Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: JB NHV
Tôi chiêm nghiệm thấy hoạt động nào của các cơ quan nhà nước (quân đội và ngoài quân đội) cũng thành công tốt đẹp như hội nghị, hội thảo, hội thao, hội diễn, bầu cử, phát động căm thù…. Báo tường thì số nào cũng là “số đặc biệt” vì toàn ra vào dịp “đặc biệt” như mừng Đảng mừng Xuân, kỷ niệm sinh nhật “Bác”, Quốc khánh, thành lập Quân đội, thành lập Đoàn. Chúng tôi rất sợ đến dịp “đặc biệt” phải nai lưng ra làm báo tường. Có lần làm xong rồi, thủ trưởng phát hiện thấy tôi viết “mừng Xuân mừng Đảng” liền phải bỏ đi làm lại.
Lan man một chút như vậy để nói rằng, tôi nhận xét cuộc hội thảo "Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ Nhân quyền” ngày hôm qua “thành công tốt đẹp” không phải dùng từ theo kiểu mặc định và để nó trong ngoặc kép không hề mang một ý châm biếm nào đó. Tôi cho rằng nó thành công tốt đẹp thật.
Chương trình tọa đàm đã được thông tin rộng rãi từ mấy hôm trước, lại còn mời cả Bộ Công an và Sở Công an Hà Nội tới tham gia. Việc làm này, có người cho rằng VietnamUPR Working Group “chơi đểu” ngành công an nhưng đọc kỹ thư mời và qua tiếp xúc với Ban tổ chức, tôi biết cái sự mời này là hết sức chân thành. Nếu ngành công an đáp ứng thì là điều tốt cho cả hai bên. Chỉ tiếc rằng các anh không đáp ứng, lại còn cho nhiều quân canh trước cổng nhà thờ Thái Hà, cản trở tiến sĩ Nguyễn Quang A (Ts NQA), rình rập nhà nhiều người khác.
Công an "họp chợ" trước cổng nhà thờ Thái Hà. Ảnh JB Nguyễn Hữu Vinh
Buổi tọa đàm có nhiều đại diện sứ quán các nước: Mỹ, Anh Oxtraylia, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch, Newzeland và Liên minh Châu Âu.
Tham gia buổi tọa đàm, có khoảng 60 cử tọa. Đó là đại diện các tổ chức:
- Hội Ái hữu Tù nhân chính trị,
- Hội Nhà báo Độc lập,
- Hội Anh em Dân chủ,
- Hội Bầu bí tương thân,
- Mạng lưới blogger,
- NO-U Sài Gòn
- NO-U Hà Nội,
- Hội phụ nữ Nhân quyền.
- Phong trào Con đường Việt Nam.
Diễn giả gồm Nguyễn Hồ Nhật Thành, Phạm Lê Vương Các, Tiến sĩ Nguyễn Quang A (NHNT, PLVC, Ts NQA)
Vào khai mạc, NHNT thông báo Ts NQA bị cản trở, đang trên đường đến nhưng không biết có đến được không.
NHNT có nhận xét ấn tượng: Kể từ khi đổi mới năm 1986, đất nước đã đạt được một số thành tựu về phát triển kinh tế. Điều đó chứng tỏ, mọi sự vật nếu được tự do thì sẽ phát triển tốt (Về ý này, có lẽ cần nói rõ thêm một chút, là sự kiện đổi mới năm 1986, thực chất là một việc sửa sai nhưng không hoàn toàn).
Do chưa rõ Ts NQA có đến được không nên PLVC phải trình bày thay phần việc của ông, đó là nội dung “Tìm hiểu về Người bảo vệ nhân quyền”. Trong khi trình bày, PLVC mấy lần nghe điện thoại của Ts NQA do người khác chuyển cho nhưng đều phải lắc đầu cười chịu thua vì bị cắt liên tục.
Khi PLVC trình bày xong, thì Ts NQA xuất hiện. Thì ra, hai cán bộ sứ quán Anh cùng một số anh em tham dự ra cổng Nhà thờ giải thoát cho ông. Cả hội trường đứng dây vỗ tay chào mừng ông. Lúc này là 9 giờ 25 phút.
TS NQA đã vượt vòng vây
Giơ tay chào mọi người, câu đầu tiên, Ts NQA nói: “Đi từ 5 giờ sáng mà bây giờ mới tới đây”. Từ Gia Lâm sang Thái Hà, ông phải đi mất 4 giờ 25 phút, lâu hơn thời gian bay sang Hàn Quốc.
Vì phần trình bày của Ts NQA, PLVC đã làm nên ông tiếp tục phần việc khác của mình. Đây cũng là một kinh nghiệm mà nhiều tổ chức XHDS đã làm, đó là bất cứ hoạt động nào cũng phải có người thay thế. Mặc dù trình bày thay nhưng PLVC đã thực hiện rất tốt.
Các nội dung khác:
- Giới thiệu “Tuyên ngôn của những người bảo vệ nhân quyền” năm 1998 của LHQ do PLVC trình bày
- Hướng dẫn viết đơn khiếu tố theo thủ tục Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng NBVNQ do PLVC trình bày.
- UPR - Một cơ hội tăng cường bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền do Ts NQA trình bày.
Phần thảo luận về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam hiện nay do NHNT chủ trì.
Bạn Hiệp hỏi: Nhân quyền có đe dọa Nhà nước hay không? Câu trả lời của NHNT khá hay: “Ở Việt Nam, nhiều người nhầm tưởng rằng nhân quyền là sản phẩm của xã hội Phương Tây. Trong xã hội mà quyền con người được đảm bảo thì xã hội đó phát triển. Ngược lại, xã hội mà quyền con người bị tước đoạt hoặc hạn chế thì xã hội đó không phát triển được. Ở xã hội đó, nhân quyền không đe dọa nhưng là thách thức đối với chế độ”.
Sự có mặt của anh thanh niên người H’Mông Ma Văn Sinh làm cho mọi người rất quan tâm, thương cảm. Tôi đã gặp Sinh nhiều lần khi cùng bà con H’Mông 4 tỉnh phía Bắc xuống Hà Nội kiếu kiện về việc chính quyền phá nhà tang lễ và đàn áp đồng bào.
Ma Văn Sinh kể về nỗi cơ cực của đồng bào H’Mông. Ở quê anh khi cán bộ tiếp dân, bàn ghế thì chỉ cho cán bộ ngồi, còn dân phải bẻ lá cây lót ngồi xuống đất. Khi bị tra khảo, nếu đồng ý và cam chịu thì không sao nhưng khi dùng lý lẽ để nói phải trái thì họ cho rằng, đối tượng này cần phải đánh nặng. Nói càng đúng, họ càng tìm cách hạ gục mình. Dân thì không có khả năng tự vệ, vì vậy không biết làm cách nào. Bản thân anh đã từng bị đánh rất đau.
Phần thảo luận rất sôi nổi. Chỉ tiếc rằng, buổi tọa đàm không có nhiều thời gian.
Có một sự việc khá thú vị như sau: Đang thảo luận, Lâm Bùi nói: “Xin giới thiệu một vị khách đặc biệt của chúng ta. Đó là một người rất biết về chị Trần Thị Nga, đề nghị hoan nghênh nhiệt liệt”. Mọi người đều quay hướng vào cậu thanh niên phía cuối, góc ngoài. Rất nhanh, cậu này vùng bỏ chạy. Lâm gọi theo: “Kìa, ở lại đây với các anh đã em” thì bóng câu ta đã mất hút. Mọi người chạy ùa theo nhưng không kịp mời cậu ta ở lại.
Lúc sau, JB Nguyễn Hữu Vinh (JB NHV) xuống, thấy cậu ta đang dưới sân. Có lẽ các anh canh ngoài cổng lại đẩy cậu ta vào. JB NHV ân cần mời cậu ta lên.
Đây là một dư luận viên hoạt động rất tích cực. Cậu ta viết về những người hoạt động dân chủ như sau: “Lũ rận chó có đặc điểm chung là nói rất nhiều, rất dài, ra vẻ hiểu đời, thích thể hiện là ta đây kiến thức rộng, nhưng thực chất chúng nó chẳng biết cái khỉ gì, nói vòng vo chán chê rồi kết lại vẫn chỉ là đòi đa nguyên, đa đảng. Toàn những bài cũ rích, thiếu sáng tạo, nghe nhiều phát chán !”
Tôi không có thời gian xem cậu ta viết những gì nhưng nhiều anh em cho biết cậu ta công kích, chửi bới nhiều người, nhất là Bé Mập Lai và Thuy Nga
Đây cũng chính là kẻ đòi đánh tôi hôm chúng tôi đến Văn phòng Quốc hội trao bản Yêu cầu Quốc Hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô (bài viết Ở ĐÂY)
Sau đó về cậu ta viết lên fb một status như sau: "Nếu không phải là mình mà là người 1 người nóng tính khác trong nhóm .Thì ông thụy còn xác để về không ?"
Lâm Bùi, Ngủ Chưa Say, Thuy Nga… nói chuyện với cậu ta rất vui vẻ với tinh thần thiện chí. JB NHV dành nhiều tâm huyết phân tích phải trái cho cậu ta và không quên dặn “về nói lại với các bạn của cháu”. Cậu ta chỉ cúi đầu và cười vẻ bẽn lẽn.
Chiều tối, trên mạng xã hội facebook fb có nhiều ý kiến về sự việc này với lời lẽ thật nhân ái, trước hết là của Thuy Nga, Lam Bùi. Điều này nói lên các bạn trẻ đã rất trưởng thành.
Anh em hoạt động dân chủ và DLV. Hình ảnh thật đẹp. Ảnh Thuy Nga
Chuyện của TS NQA từ hôm trước cho đến khi ông vào được hội thảo cũng thật thú vị. Ông đã chia sẻ trong nhóm Diễn đàn DSXH. Nhiều bài viết đã nói về việc này nên tôi không kể lại.
Buổi tọa đàm để lại nhiều ấn tượng. Hai diễn giả trẻ đều là người Sài Gòn và cũng tham gia luôn công tác tổ chức. Các diễn giả hiểu rất sâu về nội dung mình trình bày. Công việc phục vụ cũng được tổ chức chu đáo. Trước mấy ngày Hội thảo, các bạn có trao đổi ý kiến với tôi và tôi đã tham gia ý kiến. Cuối buổi tọa đàm, tôi nói với PLVC, NHNT: Các bạn làm việc rất tốt. Tôi bây giờ cao tuổi rồi, trí lực, sức lực đã suy giảm. Các bạn là lớp người năng động, có nhiệt huyết, có kiến thức. Các bạn cứ nghĩ ra việc gì, tôi sẽ theo và ủng hộ”.
27/11/2014
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét