Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Lo ngại Hạ viện Mỹ không thông qua TPA, đàm phán TPP tạm ngưng

(NDH) Hội nghị Bộ trưởng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến vào ngày 26/5 đã bị hủy bỏ.

Nhật Bản, Chile muốn Mỹ thông qua TPA trước khi đàm phán tiếp

Điều phối viên của Mạng lưới Thương mại và Đầu tư Australia (AFTINET), Tiến sĩ Patricia Ranald, cho biết cả Nhật Bản và Chile đều nói họ không thể hoàn tất Hiệp định TPP cho đến khi Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) được thông qua ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.


Tiến sĩ Patricia Ranald

Điều này nghĩa là cuộc đàm phán của các Bộ trưởng Thương mại về TPP dự kiến vào ngày 26/5 sẽ bị hủy bỏ, khiến thời hạn hoàn tất thỏa thuận này lại bị kéo dài thêm, Bà Ranald nói.

Sau nhiều tuần tranh luận, TPA đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 23/5, nhưng dự luật này còn phải được chuyển qua Hạ viện, nơi nhiều Nghị sĩ của Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa phản đối thỏa thuận này. Hạ viện sẽ không có cuộc họp nào cho đến tháng 6/2015.

Nhiều chuyên gia dự đoán rằng TPA sẽ gặp khó khăn hơn tại Hạ viện và có khả năng không đạt đủ số phiếu để được thông qua.

Theo Bà Ranald, cơ hội để Mỹ có thể thông qua TPP nhanh chóng không còn nhiều. Việc TPA không đạt được số phiếu áp đảo tại Thượng viện cho thấy cả đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều không muốn thỏa thuận này trở thành vấn đề nóng trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tăng tốc vào tháng 6/2015.

Ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton được cho là không ủng hộ cho TPP. Điều này, theo Bà Ranald, có nghĩa là TPA có thể không được Hạ viện thông qua cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống, vào khoảng tháng 1/2017.

Sở hữu trí tuệ: Rào cản còn lại của TPP

Trước đó, trong cuộc họp cấp trưởng đoàn đám phán ngày 23/5 tại đảo Guam, các nhà đàm phán đã tập trung vào vấn đề sở hữu trí tuệ.

Các nước vẫn bất đồng gay gắt về việc thông tin của các loại dược phẩm mới nên được bảo vệ trong thời gian bao lâu. Nhật Bản hiện đang bảo vệ các loại thuốc thông dụng trong 8 năm sau khi được chấp thuận bán ra thị trường, còn Mỹ đang kêu gọi thiết lập thời gian bảo vệ cho các loại được phẩm tiên tiến là 12 năm.

Trong khi đó, Australia và một số nền kinh tế mới nổi muốn rút thời gian bảo vệ xuống còn 5 năm hoặc ít hơn do những nước này phụ thuộc nhiều vào các loại thuốc thông dụng ít tốn kém.

Các nhà đàm phán đang nghiên cứu một đề xuất mang tính thỏa hiệp, trong đó đặt ra thời gian bảo vệ ngắn hơn cho các loại thuốc cảm lạnh và các loại thuốc khác có chi phí sản xuất thấp. Tuy nhiên, đề xuất này tiếp tục vấp phải sự phản đối của Australia.

Một vấn đề gai góc nữa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Mỹ và Australia đặt ra thời hạn này ở mức 70 năm sau cái chết của người giữ bản quyền, trong khi Canada và Malaysia muốn thiết lập mức 50 năm.

Việc Mỹ kêu gọi bảo hộ quyền tác giả ở mức 70 năm đang được thương lượng, và Nhật Bản có vẻ ủng hộ đề xuất này, tùy vào các điều khoản chi tiết. Hiện tại, Nhật Bản đang bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và văn học trong thời gian 50 năm.

Vấn đề bảo vệ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp cũng có khả năng xử lý tại hội nghị cấp bộ trưởng

Mỹ và Australia hiện đang phản đối mạnh mẽ việc thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt về chỉ dẫn địa lý do lo ngại rằng chúng có thể cản trở nỗ lực mở rộng xuất khẩu.

Hoàng Nam - Trung Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét