Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Thời làm “Chuyện thật như bịa”

Nhà báo Nguyễn Quang Huy là trưởng nam trong gia đình nhà tôi (anh thứ 2 còn tôi thứ 4). Anh mất ngày 13/7 năm Bính Tuất (2006), hưởng dương 59 tuổi. Khi mất, anh là Trưởng phòng phát thanh kinh tế, Ban kinh tế - Khoa học - Công nghệ, Đài TNVN. Tôi có thời kỳ khoảng 3 năm làm biên tập ở Ban kinh tế - Khoa học - Công nghệ, trong đó một nửa thời gian làm việc ở phòng anh. 

Anh là người có cá tính mạnh, đầy mâu thuẫn và bất hạnh. Tôi có viết một truyện ngắn lấy anh làm nguyên mẫu.

Tôi đã giới thiệu một số truyện ngắn của anh trên blog của mình TẠI ĐÂY

Bài viết sau đây đăng trên vov.vn. Trân trọng cảm ơn tác giả Trần Nam Bình. Cảm ơn Nhà văn Phạm Thành giới thiệu cho tôi bài báo này.

Nguyễn Tường Thụy
-------------

VOV.VN -Mục “Chuyện thật như bịa” gây được tiếng vang khá lớn dù chuyên mục chỉ phát sóng trong vòng chưa tới 3 năm.

Cách đây 25 năm, trong những năm đầu đổi mới, hòa chung với không khí cởi mở của báo chí thời ấy, phát thanh cũng dò dẫm chuyển dần từ “tập quán” tuyên truyền, minh họa là chính sang tư duy làm báo, đề cập những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn….

Mục “Chuyện thật như bịa” của Chương trình Phát thanh Kinh tế, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) gây được tiếng vang khá lớn dù chuyên mục chỉ phát sóng trong vòng chưa tới 3 năm.


Nguyễn Quang Huy và các đồng nghiệp phòng Kinh tế

Ban Biên tập Chuyên đề lập Chương trình Phát thanh Kinh tế theo sáng kiến của nhà báo Trần Ngọc Thụ - Trưởng ban Chuyên đề lúc bấy giờ.

Nhà báo Nguyễn Quang Huy, Tăng Thị Hương, Phạm Thành*, và tôi, được điều động về chương trình này.

Tôi là người biên tập và thực hiện chương trình phát thanh kinh tế đầu tiên, phát sóng tháng 10/1989.

Thời kỳ đầu đổi mới kinh tế, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện cần nói, cần bàn, Chương trình được thính giả đón nhận nhiệt tình.

Các góc nhìn khác nhau về các vấn đề kinh tế, kể cả nhìn từ góc hài hước nhất, thực sự là một đòi hỏi cho sự đa dạng hoá cách thức thể hiện. Ý tưởng về mục “Chuyện thật như bịa” đến với chúng tôi một cách vô cùng tự nhiên, như thế.

Với những chuyện cơm áo gạo tiền quốc kế dân sinh, ai có thể cười đùa? Tiêu chí của một “chuyện thật như bịa” - theo như tên chuyên mục - khá khắt khe. Dù thể hiện dưới hình thức một tiểu phẩm, chuyện không thể là chuyện không có thật, cũng không thể lấy chuyện ngày xưa ra kể ra để khơi khơi ám chỉ bóng gió chuyện ngày nay. Trong xã hội ta đang sống, liệu có nhiều chuyện như thế? Nếu có, tiếp cận có dễ không?

Đến khi bắt tay vào làm, viết, biên tập, trao đổi với đồng nghiệp trong trong Ban, trong Đài, ở báo khác, và nhất là với người nghe, chúng tôi nhận ra rằng đây thực sự là một kho tàng lớn.

Bối cảnh kinh tế thời kỳ đầu đổi mới sản sinh ra rất nhiều những con người và tình huống oái oăm lạ lùng hài hước khi được kể thành chuyện.

Những câu chuyện này phản ánh đúng thực tế hơn rất nhiều lần so với các báo cáo vẫn được sản xuất đều đặn theo kỳ. Đôi khi, chúng thật hơn cả những phóng sự điều tra với chi tiết và con số cụ thể. Có điều, câu chuyện cần được kể với góc nhìn của dân.

Thời kỳ đó cũng là thời kỳ báo Lao động và nhà báo kỳ cựu Nguyễn An Định nổi danh về chống tiêu cực. Chúng tôi chọn một cách tiếp cận khác.

Sau đợt đầu ra mắt với các câu chuyện do nhà báo Nguyễn Quang Huy và tôi viết để làm đà khởi động, các câu chuyện gửi về qua thư nhiều dần. Nhiều câu chuyện được viết tốt đến mức công tác biên tập trở nên nhẹ nhàng.

Chúng tôi học được rằng, con mắt của nhân dân nhiều chiều nhiều góc. Vẫn là câu chuyện đó thôi, có thể đã công khai hoặc còn nằm trong hồ sơ, đổi góc nhìn đi một chút, đứng từ mối quan tâm khác một chút, đại diện cho quyền lợi khác một chút… câu chuyện đang từ rất bình thường sẽ trở nên bất thường - “như bịa”.

Phong cách của một câu chuyện thật như bịa, thực ra, không có ngay từ đầu, mà là được hình thành dần qua trao đổi trên sóng cũng như bên ngoài. Có thể nói, chính người nghe đã dạy chúng tôi làm chuyện thật như bịa, và cũng chính người nghe là những tác giả chính của một loạt chuyện đã từng phát sóng.

Một điều khác tôi học được khi làm mục này là cách hình thành môi trường báo chí tương tác.

Đầu 1990, gọi điện thoại cố định còn là xa xỉ, chưa có di động, chưa có OB (outside broadcasting), chưa có email, chưa có báo online, càng chưa chưa có facebook, blog và các mạng xã hội khác. Không gian tương tác hầu như chỉ là qua thư.

Không nhanh như trong không gian số, nhưng cố giữ được nhịp, đừng làm mất đà, chúng tôi có sự tham gia của hầu như tất cả những người cần tham gia.

Mỗi tuần chỉ có một chuyện được kể, nhưng có những ngày, chúng tôi nhận được hơn trăm lá thư. Những lá thư được viết từ nhiều kiểu chữ, nắn nót hay nguệch ngoạc, đẹp xấu đều có cả. Rất ít thư được đánh máy, nhưng đều có tên người địa chỉ rõ ràng, và thông tin trong thư rất cụ thể.


Nhà báo Nguyễn Quang Huy

Những lá thư không chỉ là nguồn động viên, mà thực sự là những phản hồi giá trị, những bình luận, gợi ý, khen, chê, bức xúc, đối với từng câu chuyện đã phát sóng. Để người này nghe được và đồng cảm (hoặc phản đối) ý kiến của người khác, chúng tôi điểm thư vào cuối tháng.

Vui nhất, là nhận được nhiều câu chuyện của chính thính giả gửi về, những câu chuyện thật đã xảy ra với những con người thật tại những địa phương có thật…, nhưng đều có một điểm chung: “như bịa”. Đôi khi, những hệ luỵ và trải nghiệm đau đớn của những số phận bị ảnh hưởng bởi một “câu chuyện” nào đó mới chính là nội dung của câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể.

Ngày nay, các nhà báo trẻ vui khi đếm “comment” và “like” như thế nào, chắc chúng tôi cũng vui như thế khi lần giở đếm và sờ xẩm từng lá thư mộc mạc.

Cũng những lá thư này cho chúng tôi biết là thính giả vui và hài lòng với bước đi vỡ lòng của báo chí tương tác thời lạc hậu.

Đã nói về chuyện nghề, khó mà không nhớ người. Dù có rất nhiều nhà báo của Đài TNVN đáng nhớ để nhắc lại, nhưng ở đây, người mà tôi muốn kể là con người đặc biệt kỳ dị - một trong những người thầy của tôi trong nghề báo, người tôi coi như anh mặc dù vẫn gọi bằng chú. Vì, câu chuyện đời ông rất hợp với câu chuyện tôi đang kể. Và, vẽ được chân dung ông, dù là “vẽ bằng mồm”, là điều cực khó.

Nhà báo Nguyễn Quang Huy - nguyên Trưởng phòng Phát thanh Kinh tế, là một người tự tin hào sảng. Ông từng được bổ nhiệm làm cán bộ phòng thời sự khi mới khoảng 25 - 26 tuổi, có lẽ là một trong những trưởng phòng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đài TNVN (không tính các bậc tiền bối sáng lập Đài từ thời 1945).

Không chỉ làm báo, ông còn phát lộ tài hoa trong văn chương, với thơ và truyện ngắn sắc sảo trên báo chí làng văn, thậm chí vài lần đoạt giải thưởng ở cấp quốc gia.

Nguyễn Quang Huy ngang tàng, nhưng sau bộ dạng phong sương bất cần là người đa cảm và duy mỹ. Chuyện tình cảm cá nhân rất không thuận, nhưng chưa bao giờ mất hy vọng ở thi ca. Cuộc đời ông ngắn ngủi, mà dấn thân quá nhiều cho nghề báo.

Tác phẩm đã in để lại chỉ có một tập truyện ngắn (Người đàn bà nói dối, NXB Thanh Niên 1991), một tuyển tập các tiểu phẩm châm biếm kinh tế - chính là chọn lọc các câu chuyện ông đã viết cho mục Chuyện thật như bịa (Nữ thư ký giám đốc, NXB Lao động 1991), và một tập thơ mỏng tang 24 bài (Những âm thanh trầm, NXB Thanh Niên 1991).

Thời kỳ Nguyễn Quang Huy xuất bản nhiều sách nhất, 1991, chính là thời kỳ chúng tôi bay lượn với đội hình chương trình Kinh tế và chuyên mục Chuyện thật như bịa mà ông là người dẫn đầu.

Nhưng niềm vui đã không trở lại. Chuyên mục “Chuyện thật như bịa” sau đó không lâu được yêu cầu đóng lại.

Thính giả và cộng tác viên không thấy Đài TNVN tiếp tục kể chuyện cũng phản ứng, đề nghị một hồi không được rồi cũng thôi đi.

Tôi cũng bớt đi một nghề, vì không chỉ viết và biên tập các câu chuyện cho chuyên mục này, tôi còn là người kể hầu như toàn bộ các câu chuyện trên sóng phát thanh. Âm thanh đẹp đẽ với nhiều người nhưng có lẽ không vừa tai một bộ phận không nhỏ nào đó.


Tác giả Trần Nam Bình, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn PeaPros, chuyên về hợp tác phát triển quốc tế


Chương trình Kinh tế, cùng với Đài TNVN, vẫn phát triển không ngừng cho đến ngày nay. Chỉ e ít người còn nhớ nét mặt đàn ông phong sương nhàu nhĩ nhưng có đôi mắt sáng tự tin của một lãng tử không hợp thời.

Người thân quen có những kỷ niệm rất khác nhau về Nguyễn Quang Huy. Khó có thể hình dung tất cả những mô tả chỉ dành cho một con người. Ai có thể vừa dịu dàng tình cảm vừa thô lỗ cục cằn, vừa sắt đá khắt khe vừa bao dung độ lượng, vừa mạch lạc trong trẻo vừa quẩn quanh bế tắc…? 

Cựu nhà báo Song Phước (Chương trình Kinh tế, Chương trình Việt kiều) nhận xét ngắn gọn: “Một người đa diện. Nhiều khi, với nhiều "lính" nghiêm đến cứng ngắc, phũ phàng, nhưng thường lại rất nhân hậu, tình cảm”.

Tổng biên tập báo điện tử VOV Phạm Mạnh Hùng, một trong những đệ tử cưng nhất của ông, người cũng thường vô cớ phải hứng những cơn say của ông đến giờ vẫn ngậm ngùi: “Nhớ về bác Huy, cảm xúc chủ đạo vẫn là sốc, tổn thương. Tiếc cho một người có thực tài văn, thơ, một cuộc đời nhiều sóng gió”.

Phó Giám đốc Truyền hình Quốc Hội Phạm Trung Tuyến thì cảm tác khá dài với cái ghi chép về “Cố nhân” trên Facebook về thời kỳ thỉnh thoảng làm tiểu đồng cho một Tế điên nửa say nửa tỉnh trong những tình huống ân oán ly kỳ.

Nhưng đó đã là đoạn gần cuối câu “chuyện thật như bịa” về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà báo tài hoa, người đã dành toàn bộ đời nghề của mình cho Đài TNVN từ khi ra trường cho đến lúc tạm biệt cõi đời mà hầu như không nhận được một phần thưởng đáng kể nào.

Tôi cũng biết, ông đối xử với chính ông còn phũ phàng hơn bất cứ sự phũ phàng nào mà những lúc không kiềm chế được ông đã dành cho ai đó.

Tôi không rõ gia đình ông có còn lưu di cảo, chỉ nhớ rằng ông còn một cuốn tiểu thuyết không rõ đã in chưa. Cuốn này có tên “Huyện ven biển”, viết về quê hương Hải Hậu của ông.

Không có bạn nhà Đài bên cạnh để hỏi, đành một mình đọc lại bài cuối cùng trong tập thơ của ông, vẻn vẹn có 4 câu thôi:

Vết sóng

Đừng tưởng là vách đá
Im lìm không biết đau
Đá nhận vào lòng sâu
Mỗi vết hằn của sóng

Tháng 2/2015
Trần Nam Bình

Nguồn VOV
=========

*Phạm Thành là chủ blog Bà Đầm Xòe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét