cảm ơn anh Hiếu!

      Xóa
  2. Có thể ông ta là 1 trong số ít người "LÀ CÔNG AN NHƯNG MÀ TỐT"!
    Cái xấu ta sẵn sàng chỉ mặt, vạch tên, nhưng cái tốt ta cũng không nên hẹp hòi lời khen em Thu hà ạ!
    Chia sẻ cùng em.

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Cố Hồng10/6/13 7:53 CH

    Câu chuyện giống như truyện "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân trong chương trình Ngữ văn THPT hiện hành.

    Trả lờiXóa
  4. Hà em,
    Miền Nam sau 1975 anh 17 tuổi , vậy mà làm 1 ông cụ non , không vổ tay,không hân hoan, không đi học tiếp, không hộp hội,không tham gia đoàn thể,không bầu cử v.v...So với lúc ấy mọi người như chính quyền và quân đội VNCH cũ trình diện để đi học tập. Thầy giáo trở lại trường để giảng dạy tiếp . Bác sĩ, y tá trở lại bệnh viện ,chợ búa nhóm và sinh hoạt lại,thành phần sinh viên trí thức ủng hộ MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM hí hửng nhảy múa mừng đoàn quân bác Hồ vào giải phóng v.v.....Thế là ông cụ non anh bị đẩy đi cải tạo 2 năm để cha già buồn bịnh và chết, mẹ già buồn đau lên đau xuống và bị chính quyền địa phương coi là gia đình có con là phản động.
    Tù tại miền nam trước 1975 có tra tấn những người hoạt động cho CS khi họ bị bắt không ? Có, ai nói không là không đúng, nhưng con số nầy phải nói là rất rất it , anh không có tuyên truyền cho chế độ nầy, gia đình anh thuộc thành phần nghèo,dòng họ đương nhiên phải đi lính nhưng chưa có ai leo lên tới sĩ quan cả .
    Lich sử ghi lại rất rõ rằng , điệp viên ưu tú được miền Bắc cài vào giáo dân theo đạo thiên chúa , hòa vào làn sóng di cư vào Nam năm 1954 đó là Vũ Ngọc Nhạ . Tại miền Nam VNN được các cha xứ họ đạo rất tín nhiệm,VNN được lệnh miền Bắc là thiên chúa giáo miền nam nên ủng hộ phiếu cho ông Thiệu và Kỳ , lý do 2 ông nầy nếu đắc cử thì it hại hơn cho CS hơn những ứng cử viên khác. Thế là Thiên Chúa qua tay của VNN toàn miền nam dồn phiếu nên ông Thiệu làm tổng thống và ông Kỳ làm phó. Thời gian sau CIA của Mỹ quyết định bắt VNN(CIA biết VNN là tình báo từ lâu rồi)
    Ông VNN giam ở nhà tù Côn Sơn , bà Thiệu vẫn gởi quà cho VNN đều đều ,vì nhớ ơn VNN đã tạo thuận lợi cho chồng bà ta đắc cử tổng thống.
    Sau 1975 nhà văn Duyên Anh vào tù vì nhăn nhúm tổ chức đảng phái để lật đổ CS miền Nam .Trong tù 1 bửa nọ có 1 sĩ quan cấp tá vào nhà tù gặp DA,dĩ nhiên DA rất là lo sợ,và khi nhận diện người nầy lại là nhân vật trong truyện NGÀY XƯA CÒN BÉ , DA viết về tuổi thơ kỉ niệm ở Thái Lọ(Từ của DA nói về Thái Bình) và Hà Nội DA lại càng lo sợ hơn !DA giống như Trà là rất ngạc nhiên, người sĩ quan và là bạn thân thời niên thiếu nầy có vì đảng của ông vào gặp để làm tình làm tội gì không ! Tất cả đều sai , tình bạn bắt bướm đuổi chim ngày xưa còn bé vẫn nguyên vẹn, nhưng ngày nay sâu sắc hơn .Người sĩ quan nầy nói với DA là ông đã đọc NGÀY XƯA CÒN BÉ, DA nhờ người bạn tuyệt vời nầy tới nhà của vợ con DA nhận mấy lượng vàng để lo cho vợ con DA vượt biển.
    Ông cụ non anh cũng vì trời sinh ra cũng có cái tâm , nên trong cái rủi có cái may, giống như nhà văn phản kháng của Tàu Khựa được giải Nobel hòa bình nói" Ông chống CS nhưng ông không thù hận gì họ hết", và giống như lời phát biểu của Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hoàng Vi. Nên 2 năm cải tạo nơi mà rừng núi chướng khí mà nhà thơ Quang Dũng 1 đấng tài hoa đã tả.
    Đoàn quân không mọc tóc.
    Núi thì cao.
    Súng ngủi trời cao.
    Anh được tai qua nạn khỏi,CA họ rất ác độc nhưng trong họ vẫn có người hiền mà anh không thể kể hết ra đây. Lần cuối là ngày anh được thả ra,người hạ sỉ quan cán bộ quản giáo vổ nhẹ vai của anh và nói " Mấy thoát khỏi nhà tù, còn tau thì vẫn còn ở tù", dỉ nhiên anh không tin ông nên không dám nói " Đồng chí tù báo cáo với đồng chí cai tù là...nhất trí !".
    Chào em


    Trả lờiXóa