Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Bỏ phiếu tại Quốc hội lần này: "Ứng viên" nào tín nhiệm thấp cao nhất?

VNTB: Chi tiết rất đáng chú ý là chỉ đúng vào sáng khai mạc quốc hội lần thứ 8 ngày 20/10, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới tiết lộ: "tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn". 
Trước đó, đã có tin tức lấy phiếu tín nhiệm đối với khoảng 50 chức danh chủ chốt, nhưng chưa được xác định về thời gian cụ thể. Hình như mọi chuyện được giữ kín trong vòng bí mật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mới về nước sau khi kết thúc chuyến đi Tây Âu.

Một năm rưỡi sau kỳ lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên và mang tính lịch sử của Quốc hội chưa có thói quen độc lập về suy nghĩ, có thể nói đây là lần thử thách đáng kể thứ hai đối với giới quan chức chính phủ và đặc biệt với người bị Phó chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng đặt dấu hỏi mới đây "Thủ tướng độc lập với ai?", liên quan đến dự luật "tăng quyền cho thủ tướng" mới được Chính phủ trình ra Quốc hội. 
Tháng 6/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu 47 chức danh chủ chốt, với kết quả mang tính "thảm họa" dành cho khá nhiều gương mặt bên Chính phủ. Nhân vật đội sổ là Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - người bị tạp chí quốc tế Global Finance bình chọn "một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới". 
Ai có thể đoán được là trong cuộc bỏ phiếu lần này, những "nhân sự chủ chốt" nào sẽ đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao nhất, trong bối cảnh Quốc hội ngày càng mang tính "độc lập" hơn?
Xem lại kết quả bỏ phiếu tín nhiệm năm 2013:
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cong-bo-ket-qua-tin-nhiem-47-chuc-danh-chu-chot-2820304.html

"một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới"
-------------------------

Chủ tịch Quốc hội: “Quốc hội sẽ hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm”

Lần thứ hai Quốc hội đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm hệ trọng đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sáng 20/10 tại Hà Nội.
Chủ tịch nhấn mạnh, đây là kỳ họp đầu tiên được khai mạc tại Nhà Quốc hội, được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, trên nền đất nhiều truyền thống lịch sử của dân tộc.
Theo Chủ tịch, kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, thu ngân sách đạt khá.
Bên cạnh đó an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ, quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách tư pháp, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được tích cực triển khai. Công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới được nâng cao.
“Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước, việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm”, Chủ tịch nói.
Những khó khăn tiếp theo của nền kinh tế được Chủ tịch Quốc hội đề cập là tồn kho hàng hóa còn ở mức cao, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
An ninh tài chính, tiền tệ chưa vững chắc, nợ công, nợ doanh nghiệp, cân đối ngân sách chưa có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, Chủ tịch nhấn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch thì tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về nội dung kỳ họp, Chủ tịch cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
“Đây là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm hệ trọng này trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước”, ông nói.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Phiên khai mạc được tiếp tục với phần trình bày của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Liền đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Cũng như kỳ trước, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ và nội dung thẩm tra báo cáo này sẽ được trình bày trước cử tri cả nước.
Nội dung cuối cùng của phiên khai mạc là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trình bày tờ trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này.
Nguyễn Lê
VNECONOMY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét