NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nông dân Xuân Quan mời chúng tôi về nhân mùa thu hoạch. Đây là vụ thu hoạch thứ hai kể từ sau cuộc cưỡng chế lịch sử ngày 24/4/2012.
Tôi dậy từ 2h30 phút sáng để cùng anh em sang Xuân Quan cho kịp giờ xuống đồng. 4 giờ sáng, trời còn tối om nhưng không khí thì vui như hội.
Ngoài đồng, cờ quạt, loa đài, văn nghệ "cây nhà lá vườn". Bà con hối hả, tất bật.
Hôm Xuân Quan xuống đồng đầu xuân, Sông Quê lội xuống ruộng cấy cùng bà con. Hôm nay, Minh Hằng xuống ruộng tham gia thu hoạch, cũng mang vác lúa như một nông dân thực thụ.
Cũng cần điểm lại quá trình hình thành nên "hợp tác xã" tự phát này một chút. Sau vụ cưỡng chế ngày 24/4/2012, 224 hộ không chịu nhân tiền đền bù quyết giành lại đất. Họ ra chiếm lại, san thủ công những chỗ bị máy xúc cày xới. Hỏi thăm anh Dũng, anh cho biết: số đất bà con chiếm lại là 20 héc ta so với tổng số đất bị cưỡng chế là 72 héc ta.
Số 20 héc ta này tương đương với số đất của 224 hộ nói trên bị cưỡng chế. Trong số 20 héc ta, có 10 mẫu Bắc bộ (3,6 héc ta) trồng lúa, còn lại thì trồng rau màu, nuôi cá, thả vịt ...
Hôm nay là buổi gặt thứ hai. Buổi gặt trước thu hoạch được 11,6 tấn lúa. Bà con dự tính sẽ thu hoạch được khoảng 20 tấn trong vụ này. 20 tấn/3,6 héc ta, tính ra 5,5 tấn/héc ta 1 vụ. Đây là một năng suất khá cao, vì ngày xưa, người ta đặt ra mục tiêu 5 tấn thóc/héc ta cả năm (2 vụ). Vì thế mới có bài hát "Bài ca năm tấn" Tôi chợt chạnh lòng nhớ lại kiểu làm ăn HTX ngày xưa, quê tôi có vụ chưa đến 0,2 kg thóc/1 công lao động.
Tôi hỏi: Thế thu lúa thu hoạch được thì giải quyết như thế nào? Bà con cho biết, số lúa này sẽ bán cho gia đình nào đăng ký mua, giá tương đương thị trường, có thể rẻ hơn một chút. Số tiền bán lúa thu được sẽ giữ lại để tái sản xuất như mua máy tuốt lúa, máy lồng, mua phân bón, thuốc trừ sâu... Nghĩa là bà con làm ra hạt lúa nhưng chưa hưởng để phục vụ cho mục đích lâu dài. Việc chấm công cũng chỉ ghi để đó chứ không phải là để ăn chia. Thế mà bà con lao động tự giác hăng say đến thế chứ hoàn toàn không có kiểu lãn công, thậm chí bớt xén phân đạm về bón rau vườn nhà như một thời đã qua.
Như vậy, gọi là Hợp tác xã thì cứ gọi thế chứ chẳng được thành lập chính thức, tên cũng chẳng có. Mọi người bầu ra một bộ phận 24 người điều hành chung, trong đó có chủ nhiệm và 2 phó chủ nhiệm. Ban quản trị tự giác đứng ra đảm nhiệm công việc điều hành theo ý chí của bà con chứ cũng chẳng có gì gọi là phụ cấp trách nhiệm. Tôi hỏi, nếu cần chọn cho một cái tên thì bà con muốn đặt tên là gì? Người thì bảo gọi là HTX Thống Nhất, người thì bảo đó là HTX đoàn kết - thống nhất.
Tôi hỏi vui:
- Thế bà con có tin tưởng vào "Ban quản trị" của mình không?
- Tin tưởng lắm chứ. HTX này hoàn toàn không có tham nhũng đâu nhá.
Buổi trưa, chúng tôi cùng ăn trưa với bà con. Đồ ăn có giò, nem chua, nước ngọt và bia hơi Hà Nội. có bánh tẻ thay cơm cho đỡ cách rách, khỏi bát đũa. Cuộc vui râm ran. Bà con nâng cốc. Chúng tôi cũng nâng cốc:
- Chúc mừng Văn Giang kiên cường.
"Đổ bộ" xuống Xuân quan lúc trời còn chưa sáng
Những hạt lúa thấm mồ hôi đã đành, còn thấm cả máu của người Xuân Quan
Tham gia thu hoạch cùng bà con
Tham gia thu hoạch cùng bà con
Làm mạ cho vụ sau
Thăm lại chiến trường xưa
Phần không trồng lúa, ao lại thả cá, hoa màu lại lại tươi xanh
Phút nghỉ ngơi dưới vườn cây đầy bóng mát
Những người nông dân giờ đây không chỉ cầm cuốc cầm liềm....họ vừa " Đánh giặc" giữ đất , vừa cấy cày, vừa đi thưa kiện và bây giờ HỌ ĐÃ CẦM BÚT (Lời bình của Bùi Hằng)
Nghỉ trưa cùng bà con
Những con người yêu Tự do - Công lý. Không trở ngại nào chia rẽ được chúng tôi và bà con nông dân Xuân Quan - Văn Giang
Mời xem clip BÊN NÀY
13/6/2013
Hoan hô, hoa hậu, nội trợ, chiến sĩ dân chủ,nông dân ...Bùi Thị Minh Hằng
Trả lờiXóa