Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Quanh quẩn sở thích, trí thức Việt nghèo ý thức

Nguyễn Hoàng Đức

“Vô ý thức” thường giành cho những con người kém cỏi, chẳng hạn lúc tôi trẻ con, theo bà nội lên chùa, mỏi chân tôi ngồi bên bậc cửa quay lưng vào trong, một bà bảo “này cháu, đừng ngồi quay lưng vào trong”. Đấy có thể gọi là “vô ý thức”, nhưng thông cảm được vì đó là trẻ con chưa thể suy nghĩ. Người Hoa cũng nói “vô tri vô trách, hữu tri hữu trách”. Tức là, người không hiểu biết thì không đáng trách, một đứa nhỏ không biết vua là ai, thấy kiệu vua đi qua không né, thì không sao; nhưng một người có học hiểu được phạm húy tên vua là gì, mà vẫn phạm thì có thể phải lãnh án chém đầu.

Vô ý thức thì chắc hẳn không thể làm nên một gia đình tốt, một xã hội hùng cường. Nhìn vào sách vở Việt Nam đa số chỉ thấy lèo tèo mấy bài thơ nghê nga ngâm vui sinh hoạt, ngay cả với các tác giả rất nổi tiếng thì thường chỉ là cây ra một quả bé và mỏng như một trang giấy, sách có gáy, tác phẩm đồ sộ không có. Lý do là gì? Chắc chắn chúng ta không có cách trả lời nào khác: vì chúng ta mới chỉ sáng tạo bằng ý thích. Mà không sáng tạo bằng Ý thức.

Ý thức là cái quan trọng nhất của con người, vì nó là sản phẩm trực tiếp của bộ não nằm nơi cao nhất trong cơ thể. Còn những gì thuộc ý thích thường nằm ở các chi thể bên dưới. Thích uống rượu ư, ở dưới mồm; thích tán phét ư, ở dưới tai; thích ăn ngon ư, ở dưới bụng, thích đá bóng ư, ở dưới chân, thích hoan lạc ư, ở dưới thận…

Điều này diễn giải để cho dễ hiểu, thực ra các triết gia Hy Lạp đã minh định thật rõ ràng: sáng tác bằng lý trí là ông chủ - vì nó là của ý thức nằm trên não. Sáng tác bằng xúc cảm – là con ở, vì nó nằm ở các giác quan cùng với các chi thể. Đến nay, có lẽ chúng ta đã rất nhiều lần ăn mừng hụt vì tưởng sẽ gặp ngôi sao này, tinh tú kia, nhưng nhìn lại thì vẫn rơi xuống lèo tèo nghèo nàn, bởi thứ cảm xúc con ở làm cách gì có được một cuộc đại diễu binh hoành tráng xuyên qua nhiều trang giấy. Đây là sự thật hiển nhiên và nhức nhối. Yến tiệc chỉ có tại cung vua, phủ chúa, nơi đàn sáo vang lừng, cờ quạt trống phách inh ỏi, thức ăn ê hề, mỹ nhân ngập các lối đi, và anh hùng cọ vai sát cánh. Nhà giầu liệu có tiệc không? Có thể có rất nhiều thức ăn, nhưng chắc gì đã có giàn hợp xướng vì chính tai nhà giầu không hề biết nhạc đó là gì, có thể đông miệng ăn, kèm mấy chân dài, nhưng chắc gì đã có tài tử giai nhân đăng quang nườm nượp?! Cung vua phủ chúa đó là đại diện của bộ não và ý thức cao nhất thì mới có tiệc, còn thấp như dạ dầy chỉ ăn cho chắc thì có tiệc không?

Vậy còn nhà nghèo thì có tiệc không? Chẳng lẽ vài cái bát mẻ, mấy chai rượu nhạt nút lá chuối, vài mẩu xoài xanh, cho dù có cả “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thì có ngoi lên thành tiệc được không? Đó chính là hình ảnh của những tập sách không gáy, không lý luận, không ý thức, và các tập thơ vội vã qua dòng nhiều như trấu ở Việt Nam, nhiều lắm chúng chỉ đóng vai trò một bữa ăn tươi mà chưa bao giờ có bóng dáng xa hoa đến ngộp thở của một bữa tiệc.

Ý thức của con người là một đề tài lớn nhất, lớn như khi theo dõi tim thai vừa mới hình thành, các bác sĩ đã thấy “tim” trên não đập đầu tiên, bởi giản dị thôi trong tất cả các cỗ máy muốn hình thành thì hệ điều hành bao giờ cũng xuất hiện đầu tiên. Văn hóa Phương Tây dứt khoát rằng: “Người ta chớ bao giờ tranh cãi về sở thích”. Bởi vì người thích ăn cá, người thích ăn thịt, người thích cà phê, người lại thích chè… thì không bao giờ gặp nhau cả. Vì thế ý thích luôn luôn là cái cá nhân cục bộ, như chuyện màn the của mỗi người, là góc bếp của mỗi cá nhân, nó không phải là quảng trưởng phổ quát để nhân loại hội tụ. Vì thế ai nói chuyện sở thích là thứ mặc nhiên thấp lè tè. Một người hầu bàn hỏi một vị khách “ông uống gì, chè hay cà phê?” chỉ cần trả lời cái này hoặc cái kia. Sau đó người hầu bàn không còm cần thêm gì nữa, vì đó là ý thích của khách. 

Người ta cũng dứt khoát: một gia đình hay xã hội không thể hạnh phúc nếu không có những con người mang bổn phận, như xưa kia người Trung Quốc nói “Quân-quân, thần – thần, phụ-phụ, tử-tử” nghĩa là: vua ra vua, quan ra quan, cha ra cha, con ra con”. Một chiếc xe đạp nếu nó không hoàn chỉnh, van xì hơi, xích tuột, líp chuội, ghi đông vênh, vòng bi trệu trạo, phanh không ăn, thì chẳng ai dám đi cả. 

Một chiếc đồng hồ, kim giây không làm đúng bổn phận, kim phút hỏng theo, kim giờ xoay tít, thì người ta chỉ còn cách liệng nó vào thùng rác. Trong một gia đình mà mọi người không có bổn phận, cha không từ, con không hiếu, chồng không hiền, vợ không thảo, thì chỉ là đống đổ nát bất hạnh tơi bời.

Nhà trường cũng vậy, nếu thầy không ra thầy, trò không ra trò thì thành cái gì? Có phải đang hình thành “mặt trận” tập trận giả “dạy thêm học thêm – lấy tiền tươi”, và trở thành đội sổ thế giới trong khi mỗi năm vẫn cho ra lò hàng nghìn tiến sĩ không? Mới đây, trong một kỳ án văn chương lớn bậc nhất, vậy mà một phó giáo sư, tiến sĩ lại còn viết giấy trắng mực đen là “tôi thích…” Trời ơi, sở thích là của giác quan riêng của anh, anh thích trong bếp hay trong buồng nhà mình thì được, việc gì lại phải đem ra quảng trường phổ quát của dân tộc và nhân loại mà thích. 

Chúng ta đều biết, chính cái nhãn quan ý thích đã dẫn đến một nền văn học bụng vớ vẩn như ngày nay, khen chê ai chẳng hề có tiêu chí, cứ đem cánh hẩu vào, để rồi đưa cả “cứt” lên bàn chấm giải thưởng cao nhất cho tác giả “tôi mơ cứt ngập nhà anh”. 

Con người bổn phận mới cao quí! Chứ còn hạng sống theo ý thích chỉ là thứ cục bộ tiểu khí tầm thường! Các hàng cột tượng người ở La Mã, thường tạc những đàn ông đứng thẳng đỡ lấy vòm mái, điều đó muốn nói, nếu không có những hàng cột mang bổn phận chịu lực thì sẽ không có tòa nhà. Một dân tộc giống một tòa nhà lớn vậy, nó không thể vươn cao vững chắc nếu không có những hàng cột chịu lực thẳng đứng mang bổn phận, và những xà ngang nếu không ăn khớp theo bổn phận sẽ xô nghiêng làm đổ ngôi nhà, theo dó mọi con sơn, cửa sổ, cửa ra vào cũng phải có bổn phận riêng rẽ của chúng. Còn sở thích ư, đó chỉ là cảm giác nhất thời vô cùng bé nhỏ.

Một giáo sư tiến sĩ bước vào kỳ án văn chương lại bảo “tôi không muốn sa vào tranh luận…” vậy có khác gì vàng không chịu thử lửa. Quặng không thử lửa làm sao thành thép? Có một câu chuyện thú vị rằng: hai chiếc bình đất sét kia vừa được nặn xong đang xếp hàng trước lò nung. Nhìn thấy lửa hắt ra, một chiếc bình liền lỉnh đi, nó tự nhủ “thằng kia chui vào lửa nóng rát thật ngu làm sao, đâu có khôn như ta, trốn được lửa để tìm chỗ bóng mát này”. Chiếc bình qua lò đã được chuyển ra xe, được bốc xuống tầu và chu du tìm khác hàng khắp thế giới, cuối cùng còn bước vào viện bảo tàng. Tại sao nó có vinh quang đó? Vì nó đã đi qua ngọn lửa của bổn phận. Còn chiếc bình muốn mát kia, nó không bao giờ được xuất xưởng, và người ta luôn phải nhẹ tay với nó, rồi một hôm mái rột, nước vừa rơi vào nó, nó đã rữa ra, than ôi thật là kết cục bi thảm cho lối khôn lỏi ma lanh!

Kìa bầu trời đang chuyển mưa rào, mấy bình đất sét chưa qua lò, hoặc qua lò than vụn của mấy bài thơ, mấy luận án tem phiếu, không hiểu những bình đất sét kia có bị tan rữa không? Người Việt nói “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”, chưa rõ kết cục thế nào, nhưng ai cũng thấy rõ một điều, mấy bài thơ, mấy bài viết của đám người ưu tiên chưa từng ra gió, đứng thập thò hang dế ấm ớ, ấp úng như đang ăn hột thị. Trời ơi cái hột thị ưu tiên của tem phiếu đó liệu có xứng là một khúc khải hoàn ca hay một bữa tiệc của danh vọng vĩ đại, hay chúng chỉ thỏa khát như một đứa cháu hư đang tắm mát mặc cảm tự tôn rằng, không ai khác ngoài ta đã được ăn vụng hột thị của bà?! (nếu trong vở kịch sẽ có tiếng nói ở cánh gà vọng ra “bà móm mém và yếu lắm rồi cháu ơi, sao cháu lại ăn quả thị mà bà dùng để ngửi cho giấc mơ?)

NHĐ 11/04/2014
Tác giả gửi cho blog NTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét