Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

VĂN HỌC TAY CHÂN

Nguyễn Hoàng Đức


Vừa qua, tôi có đọc bài “Văn học tự ý thức” của nhà thơ, nhà phê bình Inrasara, đăng trên blog cùng tên. Tôi cho rằng, đây là một bài viết khá công phu, dày dặn, nói khá đúng, khá đủ về nền văn chương nghiệp dư của nước nhà. Vì bài viết khá đầy đủ nên tôi không có ý định tô mầu lại những ý tưởng của bài viết, mà xin triển khai những ý nghĩa phái sinh từ đó. Tôi xin trích mấy đoạn căn bản của bài viết:

“Ít bàn (bàn về văn học),… nhưng thực ra là: không bàn, không muốn bàn, không dám bàn vì, không khả năng bàn, thậm chí, dị ứng với lí luận. Người làm văn học nghệ thuật chúng ta luôn dừng lại ở phong trào và nghiệp dư là vậy. Đa phần nhà thơ Việt Nam luôn chịu định mệnh một tác phẩm, một bài thơ, là thế. Khó có thể đi xa… Không ít sáng tác có dấu ấn là sáng tác ăn may, ăn mòn vào năng khiếu “trời cho”. Trời cho tới đâu hay tới đấy, chúng ta thói quen nói như vậy! Một nhà thơ ăn may, thì nó sẽ đến đâu? – Tắc!”


“Hầu hết cây bút trẻ khi được hỏi về nghề viết đều quan niệm [hoặc không quan niệm gì cả] văn chương là trò chơi. Nhất là nhà thơ. Nhà văn ta chưa bao giờ suy tư qui mô về nghệ thuật, suy tư có tính nền tảng và rốt ráo”.


“Trong khi nhiều nhà văn [chuyên nghiệp] Tây phương luôn mang ở tự thân khả tính phê bình hay đồng thời là một nhà phê bình, thậm chí, một nhà mĩ học. Còn ở ta thì sao? Dừng lại ở một nhà thơ [kiêm nhà báo], lại là một nhà thơ nghiệp dư, không nhích lên phân tấc”.

… 

“Thứ văn chương-trò chơi ấy chính là con/ cha đẻ của nền văn học bị nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc kêu đích danh là văn học nghiệp dư, không hơn. Trong lúc, tinh thần chuyên nghiệp khác hẳn tinh thần nghiệp dư ở chỗ nó “đề cao yếu tố kĩ thuật” thay vì tùy thuộc vào cảm hứng, “gắn liền với tinh thần nghiên cứu” thay vì tin cậy vào kinh nghiệm, “luôn luôn có tính tự giác cao (…) trong khi đó, buông thả theo thói quen, tinh thần nghiệp dư lại đầy tính chất tự phát” và nhất là, tinh thần chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh chứ không làm qua loa đại khái”.

Mấy ý trên tóm gọn là gì? Nói chung nhà văn, nhà thơ của chúng ta rất ngại nói chuyện về lý luận, cũng như những gì liên quan đến sáng tạo, mà họ chủ yếu sáng tác theo kiểu “lý luận ấy à, đâu có làm ra tác phẩm, tôi không cần lý luận mà tôi vẫn sáng tác. Còn các anh ấy à lý luận giỏi sao không sáng tác hay đi, các anh đã giữ chức gì trong văn học? đã được giải nào chưa?”

Người Việt có kiểu tư duy thuộc lao động chân tay, nghĩa là “ngại nghĩ”. Lao động chân tay thích nghỉ ngơi nhàn hạ, thậm chí lãn công trốn việc, lấy “nhàn làm lãi”. Việc cơ bắp nặng nhọc đã ngại, việc “lao tâm khổ tứ” thì lại càng ngại. Rất nhiều người Việt ngại đi học chỉ vì sợ “lao tâm khổ tứ”, người ta còn bảo “văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”, kể cả người học xong có chỗ ngồi thì vẫn tiếp tục lười suy nghĩ vì thế không có đến một phần nghìn người học đến nơi đến chốn, cho nên một lãnh đạo nước Việt đã từng nói “Lớp trí thức cán bộ Việt tỉ phú về thời gian, vô sản về sáng kiến”, hiện nay tỉ lệ cấp bằng sáng chế của Việt Nam thua các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc cả nghìn lần là bằng chứng của việc này.

Để dễ hiểu hơn, nên ví, một lần đã lâu tôi đến thăm nhà một anh kỹ sư ở nhà cấp bốn, lúc đi ngủ tôi hỏi “Ban đêm, nếu cần đi toa lét, tôi đi chỗ nào?” anh ta chỉ thẳng ra bụi chuối trước cửa nhà bảo “anh cứ đi thẳng vào đó, vô tư đi!”

“Vô tư đi!” “Mặc kệ!”, “trời sinh voi sinh cỏ”, đó chính là cách nghĩ bản năng, thiên bẩm của người Việt. Người Việt còn có câu “nhất quận công, nhì ỉa đồng” cũng là thứ đề cao cái tự nhiên của bản năng. Cái bụi chuối của anh kỹ sư kia nằm trên đồi, ta có thể tè vào đấy, nhưng khi văn minh đô thị với mật độ cao xuất hiện ta không thể vô tư thế được. Trở lại luận điểm trích dẫn trên, nếu chúng ta không chịu tư duy thì chỉ có thể sống buông thả theo bản năng, rồi kinh nghiệm mà không thể học hỏi để trở thành chuyên nghiệp.

Không có tư duy cao, con người thấp lè tè, dứt khoát sinh chứng hẹp hòi, đố kỵ, ngáng chân, cản đường, lê la bấu víu hội hè, lấy tiểu nhân bao vây quân tử. Người Trung quốc có câu “Quân tử đấu lý, tiểu nhân đấu tay chân”. Rất nhiều cuộc tranh luận ở Việt Nam, khi đuối lý, người ta thường nổi giận đùng đùng, ném cả mắm tôm, rồi bát đũa vào mặt nhau. Tại sao người “có văn hóa” có thể ứng xử thô lỗ cơ bắp như vậy? Đơn giản thôi, vì người ta chưa tinh chế bản thân mình để trở thành văn hóa.

Tôi đã từng nhiều lần nói chuyện với các nhà văn Việt về văn học, nhưng ngay từ đầu một sự ách tắc đã kê ngay vào mặt người ta. Tại sao? Người ta muốn nói về tác phẩm của mình hay lắm, nhưng ngay đấy lại sợ bị chê, nên chẳng dám đưa ra bất cứ một tiêu chí nào. Chẳng hạn người ta bảo “Cái đẹp, nghệ thuật là cái không thể diễn tả được, chính vậy nó mới hay”. Nhưng hay cái gì? Người ta không cách nào nói được. Một khi câu chuyện không có tiêu chí ắt nó phải dừng lại. Chúng ta thử xem, cho dù xe ngựa, xe hỏa hay tầu thủy, khi đã khởi động ta phải bẻ lái thì nó mới vận hành theo hướng đó, còn nếu không bẻ lái thì nó chỉ chạy tốn xăng nóng máy mà thôi.

Khi không có định hướng của tư duy tất cả sẽ dậm chân tại chỗ, nhưng thật kinh khủng, nếu chúng ta tưởng tượng người ta có thể dậm chân tại chỗ cả mấy chục năm trời hay nhiều thế kỷ chỉ để biện hộ cho ghế ngồi của mình. Sống và tư duy vô tích sự. Một lần tôi chỉ nói “các anh không có tôn giáo nên khó mà hiểu về tôn giáo”, thế mà có anh cũng nổi điên lên cho rằng mình bị xúc phạm về trí tuệ. Tại sao anh ta lại dễ nổi nóng như vậy? Tại sao nếu không theo đạo người ta không dám tự tin mình là vô thần? Triết gia Niezsche đã từng từ chối rửa tội lúc chết vì muốn làm “người vô thần thuần khiết”, triết gia Sartre vào đảng rồi ra đảng vài lần vì chưa minh định ngã ngũ đức tin của mình… Mình không theo đạo, rõ ràng mình vô thần, đâu có thể hiểu vài điều vu vơ mà thay thế đời sống đạo của đức tin? Như trên tôi đã nói, vì ngại tư duy, hiểu biết không tăng tiến, nên ngay cả tri thức người Việt, rồi nhà văn, nhà thơ cũng có xu hướng cãi lý bằng cơ bắp.

Con người vươn lên tầm vóc vĩ đại chỉ có thể bằng bộ óc. Đó là điều chắc chắn! Bởi dù người ta có tốt bằng trái tim đến đâu cũng chỉ là “cái tốt từ thiện trong các trại giành cho người khuyết tật”. Mà bộ óc phát triển thế nào? Kinh Thánh có câu “Ở đâu nếu không luận bàn sẽ không có mưu sâu”, và cũng còn có câu: người thông thái còn mạnh hơn cả những kẻ ngồi trong thành. Người Trung Quốc thì nói “Ngu dân bách vạn vị chi vô dân”- Người ngu trăm vạn kể như không có. Vậy thì chúng ta viết văn, vận hành xã hội thế nào nếu không phát triển trí tuệ, mà trí tuệ chỉ có thể phát triển khi người ta biết luận bàn để tìm cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu, cái hay cái dở. Nếu không có khả năng phân biệt, bộ não của con người chỉ là chiếc đồng hồ lọc xọc kim giờ kim phút kim giây chạy lung tung.

Vũ trụ vĩ đại được kiến thiết nhờ trật tự. Đây là một điều chắc chắn! Nhưng người ta làm sao kiến thiết nếu không phân biệt cái mũ trên đầu lại để xuống dưới chân? Cái dép dưới chân lại đội lên đầu làm vương miện? Con người kiến trúc lên những lâu đài, công trình và thành phố! Thượng Đế kiến tạo vũ trụ! Còn những con tôm chắc chỉ có thể chui vào những cái hốc đã có sẵn và reo lên mấy từ “Nhàn quá! Thiên bẩm quá!”


NHĐ 19/06/2013

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét