NGUYỄN TƯỜNG THỤY
23/8/2013. Khi tôi ngỏ ý muốn đi thăm bà Huỳnh Thị Sinh, Bang Tran và Lưu Gia Lạc sốt sắng đưa tôi đi, mặc dù nhà hai anh ở khá xa. Bang Tran đã đến nhà bà Sinh một lần khi tôi nhờ anh thay mặt anh em Hà Nội đến thăm bà. Bang Tran nhầm ngõ một chút nhưng ngay sau đó chúng tôi đã có mặt tại nhà số 10 hẻm 151 đường Nguyễn Kim, Phường 7, Quận 10.
Thấy chúng tôi đến, bà mừng lắm. Trước khi đến, tôi có gọi điện hẹn bà (theo số 0838572760) nhưng bà chỉ biết có người đến thăm chứ không biết là tôi. Bà bảo, anh Thụy đây ư, thế mà tôi cứ tưởng anh đã già lắm. Bà tíu tít nói chuyện với chúng tôi như người nhà đi lâu mới về. Trông bà, có vẻ không nhiều tuổi hơn tôi bao nhiêu, tôi chuyển ngay sang cách xưng hô chị em.
Bà kể luôn về bức thư mà chúng tôi gửi cho bà hôm 18/1 đầu năm vừa rồi (xem Ở ĐÂY). Bà cảm động nói: "Chỉ có những người như các anh mới nhớ đến chúng tôi, nhớ đến anh ấy (tức Trung tá Ngụy Văn Thà)". Suốt buổi nói chuyện, bà vẫn dùng đại từ anh ấy khi nói về cố trung tá Ngụy Văn Thà với tình cảm yêu thương đi suốt phần đời còn lại của bà.
Bà bảo, khi bức thư được đăng lên mạng, nhiều người ở Mỹ gọi điện về, họ khóc quá trời luôn. Họ bảo sao những người sinh ra và lớn lên trên đất Bắc lại nghĩ được như vậy, có tấm lòng như vậy.
Tôi khoe với bà, vợ em cũng ký vào bức thư ấy đấy chị ạ, ngay dưới tên em. Bà cười rất vui: Anh cho tôi gửi lời hỏi thăm và cám ơn chị ấy nhé, à, cám ơn tất cả những ai đã ký vào bức thư.
Tôi hỏi tuổi của bà, bà nói tôi sinh năm 1948, còn anh ấy sinh năm 1943. Tôi lẩm bẩm tính, vậy là khi anh ấy tử trận, chị mới 26 tuổi.
Ngụy Văn Thà sinh ngày 16-01-1943 tại Sài-Gòn, nguyên quán Trảng Bàng Tây Ninh. Như vậy ngày mất của ông gần trùng ngày sinh, chỉ cách 3 ngày.
Vợ chồng bà cưới nhau năm 1966. Họ lấy nhau vỏn vẹn 8 năm thì ông Ngụy Văn Thà hy sinh, còn thời gian ở bên nhau chắc rất ít vì ông phục vụ trong Quân lực Việt nam cộng hòa. Họ đã kịp có với nhau 3 con gái: Ngụy Thị Thu Trang, sinh 1967, Ngụy Thị Thu Thuỷ, 1969, Ngụy Thị Thu Tuyết, 1973.
Tôi dè dặt:
- Thế khi anh ấy mất, chị còn trẻ thế sao không lập lại gia đình.
Bà bảo:
- Tại anh ấy tốt quá. Anh ấy thương yêu vợ con lắm. Đối với láng giềng, thỉnh thoảng đi về, anh cũng cư xử rất tốt, ai cũng quý anh ấy...
Vậy là vì Trung tá Ngụy Văn Thà quá tốt mà bà không nỡ bước đi bước nữa.
Trở lại chuyện bức thư một chút. Khi tôi thảo bức thư gửi bà, còn có một câu như sau: "Chúng tôi biết, sở dĩ bà giữ được tiết hạnh không chỉ vì tình yêu của Bà đối với Ông nhà mà còn vì lòng tôn thờ bởi sự hy sinh cao cả của Ông cho Đất nước, cho Dân tộc". Sau, suy nghĩ lại, biết thế nào, nhỡ ra mình suy diễn không đúng nên tôi cẩn thận bỏ câu này đi. Trong việc viết lách, tôi kỵ nhất những gì không trung thực. Nay nghe bà kể chuyện, tôi thấy viết thế là chính xác.
Bà đem cho chúng tôi xem những kỷ vật của Trung tá Ngụy Văn Thà bà còn giữ được: hiện còn 3 bức ảnh, 1 giấy khai tử, bức thư của chúng tôi và 1 bài thơ ai đó gửi đến cho bà nhưng không ký tên tác giả. Bà nói, thỉnh thoảng, tôi vẫn mang ra xem và đọc, lại khóc.
Bà bảo ảnh lễ truy điệu anh ấy nhiều lắm nhưng sau 75, chúng tôi sợ quá đem đốt hết, giờ chẳng còn cái nào.
Khi xem chiếc bì thư, thấy bưu điện đánh dấu trả lại (nhưng không hiểu sao cuối cùng vẫn đến được tay bà). Thì ra truy cập trên mạng, chúng tôi chỉ có địa chỉ cũ của bà. Nay chung cư đã dỡ đi làm lại nên địa chỉ ấy không còn.
Nơi bà ở hiện nay là nhà một người một người chị em ruột. Ngôi nhà 2 tầng rưỡi ấy có 5 chị em bà sống chung với nhau. Ba con gái của bà cũng ở Sài Gòn nhưng ở các quận huyện xa, cũng phải tần tảo, bươn chải kiếm ăn chứ không có ai khá giả.
Tôi ngỏ ý muốn lên bàn thờ thắp hương cho ông Ngụy Văn Thà, bà buồn: Tôi ở nhờ, nhà lại chật chội. Các con gái thì ở nhà chồng, lập bàn thờ sao tiện. Tôi chỉ mong chung cư làm xong, tôi dọn về nhà mới thì mới có nơi thờ anh ấy. Bà ra cửa, chỉ cho chúng tôi xem khu chung cư cũ gần ngay đấy. Chung cư đã phá đi để làm lại nhưng phá dỡ xong thì không có tiền nên người ta cho thuê làm bãi để xe ô tô. Không biết đến bao giờ, chung cư mới xây xong để bà dọn về ở nhà mới. Tôi nghĩ, tình hình này, chắc không chỉ là dăm ba năm. Tôi nhìn gương mặt sương gió của bà, mà lòng se lại. Nói dại, biết bà còn có cơ hội dọn đến ở khu chung cư mới không.
Tôi hỏi, vậy chị hiện nay sống bằng nguồn thu nhập nào? Bà bảo thì sống dựa vào mọi người như chị em, rồi các con, thỉnh thoảng các cháu nó cho chút ít.
Bịn rịn mãi rồi cũng đến lúc chúng tôi phải chào bà ra về. Bà hỏi tôi: Tôi muốn Nhà nước cấp cho một khoản trợ cấp để cuộc sống nó ổn định chứ sống thế này cực quá. Liệu rồi có được không anh?
Tôi biết nói sao bây giờ.
8/9/2013
NTT
NTT
kính anh Thụy.
Trả lờiXóaXúc động trước tấm lòng của anh , em không biết nói cám ơn làm sao ( I don't know how to say thank you ) , cho nên em xin mượn tạm những câu thơ của ai đó để tặng anh , vì em rất nghèo ( không biết nói ra thơ ).
Nguyên từ đức dũng có thừa
Âm thanh vội tạc giữa mùa hoài trông
Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
kính chào