Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Hai tù nhân lương tâm vừa ra tù

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-11-02

Từ trái qua: Anh Chu Mạnh Sơn, anh Đậu Văn Dương, anh Hoàng Phong, và anh Trần Hữu Đức trước Tòa Nghệ An (năm 2012)
Photo congannghean.vn

Tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức, sinh năm 1988, người bị kết án 39 tháng tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự’ hôm nay 2 tháng 11 mãn hạn tù.

Sau khi từ trại giam Phú Sơn 4 ở Thái Nguyên về đến nhà ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An, anh Trần Hữu Đức phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về tình hình đối xử trong nhà tù như sau:

“ Trong thời gian 39 tháng từ khi chuyển từ trại giam Nghi Kim cho đến Trại giam Phú Sơn 4, tôi thấy cách đối xử giữa cán bộ với tôi cách ăn nói văn hóa đã thiếu rồi, và họ dùng những hình thức như đóng chặt cửa (phòng giam) của mình khi mà trời nóng bức. Cộng với việc những mặt hàng cho cuộc sống hằng ngày, họ chèn ép bằng cách khi mình mua thì không có. Đơn giản như mua một đôi dép cũng phải làm đơn. Đối với thư từ hay những ấn phẩm sách vở, báo chí mà gia đình gửi vào thì họ chặn lại và tạo áp lực để có thể nhận những vật đó. Mười cuốn sách đến thì chỉ giải quyết một vài cuốn rồi về, còn những cuốn khác thì nói để xem xét. Mà cách xem xét của họ phải qua bao nhiêu tháng trời, có những cuốn sách phải mất đến cả nửa năm. Còn nhiều điều phải nói nữa. Họ hành xử khôn khéo theo kiểu ‘ranh ma’ .”

Anh Trần Hữu Đức là người cuối cùng mãn án tù trong nhóm ba người tham gia rải truyền đơn vào ngày 19 và 20 tháng 5 năm 2011, kêu gọi tẩy chay bầu cử quốc hội khóa 13 và hội đồng nhân dân 3 cấp tại Nghệ An. Hai người kia là Chu Mạnh Sơn và Đậu Văn Dương.


<= Tù nhân lương tâm Võ Thị Thu Thủy năm 2012 (photo diendanctm)


Anh Trần Hữu Đức bị bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 2011 và bị đưa ra tòa vào ngày 24 tháng 5 năm 2012 cùng với những anh em cùng tham gia như vừa nêu. Ba thanh niên này cũng thuộc nhóm 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt trong thời điểm từ tháng 8 đến cuối năm 2011. Ngoài tội danh tuyên truyền chống nhà nước như đã buộc đối với nhóm ba anh Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn và Đậu Xuân Dương; những người khác bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam mà hai người bị kết án nặng nhất là Đặng Xuân Diệu và Hồ Đức Hòa, mỗi người 13 năm. Hiện nay có thông tin tù nhân Đặng Xuân Diệu đang bị kỷ luật đối xử khắc nghiệt trong tù vì anh này kiên quyết không nhận tội và không mặc áo tù.

Trong tuần qua, một nữ tù nhân lương tâm cũng được ra tù trước thời hạn ba tháng là bà Võ thị Thu Thủy. Bà này bị bắt vào đầu năm 2011 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ qua việc rải truyền đơn chống đảng, chống chính quyền. Bà Võ thị Thu Thủy cũng là một giáo dân Công giáo tích cực trong việc yêu cầu trả nhà thờ cho giáo xứ Tam Tòa ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Bà Võ thị Thu Thủy bị đưa ra tòa xét xử cùng với một người khác là anh Nguyễn Văn Thanh. Bà Thủy bị tuyên án 5 năm tù và anh Thanh bị tuyên án 3 năm tù trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 6 tháng 3 năm 2012. Tại phiên phúc thẩm vào cuối tháng 5, bản án 5 năm cũa bà Võ thị Thu Thủy được giảm một năm xuống còn 4 năm.

Từ thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, bà Võ thị Thu Thủy chia xẻ với Đài Á Châu Tự do sau khi về nhà từ Trại giam Số 5 Thanh Hóa như sau:

“ Tôi về hôm 22 tháng 10, có về trước vì đúng ra phải đến ngày 22 tháng 1 năm 2015 mới về, giảm được 3 tháng. Khi vào trại mình có ‘cải tạo’, nói chung không lao động thì sẽ không giảm. Đúng ra thì được giảm 6 tháng, nhưng mang án chính trị chỉ được giảm 2 tháng thôi, và năm nay thì người ta giảm 3 tháng. Ngoài ra cũng ốm đau, bệnh tật phải nằm bệnh lâu ngày, có lẽ họ cũng ‘mệt mỏi’ theo mình nên cho về sớm. “

Bà Võ thị Thu Thủy cho biết tại nhà tù số 5 Thanh Hóa bà cùng bị giam chung với những nữ tù chính trị khác gồm Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn thị Lộc. Bà Đặng Ngọc Minh, mẹ của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, cũng từng ở đây và đã mãn án về nhà.

Nhóm ba thanh niên Công giáo ở Vinh như vừa nêu và bà Võ thị Thu Thủy được những bà con đồng đạo đánh giá là những người nhiệt tình với công việc của giáo hội cũng như hoạt động xã hội.

2 nhận xét:

  1. Nặc danh4/11/14 6:02 SA

    Nơi lao tù là nơi rèn luyện nhân cách mạnh mẽ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. huỳnh chân thiện8/11/14 7:43 SA

      Tuy nhiên , sự việc trên cõi đời nầy luôn luôn có 2 mặt . Mặt phải thì chúng ta biết rồi , mặt trái là CSVN nói riêng và CS thế giới nói chung . Lịch sử đã chứng minh rằng khủng bố hay bỏ tù người khác chỉ giúp họ rèn nhân cách để trở nên hoàn hảo hơn . Tui nhiên , nó còn có mặt trái . Như bác kính yêu và các đ/c khác của bác , cũng từng trải qua các nhà tù thực dân Anh ở HK , nhà tù của Tưởng Giới Thạch , nhà tù cuả thực dân Pháp , nhà tù của ông Ngô Đình Diệm v.v...Họ rèn nhân cách để trở thành thứ lưu manh hơn , đạp lên đầu các đ/c của họ để vươn lên , bán những nhà cách mạng chống Pháp cho Pháp vì họ không trong hàng ngũ CS , giết hại những người có công cưu mang cách mạng , con tố cha vợ tố chồng trò tố thầy ...trong CCRĐ . Trong NVGP thì bị khủng bố bỏ tù kể cả gia đình vợ chồng con , nhẹ nhất là quản thúc và cắt chế độ tem phiếu để cuối cùng chết đói , dù họ không chống đảng , họ là các triết gia , những người làm văn nghệ , văn học nghệ thuật v.v.... họ chỉ yêu cầu đảng cho họ được tự do sáng tác như thời ấy có câu nói nổi tiếng : " Người làm văn học nghệ thuật ví như người chăm sóc vườn cúc , làm văn học nghệ thuật mà có bàn tay chính trị thò vào thì cúc không còn là cúc , mà là cúc vạn thọ " .

      Xóa