Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Trung cộng sẽ tấn công Đài Loan?



Chu Chi Nam, Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Gần đây giới bình luận chính trị Á Châu bàn tán sôi nổi về giả thuyết cho rằng Trung cộng sẽ tấn công Đài Loan. Sự kiện này bắt nguồn từ lời tuyên bố của Tập Cận Bình trong một kỳ họp Trung ương đảng: 'Chúng ta không thể chấp nhận Đài Loan sống biệt lập từ thế hệ này qua thế hệ khác', thêm vào đó, vào năm tới, sắp có cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan, mà nhiều người cho rằng Đảng Trung Hoa quốc dân đảng đang nắm quyền, chủ trương hội nhập vào Trung cộng chắc chắn sẽ thua với đảng Dân chủ Cấp tiến, chủ trương một Đài Loan độc lập, vì qua cuộc bầu cử cấp quận vừa qua, Đài Loan có 23 quận, đảng Dân chủ Cấp tiến đã chiếm đa số áp đảo, ngay cả tỉnh Đài bắc cũng đã thuộc về đảng này.

Qua lời tuyên bố của họ Tập, với sự kiện Đảng Dân chủ cấp tiến thắng cử tổng thống trong năm tới, có người tiên đoán Trung cộng sẽ gửi quân xâm chiếm Đài Loan, sự tiên đoán này không phải là không có lý.

Khả thế Trung cộng tấn công Đài Loan 

Theo như những nhà nghiên cứu và chuyên viên quân sự thì khả thế này gần như không thể xẩy ra.

Thật vậy, mặc dầu hiện nay, Trung cộng có 2 330 000 lục quân, 2 300 000 quân trừ bị, 470 000 không quân, 250 000 hải quân, với 9 000 chiếc xe tăng, Nga Xô 15 000, Hoa Kỳ 8 000 chiếc, (theo l’Expansion số 747), đông nhất thế giới, với ngân sách quốc phòng một năm là 142 tỷ $, chỉ sau Mỹ, với 577 tỷ $, trên Nga 90 tỷ $, có 77 tàu chiến lớn, 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ cỡ lớn, 85 tàu chiến cỡ nhỏ, có trang bị hỏa tiễn (Theo tin tức Bộ Quốc phòng Mỹ); tuy nhiên những con số này vẫn làm cho những nhà nghiên cứu chiến tranh cho rằng Trung cộng không ở khả thế tấn công và chiếm được Đài Loan vì nhiều nguyên do:

Hải quân Trung cộng có nhiều tàu, nhưng chỉ là tàu hoạt động gần vùng duyên hải, nhiều lắm là hoạt động tầm trung, không có tầm hoạt động cỡ xa. Nên ngay cả việc khống chế biển Đông cũng chỉ là một giấc mơ, còn lâu mới có thể thực hiện được, vì không có tàu hoạt động tầm xa, thì làm sao mà có thể làm dậy sóng biển Đông.

Nói một cách tổng quát, thì quân đội Trung cộng hiện nay vẫn ở trong tình trạng sau Đệ Nhị thế Chiến, còn thua xa một số nước, ngay ở chung quanh như Nam Hàn, Nhật, và cả Đài Loan, về cả 3 quân chủng: lục quân, không quân và hải quân.

Về quân chính qui, mặc dầu con số to lớn 2 330 000 quân, nhưng những người lính Trung cộng không được luyện tập đến nới đến chốn, không được trang bị những vũ khí hiện đại, cách chiến đấu vẫn mang nặng tính chất du kích, nay nếu đánh Đài Loan, thì không còn du kích nữa, mà là trận chiến, phối hợp không quân, thủy quân và lục quân, cách này quân đội Trung cộng không có kinh nghiệm. Hơn thế nữa, con số 2 330 000, tuy to lớn, nhưng trong đó có lính kiểng, lính có tên mà không có thực, vì tình trạng hối lộ tham nhũng. Theo như những tài liệu của những cơ quan nghiên cứu chống tham nhũng của chính Bộ quốc phòng Trung cộng, thì để có một chức tướng, cần phải đút lót cho các ông lớn cả triệu $, sau đó, khi được chức rồi, thi tìm cách khai tên lính giả, lính có trên giấy tờ, mà không có trên thực tế, để lĩnh lương hàng tháng, để bù vào số tiền mà mình đã đút lót cho các ông trên.

Tình trạng hối lộ tham nhũng nặng nề nhất ở Trung cộng hiện nay là trong ngành quân đội, nhất là từ thời Đặng tiểu Bình, sau biến cố Thiên An Môn, để lấy lòng quân đội, đã cho quân đội làm kinh tế. Thế rồi cứ thế tiếp tục, ông chủ tịch nào lên cũng sợ đụng đến quân đội, sợ họ nổi loạn, hay đảo chính, vì họ có quân trong tay. Tình trạng tệ hại, lạc hậu của quân đội Trung cộng hiện nay quá rõ ràng.

Chi cần lấy một thí dụ đơn giản, nực cười, nhưng nó nói lên nhiều ý nghĩa: Hoa Kỳ đã từ lâu nghiên cứu về quân trang, quân phục của người lính, do Đại học MIT (Massachussettes Institut of Technology) nghiên cứu cách đây đã cả 20 năm, làm thế nào để người lính mặc bộ quân phục nhẹ nhất, tiện lợi nhất, có thể tự chữa trị khi bị thương, có thể tự báo về tổng đài khi nguy hiểm, có thể nhảy thật cao qua những bức tường, với đôi giày đặc biệt. Trong khi đó thì người lính Trung cộng vẫn còn mặc quần xà lỏn, mới có quyết định gần đây của Bộ quốc phòng thay thế. Mặc quần xà lỏn, nhiều khi phải bò, gặp những chướng vật, có thể làm 'con chim' của người lính bị thương.

Đó là sự yếu kém nghiên cứu về quân trang, quân phục. Còn yếu kém về nhiều lãnh vực khác.

Về chiến tranh quân sự, chúng ta không thể chỉ nói đến lượng, mà quên phẩm, nói như người xưa 'Quân chỉ cần tinh, chứ không cần đông'.

Rút tỉa kinh nghiệm trong trận Đệ Nhị Thế Chiến:

Trận không chiến giữa Đức và Anh, vào năm 1940, về số lượng máy bay, Anh ngang với Đức, nhưng phi công Anh điêu luyện hơn. Hơn thế nữa, vào lúc đó, Anh đã có hệ thống ra đa biết trước đoàn máy bay Đức đến nên sẵn sàng nghênh chiến, cả trên không và dưới đất với những ổ đại bác chống máy bay. Trận không chiến Luân đôn mà các sử gia thường gọi đi đến kết qủa là Đức bị thua.

Đây là trận đầu tiên báo hiệu Đức thua, nhất là từ khi Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến, sau đến Liên Xô, thì cán cân chênh lệch hẳn về phía Đồng Minh.

Ngay cả về hải quân, người ta cũng không thể nhìn về số lượng. Nói đến trận hải chiến ở Midway giữa Hoa Kỳ và Nhật, số hàng không mẫu hạm của Nhật hơn hẳn Hoa Kỳ vào lúc đó. Nhật có 10 chiếc, Hoa Kỳ 7, hơn thế nữa về trọng tải, hàng không mẫu hạm của Nhật nặng hơn, vì hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đóng trong nước, phải đi ra biển qua kinh đào Panama, trọng lượng phải có giới hạn mới có thể qua kinh, trong khi Nhật là một quần đảo, những chiếc hàng không mẫu hạm đóng trọng lượng nào cũng được, và có thể hạ thủy dễ dàng.

Tuy nhiên trận Midway, Nhật đã thua, vì vào lúc đó Hoa Kỳ đã có một hệ thống nghe điện báo, nghe lén Tổng hành dinh của Nhật, biết đường vận chuyển của những tàu Nhật, nên sẵn sàng nghênh chiến.

Nếu nói về số lượng, thì ngày hôm nay lực lượng quân sự của Trung cộng rất cao, nhưng quân thì không tinh, vũ khí thì quá lỗi thời.

Nay nói về Đài Loan, số quân, số vũ khí của Đài Loan không nhiều, nhưng quân thì rất tinh, vũ khí thì rất hiện đại. Có thể nói, hải quân của Đài Loan, nhất là về phòng thủ, đứng nhất nhì ở châu Á, ngang hàng hay không thua gì với Nhật.

Từ năm 1990, Đài Loan đã mua 4 chiếc tuần dương hạm ( frégates) của Pháp, mà Pháp vừa bán 2 cái cho Nga, đang đợi giao hàng và 1 cái cho Ai cập cùng 24 chiếc máy bay Mirages. Đây là một chiếc tàu phòng thủ biển rất là hữu hiệu, vừa chạy lẹ, vừa dễ điều khiển, có sắm hỏa tiễn vừa phòng không, vừa phòng trên đất liền, chống xe tăng, vừa phòng biển, chống hỏa lôi.

Lực lượng phòng vệ về biển cũng như phòng không với hỏa tiễn Patriots mua của Hoa Kỳ, của Đài Loan, rất hiện đại, rất mạnh.

Để tấn công Đài Loan, dù với hỏa tiễn, với máy bay, cũng không phải dễ. Hơn thế nữa để gửi quân ra Đài Loan, qua eo biển Đài Loan, ngăn cách nước này với Trung cộng, mặc dầu không xa, nhưng những tàu chở quân đổ bộ của Trung cộng chưa cập bến Đài Loan, thì đã bị đánh chìm trên biển.

Bởi lẽ đó, theo con mắt những chuyên viên quân sự, thì khả thế Trung cộng tấn công, rồi xâm chiếm Đài Loan, rất khó có thể xẩy ra.

Tuy nhiên chúng ta không thể nhìn lịch sử nói chung và lịch sử chiến tranh nói riêng, chỉ bằng con mắt hữu lý như người ta tưởng. Nếu lấy con mắt hữu lý mà nhìn, thì Đức không thể nào gây chiến trong Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng Đệ Nhị Thế Chiến đã xẩy ra. 

Khả thế có thể xẩy ra 

Theo Tôn Ngô Binh pháp: 'Phàm cái cớ khởi binh có 5: một là tranh danh, hai là tranh lợi, ba là tích ác, bốn là nội loạn, năm là nhân đói.' (Tôn Ngô Binh pháp – Ngô văn Triện dịch – trang 269).

Từ đó, chúng ta xét lý do khởi binh của Trung cộng thì nội loạn và nhân đói là có khả thế nhất. Nhất là nội loạn.

Lịch sử nhiều khi chỉ là lập lại, tất nhiên nó không thể giống như hai giọt nước, nhưng nó có chiều hướng giống nhau.

Nhìn vào hoàn cảnh và những nguyên do đưa đến trận Đệ Nhị thế Chiến (1939 – 1945), nếu quả thật có việc Trung cộng đánh Đài Loan, thì những nguyên do nó cũng hao hao giống nhau, mặc dầu đây mới chỉ là một cuộc chiến ở mức độ vùng.

Thật vậy, trước Đệ Nhị thế Chiến, cũng có cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1930, nước Đức bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đồng thời có việc phải trả bồi thường chiến tranh quá nặng nề, làm cho dân Đức bất mãn. Lợi dụng tình thế này, Đảng Đức quốc xã đã khơi dậy lòng oán hận, đầu óc chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Ngày hôm nay Tập cận Bình cũng khơi dậy lòng dân tộc cực đoan của dân Tàu.

Vào thời Đệ nhị Thế Chiến, Hitler đã khơi dậy tinh thần này và lên nắm quyền, coi thường thế giới, tái vũ trang, rồi tấn công chiếm nước Áo, sau đó đến nước Tiệp. Thế giới, nhất là 2 nước Anh, Pháp, vì mới thoát khỏi Thế Chiến thứ Nhất (1914-1918), còn mệt mỏi, không muốn tham chiến. Nhưng Hitler làm quá, gửi quân đánh chiếm Ba Lan. buộc Anh, Pháp nhảy vào, gây nên thế chiến, rồi đến Hoa Kỳ, tuy muộn màng. Nhưng một khi Hoa Kỳ nhảy vào thì cán cân đã chênh lệch về phía Anh, Pháp.

Người ta có thể nói một cách quá đáng là Đại Chiến Thứ Nhì xẩy ra phần lớn là do cá nhân một mình Hitler, trái hẳn với quan niệm hữu lý của lịch sử.

Nhìn vào tình hình nước Tàu hiện nay, nếu quả thực có việc Trung cộng tấn công Đài Loan, mặc dầu theo nhiều phân tích của nhiều chuyên gia thì gần như không thể, nhưng nếu xẩy ra thì cũng do hoàn cảnh kinh tế nước Tàu, và do chính con người của Tập cận Bình như trước kia với Hitler.

Thực vậy, sau một thời gian tăng trưởng kinh tế với hai con số, kinh tế nước Tàu hiện nay chỉ tăng trưởng với 1 con số, lúc đầu dự đoán là 7,3%, nay chính thức với kỳ Họp quốc hội vừa qua, với lời tuyên bố của Lý khắc Cường, Thủ tướng, thì quyết định tăng trưởng ở mức độ 7%. Mặc dầu vẫn còn tăng trưởng nhưng từ 2 con số, xuống một con số, như vậy cũng là bắt đầu khó khăn rồi. Thêm vào đó có việc thế giới tẩy chay hàng Trung cộng, tìm cách hạn chế xuất cảng của nước này.

Đấy là chưa nói đến việc Trung cộng hung hăng muốn khống chế Biển Thái bình dương, nguồn chuyên chở ½ hàng hóa thế giới, chuyên chở từ 60 đến 80% dầu cho Trung Cộng, Nhật bản, Đài Loan và những nước trong vùng.

Trung cộng hiện nay là một nước đói ăn và khát dầu như một nhà chuyên viên nói. Trong khi đó thì biển Thái bình dương là một vùng có một trữ lượng dầu quan trọng. Biển Thái bình Dương, ở những vùng chung quanh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo một số nghiên cứu tây phương, có một dự trữ dầu vào khoảng từ 50 đến 70 tỷ thùng dầu, trong khi đó theo nghiên cứu của Trung cộng, thì có từ 100 tới 130 tỷ thùng dầu. Tất nhiên là một nước khát dầu, Trung cộng rất muốn khống chế vùng này.

Ngày xưa Hitler thì đưa ra lý thuyết 'Không gian sinh tồn', ngày nay thì Trung cộng nghĩ 'Biển Thái Bình Dương là quyền lợi cốt lõi' của Trung cộng. 

Lý do nội loạn có 2 trường hợp, đó là loạn ngay trong nội bộ Đảng, hai là nội loạn trong dân, các dân tộc vùng Tây tạng, Tân cương, v.v… có thể nổi lên đòi tự trị.

Nội loạn ngay trong lòng Đảng: Theo Đặng tiểu Bình, 'Nếu chế độ cộng sản Tàu sụp đổ, thì nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự nội loạn trong Đảng'. Từ câu đó, người ta nhìn vào hiện tình của Đảng Cộng sản Tàu, chúng ta thấy phong trào chống tham nhũng của Tập Cận Bình hiện nay chính là sự đấu đá nội bộ trong đảng. Họ Tập chỉ chống những người tham nhũng không theo ông, vì ở Trung cộng hiện nay, ngay từ Tập cận Bình, ai mà không tham nhũng. Thử hỏi lương họ Tập, mặc dầu mới tăng, nhưng chỉ là 2 000 $, một tháng, với số lương này, làm sao ông có thể gửi con gái sang học ở trường Harvard bên Mỹ. Cuộc đấm đá quyền lực này với họ Tập, gần như đang diễn ra khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, là một cuộc đấu tranh một sống, một còn. Chính họ Tập tuyên bố: 'Tôi không màng tới sống chết, không nghĩ đến danh tiếng của tôi còn hay mất, tôi nhất quyết chống tham nhũng.'

Thêm vào đó, tình hình kinh tế bắt đầu xuống dốc, sự bất mãn của dân nổi lên khắp nơi, ngay có cả vấn đề khủng bố, dân Di Ngô Nhĩ đã làm nhiều cuộc khủng bố ở nhiều nơi, ở cả Bắc Kinh; năm vừa qua, có hơn 200 ngàn cuộc biểu tình chống chính phủ về nhiều lãnh vực: cướp đất của dân, đàn áp dân thiểu số và những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, ô nhiễm môi trường làm nhiều người bị bệnh v.v…

Người ta có thể nói, Trung cộng hiện nay chỉ là một nồi nước nóng cao độ, mặc dầu Đảng cộng sản cố dùng cách đạy nắp bằng bất cứ giá nào. Nhưng cái gì cũng có giới hạn.

Phải chăng giới hạn này đang đến với triều đại Tập cận Bình, nên họ Tập, vì khó khăn nội bộ, nội loạn, nhân đói, như Ngô tử nói, để giải quyết những khó khăn trên, sẽ quyết định cất quân đánh Đài Loan.

Thái độ của Mỹ, Nga nếu Trung cộng tấn công Đài Loan

Thái độ của Mỹ:

Có người đưa ra giả thuyết: Vì ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm, vì Hoa Kỳ mới thoát khỏi 2 cuộc chiến A phú hãn và Irak, hiện nay đang bận tâm về chiến tranh chống khủng bố ở bắc Irak, bắc Syrie, nên Hoa Kỳ không có khả năng giúp Đài Loan, không tham chiến, để mặc cho Trung cộng đánh chiếm Đài Loan. Thêm vào đó họ còn đi xa hơn, đưa ra chính sách Dominos (con cờ này mất thì kéo theo con cờ kia), đó là Trung cộng xâm chiếm Đài Loan, rồi sau đó xâm chiếm những nước chung quanh, trong đó có Miến Điện, Mã Lai, Singapour v.v…

Đây là một giả thuyết ảo tưởng.

Nếu Trung cộng đánh Đài Loan, Hoa Kỳ chắc chắn không làm ngơ. Bằng chứng quá khứ: Đó là sau khi đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ, vào giữa thập niên 90, chiến tranh nội bộ xảy ra ở nước Nam Tư, Hoa Kỳ đã 'Oanh tạc lầm' vào tòa Đại sứ Trung cộng ở bên đó.

Để phản ứng lại, Trung cộng dọa tấn công Đài Loan, Chính quyền của ông Bill Clinton lúc bấy giờ vào nhiệm kỳ 2, năm 1996, đã 'Nhẹ nhàng' gửi một chiếc hàng không mẫu hạm tới đậu ngay ở giữa eo biển Formose ngăn cách Đài Loan và Trung cộng, làm cho Trung cộng hết dọa nạt. Nếu Trung cộng tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ không làm ngơ, nhưng không nhảy vào cuộc chiến liền lập tức, mà còn đợi, như trong thế chiến thứ Nhất và thứ Nhì, cũng không nhảy vào hết mình như 2 cuộc chiến trên, mà chỉ cần nhảy vào có giới hạn.

Chúng ta biết hiện nay Hoa Kỳ có 20 chiếc hàng không mẫu hạm. Trung cộng có 1 cái Liêu ninh, mua lại của Ukhraine, vào năm 1995, dưới nhãn hiệu của 2 chủ xòng bạc Ma cao, nói về làm xòng bạc nổi, rồi mang về sửa làm hàng không mẫu hạm quân sự. Từ đó cho tới nay, đã là 10 năm, thế mà hàng không mẫu hạm Liêu ninh vẫn chưa có thể để máy bay hạ cánh. Bằng chứng là nhân ngày tết Nguyên đán vừa qua, người ta thấy Trung cộng trưng bày hàng không mẫu hạm Liêu ninh, nhưng không thấy một chiếc may bay nào ở trên, mà chỉ thấy dân và thủy thủ đứng đầy ở bong tàu. Trung cộng nói sẽ hạ thủy 2 hay 3 chiếc hàng không mẫu hạm trong tương lai. Với tàu Liêu ninh còn vậy, huống chi nói tới những cái tương lai.

Thái độ của Nga:

Gần đây, vì Hoa Kỳ và Âu Châu cấm vận Nga, nên Trung cộng và Nga đã ký một hiệp ước cung cấp dầu và khí đốt cho Trung cộng lên tới 400 tỷ $, trong nhiều thập niên. Từ đó, nhiều người cho rằng nếu có chiến tranh Mỹ Trung về Đài Loan, thì Nga sẽ đứng về phía Trung cộng.

Thực sự không phải như vậy. Người xưa có câu: 'Bán họ hàng xa, mua láng giềng gần'. Câu này chỉ đúng với cá nhân, nhưng không đúng với một quốc gia, nhất là quốc gia này lại là đế quốc như Nga và Trung cộng. Câu trên trở thành 'Bán láng giêng gần, mua bạn xa.' Tại sao vậy? Các quốc gia láng giềng, nhất là các đế quốc, có một lịch sử lâu dài cả hàng ngàn, hàng trăm năm, có nhiều tranh chấp về biên giới. Những tranh chấp này lúc nào cũng tiềm ẩn, chỉ chờ dịp là bùng nổ. Trung cộng và Nga là như vậy. Hai nước có biên giới chung cả 4 000 km, tranh chấp từ lâu, lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ. Nga rất sợ tình trạng tranh chấp ở đây với Trung cộng, vì ở khu vực này, Nga chỉ có 6 triệu dân, trong khi Trung cộng có 120 triệu dân, trên thực tế, những vùng mà Nga chiếm của Tàu trước kia, nay gần như bị Tàu chiếm lại, về mọi mặt, kinh tế, hành chánh, quân sự. Ngày xưa, dân Nga làm chủ vùng này vì giàu có hơn dân Tàu, ngày nay thì trái lại.

Người ta nói nhiều đến hiệp ước bán dầu khí 400 tỷ $, nhưng chỉ là trên giấy tờ, vì trên thực tế hai bên chưa nước nào khởi công xây dựng ống dẫn dầu và khí. Thêm vào đó, Trung cộng muốn mua của Nga 100 máy bay không tiếng động, bỏ bom, TU -22, để thay thế những máy bay cũ H-6, nhưng Nga từ chối. Tại sao? Vì Nga sợ cảnh “Gậy ông đập lưng ông.” Nếu có tranh chấp biên giới Nga Hoa, và nếu Trung cộng có những máy bay này, Trung cộng không ngần ngại bỏ bom Nga trước tiên.

Trở về câu hỏi: Nếu có chiến tranh Trung Mỹ về Đài Loan, thì thái độ Nga như thế nào?

Nga sẽ đứng trung lập, ngồi trên núi để xem hổ báo đánh nhau, rồi tìm cách thủ lợi, chứ không đứng về phía nào, dù là Mỹ hay Trung cộng. 

Con người là một con vật biết lo về tương lai. Một khi lo về tương lai thì phải tiên đoán tương lai. Nhưng tất cả những tiên đoán đều là võ đoán, nó khiến người tiên đoán phải cẩn thận và có một sự khiêm nhượng tối đa, vì lịch sử nhân loại đã phải trả một giá bằng máu về những lời tiên đoán có tính cách không khiêm nhường, không có một tý gì là khoa học, có tính cách lãng mạng và tiên tri của K. Marx. Thế rồi những người cộng sản bắt đầu bằng Lénine, một khi cướp được chính quyền, dùng bạo lực để thực hiện lời tiên tri này, đưa đến thảm họa cho nhân loại, đó là 100 triệu người chết, vì chế độ cộng sản.

Những lời tiên đoán nên là những lời chỉ dẫn (indicative), hơn là bó buộc ( impérative), nên là một sự trao đổi làm tỏ rõ vấn đề, hơn là một mệnh lệnh và thực hiện bằng võ lực.

Những lời tiên đoán về nước Trung cộng, về việc Trung cộng có thể đánh Đài Loan hay không cũng nên cẩn thận tối đa.(1)


Paris ngày 21/03/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét