Vào tòa thị chính Los Angeles
Hôm mọi người đưa tụi mình vào Tòa Thị chính Los Angeles, tới nơi một người bảo, Tòa Thị chính đây. Mình hỏi:
- Tên đầy đủ của nó là gì?
- Thì nó là tòa thị chính chứ sao. Thế anh tưởng nó là gì?
Mình bẽn lẽn:
Vậy là mình phát hiện ra một cái kém cỏi nữa của nước Mỹ. Gọi tròng trọc là tòa thị chính, chẳng hóa ra là cơ quan hành chính của các quan à. Phải có chữ nhân dân vào thì nhân dân mới biết mình được làm chủ chứ. Mình biết có nước, tất tần tật đều phải có chữ nhân dân mặc dù do quan quản lý và độc quyền sử dụng. Dân có vào được phải qua cửa ải bảo vệ vô cùng khó khăn. Còn đến mà thưa kiện á, xin mời cứ nằm lăn lóc bên ngoài mà chờ ngày này sang tháng khác. Dù vậy dân cũng ối người tin là của mình vì 69 năm nay, họ chỉ nghe nói thế chứ không thấy ai nói khác. Không chỉ cơ quan hành chính mà còn nhiều thứ khác cũng phải có chữ nhân dân như Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân vân vân và vân vân… Có người tỉ mẩn thống kê, cho là không phải tất cả đều vậy mà phát hiện ra Kho bạc đâu có chữ nhân dân mà là Kho bạc Nhà nước đấy chứ. Thế mà cũng đòi phát kiến. Nếu gọi là Kho bạc nhân dân thì dân tưởng của mình, lúc đói kém kéo nhau đến phá lấy tiền chia nhau thì sao? Cách cai trị dân khôn là ở chỗ đó.
Ngang qua Tòa thị chính, xe dừng lại. Nguyễn Quốc Quyết mở cửa rồi chạy tọt vào trong. Xe tiếp tục đi chầm chậm, mình hỏi Quyết vào làm gì thế. Mọi người bảo vào đi… đái. Trời ơi! Thế này thì còn ra thể thống cống rãnh gì nữa. Tòa thị chính đâu phải là nơi các người vào giải quyết nỗi buồn. Mà làm sao họ cũng cho hắn vào cơ chứ. Mình biết Ủy ban Nhân dân thủ đô của một nước, ai ra vào đều bị xét giấy tờ rất kỹ, hỏi vào có việc gì, gặp ai, có giấy hẹn không. Thế thì làm gì có chuyện ai đó tự nhiên vào đái được mặc dù ai cũng muốn đái vào, í lộn, vào đái chứ.
Lối vào tòa thị chính hai bên đều có các hàng cây cho bóng mát. Mình thấy rải rác có những người cả nam nữ nằm trên nền cỏ thậm chí cả ở lối đi bộ, ba lô vứt lăn lóc bên cạnh. Mình hỏi:
- Sao họ nằm ngổn ngang thế kia? Họ không có nhà à?
- Có chứ nhưng họ thích lang thang như vậy.
- Họ chưa có việc làm à?
- Họ thất nghiệp, được trợ cấp từ 700 đến 1000 đồng (USD)
- Thế sao công an không gom họ đi chỗ khác?
- Không ai có quyền ấy.
Thế này thì lạ thật. Chuyên chính đâu rồi mà để thế. Ngay cả nước dân chủ gấp 1 vạn lần Mỹ, họ cũng không để xảy ra tình trạng này. Họ luôn luôn giữ cho bộ mặt thủ đô, bẩn cũng được, vứt rác bất cứ đâu cũng được nhưng không được có người lang thang. Dân oan đi khiếu kiện tá túc ở vườn hoa, họ còn phun nước vào người, đổ nước vào nồi cơm, vào bếp đang cháy. Nếu vẫn gan lì thì cho người đến phá lều. Họp Quốc hội hay có sự kiện gì lớn thì bốc tạm đi nơi khác vài mươi ngày, hoặc hoặc áp giải về quê, đánh cho què chân để khỏi đi. Còn bạt che, nồi niêu tất nhiên là phải “thu hồi” vì dân làm gì có sở hữu riêng. Ở quốc gia ấy làm gì có người thất nghiệp mà chỉ có người chưa có việc làm. Thế mà ở Mỹ, họ ngang nhiên gọi người chưa có việc làm là thất nghiệp, thật chẳng biết giữ gìn thể diện cho Chính phủ tẹo nào.
Mình rút máy ảnh ra định chụp nhưng sợ công an đến cướp nên rụt rè hỏi Quyết:
- Chụp những người kia có sao không?
- Chỉ sợ anh không có thời gian chụp đến tối thôi.
Mình lại thắc mắc:
- Nếu cảnh sát ngại tai tiếng, sao không cho quần chúng tự phát bắt họ đi nơi khác?
- Quần chúng tự phát là gì?
- À, tức là đám đầu gấu, côn đồ, được công an thuê hoặc sai khiến ấy mà.
- Không, nước này mà làm thế, dân họ đập ngay vào mặt chứ chứ họ để à. Chính quyền mà cùng phe với côn đồ, rõ là chính quyền lưu manh chứ là gì.
Thật là một đất nước chán đời. Không chán đời thì cũng chầy cối kiểu Chí Phèo: tao như thế đấy. Người ta có câu tốt khoe ra, xấu xa đậy lại. Thế mà hay dở ra sao, cứ để nguyên đấy, muốn ai bêu riếu gì cũng mặc. Mình đem kể chuyện này với vợ trong một buổi nói chuyện qua skype, thị bảo:
- Khốn còn mải lo phát triển kinh tế cơ, mải trị tham nhũng, mải nâng cao phúc lợi xã hội, mải lo nhân quyền cho nước khác cơ.
Tụi mình kéo nhau vào tòa thị chính. Không có ai xét giấy, không có cảnh sát canh chừng. Một cặp uyên ương người Hoa, cô dâu váy dài lê thê chụp đủ các kiểu ảnh. Một đám đông đứng xung quanh cổ vũ, tự nhiên như ruồi, làm như nhà mình không bằng. Bọn mình đành len lỏi leo lên tầng trên chụp. Tòa thị chính gì mà để dân vào quậy thoải mái thế này, chắng hiểu cán bộ trốn đi đâu.
Ở nước mình, đôi khi công sở cũng chỉ thấy dân, tìm quan thì không thấy. Đó là những trường hợp quan không trả lời được dân liền bảo nhau trốn sạch, dân vào muốn ngồi đâu thì ngồi. Tụi mình đôi khi cũng được làm chủ trong hoàn cảnh ấy như ở Phòng xuất nhập cảnh sân bay Nội Bài hôm đi đòi người từ nước ngoài về, hay như ở Viện kiểm sát NHÂN DÂN tỉnh Nghệ An cùng gia đình Điếu Cày truy tìm xem đơn của anh họ giấu ở đâu. Lúc ấy, đúng là Viện kiểm sát nhân dân thật vì chỉ thấy nhân dân ngồi đợi đày tớ trả lời.
Hôm Minh chở mình đi chơi, giữa chừng, anh đánh xe vào một nơi gần giống như cây xăng. Mình đoán là kho xăng của ai đó vì không thấy người bán. Mình nghĩ, chắc anh vào thăm người quen. Nhưng không, anh đưa xe vào một cái cột xăng rồi thản nhiên bơm xăng vào thùng. Tim mình đập thình thình. Anh ta ăn trộm. Trời ơi! Mình chỉ còn nước đứng căng mắt nhìn ra xung quanh canh chừng, nếu có động tĩnh gì thì báo cho anh chạy. Bơm xăng xem chừng đã đủ, anh mới rút ra cái gì giống như cái các-vi-dít dí vào cây xăng, mình đoán là anh bịt vòi xăng lại cho khỏi chảy ra ngoài, tránh lãng phí. Đã đi ăn trộm lại còn lo khổ chủ thất thoát, xem ra tay này thuộc loại ăn trộm có đạo đức. Xe chạy được khoảng năm phút, đoán chắc không có ai đuổi theo, mình mới hoàn hồn:
- Này, sao anh liều thế, dám đi trộm xăng. Quên tiền thì bảo tôi đưa cho, anh tưởng tôi ở Việt Nam sang không có tiền Mỹ à?
Minh ngạc nhiên:
- Mua chứ có ăn trộm đâu.
- Mua mà không trả tiền à, cũng không thấy ký sổ nợ…
- Trả rồi mà, anh không để ý đó thôi.
Vào siêu thị
Minh đưa mình vào siêu thị. Thấy mấy lần trước, mình mua cái gì, anh cũng tranh trả tiền nên lần này mình dặn trước:
- Anh cứ để tôi thanh toán. Anh mà tranh trả thì tôi có muốn cũng không dám ngỏ ý mua cái gì nữa đâu. Anh cứ hướng dẫn, giúp phiên dịch là được.
Nhặt hàng vào xe đẩy, ra quẹt mã thanh toán, tất nhiên rồi. Nhưng cũng có những thứ trả tiền tại quầy, những thứ này mình không để lên bàn mà để trong túi nhưng cũng chẳng thấy nhân viên thanh toán hỏi gì.
Mình nhận xét:
- Không phải tất cả những gì mình mua cũng phải đặt lên bàn thanh toán. Vậy những thứ chưa trả tiền khách cứ cất trong túi không đưa ra quẹt mã thì kiểm soát làm sao?
Minh bảo, điều đó cũng có thể, nhưng khách họ tự giác, chẳng ai làm thế.
Mình vẫn chưa hài lòng về câu trả lời của anh:
- Vậy chẳng lẽ họ không biết tôi ở xứ sở ăn cắp sang đây à?
Kỳ này, mình nhắc đến Minh hơi nhiều vì anh gắn bó với mình đến nửa thời gian ở California.
Mình gặp lại Doan Trang vào ngày thứ hai khi sang tới California, tức là ngày 9/5/2014 khi tụi mình cùng có mặt tại gia đình một người anh em trong mạng lưới nhân quyền. Chú cháu gặp nhau ở Hà Nội trong những lần xuống đường thì cũng bình thường thôi nhưng gặp nhau ở ngoài nước thật là xúc động, quý hóa nhau lắm, nhất là việc đi ra của tụi mình tuy không giống nhau nhưng xét về xa hơn vẫn có chung mục đích. Đoan Trang hẹn mình khi nào chú cháu mình gặp nhau một ngày. Biêt mình đi Bắc Cali, Đoan Trang hỏi:
- Chú đi San jose vào thời gian nào?
- Chú đi thứ hai, thứ tư về.
- Vậy thứ sáu chú cháu minh gặp nhau nhé.
Thứ tư mình về, Đoan Trang mới bảo thứ sáu, chú cháu mình đi biểu tình ở Lãnh sự quán Tàu. Mình háo hức lắm. Biểu tình ở Hà Nội đã hàng chục lần, giờ biểu tình ở Mỹ thì thật là thú vị. Mình bị tóm vì tội biểu tình cũng đã nhiều, bị tóm thêm lần này nữa thì đã sao.
Mình nói với Minh, anh bảo, vậy hai anh em mình cùng đi.
Mình bảo hôm nay ăn cơm sớm hơn nhá. Minh trả lời vâng. Không thấy anh hỏi lại tại sao, mình đoán Minh cũng đã hiểu ý mình.
Ăn xong, mình hỏi:
- Vậy tối nay dạt vòm ở đâu?
- Dạt vòm là gì?
- À tức là trốn đi chỗ khác để khỏi bị canh chặn ấy. Tụi mình hay gọi vui là dạt vòm.
Minh bảo không cần đâu. Mình không hiểu tại sao đi biểu tình mà không cần dạt vòm. Chắc Minh đã có kế hoạch đối phó.
Đi ăn về, mỗi anh em ngồi một máy tính. Cửa vẫn khóa. Mình vừa đọc tin, vừa để ý ra phía ngoài.
Bỗng có tiếng chuông. Mình thấy tim đập nhanh hơn:
- Họ đến vận động à anh?
- Vận động gì cơ?
- Vận động ngày mai không đi biểu tình ấy. Mấy ngày rồi, chắc là họ cho quần chúng rình mò, đã biết tôi ở đây.
Mình bảo:
- Không ai hỏi đâu. Mà anh vừa nói cái gì, ai đến vận động?
- Không ai hỏi đâu. Mà anh vừa nói cái gì, ai đến vận động?
- Mặt trận ấy.
- Mặt trận gì?
- Tức là đại diện Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Họ đến giải thích cho mình về chính sách đối ngoại và khuyên mình mọi việc đã có Tổng thống lo. Đại khái thế.
- Mặt trận gì?
- Tức là đại diện Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Họ đến giải thích cho mình về chính sách đối ngoại và khuyên mình mọi việc đã có Tổng thống lo. Đại khái thế.
Minh cứ ngây mặt ra, hình như anh chẳng hiểu mình nói gì. Anh đứng dậy mở cửa. Thì ra vợ Minh về, tiếng chuông là chị bấm.
Minh giục đi ngủ sớm để ngày mai còn lấy sức. Mình nằm trằn trọc, lo lắng nhưng mãi rồi cũng thiếp đi.
15/9/2014
TƯỜNG THỤY
Nguồn rfavietnam
Nguồn rfavietnam
Anh Nguyễn Tường Thụy kể chuyện nghe vui lắm. Mong được đọc tiếp câu chuyện đi Mỹ của anh. Hy vọng đọc giã trong nước thấy được sự khác biệt và giá trị qua những so sánh thực tế - đời thường giữa cái gọi là "xứ sở thiên đàng" do ma quỷ thống trị và các "xứ sở đang giảy chết" do con người vận hành.
Trả lờiXóaBài nầy hơi ac,Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang đọc chắc nhột lắm.
Trả lờiXóaTượng gỗ đâu có cảm giác!
XóaĐúng lá xứ Mỹ hoàn toàn tự do, không như đảng và nhà nước VN dân chủ gấp "triệu lần" xứ giẩy chết.
Trả lờiXóaHay quá, anh Thụy ơi ! Còn thú vị hơn đọc Azit Nexin đấy
Trả lờiXóaKhi cái sự buồn đau đi đến tận cùng thì sinh ra cái sự trào lộng bất ngờ. Anh cứ viết như thế và xuất bản ngay đi, tôi tin anh sẽ thành công
Chẳng ai nghĩ đến việc lật đổ một xã hội tốt - nên cảnh sát Mỹ không phải ở tình trạng khẩn trương.
Trả lờiXóaKhổ dân Việt! Mấy cuộc chiến tranh với vài triệu người chết bây giờ chúng ta như thế này đây
Trả lờiXóa