Luật sư và gia đình ông Nguyễn Viết Dũng, người bị khởi tố tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ do mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện tại Hồ Gươm hôm 12/4, cho biết phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra trong hai tháng tới tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Viết Dũng, biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, đã bị tạm giam và khởi tố theo Điều 245 tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ từ cuối tháng 4/2015 đến nay.
Ông bị bắt sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội hôm 12/4.
Ông được miêu tả "mặc áo thun có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và đằng sau in dòng chữ tiếng Anh với nghĩa “Dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”.
Hôm 7/10, luật sư Trần Thu Nam, một trong ba luật sư (cùng với luật sư Võ An Đôn và Lê Văn Luân) nhận bào chữa cho ông Dũng, cho BBC biết hiện đã có kết luận điều tra vụ án ‘Gây rối trật tự công cộng’ đối với Nguyễn Viết Dũng.
“Tuy vậy, do chưa được tham khảo bản kết luận điều tra nên tôi không thể bình luận gì về vụ việc này. Chỉ có thể nói là phiên tòa sẽ diễn ra trong hai tháng tới. Bản án dành cho ông Dũng thế nào thì còn tùy vào diễn biến phiên tòa”, ông Nam nói.
‘Đã trưởng thành và có lý tưởng’
Trao đổi với BBC hôm 7/10, ông Nguyễn Viết Hùng, bố của ông Dũng, cho hay trong 5 tháng con ông bị tạm giam, gia đình đã đi thăm sáu lần nhưng không được gặp lần nào mà chỉ được gửi đồ tiếp tế.
“Tôi mong là con tôi sẽ nhận được mức án nhẹ, vì Dũng còn quá trẻ. Bản thân tôi không am hiểu về luật và những điều Dũng làm nên hồi đầu có giận con. Nhưng sau đó, tôi chấp nhận vì Dũng đã trưởng thành và có lý tưởng riêng của mình. Điều này thì tôi có muốn ngăn con mình cũng không được”, ông Hùng nói.
Ông cũng cho biết thêm là gia đình đã ký hợp đồng mời hai luật sư Nam và Luân với chi phí 50 triệu đồng. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình hiện đã trả cho luật sư 30 triệu đồng nhờ sự giúp đỡ của những người ủng hộ ông Dũng.
Riêng luật sư Võ An Đôn nhận lời bào chữa miễn phí.
Trước đó, hôm 23/9, sau buổi dự cung, luật sư Lê Văn Luân mô tả ông Dũng “là một người cương trực, có ánh nhìn thẳng và mạnh, giọng nói vẫn đặc sệt của người miền Trung lam lũ hiếu học”.
Khi còn là học sinh trường Trung học Phổ thông Bắc Yên Thành, Nghệ An, ông Dũng từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2003 - 2004 và đạt giải nhất cuộc thi tháng.
Sau đó ông trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng bị đuổi học vào cuối năm 2006 do “lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc để tuyên truyền, đả kích, bôi xấu chế độ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét