Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

CHÙM THƠ 4 CÂU TRẦN MẠNH HẢO

TƯỞNG NGOÀI VÔ TẬN

.
Mình từ đâu đến thành ta
Ta trong mình giữa thiên hà long đong
Ngước lên trời mới ròng ròng
Tưởng ngoài vô tận mà trong lòng mình
.

LỜI BƯƠM BƯỚM
.
Thuở ấy em còn là con sâu róm
Lột xác em thành bướm trắng để anh yêu
Em vẫn mang một linh hồn sâu trong xác bướm
Anh có bao giờ yêu trọn vẹn được em đâu ?

.
SAO CHIM LẠC LẠI BAY VỀ PHƯƠNG BẮC ?
.
Về phương Nam chim Lạc
Thành Lạc Việt nghìn đời
Nay quay ngược phương Bắc
Bỏ tổ tiên giống nòi ?
.

NINH BÌNH NGẪU HỨNG
.
Tặng Lâm Xuân Vi
.
Ở nơi sông Đáy hóa rồng
Nhớ chùa Non Nước ngồi trông Ninh Bình
Phất cờ lau trắng thiên kinh
Ngước lên trời vẫn còn Đinh Tiên hoàng

.
CÂU THƠ GIỮA ĐƯỜNG
.
Đời bịn rịn khi khoai vừa mới nướng
Thoắt tinh mơ đom đóm ngỡ còn khuya
Nắng tơ nhện em còn sương để vướng
Anh vô cùng gian díu chút tình chia


.
XEM RỐI NƯỚC
.
Có bao người mượn thân xác tôi điều khiển tôi bằng bấm nút
Biến tôi thành rối nước trò chơi
Hãy nhảy ra khỏi thân tôi hỡi những anh hùng núp
Tôi là ai hay ai đang là tôi ?

.
VỀ LOÀI CHIM HOANG TƯỞNG
.
Hướng vách đá ngất trời chim đầu đàn dẫn bầy chim vun vút :
-          Lao hết tốc độ chim định hướng thiên đường !
Điên cuồng bay vào đá khiến triệu con chim tan xác
Tự sát cộng đồng này đầu độc cả quê hương

.
THUỐC TỄ
.
Thuốc tễ ai phơi đầy mặt đê
Tuổi thơ hí hửng nhặt mang về
Nhờ mẹ sau này con mới biết
Một thời lầm thuốc với phân dê…

.
Trần Mạnh Hảo

Tác giả gửi cho NTT blog

1 nhận xét:

  1. Đọc xong 4 câu thơ của bài thơ Tưởng Ngoài Vô Tận của Trần Mạnh Hảo . Tôi thấy linh hồn của bài thơ nó nằm chình ình ra đó rồi . Nên không có cửa cho tôi còm ! Nhưng đọc thơ xong mà không còm thì thiếu tế nhị . Xồng xộc bước vào nhà anh Thụy đọc thơ xong mà không có tiếng chào thưa , mà lẵng lặng bước ra khỏi cửa , giống như CA nhân dân tự tiện vào nhà dân là coi sao được .
    TMH đưa bài thơ ra cho người ta đọc , xong đẩy người ta vào vị trí chỉ biết im lặng thôi . Và tôi có 1 kinh nghiệm nữa , nếu không tìm được cái lời để mình ca ngợi bài thơ đó , cách hay nhất là gấp bài thơ đó lại , để tiếng thơ nó nhảy múa tự do trong vô thức.
    Từ 2 câu :

    Mình từ đâu đến thành ta
    Ta trong lòng giữa thiên hà long đong*

    Làm tôi mường tượng tới câu thơ của Vũ Hoàng Chương ( Tôi viết theo hồi tưởng )

    Ta có là ta hề chăng ai chớ là ngươi

    Và TMH làm sống lại 2 câu thơ của Bùi Giáng (BG) trong tôi

    Tôi từ cái bóng tân toan
    Của em dịch biến đoạn trường mà ra

    Năm câu thơ của 3 thi sĩ ở trên , có thể 3 cái ý nó khác nhau . Nhưng đều giống nhau ở 1 điểm . Tác giả không biết rõ ràng mình là ai và ai là mình ! Mình từ đâu và từ đâu mình đi . Hóa ra , lang thang khắp mặt đất nầy sắp hết kiếp người thi sĩ mới đặt vấn đề " Tôi là ai mà còn trần gian thế "**.
    Không trách thi sĩ khám phá ra mình quá trể . Ngay cả đức Phật sau 1 thời gian rất dài trong tìm kiếm giữa thiện và ác , giữa đau khổ và giải thoát , giữa địa ngục và niết bàn v.v...Lần cuối cùng , trong cô đơn tuyệt đối , tâm trí ngài vắng lặng , ngài chỉ nhìn vào ánh sang sao Mai và ngài đã ngộ.
    Thập niên 50 , 60 BG cũng đã ngộ ra trong " Tưởng ngoài " và trong " Lòng mình " . Ông nói với 1 người con gái đẹp , và ông cũng nói với chính mình.

    Em về thử ngắm lại vàng hoa hoe
    Hồng nhan em chết tại lời
    Trăm năm lệ chiếu điều cười hôm nay
    ( Tôi viết theo hồi tưởng )

    Hai câu thơ khác trong bài thơ Câu Thơ Giữa Đường*** cũng của TMH ở trên , có 2 câu rất tuyệt.

    Thoát tình mơ đom đóm ngỡ còn khuya
    Nắng tơ nhện em còn sương để vướng

    So với 2 câu thơ của cụ Nguyễn Du cũng thuộc loại tuyệt , dù cái ý khác nhau , nhưng cũng đều là mơ cả .

    Mọt**** kia dễ tỉnh mơ hoa lệ
    Lửa đóm khôn thiêu một gấm hường

    *Tôi thích thay 2 tiếng long đong thành thong dong , cho nó thể hiện đầy đủ cuộc chơi của kiếp làm người , và đặc biệt người đó là thi sĩ thì sẽ chịu chơi hơn ! Rồi sau đó mới " Ngước lên trời mới ròng ròng " cũng được .
    ** Lời nhạc của Trịnh Công Sơn
    *** "Giữa Đường khác với Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện của ông Hồ . Giữa đường là ngả ba để con người gặp gở , để đi vào cuộc lữ . Giữa đường là thanh minh trong tiết tháng ba trong Kiều . Còn đi đường là ngược lại với ở trong nhà
    **** Mọt là con mọt sách ( Theo tôi hiểu)

    A Thụy sửa dùm hỏi ngã

    Trả lờiXóa