Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

ẨN DỤ VÔ LƯƠNG

Phần 1 - Ký ức về Quốc khánh


Nhớ lại những năm tháng của thập niên 60, 70...

Thời đó, cứ sắp đến ngày 2/9, quốc khánh, là bọn trẻ ở thôn quê chúng tôi lại háo hức. Rất háo hức! Vâng, Lão Nông tôi chỉ dám nói thôn quê, vì cho mãi đến tuổi có quyền lấy vợ cũng vẫn chưa từng được bước chân ra thành thị.
Lý do háo hức của con trẻ thì rất trẻ con, nghĩa là trong sáng và thực dụng. Đó là ngày được nghỉ, đi chơi, không phải lo việc đưa cơm, xách nước, băm bèo nấu cám gì cả. Có đứa còn được cho một vài hào để ăn quà. Mấy cái kẹo vừng, cái bánh đa, một khúc kẹo kéo, hay quả chuối. Việc chọn mua quà gì cũng là cả một vấn đề. Phải liệu cơm mà gắp mắm, chứ thực ra trong các thức ấy, thức nào chúng tôi cũng muốn. Gọi là quà nhưng, mấy cái thứ vân vân ấy, vẫn đều từ cây nhà lá vườn của nhà quê mà làm ra cả. Trẻ con cũng có năm bảy loại. Có đứa ăn thảo nhưng cũng nhiều đứa hơi hơi ăn tham. Có loại rất ăn tham. Đứa tham thì mua quà rồi ăn một mình. Đứa ăn thảo thì có thể chia bớt một chút vưu vật của nó cho những đứa chơi thân thân, sát nhà nhau, có đi lại, hay một đứa nào đó đã biết nói được những nhời mát ruột mát lòng. Cũng có đứa chia tài sản sở hữu của mình cho đứa khác, nhưng không do tính tham hay thảo chi phối mà do sự điều tiết cơ bắp của chính đối tác nhận phần tài sản phân phối ấy, có khi đến hơn 50 phần trăm tổng giá trị. Thậm chí, có đứa còn mất trắng. Có lẽ nguồn gốc hình thành các chi nhánh khác nhau của giống người là đây chăng? Một manh nha giai cấp từ rất sớm, tự nhiên, bản năng và có tính kế thừa. Cái cách mà đứa ăn thảo (hay hào phóng, nhân văn? - như cách nói thị thành) chia một chút cái vưu vật của nó kia, cho bạn hoặc đồng minh chiến lược, cũng rất độc đáo và ... chiến lược. Cách ấy đã bị lịch sử bỏ qua, hay chính lịch sử bị quyên lãng? Độc đáo tức là nó cho vào mồm, nó cắn một đoạn ngắn hoặc một miếng nhỏ, nó hứng lòng bàn tay và nó nhả miếng hào phóng đó ra, rồi đưa cho bạn. Cái quy trình vừa rồi không nhất thiết phải thực hiện một cách gấp rút. Nghĩa là dùng từ thong thả mà mô tả cũng được. Cái gì cho đi vội vàng, dễ dãi chỉ tổ làm giảm đi ý nghĩa cao cả của hành động và giá trị của báu vật đem dâng hiến. Cái này là kinh nghiệm đã được dân gian đúc kết nên! Phàm những thứ càng quý hiếm hay bổ béo, khi thưởng thức càng thong thả càng cảm nhận rõ giá trị của nó. Chẳng phải đối với các bài thơ hay, người ta thường đem ngâm nga, trầm bổng, nhấn nhá để thưởng thức đó sao? Hay cách các cụ uống rượu và trà ngon cũng vậy.
Ở cái công đoạn cuối trong quy trình liệt kê ở trên, tức là khi đã nhả ra tay mình và trao cho đối tác, kẻ thi ân thường thể hiện ánh mắt đắm đuối, mức biểu cảm dễ thường tới độ "lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da". Phải nhìn thấy cái đó mới phần nào lượng được tầm cỡ của lòng cao cả và giá trị của báu vật. Cái này cũng còn do tâm lý mà ra, kiểu như phép thắng lợi tinh thần, hay đại khái thế. Rằng cái miếng mà nó cho đi ấy, có vẻ như không phải mất trắng hoàn toàn. Miếng ấy đã qua mồm nó nên, nó có được cái cảm giác, cũng coi như là đã ăn rồi vậy. Kẻ thụ ân thì còn nề hà câu nệ làm gì! Vả lại đứng trước sự cao cả thiêng liêng nhường ấy của sự hi sinh, kẻ sắp hưởng lợi đã trải từ hồi hộp, lặng người, nín thở như bị thôi miên, đến cảm động ứa cả nước bọt ngay từ mấy công đoạn trước đấy rồi. Chính xác thì có lẽ là công đoạn ân nhân đang cắn - công đoạn cắn! Cho nên vẫn tuyệt đối vui vẻ, ánh mắt hạnh phúc biết ơn và có thể ngầm ẩn thêm thứ ngôn ngữ, khó tả nhưng lại dễ cảm nhận, hứa hẹn một tình hữu hảo tương lai! Lâu dài hay quá độ thì chỉ có trời mới biết?
Quay lại chuyện bọn LN tôi háo hức ngày quốc khánh. Lý do còn đáng trông đợi hơn nhiều, là một bữa ăn sang thật lực kia! Sắp tới nơi rồi(chúng mày ơi! bọn tôi thường hay nói câu ấy). Bởi, vào dịp đó, lãnh đạo hợp tác xã(HTX) thường quyết định mổ trâu, bò hoặc lợn để chia hoặc bán, giá rẻ hơn giá chợ, cho các gia đình xã viên. Tất nhiên trâu/bò đem mổ phải được chọn đúng theo nghị quyết của ban quản trị/chi bộ HTX, những con già yếu. Tức là những con đã cống hiến hết sức lực một đời ... làm trâu bò theo sinh phận, cho HTX, cũng tức là cho CNXH - như ông bí thư chi bộ vẫn hay nói. Lý ra phải nói là cống hiến gần như hết sức lực thì chính xác hơn. Bởi vì khi người ta đã xả thân chúng ra làm thịt, một phần cơ bắp của chúng vẫn còn, tập trung chủ yếu ở mông, đùi. Cho đến thời điểm này chúng chính thức mới gọi là cống hiến hết cho CNXH, khi lượng cơ bắp cuối cùng ấy được dành riêng để phục vụ cho cuộc họp mở rộng của ban quản trị + chi bộ HTX nhân dịp lễ kỷ niệm, đôi khi có cả quan khách ở trên về. Tất nhiên, lần cống hiến cuối cùng này của lũ trâu bò, các xã viên HTX không cần thiết phải chứng kiến. Tóm lại, việc mổ trâu/bò để phân phối cho các gia đình ăn mừng quốc khánh cũng là cả một quy trình, được Đảng ta tổ chức rất chu đáo và khoa học. Tóm lại lần nữa là thứ thịt trâu hoặc bò mà bọn con nít chúng tôi háo hức, không phải là thịt, ở cái chỗ mà khi đi chăn thả, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn lấy roi mà quất vào đó.
Nhưng, nói gì thì nói chứ, thịt vẫn cứ là thịt!
Người nhớn nói, vẩy cá còn hơn lá rau kia mà!
Mà còn là thịt CNXH hẳn hoi đấy chứ?!
Lúc ấy, giá như có bất cứ người nhớn nào ra sân kho HTX, mà hô to lên "Quốc khánh muôn năm!". Bọn trẻ chúng tôi hẳn sẽ là những người hưởng ứng tiên phong.
Chân lý ấy nói có ông Giời chứng giám.
Xin lỗi các bạn, nhân nhắc đến từ chứng giám, xin các bạn một phút, cho phép LN kể thật ngắn về một kỷ niệm, cũng liên quan đến thịt bò và một dịp lễ kỷ niệm, tuy không phải quốc khánh nhưng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là còn to hơn, vào thời điểm đó. Chuyện này, ngoài ông Giời, còn có nhiều người, đường bệ chức quyền có, học thức học hàm hoành tráng có, có thể chứng giám cho tính xác thực của nó. Đó là khi LN tôi không còn là con nít nữa. Khi đó tôi đã trưởng thành. Nhân một lần có việc phải ra thành phố Hải
Phòng. Vì có người anh họ đang là sinh viên đại học Hàng Hải nên LN tìm đường vào trường hỏi thăm. Vào trường, trong lúc chờ ông anh, LN tôi thấy ở cái bảng tin trên tường gần cổng(cái này trước kia hầu như trường học nào
cũng có) có một thông báo như sau:
"Nhân dịp lễ kỷ niệm Chiến thắng 30 tháng Tư và ngày Quốc tế Lao động, mồng 1 tháng Năm, ngày mai nhà trường sẽ giết mổ hai con bò. Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định:
1. Toàn bộ số thịt: dành chia cho các gáo viên và CBCNV.
2. Toàn bộ lòng, da, xương đầu, đuôi và chân: dành cho học sinh ăn, không bán!
Khi ông anh họ ra, thấy LN cứ chăm chú nhìn thông báo đó, kéo LN ra quán nước bên ngoài và cho biết thêm thông tin: Hai con bò đó là trong số mấy con bò do nhà trường nuôi được. Người hàng ngày có nhiệm vụ đi chăn bò là mấy sinh viên bị kỷ luật, từ rất nhiều vi phạm. Tổng số sinh viên của trường có đến năm sáu trăm. Tất cả phải nội trú và ăn cơm nhà bếp trong trường. Kỷ luật như quân đội, do vậy không bao giờ lo thiếu người chăn bò!
Thông báo ấy ám ảnh LN tôi trên suốt đường về, và cho đến tận ngày nay. Thông báo rất rõ ràng với các mục tách riêng và các dấu hai chấm quả quyết như đóng đinh. Hai bộ lòng bò, hai bộ da, hai cái đuôi và xương đầu. Xin phân
biệt là xương đầu, chỉ có xương đầu thôi, chứ không phải xương trọn bộ của hai con bò. Anh họ tôi nhấn mạnh mấy lần chỗ đó! Và cả cái chữ chân anh cũng cắt nghĩa cho rạch ròi. Chân ở đây là dùng để chỉ cái bộ phận từ móng
tính cho đến khớp gối mà thôi. Đấy là tất cả cho bữa liên hoan hai ngày lễ lớn, cho năm sáu trăm con người, mà không ít trong số họ đã có vinh dự được chăn thả hai con bò đó! Với tính khí như ông anh họ, LN tôi đồ rằng cái
vinh dự của anh hẳn không nhỏ!
Cả hai anh em, LN tôi và chàng sinh viên Hàng Hải, đều là em liệt sỹ, hai liệt sỹ đã đóng góp toàn bộ hai bộ xương và máu cho cái ngày 30-4 đó. Cả LN tôi và chàng sinh viên Hàng Hải cùng đều có vinh dự chăn bò, nhưng không có
vinh dự được ăn miếng thịt bò, ở cái chỗ mà hai anh em thỉnh thoảng vẫn lấy roi mà quất vào đó!
Nhân hôm nay đưa câu chuyện này ra kể, Lão Nông tôi xin thay mặt cả ông anh họ, chính thức xin lỗi mấy con bò quá cố, xin tha tội về mấy roi quất đó. Dẫu anh em tôi quất không quá mạnh tay, nhưng đó vẫn là tội ác!
Xin cảm ơn các bạn! Bây giờ LN xin quay lại tiếp nối câu chuyện.
Ngày nay kể lại chuyện đó cho con cháu, lớp người xưa cũ như mình đâm ra bị chúng nó tỏ vẻ khi thường. Chúng không còn đói cơm, thèm thịt nữa, mà đói khát những cái thật dài, hoặc thật cao nhớn khác.
Nói rộng hơn thì, cho đến nay, dân tộc này vẫn là dân tộc đói. Hầu hết đã đủ cơm đủ thịt để ăn. Nhất là không đứt bữa nữa. Nhưng lại đói, thèm, và khát cái khác. Trong khi các dân tộc người ta, từ người xa cho đến láng giềng gần, nào nhà cô Thái, cô Miến, và ngay cả nhà cậu Hun Xen nữa, đã được thưởng thức những món phổ quát; nhà mình vẫn đói khát đến cồn cào, rã họng. Mà nhà các cô cậu ấy rõ là chỉ cách nhà mình có đúng một cái giậu thốt nốt xanh rờn!
Thì ra, suy cho cùng, dân tộc mình cũng chẳng khác trẻ con là mấy. Một dân tộc trẻ con tuổi tác.
Ấy vậy mà vẫn còn không ít đồng bào, bà con ta vẫn đói, cái đói nguyên thủy, “cái đói HTX”, tức là một cái đói oanh liệt như xưa!
Đói, thèm thịt tới mức phải bẫy chuột để ăn! Nhất là các cháu nhỏ, học sinh dân tộc, dẻo cao.
Thế mà đêm đêm chúng vẫn phải nằm mơ một giấc mơ kinh điển, gặp Tiên! hay điển cố gì gì? Mấy chữ này LN tôi mới học mót được trên mạng, chưa thuần hóa kịp!
Bài viết thập cẩm, thứ cơm độn một khoai, hai sắn này của LN tôi không có ăn tham bàn tới các thứ lý thuyết, chủ nghĩa này nọ, cũng như không đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi “Tại sao?” to tát. Những thứ ấy tay nhà nông không vốn quen làm. LN tôi chỉ đưa ra cách bình phẩm, nghĩa là nhìn nhận, đánh giá con người, theo lề thói của nhà nông mà thôi. Thấp cao hơn kém gì so với lũy tre làng, LN xin được không quan tâm. Nhà Lão Nông xưa cũng có đến hai cái ao, bờ tre xanh tốt. Ao đã lấp, tre cũng đã chặt. Không phải mình tự ý được làm các việc lấp, chặt ấy! Xin chớ vội hiểu lầm vấn đề ra cay cú này nọ, vài thước ao hay mấy cây tre đực tre cái gì gì vân vân, phải tội. Đòi làm sao được ai mà cay cú?
Thưa các bạn! Vừa rồi là tuần trà mời khách theo kiểu ở nhà quê LN. Mời quý khách uống xong chén trà này, LN sẽ xin thưa vào chuyện cụ thể, trong đó có đề cập đến một vài nhân vật, ít nhiều cũng đã nhắc tới ở đây.
Xin cảm ơn!
(còn nữa)

04:31 AM 29-Aug-13,
LN.

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét