Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Tâm tình của hai phụ nữ anh hùng VN

VRNs (08.3.2015) – Sài Gòn – Bà Trần Thị Nga và cô Đỗ Thị Minh Hạnh vừa được tuyên dương 2 trong số 17 người phụ nữ anh hùng ở Châu Á, do Đài Á Châu Tự Do bầu chọn.

Chân dung hai người phụ nữ VN này được mô tả là những người tranh đấu quả cảm, kiên cường cho quyền con người ở đất nước VN -nơi mà chế độ cs độc tài đang cai trị và có nhiều thủ đoạn nhằm ‘trừng phạt’ đối với những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền.

’17 phụ nữ anh hùng ở Châu Á’ được khắc họa chân dung trong sách e-book có tên là ‘It’s not OK’, vừa hoàn thành bằng tiếng Anh.

“Những phụ nữ được khắc họa chân dung trong cuốn sách này bao gồm những phụ nữ đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Bắc Hàn, Tây Tạng, Lào và Tân Cương”, RFA nhấn mạnh.

Một trong số ’17 phụ nữ anh hùng ở Châu Á’ được nêu danh là cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Cô chia sẻ sự bất ngờ: “Thật sự, tôi cảm thấy bất ngờ và rất hạnh phúc khi được Đài Á Châu Tự Do [RFA] vinh danh. Tôi xin cám ơn RFA. Tôi cảm thấy cần phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng và sự yêu mến của mọi người. Ở VN, có rất nhiều người phụ nữ xứng đáng và tuyệt vời như Thanh Nghiên, Công Nhân, Thục Vy, Hoàng Vi… Họ đều có đặc thù riêng và rất là tuyệt vời”.

Chân dung cô Đỗ Thị Minh Hạnh và bà Trần Thị Nga trong sách e-book có tên ‘It’s not OK’,


Người phụ nữ anh hùng thứ hai cũng được nêu đích danh là bà Trần Thị Nga bày tỏ niềm vui: “Tôi cảm thấy bất ngờ trước thông tin này, vì từ trước tới nay, tôi vẫn là một người phụ nữ hết sức bình thường, bởi vì tôi không có nhiều kiến thức đấu tranh như nhiều anh chị em dân chủ ở VN. Trước đây, tôi cũng chỉ là một người sợ hãi và lo sợ những điều mà nhà cầm quyền sẽ gây ra [cho gia đình tôi], nhưng tôi bị nhà cầm quyền đẩy vào thế phải kiên cường, không kiên cường không được, nên bắt buộc tôi phải hành động.”

Trong suốt thời gian tham gia tranh đấu, hai người phụ nữ này không tránh khỏi các rào cản từ phía gia đình và những lời dị nghị, đàm tiếu từ những người xung quanh. Nhưng họ đã kiên cường vượt qua và kiên trì, miệt mài giúp gia đình, bạn bè, hàng xóm hiểu được lý tưởng đấu tranh của mình.

Bà Trần Thị Nga kể lại: “Ban đầu, tôi chỉ giúp đỡ những lao động VN gặp nạn khi họ làm việc ở Đài Loan thôi. Sau đó, tôi tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, giúp đỡ dân oan… Bố tôi biết những công việc đó là chính đáng, tuy nhiên, nhiều lần cả gia đình vẫn mắng, ngăn cấm không cho tôi tiếp tục công việc này nữa. Bởi vì công an nói với gia đình, hàng xóm những điều không đúng sự thật về tôi. Họ thường bao vây quanh nhà và khủng bố tinh thần những người trong gia đình. Lúc đó, bố mẹ và anh chị em phản đối rất mãnh liệt vì họ sợ công an sẽ thủ tiêu tôi. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm. Bởi vì, khi tôi làm việc tại Đài Loan, gặp tai nạn thì chính những người dân Đài Loan, cảnh sát Đài Loan đã giúp đỡ tôi. Nếu không, tôi sẽ không sống cho tới ngày hôm nay. Vậy thì tại sao tôi có thể làm ngơ trước nỗi đau của những người dân oan bị mất đất, bị trù dập được. Chính vì thế, tôi sẵn sàng giúp đỡ những người khác khi họ gặp hoạn nạn. Tôi cũng đã trình bày điều này với gia đình, rồi dần dần gia đình cũng hiểu công việc tôi làm là tốt và những lúc công an khủng bố tinh thần tôi là phi pháp.

Đặc biệt là hàng xóm, bạn bè của tôi cũng thay đổi luôn. Lúc đầu, họ sợ lắm, nhưng cho đến thời điểm này thì đã có rất nhiều người ủng hộ. Điều quan trọng là họ lắng nghe khi tôi trình bày về các quyền căn bản của công dân VN, và bây giờ họ đã biết quyền và nghĩa vụ của bản thân họ.”

Còn cô Minh Hạnh nhớ lại: “Khi tôi chọn con đường đấu tranh cho quyền của người lao động, gia đình tôi phản đối rất nhiều. Khi tôi vào tù thì tư tưởng của gia đình tôi mới từ từ được thay đổi và nhận ra những gì tôi làm là đúng, hợp lý và biết không thể ngăn cản được con mình. Chỉ có tình yêu của gia đình dành cho tôi mới giúp họ vượt qua được những khó khăn đó. Sự thay đổi đó đã tạo sức mạnh cho tôi.

Tôi đã được cha mẹ yêu thương với một tình yêu vô bờ bến, khi mẹ tôi phải gian nan vất vả đi khắp nơi để giúp con mình thoát khỏi nhà tù. Đó là một điều hết sức tuyệt vời. Tôi rất tự hào về mẹ của tôi. Bên cạnh đó, anh chị em tôi đã tôn trọng, ủng hộ để tôi đủ tự tin bước trên con đường đã lựa chọn, chẳng hạn như anh chị đã thay tôi chăm sóc cho cha mẹ khi tôi vắng nhà.

Tôi nghĩ, với sự tuyên dương của RFA sẽ khuyến khích các cháu của tôi tự tìm hiểu các vấn đề xã hội nhiều hơn, và sẽ biết cách sống như thế nào cho xứng với quê hương đất nước.”

Riêng cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị nhà cầm quyền cầm tù kết án 7 năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam, vào tháng 03.2011. Cô đã thụ án được hơn 3 năm tù giam thì được thả tự do vào ngày 28.06.2014, vì các chính phủ trên thế giới lên án nhà cầm quyền cs VN đã cầm tù cô một cách trái phép. Cô Minh Hạnh nói: “Tôi cảm thấy tự hào vì đã đi trên con đường tôi chọn. Điều đó, cũng được trả giá qua những năm tháng bị cầm tù, đánh đập, tra tấn, bị sách nhiễu… Tôi cũng cảm thấy may mắn khi được ở tù, bởi vì chính nơi đó tôi đã nhận ra giá trị của cuộc sống trong đó có tinh thần chiến đấu, tinh thần vượt qua những khó khăn quyết bảo vệ đất nước.”

Bà Trần Thị Nga đã nhiều lần bị công an câu lưu, đặc biệt bị công an truy sát, hành hung đến trọng thương vào chiều ngày 25.05.2014, khiến cho chân của bà bị tật, thế nhưng bà vẫn kiên trì những gì đã và đang làm. Bà Nga quả quyết: “Tôi luôn xác quyết việc làm của tôi là chính đáng và tôi tiếp tục dấn thân.”

Bà Nga cũng nhấn mạnh, những việc bà làm xuất phát từ trách nhiệm của một người mẹ với bốn đứa con nhỏ của bà đang sống trong một đất nước ngày càng suy đồi đạo đức. Bà Nga đặt vấn đề: “Nếu ngày hôm nay, người mẹ không bảo vệ được các quyền căn bản của con mình và không đứng lên đấu tranh giành lại quyền cơ bản này thì tương lai của những đứa nhỏ sẽ đi về đâu.”

“Tôi tha thiết kêu gọi các người mẹ, các chị em cùng nhau đứng lên trong trách nhiệm của chúng ta, để bảo vệ tương lai cho con em chúng ta được đón nhận các quyền cơ bản như là một con người.” Bà Nga kêu gọi.

Một quyền khác cũng khá quan quan trọng của người phụ nữ dường như chưa được phát huy mạnh tại VN, đó là ‘tham gia phản biện các vấn đề chính trị, xã hội để góp sức thay đổi quê hương đất nước”, cô Minh Hạnh cho hay.

Đó là những gian truân, những thử thách mà hai người phụ nữ bình dị là bà Trần Thị Nga và cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã trải nghiệm trong quá khứ, đang gặp trong hiện tại và sẽ vượt qua trong tương lai. Sự hy sinh của họ đã được thế giới công nhận và đất nước VN sẽ được đổi thay -bắt nguồn từ những hạt giống biết ‘tự hủy’ như không.


Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét