Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

TRÁI TIM NHÂN DÂN SÁNG LẮM

THÔNG BÁO: Từ 20/10/2013, blog NTT không tiếp tục đăng bài và các comment về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nữa==========

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong hai huyền thoại trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi, dư luận trong và ngoài nước lại ồn ã lên khen chê, dù khen hay chê thì cũng không thay đổi được những sự thật xung quanh vị danh tướng. Đó là sự thật về một tài năng xuất chúng, một người con vĩ đại của dân tộc, đó là sự thật về những tráo trở, những hành xử giả nhân giả nghĩa mang danh đồng chí. Nhất là không thể bịt được mắt đánh lừa nhân dân, không làm thay đổi được tình cảm của nhân dân dành cho Đại tướng.

Chậm chạp, thận trọng công bố sự ra đi của Người rồi long trọng làm Quốc tang, huy động hệ thống tuyên truyền to lớn bơm cật lực những lời ca tụng. Có thể người ta tưởng rằng những sự vờ vĩnh kia sẽ che giấu được sự thật về những đối xử tàn tệ với Đại tướng nhưng chính cái cách hành xử trong dịp tang lễ cũng lại đã tố cáo điều đó.

Người dân có thể lắng nghe lời giải thích của gia đình Đại tướng về sự cố Đàm Vĩnh Hưng nhưng không có nghĩa là sẽ không đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu có thật vị Đại tướng huyền thoại lại có mối quan hệ mật thiết đặc biệt đến một con người có quá nhiều vấn đề về tư cách và nhân cách như Đàm Vĩnh Hưng? Hay đó cũng lại là một hành vi chèn ép, làm nhục người quá cố và gia quyến?”.

Nhân dân sẽ nghĩ gì khi biết người ta chọn một đứa ăn cắp làm MC tường thuật tang lễ, chọn một kẻ đạo văn đọc thơ tiễn biệt vị Đại tướng huyền thoại cả về chiến công và nhân phẩm của mình! Phải chăng người ta không thể chọn ra trong hàng ngũ của mình thứ trong sạch hơn hay là họ cố tình làm nhục vong linh người quá cố.

Một sự tương phản trong cách hành xử giữa một bên là những kẻ nhân danh đồng chí với Đại tướng và một bên là nhân dân Việt Nam với Đại tướng. Nhân dân không phô trương, không lời lẽ đao to búa lớn nhưng nhân dân thể hiện trái tim chân thành của mình qua những dòng người xếp hàng dài tiễn đưa Người dưới mưa. Ở phía bên kia, nếu ai hiểu ý nghĩa của hai chữ “đồng chí” hẳn không khỏi cay đắng khi mà ngày Quốc tang chưa hết, thậm chí linh cữu người quá cố còn chưa ra khỏi địa phận mà những kẻ nhân danh mỹ từ đồng chí đã xộc vào tận từng nhà dân bắt hạ cờ tang để tiện đón khách. Nếu như trước kia nghe đồn đoán chuyện bọn nào đó ức hiếp Đại tướng, nhân dân chặc lưỡi tin rằng đó là luận điệu của thế lực thù địch thì chỉ với một hành động hạ cờ tang phũ phàng đó thôi là đủ để bắt đầu tin những chuyện ngày xưa là thật rồi.

Có nên tiếc nuối về những điều không nên có không hay là có ai đó đang khéo léo gỡ nốt những mảnh mặt nạ giả trá cuối cùng.

Ở trận tuyến bên kia cũng hào hứng không kém, như thể cố làm đối trọng cho mớ câu từ tung hô vô cảm của báo chí chính thống, một loạt các bài viết chửi rủa cũng được dịp xộc ra. Có lẽ người ta viết để giải tỏa cái cảm tính ích kỷ của riêng mình là chính chứ không viết cho số đông cảm thụ. Bởi một mặt họ quy kết trách nhiệm như thể vị Đại tướng được một mình quyết sách tất cả các vấn đề lớn nhỏ của dân tộc liên quan đến quốc phòng, mặt khác họ mang việc Đại tướng làm việc ở Ban dân số KHGĐ ra giễu cợt.

Sự thật thì xét ở phương diện nào cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ ghi dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là chính nghĩa và phi thường không thể chối cãi. Xét ở phương diện nào thì việc Đại tướng nhận nhiệm vụ ở Ban dân số cũng là vì nhân dân chứ không vì mình. Một người quên mình để làm tốt mọi công việc có ích cho đông đảo nhân dân thì người đó có phẩm chất vĩ đại. Ví thử nếu ông tự ái từ chức không nhận nhiệm vụ thì có lẽ ông cũng tầm thường như nhưng người viết bài chửi rủa mình thôi. Người ta hay nhầm lẫn rằng dám chết là anh hùng mà quên rằng dám sống mới thật sự là khó khăn, điều này có lẽ đúng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bất kể là mọi chuyện có ra sao thì vị danh tướng huyền thoại cũng đã vĩnh viễn ra đi, trái tim của nhân dân sáng lắm sẽ theo suốt chiều dài lịch sử để tôn thờ những người anh hùng của họ.

.

Phan Trọng Đại - Praha CH Séc.

Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét