NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Mấy hôm nay, tin chị Hồ Thị Kim Chung bị ung thư phổi làm bàng hoàng những người dân oan và anh chị em trong các nhóm xã hội dân sự. Khi mọi người đến thăm chị ở bệnh viện 354 (quân đội) thì chị đã yếu lắm, nói không ra tiếng. Ngày 9/9 tôi đến thăm chị thì mới biết, chị đã vào bệnh viện Thanh Nhàn một tháng nay và mới chuyển sang bệnh viện 354 từ ngày 4/9.
Tôi biết chị khi cùng anh chị em đến Vườn hoa Lý Tự Trọng làm thiện nguyện. Trong những lần biểu tình chống Trung Quốc, tôi thường gặp chị cùng với bà con dân oan khác.
Cùng đi khiếu kiện với bà con ở khắp các tỉnh thành trong nước nhưng chị ở ngay Hà Nội - số 6 ngách 28/31 Ngõ Văn Chương quận Đống Đa. Tôi chưa tìm hiểu xem Vườn hoa Mai Xuân Thưởng -Lý Tự Trọng trở thành nơi tá túc của bà con dân oan từ bao giờ nhưng chị đã đi khiếu kiện 30 năm.
Theo như chị kể thì chị đi khiếu kiện đòi quyền lợi cho mẹ là bà Nguyễn Thị Nhung để được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước 1945. Bà Nhung tham gia hoạt động từ năm 14 tuổi.
Trong một lá đơn, chị cho biết, việc này, Phó chủ tịch nước đã có công văn về Thái Nguyên. Sau 1 năm nhận hồ sơ, ủy ban tỉnh Thái Nguyên có công văn trả lời chị Hồ Thị Kim Chung “trên cơ sở các qui định hiện hành, UBND thành phố Thái Nguyên đã hướng dẫn bà Chung lập hồ sơ cho mẹ là cụ Nguyễn Thị Nhung để được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945”.
Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cũng đã lên làm việc với nhà chức trách Thái Nguyên. Sau đó Thái Nguyên gửi công văn về xã Tân Cương (là nơi bà Nhung hoạt động). Đảng ủy xã Tân Cương yêu cầu phải có chữ ký xác nhận của ông Phạm Đức Cân là người nuôi bà nhưng ông Cân đã chết. Con ông là Phạm Đức Huân có Huân Chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất ký xác nhận nhưng không được chấp nhận. Có lẽ mấu chốt của vấn đề là đây, là dựa vào qui định một cách cứng nhắc hoặc ai đó tự qui định để bỏ qua một sự việc hiển nhiên nhưng liên quan đến số phận của một con người?
Chị Chung kể nhiều về nỗi khổ cực vất vả của bà Nhung và các con trong việc mưu sinh, bươn chải kiếm sống và nỗi oan ức của chị khi đi khiếu kiện. Từ chỗ đi đòi quyền lợi cho mẹ mà sinh ra nhiều nỗi oan khuất khác. Chị bị bắt rồi nhốt ở Hỏa Lò 9 ngày. Họ ra cáo trạng vu cho chị giật cầu vai sắc phục của ông Tiền nào đó (trong khi ông này mặc thường phục). Chị bảo chính vì bản cáo trạng vu oan cho gia đình chị mà dẫn đến mẹ chị bị bại liệt 5 năm rồi chết. Công an cho côn đồ đến nhà định chém chị. Khi bị bắt, chị bị đá vào ngực vào bụng, bị cùm chân… Chị mang nhiều bệnh như bệnh tim, phổi, mắt, mất 61 % sức khỏe.
Em trai của chị bị đánh năm 16 tuổi, năm 20 tuổi thì mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi đến nay coi như mất tích, chị cho là đã bị giết để diệt khẩu. Bố chị mất khi chị lên 6 tuổi. Vì vậy chị nói, chị là người duy nhất còn lại trong gia đình nên chị phải đòi bằng được công bằng cho mẹ chị và gia đình. Trong những lần biểu tình chống Trung Quốc, tôi thường thấy giữa vòng vây an ninh, chị kể về nỗi oan của chị một cách rất rành mạch. Có lẽ trong 30 năm đi khiếu kiện, chị đã thuộc lòng những lá đơn chị viết.
Hồ sơ của chị rất nhiều, đơn chị viết rất dài và còn rất nhiều sự việc khác nữa nhưng trong phạm vi bài viết, tôi chỉ tóm tắt như vậy.
Tôi vào bệnh viện thăm chị đúng lúc chị đang chống chọi với bệnh tật. Chi kêu đau quá, không thể chịu được nữa. Lúc sau, các nhân viên y tế mang bình o xy đến cho chị thở. Tôi hỏi chị có nhận ra ai không và ghé tai sát vào mới biết chị nói tên tôi. Chị nhắc đến chị Thêu (Dương Nội), cô Thúy (Hải Phòng) và nhiều người khác mà tôi không nghe rõ. Chị tỏ ý muốn dặn dò lại. Tôi đưa điện thoại thật gần chị nhưng rất khó luận ra chị nói những gì, chỉ láng máng biết được rằng, chị mong hệ thống chính trị vào cuộc để giải nỗi oan cho gia đình chị thì chị mới có thể nhắm mắt được.
Chị Chung là người sống rất chan hòa với dân oan. Cô Nguyễn Thị Thúy dân oan ở Hải Phòng đang thăm con ở Sài Gòn nói với tôi: "Chú ơi, cô Chung tốt lắm. Con với cô Chung có rất nhiều kỷ niệm. Cô bệnh như thế nhưng ngày nào cũng gọi cho con. Mai con sẽ ra. Cô ấy bảo về thì mang các cháu đến chơi với cô, cô yếu lắm rồi, không sống được bao lâu nữa. Con gọi điện cho cô, con khóc thì cô nói cháu đừng khóc nữa cháu phải giữ gìn sức khoẻ mà còn nuôi con. Chú ơi không biết còn bao nhiêu dân oan phải chịu như cô Chung nữa. Bao giờ mới hết cảnh này hở chú".
Chị Chung là người sống rất chan hòa với dân oan. Cô Nguyễn Thị Thúy dân oan ở Hải Phòng đang thăm con ở Sài Gòn nói với tôi: "Chú ơi, cô Chung tốt lắm. Con với cô Chung có rất nhiều kỷ niệm. Cô bệnh như thế nhưng ngày nào cũng gọi cho con. Mai con sẽ ra. Cô ấy bảo về thì mang các cháu đến chơi với cô, cô yếu lắm rồi, không sống được bao lâu nữa. Con gọi điện cho cô, con khóc thì cô nói cháu đừng khóc nữa cháu phải giữ gìn sức khoẻ mà còn nuôi con. Chú ơi không biết còn bao nhiêu dân oan phải chịu như cô Chung nữa. Bao giờ mới hết cảnh này hở chú".
Hàng đoàn dân oan vẫn diễu hành trên các đường phố Hà Nội và các tỉnh thành khác. Không biết đã có những người dân nào đi khiếu kiện được giải quyết theo lẽ công bằng chưa nhưng hàng ngày tôi vẫn thấy những gương mặt quen thuộc tá túc ở vườn hoa, trước cổng tiếp dân số 1 Ngô Thì Nhậm và trên các đường phố. Ngày lại có thêm rất nhiều gương mặt mới. Trong số đó có nhiều gia đình có công với cách mạng. Nhưng những thứ bằng ghi công, huân chương và kể cả danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã không giúp được họ. Đơn giản là người ta không cần đến họ nữa. Nhiều người đi kiếu kiện đã hàng chục năm không giải quyết được gì nhưng họ vẫn cứ đi trong tuyệt vọng. Đánh đập, bắt bớ, cầm tù không ngăn được họ. Dù sao, họ vẫn phải sống, mà đã sống thì phải có một cái gì để hy vọng dù le lói, dù rất mơ hồ. Thỉnh thoảng lại nghe tin có dân oan qua đời, tự thiêu trong khi nỗi oan của họ chưa được giải tỏa. Ngày 12/11/2012, bà Hà Thị Nhung 76 tuổi dân oan Thanh Hóa bị công an xua đuổi. Không biết họ đã làm gì bà nhưng sau đó bà đã tử vong. Gần đây nhất là trường hợp bà Đinh Thị Khay gần 80 tuổi ở Bắc Giang. Ngày 10/4/2015, bà bị xe máy tông chết khi đang chầu chực khiếu kiện ở trụ sở tiếp dân Trung ương số 1 Ngô Thì Nhậm, Phường Quang Trung, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Chị Hồ Thị Kim Chung dã mấy lần cùng bà con dân oan khác đến gặp tôi để giãi bày nỗi oan ức của họ. Tháng 8/2012, lần đầu tiên chị tìm đến tôi. Sau đó tôi có viết bài “Cường quốc dân oan” nói về thân phận của những người đi khiếu kiện. Bây giờ, 3 năm sau, tình cảnh họ vẫn thế, có khác chăng là có thêm những người chết và đội ngũ dân oan ngày càng đông hơn mà thôi.
Chỉ vì lối làm việc tắc trách, lòng tham lam ích kỷ của những kẻ có quyền mà đẩy những người dân hiền lành, chất phác vào thảm cảnh. Càng đau lòng hơn trong trường hợp người bị oan sai biết trước số mệnh nhưng công lý vẫn không đến được với họ. Từ khi biết tin về chị Chung, tôi có một cảm giác rất khó tả. Lúc thì căm uất, lúc lại buồn vợi vợi nghĩ đến thân phận những người dân thấp cổ bé họng đang bị đày ải, bị dồn đến bước được cùng.
Thăm chị Hồ Thị Kim Chung sáng 9/9/2015
Chị Chung biểu tình cùng dân oan (bên phải). Ảnh Thúy Nguyễn cung cấp
Chị Chung biểu tình chống Trung Cộng (hàng đầu, áo tím).
Chị Chung (áo xanh) với gia đình dân oan Nguyễn Thị Thúy
10/9/2015
NTT
Ps:Bạn đọc quan tâm có thể liên lạc với anh Cường là chồng chị Hồ Thị Kim Chung số điện thoại: 01259163500
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét