Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

XIN ĐỪNG BẮN VÀO CHÍNH NỀN VĂN HÓA CỦA CÁC NGÀI

Bài đã được đăng trên Báo Văn nghệ hội nhà văn VN số 20 (17-5-2014) 
Tác giả đã chỉnh sửa, bổ sung để chia sẻ cùng cộng đồng mạng Internet
ÔNG VĂN TÙNG

Thấm thoắt, tôi đã bước sang năm cuối của tuổi tám mươi. Bởi thế, vào những ngày này tôi rất hay chìm đắm trong những suy ngẫm, đặc biệt là suy nghĩ về những điều tôi còn khiếm khuyết hàng ngày. Đó gần như là một thói quen nghiêm ngặt của riêng tôi. Bởi, tôi thường nhớ lời dặn của cha tôi: ”Nhất nhật tam tỉnh ngô thân” (mỗi ngày tự xét lại mình ba lần). Câu này cha tôi lấy từ sách Mạnh Tử, một trong bốn bộ sách giáo khoa của nhà Nho để dạy tôi vào tuổi lên mười. Nhờ câu nói đó mà bao lần tôi tránh được những hành vi xấu và học được khá nhiều điều hay ở đời. Bây giờ, cha tôi mất đã non nửa thế kỷ. Thường, tôi vẫn lấy câu nói ấy của Mạnh Tử để răn mình, và tôi cho đó là cách báo hiếu đối với cha tôi.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở Nam Đàn - Nghệ An. Cuốn sách đầu tiên cha tôi dạy tôi là cuốn “Tam tự kinh” với câu đầu tiên “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Người thuở xưa, tính vốn lành). Tôi có tính hay thắc mắc, bèn hỏi “Tam tự kinh” là gì, và do ai đặt ra? Cha tôi nói: Đó là cuốn sách mỗi câu có ba chữ để dạy trẻ em. Gọi là “kinh” là do các bậc thánh soạn ra, còn truyện do các bậc hiền nhân sáng tác. Vậy là bước đầu tiên tôi vào lớp vỡ lòng đã được dạy ngay: “Nhân chi sơ - tính bản thiện”. Bây giờ, ở tuổi tám mươi, tôi vẫn đinh ninh rằng các vị hiền nhân Trung Quốc dạy con người làm “điều thiện”. Về sau, tôi biết câu đó là của Nho giáo mà người khởi xướng là vị Thánh đang được dân thờ trong các nhà “Thánh” hàng xã, hàng tổng, hàng huyện … là Khổng Tử. Những bài học trong “Tam tự kinh” có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội thời đó. Riêng với gia đình, cá nhân tôi, thì “làm điều thiện” là phẩm giá, là nguyên tắc sống ở trên đời này. Học hết “Tam tự kinh”, tôi lại được cha tôi gửi lên các cụ đồ học tiếp ở các bộ “Luận ngữ” của Khổng Tử, “Mạnh Tử” tập thượng, tập hạ của Mạnh Tử, “Đại học” của Tăng Tử - Trung Dung của Tử Tư. Và tôi hiểu, đó là bốn bộ sách giáo khoa bắt buộc của sĩ tử gọi chung là “Tứ thư”. Thuở ấy, dân nghèo lắm, đến tờ giấy, cái bút cũng không có. Phải học theo lối “huấn hỗ”, thầy giải thích từng từ, từng câu, từng ý cực kỳ sâu sắc, học trò học nhập tâm, thuộc lòng. Vì vậy, rất hấp dẫn và nhớ rất bền. Những bài học trong tập “Luận ngữ” - “Mạnh Tử” -“Đại học” - “Trung Dung” trở thành khuôn vàng thước ngọc của “Đạo làm người”. Đối với chúng tôi, phải nói, đó là những bài học đặc biệt quý giá. Rồi dần dần, từ “Tứ thư”, chúng tôi tiến lên học ‘Ngũ kinh” (Thi - Thư - Dịch - Lễ - Xuân Thu). Và tôi hiểu, đó là kinh điển của Nho giáo ở Trung Quốc, mà Nghiêu Thuấn là mẫu mực của Khổng Tử. Và những Quản Trọng - Nhạc Nghị - Y Doãn - Chu Công … chủ trương dùng Nhân - Đức để trị nước đã có tác dụng giáo dục con người về mọi mặt trong xã hội. Đến thời nhà Hán, Đổng Trọng Thư đã “bãi truất bách gia độc tôn Nho thuật” với Tam cương (vua tôi - cha con - vợ chồng) Ngũ thường (Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín) làm khuôn vàng thước ngọc. Ảnh hưởng của Nhân và Đức của Nho giáo cực kỳ lớn lao trong ý thức của nhân dân Trung Quốc. Riêng bộ “Luận ngữ” đã có tới 105 lần nhắc đến chữ “Nhân”. Và chính Khổng Tử đã có những cống hiến lớn lao cho nền giáo dục của người Trung Quốc mà hoàng đế Khang Hy đời Thanh đã tôn Ngài là “Vạn thế sư biểu” (Thầy học của muôn đời). Riêng bộ “Luận ngữ” có hàng trăm câu nói mãi mãi vẫn còn là những bài học cho các tầng lớp trong xã hội ngày nay. Ví như: “Hữu bằng từ viễn phương lai, bất diệt lạc hồ” (có bạn từ phương xa đến, chẳng vui lắm sao); “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng đẩy cho người khác); hoặc “Kiến lợi tư nghĩa” (thấy lợi thì phải nghĩ đến điều nghĩa); hoặc: “Phu phụ tương kính như tân” (vợ chồng kính trọng nhau như khách); Rồi: Vua tôi - quan dân - bầu bạn - hàng xóm láng giềng - người giàu người nghèo - chủ tớ. Đặc biệt là sự liêm khiết - nạn tham nhũng - việc công tư - và không ít những lời đẹp đẽ đối với nhân dân! Có thể nói: Khổng Tử đã học được hàng vạn sàng cái khôn của nhân dân Trung Quốc trong cả cuộc đời hoạt động không mỏi cho điều Nhân và 14 năm thầy trò bôn tẩu đi tìm chân lý. Cho đến ngày nay, Nho giáo vẫn còn có tác dụng nhất định buộc người Trung Quốc “mệnh danh là hiện đại” cũng phải soi lấy làm gương bốn chữ Nhân - Nghĩa - Liêm - Sỉ của tổ tiên họ cách đây những hai ba nghìn năm. Riêng với Nhân dân Việt Nam, từ bậc trí thức cho đến người bình dân vẫn rất tỉnh táo chọn lọc những phần tinh túy của bộ “Luận ngữ”, những châm ngôn thân thiết về Đạo làm người: Quan ra quan - dân ra dân - Cha ra cha - Con ra con - Chồng ra chồng - Vợ ra vợ - Bạn bè - Anh em - Trên dưới v.v. để giữ lấy cuộc sống bình yên. Thậm chí, trong lời nói hàng ngày, họ còn nhắc cả nguyên văn bằng chữ Hán của những châm ngôn ấy nữa. 
Nhân đây, cũng nhắc thêm: Trung Quốc là một trong bốn Đại cổ quốc, cùng với Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ. Nhưng hiện nay, chỉ riêng Trung Quốc là còn giữ được tính nguyên vẹn. Và là một nước có bốn trường phái tư tưởng lớn mà Trung Quốc thật đáng tự hào như:

- Nho: Nhân - Đức trị;
- Mặc: Kiêm ái (gồm yêu, yêu tất cả mọi người); 
- Lão: Vô vi;
- Pháp: Lễ trí và tiến tới Pháp trị. 

Tuy vậy, điều đặc biệt là cả bốn phái đó đều tất cả vì con người. Đó là điều đặc biệt nhất của Đại cổ quốc này. Đó là chỗ mạnh, chỗ có uy tín của lục địa Trung Hoa. Đặc biệt là Pháp trị mà người tiêu biểu là Tuân Khanh, nhà học giả lỗi lạc thời bấy giờ. Tuân Khanh từng nói: “Làm một điều bất nghĩa, giết một người vô tội mà được cả thế gian cũng không thèm làm”. Một đất nước có Nghiêu có Thuấn; có Quản Trọng, Nhạc Nghị; có Y Doãn, Chu Công; có Khổng Mạnh bao giờ cũng lấy nhân nghĩa làm gốc. Vậy mà trong hàng ngàn năm lịch sử luôn luôn nhăm nhe lấn chiếm một đất nước bé nhỏ chỉ bằng một quận huyện của nước mình. Và càng kỳ lạ hơn nữa, cái nước Việt Nam bé nhỏ, có văn miếu thờ Khổng Tử, có trường dạy chữ Hán, có cả những tổ chức xã hội, có khoa cử chọn quan lại và những thiết chế như phương Bắc, lặng lẽ khiêm hòa ứng xử khiêm nhường với tinh thần: “Đêm đêm Quản, Nhạc. Ngày ngày Y, Chu”. Và yêu thơ Đường, thơ Tống như yêu thơ của Việt Nam. Yêu thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ như yêu thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát. Coi Hồng lâu mộng, Thủy hử, Tam quốc như của Việt Nam.

Vậy mà hễ phương Bắc giở ngón bài bây lấn lướt, là muôn người như một đứng lên đánh cho không còn mảnh giáp nào nữa. Bởi, nước nhỏ đó từ Bà Trưng, Bà Triệu đã biết rõ dã tâm “Khẩu phật tâm xà” của những kẻ vác Nghiêu Thuấn - Quản Trọng, Nhạc Nghị - Y Doãn, Chu Công cùng với Khổng Mạnh trưng cờ Nhân - Nghĩa - Liêm - Sỉ đi cướp nước mà đoàn kết một lòng muôn người như một thành thành đồng vách sắt. Miếng võ cũ và những ngón đòn quá khứ đó vẫn còn như những tấm gương chưa mờ. 

Vậy mà, lại tái diễn. Vừa qua, có người mới sang dựng miếu Khổng Tử chưa vững móng thì ở Biển Đông, vùng lãnh hải của Việt Nam có kẻ đã sang hăm hở dùng bao nhiêu lực lượng hòng lấy thịt đè người, họ quên mất: Chính họ đã đưa ông Khổng Tử sang, trưng câu nói: “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, “kiến lợi tư nghĩa”của ông Khổng, là chính họ đã đánh đúng vào mặt ổng Khổng họ vừa sang dựng miếu của Ngài ở Thủ đô của cái đất nước mà họ mang tàu to súng lớn hòng xô bờ lấn biển khiến cả thế giới phẫn nộ lên tiếng.

Việc làm quá lộ liễu đó không che mắt được ai. Mà những người nhìn thấy dã tâm của họ đã phản đối họ quyết liệt và mạnh mẽ nhất lại chính là nhân dân từng bao đời ngưỡng mộ nền văn hóa trị quốc an dân của Nghiêu Thuấn - Khổng Mạnh. Như thế, chính họ đã tự bắn vào nền văn hóa đầy tính nhân văn ghi đậm nét trong Tứ Thư - Ngũ Kinh của một Đại cổ quốc Trung Hoa vĩ đại từng được cả nhân loại sùng bái yêu chuộng.

Có một danh nhân văn hóa đã nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng phi tiêu thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng trọng pháo”. Vậy mà hiện nay các ngài đang bắn vào quá khứ lừng lẫy của các ngài bằng trọng pháo đấy. Điều đó các ngài có biết không?

Và dĩ nhiên, nhân dân Việt Nam tuy nhân ái hiền hòa, lấy tình lân bang làm trọng, nhưng cũng sẵn sàng và đủ sức giúp các ngài rửa mắt “tư nghĩa” được. Riêng kẻ viết bài này, tuy là một lão già tám mươi đã dịch trên nửa trăm cuốn sách chữ Hán, trong đó có “Khổng Tử truyện” được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng và “Mai Hoa Dịch số” của nhà Dịch học vĩ đại thời Tống là Thiệu Ung (Khang Tiết), cũng sẵn sàng ném tất cả vào lửa để cầm lấy cung đao. 

Ấy là vạn bất đắc dĩ thì nói vậy. Chứ tôi nghĩ: Một Đại cổ quốc như nước Trung Hoa, chắc chắn sẽ “nhất nhật tam tỉnh ngộ thân” như sách Mạnh Tử đã dạy mà nghĩ lại: RÚT GIÀN KHOAN VỀ - CHÌA BÀN TAY BÈ BẠN RA, thì chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau đàm đạo chuyện Thi - Thư, xem các phim Thủy hử, Hồng lâu mộng, Tam quốc chí, cùng ngâm thơ Đường, thơ Tống. Và vỗ tay cho các cháu nhỏ gõ sênh (một loại nhạc cụ đệm cho ca hát): “Quan quan thi thơ - Tại hà chi châu - Yểu điệu thục nữ - Quân tử hảo cầu” trong Kinh Thi xưa hai dân tộc chúng ta đã học./.

Ô.V.T 
218 Đường Đê La Thành, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
ĐT: (04) 38513782. DĐ: 0972958127








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét