Nguyễn Hồn Việt, gửi RFA từ Hà Nội
2015-10-29
Việt Nam gia nhập TPP điều đó đã rõ ràng! Vì vậy vấn đề thành lập công đoàn độc lập không còn nghi ngờ gì nữa, nó sẽ thành sự thật! Vấn đề chúng ta cần quan tâm hiện nay không phải là nhà nước Việt Nam có cho phép thành lập công đoàn độc lập hay không? Mà mấu chốt hiện nay là việc thành lập công đoàn độc lập có thực chất hay nửa vời?
Gần đây báo chí Việt Nam đã có một số bài "Công đoàn là của ai?" (tác giả Tư Giang, Thời báo Kinh tế sài gòn, 24/7/2015), và bài "Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết" (tác giả Tư Giang, báo Vietnamnet, 10/09/2015). Với những cụm từ, câu chữ nhạy cảm như: "Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kể lại: “Tổng thống Hoa Kỳ nói với lãnh đạo Việt Nam về điều này không chỉ một lần. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này”." - bài "Công đoàn là của ai?". Khi trích dẫn ý kiến của ông Thang Văn Phúc nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bài báo trên viết: "Ông nói: “Chúng tôi từng đề xuất như thế và tôi tin nhận thức của chúng ta dần dần như thế. Chúng ta thực hành kinh tế thị trường, đảm bảo nhà nước pháp quyền thì phải dần dần điều chỉnh, vì không có đường nào khác. Lúc này hay bao giờ còn là câu chuyện, chứ không phải chúng ta không nhận thức được. Công đoàn của chúng ta mới chỉ là mậu dịch quốc doanh thôi, chứ chưa phải là đại diện thật cho người lao động. Phải trả về đúng vị trí cho người lao động”."
Bài báo còn trích một câu chuyện ông Thang Văn Phúc khen Công Đoàn của nước Ý mà coi khinh Công Đoàn của Việt Nam: "Ông Thang Văn Phúc vẫn còn nhớ như in một trải nghiệm khi đi thăm Ý lúc còn làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Lần đó, ông và phái đoàn Việt Nam đến làm việc với một quan chức cao cấp trong Chính phủ Ý. Đang trao đổi, vị quan chức Ý xin dừng cuộc gặp và xin đoàn Việt Nam chờ. Một tiếng sau, ông quay lại, xin lỗi và giải thích là phải gặp đại diện một tổ chức công đoàn ngay lập tức. Kể lại câu chuyện trên, ông nói: “Họ coi tổ chức của người lao động rất quan trọng, chứ không như ta đâu. Tất cả các doanh nghiệp phải có tổ chức công đoàn để thiết lập cơ chế trao đổi tiếng nói giữa ba bên là nhà nước, giới chủ và người lao động”."
Bài báo viết thêm: "Câu chuyện của nguyên thứ trưởng được kể lại trong hoàn cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói đề nghị thay đổi hệ thống quan hệ lao động để tương thích với nền kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi." Khi trích lời của ông Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên về những vấn đề lao động, bài báo "Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết" viết: "Đến thời điểm này thì thế và lực trong nước của chúng ta mới cho phép làm. Nó phải có căn cứ. Đến nay, chúng ta có Hiến pháp 2013, đưa quyền con người lên chương đầu tiên; Hiến pháp 1992 thì quyền con người đứng ở phía cuối. Đến thời điểm này chúng ta đã hiểu rõ hơn quyền tự do cá nhân, quyền mưu cầu hạnh phúc, và quyền sống của một con người. Và chúng ta tin là chúng ta đã hiểu hội nhập, và chúng ta chấp nhận cuộc chơi ấy."
Những lời lẽ ở trên cho thấy những người được phỏng vấn rất mạnh miệng và người viết các bài báo ấy cũng rất... liều! Vấn đề thành lập công đoàn độc lập lâu nay vốn là điều cấm kỵ! Tư Giang là ai? Tư Giang và những người được phỏng vấn ở trên có mấy cái đầu? Hai tờ báo trên là của ai? Tổng biên tập ở đó có mấy cái đầu? Suy nghĩ như vậy, chúng ta thấy ngay rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đang dọn đường cho việc thành lập công đoàn độc lập! Một việc làm thường thấy mỗi khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định một vấn đề lớn, mà trước đó nó thuộc vào vùng cấm! (Liệu Đảng Cs VN không bật đèn xanh thì họ có dám đăng không?)
Nhớ lại, trước Đại hội đảng CSVN lần thứ 6 năm 1986, để dọn đường cho Thể chế kinh tế thị trường, người ta đã phải kỳ công như sau: Trước năm 1986, Bộ Chính trị Việt Nam giao một Trưởng khoa quản lý kinh tế của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Gs Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946), viết 1 bài ca ngợi về Thể chế kinh tế thị trường, rồi đưa lên gửi đăng ở báo Nhân Dân. Tổng biên tập Báo Nhân dân (khi đó là ông Hồng Hà) được Bộ Chính Trị giao đăng bài, nhưng rồi Báo Nhân dân cũng phải làm như sau: Ban biên tập xem, duyệt rồi trình lên Tổng Biên Tập duyệt, nhưng họ đã chọn giờ ký duyệt là khi nào độc giả có biết không? Tổng biên tập Hồng Hà ký duyệt đăng bài vào lúc 1 giờ chiều, ký xong tức thì Tổng biên tập ra ô tô đi sân bay để lên máy bay lúc 2 giờ chiều thực hiện chuyến công tác nước ngoài! Họ làm vậy để làm gì? để nếu sau này mà sự việc không thành công thì khi quy tội ông Tổng biên tập cũng có cái cớ mà cãi! Cãi rằng: lúc đó tôi đang vội ra máy bay! Tội trạng sẽ vì thế mà được "châm trước"!
Hồi 1992, họ muốn xóa bỏ bớt thần tượng Hồ Chí Minh cũng vậy, họ giao Báo Văn Nghệ (lúc đó có số phát hành tương đối cao), viết và đăng 1 bài, bài “Linh Nghiệm” của nhà báo Trần Huy Quang họ cũng đã làm như vậy. Rồi cũng năm đó báo Tuổi Trẻ của bà Vũ Kim Hạnh cũng đã đăng những điều cấm kỵ về Hồ Chí Minh.
Tất cả những điều đó gọi là Đảng đã bật đèn xanh! Khi có sự bật đèn xanh của Đảng, mà cụ thể là giao việc (nhưng không bằng văn bản), thì báo chí mới dám viết (tuy nhiên, không được đàng hoàng lắm), nếu sự việc bị dư luận phản đối, hoặc đang làm thì Đảng lại nghĩ lại, thì báo chí sẽ bị xử lý! Nhưng xử lý nhẹ nhàng hơn, hoặc có xử lý nhưng lại tốt hơn khi chưa xử lý! Thật vậy, sự việc năm 1986 thì thành công, còn sự việc năm 1992 thì không thành công! Và chúng ta thấy rằng: Hai tác giả năm 1992, cũng bị xử lý, nhưng sau lại vẫn được trọng dụng ở một công việc khác! (Khác hẳn với nhà báo phó ban biên tập báo Thanh Niên vừa rồi, đã chửi Bác Hồ một cách tự phát!) Tổng Biên Tập tờ Tuổi Trẻ Vũ Kim Hạnh thì: "Sau đó, bà được mời đứng ra lập tờ tuần báo báo Sài Gòn Tiếp thị" và "Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao" cho tới tận hôm nay... Còn Tổng Biên Tập tờ Văn Nghệ khi đó là Hữu Thỉnh, thì đã được ngự ở vai trò Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho tới tận bây giờ!
Ở đây, cho chúng ta thấy thêm một điều là: Khi được Đảng Cs VN bật đèn xanh thì sẽ xuất hiện rất nhiều những tiếng nói trái chiều có lợi cho phong trào Dân Chủ, khác hẳn thái độ thường thấy của họ. Vì vậy vấn đề tác động để làm sao Đảng Cs VN bật đèn xanh là việc tối cần thiết lúc này! Phân tích như vậy để chúng ta thấy rằng, không nghi ngờ gì nữa, việc thành lập công đoàn độc lập chỉ còn là vấn đề thời gian! Vấn đề chúng ta cần quan tâm là việc thành lập công đoàn độc lập có thực chất hay nửa vời? Như trên chúng ta đã thấy: Một việc mà cả Bộ Chính Trị đã đồng ý (tất nhiên Ban chấp hành Trung ương đã xuôi tai), ấy vậy mà họ vẫn phải kỳ công như vậy, và có việc thì thành công, có việc vẫn chưa thành công. Như vậy là, ở Việt nam cộng sản, để thay đổi một việc gì, dù đúng, dù trúng, dù cấp cao nhất đã nhất trí cũng không hề đơn giản và chưa hẳn là đã thành công ngay.
Việc thành lập công đoàn độc lập cũng như vậy, họ đã ký TPP tức là họ đã chấp nhận! Tuy nhiên, việc thành lập công đoàn độc lập là thực chất hay chỉ nửa vời thì còn cần thời gian để trả lời. Một nhóm lùng nhùng, chỉ vài ba tiếng nói chen ngang là họ lại co vòi, tới lúc đó công đoàn độc lập vẫn có, nhưng hơi một tý là họ lại bắt giam thì thử hỏi có làm gì được không? Mỹ ư? Nếu như hiện nay, thì tôi không tin tưởng bao nhiêu, kỳ công kêu gọi họ thả Tù Nhân Lương Tâm thì họ thả được dăm ba người, sau đó họ lại bắt nhiều hơn thế! Họ thả rồi, nhưng vẫn phân biệt đối xử, con cái không được nhận vào học hành và làm việc... Những chuyện đó Mỹ đâu có can thiệp?
Theo tôi lúc này, hơn lúc nào hết thì báo chí nhất là báo chí Hải ngoại, mà đứng đầu là các báo: Rfa, Voa, Bbc, Rfi... cần làm sao để chia lửa với họ (Lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội), để việc thành lập công đoàn độc lập có thực chất chứ không chỉ đơn thuần là việc đưa tin! Phải chăng lúc này chúng ta cần viết thêm những bài về hướng dẫn và kinh nghiệm thành lập nghiệp đoàn ở các nước phát triển? Cùng với đó là những bài chứng minh rõ Cộng Sản là ảo tưởng, cộng sản là đi vào ngõ cụt! (trước đã viết, nhưng chưa tới)
Chúng ta cần nhận thức là: Quả trứng gà được ấp tới ngày sinh nở thì vẫn không tự nó vỡ ra, mà vẫn cần gà mẹ mổ vỡ vỏ trứng thì gà con mới chui ra được. Lãnh đạo Hà Nội hôm nay cũng vậy, phần nhiều họ cũng biết là họ đang lao theo một chế độ sai lầm, nhưng tự họ không thể dừng lại để chuyển hướng! Nói ngược với Hà Nội - không phải lúc nào cũng là Kẻ thù của họ! Và có khi ngoài miệng họ vẫn chửi chúng ta là: Kẻ thù gây diễn biến hòa bình! nhưng trong lòng họ lại vui mừng vì... họ cũng đang muốn như thế! Như vậy là chúng ta đang chia lửa với họ để cùng đi tới đích một Việt Nam Dân Chủ và Phú Cường!
Hơn lúc nào hết, giờ đây chúng ta cần phải nhận thức rằng: Chắc chắn Lãnh đạo Việt nam cũng đã hiểu: Tự do phương Tây là văn minh, là đích đến… Lãnh đạo Việt nam họ cũng là con người, và phải thừa nhận rằng số đông họ là thông minh hơn người dân thường cùng trang lứa! Họ cũng trăn trở, cũng có hoài bão cũng muốn xã hội Việt Nam dưới thời họ dẫn dắt sẽ chuyển mình sang Dân Chủ Đa Đảng như Thái Lan, In đô hoặc ít nhất cũng được như ... Campuchia! Nhưng, họ đang băn khoăn lớn nhất là đi như thế nào để đến đích? Đi như thế nào để đồng thuận! Đi như thế nào để không gây đổ vỡ lớn? Trong khi họ đang trù trừ do dự như vậy thì rất cần chúng ta có phương thức nào để khuyến khích, đốc thúc họ đi tiếp, chúng ta cần có cách nào để buộc họ phải đi tiếp! Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.
Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hôm nay chắc chắn không phải và họ không muốn là một Kim Châng Un thứ 2!
(Lưu ý rằng: Tôi - tác giả bài viết này hiện vẫn đang là một Đảng viên Cộng sản ưu tú! Bạn tôi - một Bộ trưởng đã về hưu, trong một lần sang Campuchia đã có nhận xét: Sang Campuchia thấy nó hoạt động đảng phái vui lắm!)
(Nguyễn Hồn Việt, Hà Nội 25/10/2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét