Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

VNTB- Quốc hội phải được trao quyền quyết định việc in tiền và giải ngân

Xuân Mai


(VNTB) - Ở Việt Nam, việc quyết định in bao nhiêu tiền, và chiến lược giải ngân tiền như thế nào đang rơi vào tay chính phủ, mà chính phủ thì thuộc về một nhóm rất nhỏ chứ không thể hiện ý chí của người dân. Đây là một điều hết sức phi lý, là miếng mồi ngon của nạn tham nhũng.

Trong thời buổi toàn cầu hóa, giá trị của đồng tiền ở một đất nước chính là thước đo niềm tin của người dân đối với thể chế chính trị của đất nước đó. Lạm phát tăng cao, giá trị nội tệ so với ngoại tệ giảm sút mạnh là dấu hiệu cho thấy người dân không còn tin tưởng vào chính phủ, điều mà chính phủ cố gắng phủ nhận bằng miếng vẽ lãi suất trái phiếu. Đồng tiền Việt Nam mất giá đều đặn trong những năm qua, và sẽ có lúc đồng tiền bị phá giá không phanh như đã xảy ra dưới thời lâm chung của nước Nga ngày trước.

Thống kê trung thực, điều kiện tiên quyết để in đúng lượng tiền

Có hai phương án để kiểm soát kinh tế vĩ mô. Một là ngừng in tiền và thắt chặt tiền tệ để tránh lạm phát. Hai là in thêm tiền để cung cấp đủ cho lưu thông. Kinh tế là môn khoa học xã hội,và vì thế, việc lựa chọn một trong hai phương án trên là điều khó khăn.

Hiện tại, chưa có chuyên gia kinh tế nào đề xuất thành công đáp số của bài toán lớn nhất, rằng Việt Nam cần bao nhiêu tiền mặt cho lưu thông và bao nhiêu tiền chỉ cần quản lý bằng hệ thống máy tính để tránh lạm phát. Phương pháp giải bài toán này được coi như là bí mật quốc gia. Nước nào có công thức tốt giải bài toán in tiền thì có cơ cấu tài chính ổn định, và ngược lại, nước nào mơ hồ trong bài toán in tiền thì dễ bị ngoại bang lũng đoạn về kinh tế.

Với mô hình chính trị độc đảng và xã hội quen dùng tiền mặt như Việt Nam hiện tại, nhà nước sẽ chọn phương án thứ hai, đó là in thêm tiền. Vấn đề là in bao nhiêu? Điều kiện tiên quyết để thực hiện điều này là người làm chính sách phải có được trong tay những con số thống kê trung thực.

Khi các tỉnh đều báo cáo tỉnh mình tăng trưởng trên hai chữ số, thì chỉ số tổng tăng trưởng của cả nước lại dưới 6%? Và trong khi những người không có việc làm đứng đầy ra các con phố thì Bộ Lao động- thương binh và xã hội lại công bố rằng chỉ có 1,84% dân số thất nghiệp ?! Các ngân hàng thì báo cáo láo.

Với một nền thống kê phục vụ lợi ích của phe nhóm như vậy, không thể có một chuyên gia kinh tế nào có thể ước lượng được đất nước cần phải in bao nhiêu tiền. Cũng không một chuyên gia kinh tế nào biết được tiền in ra thừa hay thiếu. Thiếu cho những thứ cần thiết và thừa cho những khoản chi mà nếu là ở phương Tây thì người dân không bao giờ nộp thuế để chi. Ngoài ra, các nhà kinh tế còn bị chính quyền giấu nhẹm không cho biết rằng họ đã in bao nhiêu tiền, kể cả giới điều tra như chúng tôi cũng không thể tiếp cận con số thực để nghiên cứu và tham mưu.

Khi đã in tiền, vấn đề nữa đặt ra là giai cấp thống trị có giải ngân số tiền đó đúng cách hay không? Nên nhớ rằng cơ chế giải ngân của đất nước là cơ chế xin-cho, việc giải ngân hoàn toàn theo cảm tính và là hành động ban phát nhỏ giọt. Giống như hàng ngàn vòi nước trong một bể nước cùng bị rò rỉ, lượng tiền tuồn ra cho mỗi cơ sở nhận là không lớn nhưng cứ nơi nào cũng xin - cho và xin - cho hết ngày này qua tháng khác, thành ra lượng tiền đã mất là khổng lồ và chẳng ai biết con số chính xác là bao nhiêu. Hệ số hữu ích của việc giải ngân được các địa phương báo cáo hết sức lập lờ, đó là do thể chế chính trị chưa phải là kỹ trị.

Quốc hội phải được trao quyền quyết định việc in tiền và giải ngân

Ở Việt Nam, việc quyết định in bao nhiêu tiền, và chiến lược giải ngân tiền như thế nào đang rơi vào tay chính phủ, mà chính phủ thì thuộc về một nhóm rất nhỏ chứ không thể hiện ý chí của người dân. Đây là một điều hết sức phi lý, là miếng mồi ngon của nạn tham nhũng.

Việc đề xuất in tiền có thể do thủ tướng, hoặc chủ tịch nước, hoặc nghị sĩ quốc hội nêu ra. Nhưng việc quyết định in bao nhiêu tiền, và chiến lược giải ngân tiền thì phải do Quốc hội bỏ phiếu. Những phiên làm việc liên quan đến tiền trong Quốc hội Việt Nam dường như là một màn kịch - quốc hội nước ta là quốc hội bù nhìn, mọi chuyện trong quốc hội do nội bộ Đảng Cộng Sản giật dây.

Trong khi với các thể chế dân chủ ở phương Tây, những cuộc họp liên quan đến các gói kích cầu sẽ bằng mọi cách tìm cho ra đáp số, nhiều khi quốc hội phải làm việc thâu đêm. Tất nhiên là không thể tránh được việc một số nghị sĩ quốc hội Âu-Mỹ cũng bị mua chuộc, nhưng cơ chế bầu cử tinh anh của họ sẽ bầu lên một quốc hội gồm những gương mặt sáng giá nhất chứ không phải loại bù nhìn, ba phải.

Cơ chế bầu cử của Việt Nam là cơ chế đảng cử - dân bầu. Về mặt kỹ thuật, sản phẩm của cơ chế này chỉ là những người trong đảng cộng sản, nhưng những gương mặt sáng giá nhất trong xã hội lại thường là những người ngoài đảng, những người tự do về mặt tư duy.

Cải tổ hệ thống ngân hàng như thế nào?

Cái mà nhà nước gọi là cải tổ hệ thống ngân hàng không giải thích được việc nhà nước mua lại hàng loạt ngân hàng với giá 0 đồng, vì sau khi trưng thu, luật tại các ngân hàng không có gì thay đổi. Chỉ số tin cậy đối với các ngân hàng ở Việt Nam vẫn là rất thấp, cho dù các ngân hàng có mua chuộc chỉ số xếp hạng từ một số hãng tin thì người dân vẫn tin tưởng vào các ngân hàng quốc tế hơn. Ngân hàng Việt Nam đang khủng hoảng đạo đức và khủng hoảng uy tín.

Trong thế kỷ XX, người dân Mỹ thấp thỏm lo âu vì những cuộc khủng hoảng kinh tế. Trước tình hình đó, các ông chủ ngân hàng lớn nhỏ ở Mỹ đã tự giác ngồi lại cùng với nhau để thống nhất việc sáp nhập mà không cần nhà nước phải ép, vì các ông chủ nhà băng này là những người có lương tâm, họ là sản phẩm của một nền giáo dục nhân bản. Thế nhưng ở Việt Nam, ngân hàng là nơi cát cứ của các tài phiệt vô đạo đức. Đáng lẽ các ngân hàng Việt Nam sẽ tự sáp nhập với nhau chứ không để cảnh từng vị giám đốc của mỗi ngân hàng phải vào tù như thực tế đã xảy ra.

Lòng tham của giới chủ ngân hàng ở Việt Nam là vô đáy, họ sáng tạo ra các chiêu trò để vượt rào để làm ăn nhanh có lãi và hậu quả gây ra cho kinh tế và văn hóa là quá lớn.

Trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Việt Nam không có chuyên gia. Những người được cử đi học ở các nước thì thiếu và quá yếu, tuy cũng lấy được bằng từ các trường nhưng thực tế chất lượng vẫn là tụt hậu. Do đó, có lẽ Việt Nam sẽ phải thuê chuyên gia nước ngoài đến để nghiên cứu và đề xuất mới hệ thống luật ngân hàng. Như đã nói ở phần đầu, phương pháp giải bài toán in tiền và giải ngân tiền là bí mật quyết định hưng vong quốc gia, do đó một quốc gia tiên tiến sẽ không chịu giao công thức này cho Việt Nam nếu Việt Nam không chứng tỏ được thiện chí muốn cải cách thể chế theo hướng hội nhập vào biển lớn.

Ngoài ra, trong tương lai gần các ngân hàng ở Việt Nam sẽ còn phải đối phó với tin tặc. Theo phân tích của các hãng thông tấn lớn, sắp tới trên thế giới nước giàu sẽ phải đối phó với tin tặc, nước nghèo sẽ phải đối phó với khủng bố. Riêng Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả hai, nhưng ở một trình độ khó hiểu và một hình thức khó hiểu, nhìn bên ngoài thì xã hội Việt Nam ít tin tặc và ít khủng bố, nhưng thực sự là rất nhiều nhưng ở một hình thức rất khác so với phương Tây.

Đến khi nào thì đồng tiền Việt Nam mới thôi mất giá so với vàng và đô-la Mỹ? Và đến khi nào thì đồng tiền Việt Nam mới được niêm yết tại các sân bay quốc tế? Căn nguyên của mọi vấn đề nằm ở thể chế chính trị. Một cuộc chính biến sẽ là lối thoát cho mọi vấn đề. Sau chính biến đó, cơ chế in tiền và giải ngân sẽ được kỹ trị hóa, và chỉ khi đó dân tộc Việt Nam mới có cơ hội thoát khỏi phụ thuộc tư bản nước ngoài để tự quyết định vận mệnh cho chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét